'Rong chơi' với tiếng Việt theo cách Lê Minh Quốc

 
'Rong chơi' với tiếng Việt theo cách Lê Minh Quốc

Trong văn chương, Lê Minh Quốc là nhà thơ có tên tuổi, còn với nghiên cứu về tiếng Việt, vốn đã sừng sững những học giả tiền bối nổi tiếng như Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, GS Đào Duy Anh, GS Cao Xuân Hạo, An Chi…, thì ông có cách "rong chơi miền chữ nghĩa" của riêng mình. Trong đó, Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm (NXB Trẻ ấn hành) là trải nghiệm mới đầy thú vị.
 
'PHƯỢNG HOÀNG ĐẬU NHÁNH SA KÊ...'
Diễn tả tiếng Việt, trong dân gian thường hay có câu cửa miệng "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp VN" để nói lên sự phức tạp của chữ nghĩa. Vậy mà nhà nghiên cứu "trẻ" Lê Minh Quốc lại chọn mảnh đất "lắt léo" này để khai phá. Từ tập sách Lắt léo tiếng Việt (2017), Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt (3 tập, 2021), càng đi sâu vào những biến hóa khôn lường của tiếng Việt, từ ngôn ngữ cha ông lẫn ngôn ngữ của gen Z, gen Alpha ngày nay, độc giả luôn cảm thấy thú vị, nhất là khi tác giả kết hợp thêm với thơ, ca dao càng thêm dí dỏm.
 
Đơn giản như bàn về hai từ thả thính đang thịnh hành trong giới trẻ, Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm cũng được viết theo giọng điệu gen Z: "Sau một thời gian bốc phét đến hạng thượng thừa, anh chàng nọ được cô X mê tít. Dù chỉ hạng cùi bắp nhưng hắn lại mồm mép tép nhảy, nổ thấu trời xanh, nổ như pháo Bình Đà, pháo Nam Ô, nổ banh chành té bẹ, nổ tưới hột sen, cứ như thể "soái ca" không bằng. Quan sát nãy giờ, bà mẹ cô X cảm thấy ngứa tai bèn cà khịa: Cậu thả thính con gái tôi đấy à?".
 
Vậy, từ "thính" mà đi cùng từ "thả" nghe có vẻ "đôi bạn" này không tốt lắm với con gái chăng? Tác giả lý giải: "Thả thính là chỉ hành động, lời nói giả vờ giả vịt nhằm thu hút, lôi cuốn, hấp dẫn người khác để qua đó họ nảy sinh cảm tình với mình. Không phải ngẫu nhiên, từ thính đi chung với thả. Bởi lẽ, thính là gạo rang vàng, giã mịn như bột, có mùi thơm dùng làm phụ gia trong một số thức ăn, nhưng nó còn dùng nhử cá, tôm, tép vào te, vào rớ hoặc ướp cá mắm. Tục ngữ có câu Thả con săn sắt, bắt con cá sộp; Thả hổ về rừng; Thả mồi bắt bóng... Thả là buông ra hoặc cho ra khỏi chỗ bị nhốt, không chăn dắt: thả cá, thả gà…".
 
Vậy, còn thả dê thì sao? Ái chà chà, sự tò mò này nghe rối chuyện rồi đây. Tác giả "hóa giải" ngay tức khắc: "Dê là tiếng lóng nhằm chỉ những kẻ háu gái, háo sắc, luôn tìm cách tán tỉnh, săn đuổi... Đạt đến trình độ cao thủ võ lâm ắt được phong dê xồm, dê cụ, "ba lăm" dê. Vì vậy mà ca dao Nam bộ mới có câu: "Phượng hoàng đậu nhánh sa kê/Ông thần hổng vật mấy thằng dê cho rồi". Chứng tỏ, thả thính hay rắc thính thì đều dễ dính… người yêu, còn… thả dê thì không tốt, ngay từ xa xưa đã bị lên án cho "thần vật" rồi, nên biết chữ nghĩa mọi người hãy "cẩn thận củi lửa".

 
SỰ BIẾN HÓA DUYÊN DÁNG CỦA TIẾNG VIỆT
Nhìn vợ đang tất bật nấu cơm dưới bếp, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc thương lắm nhưng gặp phải 2 câu ca dao của người miền Nam đang gây tranh cãi trên mạng: "Trưa trưa thấy đói thèm cơm/Ngó đùi em vợ tưởng tôm kho tàu" thì lăn tăn quá. Vì sao đùi em vợ lại so sánh với tôm kho tàu. Hẳn là rất ngon chăng? Một luồng ý kiến có thể là lối kho theo nghệ thuật ẩm thực người Hoa/người Tàu. Còn lại, dựa vào ý kiến của nhà văn Bình Nguyên Lộc, "chữ "tàu" nói theo ngôn ngữ miền tây có nghĩa là mặn ngọt lờ lợ". Cái nào đúng?
 
Tác giả Lê Minh Quốc phân tích: "Ngày xưa trong tâm thức của người nước Nam nói chung "Đại để hàng gì tốt, vật gì tốt đều gọi là của Tàu", theo Đại Nam quốc âm tự vị (1895). Tàu là danh từ riêng nhưng khi được sử dụng trong kho thịt, luộc thịt nói chung nó chính là tính từ nhằm chỉ cách chế biến công phu, đỉnh/cực đỉnh dành cho món ấy: cá kho, thịt kho, tôm kho là kho dễ dàng nhưng một khi kèm theo từ tàu ắt chế biến phải nhọc công hơn, bài bản hơn và tất nhiên ngon và "đẳng cấp" hơn, mất nhiều thời gian hơn. Trải qua năm tháng, tàu trong nghệ thuật chế biến của người Việt đã phai nghĩa, vì thế ta mới nhầm lẫn tàu với Tàu; hoặc cho rằng tàu là mặn ngọt lờ lợ".
 
Ở bài Nói dzậy hổng phải dzậy, tác giả đi sâu chứng minh sự tài hoa của người Việt trong vay mượn các từ ngữ du nhập để sáng tạo theo cách riêng của mình, như cụm từ "vặn cổ bù lon" (mượn boulon của Pháp) là rành rẽ như rành sáu câu vọng cổ được diễn tả hài hước. Còn "hẹn ngày tái nạm" thì sao? "Ta hiểu tái nạm đích thị từ tái ngộ mà ra. Sao không tái gì khác mà phải tái nạm? Cái này, là do ăn món phở quá nổi tiếng với những "phụ tùng" đặc trưng như tái nạm gòn, tái nạm mỡ... Ngon phải biết". Thế thì, sắc thái câu từ biệt ấy nhộn hẳn lên. Chưa kể, dân gian còn "sáng chế" tiếng Việt hai từ thành bốn từ, nhằm gợi lên sắc thái hài hước, châm chọc, như: hương hào hương vũng, giám đốc giám xúi, văn nghệ văn gừng, trí thức trí ngủ, học giả học thiệt. Ngôn ngữ thời @ càng nâng cấp thêm: "bá cháy con bọ chét", "hết sảy con bà bảy". Thậm chí, au revoir (tiếng Pháp) là hẹn gặp lại thì lời chào tạm biệt tiếng Việt chỉ vay mượn au re (phát âm ô rờ) gắn vào với lui thành câu bông đùa: "Cưng ơi, ô rờ lui nhá".
 
Người miền Nam còn quá hay khi đưa được ô rờ au vào ca dao: "Ô - rờ - voa đây giã bạn ra về/Căn dươn chưa bén, mựa hề phát-sê" khiến tác giả Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm phải thốt lên: "Hóm quá, cực kỳ lắt léo nhưng rất duyên dáng".

Nhận xét

Bài đăng phổ biến