Trả lại tên danh nhân cho... đường

 
Trả lại tên danh nhân cho... đường

Năm 2014, Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP.HCM đã có văn bản trình lên UBND TP.HCM đề xuất mở rộng nguyên tắc đặt tên đường, đề nghị bổ sung một số tên đường và thay đổi một số tên đường hiện hữu trên địa bàn thành phố.
Theo bản đề xuất này, đường ở khu dân cư mới nên đặt tên theo trục đông - tây và nam - bắc, lấy điểm trung tâm làm trục chính. Theo đó, hướng đường đông - tây sẽ mang tên số 1, 2, 3... và hướng nam - bắc mang tên thứ tự A, B, C..., nếu là tên nhân vật lịch sử, địa danh thì cũng theo A, B, C...
Từ thành công của việc “xanh hóa” các con đường ở Q.Phú Nhuận bằng cách đặt tên các loài hoa gần gũi với cuộc sống của người Việt cho cụm đường xung quanh đường Phan Xích Long như: Hoa Mai, Hoa Đào, Hoa Lan, Hoa Sứ, Hoa Cúc, Hoa Sữa, Hoa Huệ, Hoa Hồng, Hoa Cau…, trong bản đề xuất Sở VH-TT cũng đề nghị tham khảo thêm các tên loài hoa khác để đặt tên đường. Các loài hoa đó là: anh đào, bằng lăng, bông giấy, bông gòn, cẩm chướng, cát tường, mai chiếu thủy, dạ lan, dạ lý hương, đỗ quyên, hải đường, hoa ban, hoa gạo, hòe, hồng tú cầu, ly ly, mimosa, phượng vĩ.
 
Cần sớm điều chỉnh tên danh nhân sai
Một trong những nội dung quan trọng trong bản đề xuất là chỉnh lại cho đúng tên đường mang tên một số danh nhân, bởi khi tên nhân vật bị viết sai đã khiến cho tác dụng tích cực của tên đường không được phát huy đầy đủ, nhận thức về nhân vật lịch sử của người dân phần nào bị sai lệch. Những con đường được nêu gồm có: Trương Quốc Dung ở Q.Phú Nhuận, Kha Vạn Cân ở Q.Thủ Đức, Lương Nhữ Học ở Q.5.
Tên đường Trương Quốc Dung được đề xuất sửa đúng thành Trương Quốc Dụng, tên một vị quan thời Nguyễn có tài văn chương, từng tham gia biên tập sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục và có công chấn hưng lịch pháp VN. Tên đường Kha Vạn Cân cần được sửa đúng thành Kha Vạng Cân - tên của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ đầu tiên của nước VNDCCH. Tên đường Lương Nhữ Học cần sửa đúng thành Lương Như Hộc, một vị quan nhà Lê sơ được xưng tụng là ông tổ của nghề khắc ván in. Nhạc sĩ Kiều Tấn, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM, cho rằng: “Tên đường là sự tác động hằng ngày vào tư duy của cư dân, nhắc nhớ những sự kiện, nhân vật lịch sử rất hiệu quả. Thay đổi tên đường có thể sẽ làm nảy sinh những rắc rối trong đời sống người dân, dù vậy vẫn phải tháo gỡ sớm, không nên để tồn tại những tên đường sai”.
 

Tên đường mà thực tế nhân vật không có
Bên cạnh đó, có những tên đường được đề xuất thay mới vì khảo sát cho thấy thực tế không có nhân vật này. Đó là đường mang tên Nguyễn Thị Lắm ở H.Củ Chi có thông tin hồ sơ tên đường ngắn gọn là “liệt sĩ, bà mẹ VN anh hùng quê ấp Giữa, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi”, hay đường Phan Thị Hồ cũng ở H.Củ Chi trong thông tin hồ sơ ghi là “Mẹ VN anh hùng Phan Thị Hồ có 2 con, chồng là liệt sĩ, ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi”. Thế nhưng trong danh sách các bà mẹ VN anh hùng của 21 xã và thị trấn thuộc H.Củ Chi lại không có tên hai nhân vật này.
Ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, mong muốn TP.HCM tham khảo thêm cách đặt tên đường của một khu vực theo cụm địa danh, nhóm danh nhân có liên quan với nhau để người dân dễ nhớ, dễ tìm. Ông cũng mong những nhân vật lịch sử như Võ Tánh, Lê Văn Duyệt sẽ được xem xét đánh giá đúng công trạng để đặt tên đường.
TS Trần Lê Hoa Tranh (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) góp ý thêm: “Tên đường TP.HCM nên chú trọng bổ sung tên các nhân vật lịch sử đã có công “mở cõi”, khai phá vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa, và các nhân vật người Hoa, Pháp có công lớn với vùng đất này cũng nên nghiên cứu đặt tên để tỏ lòng tri ân tiền nhân”.
========================
Những đợt đổi tên đường lớn
Theo tài liệu của Phòng Di sản văn hóa (Sở VH-TT TP.HCM): Tên đường Sài Gòn được hình thành từ thời Nguyễn. Trong những năm đầu thời Pháp thuộc, ở Sài Gòn có khoảng 39 tên đường nhưng hầu hết đều là tên không chính thức và được đánh số. Năm 1865, Thống đốc De la Grandière quyết định đặt tên đường theo tên của những nhân vật đã có đóng góp công sức trong việc thành lập thuộc địa mới hoặc đã đóng góp vào việc truyền bá đạo Thiên Chúa hay văn hóa Pháp ở đây.
Ngày 14.7.1865, Thống đốc Rozé ký quyết định đặt tên cho 31 con đường, trong đó dùng rất nhiều địa danh như An Nam, Mỹ Tho, Chợ Quán và các tên gọi có từ trước như đường Thợ Thủ Công, Cây Mai, Kinh Đào, bến Mễ Cốc... các tên cầu cũng được đặt theo cách gọi dân gian hơn như cầu Xóm Chỉ, cầu Chợ Lớn, cầu Xóm Củi, cầu Ông Lớn. Sau này, chính quyền Sài Gòn cho Việt hóa hầu hết các tên đường của thành phố và cả các vùng của khu đô thị Sài Gòn thuộc địa phận tỉnh Gia Định lúc bấy giờ như Bà Chiểu, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bảy Hiền, Ông Tạ, chỉ giữ lại một số ít tên những người Pháp nổi tiếng như Pasteur, Calmette, J.J.Rousseau, Alexandre de Rhodes...
Tại TP.HCM, lần đổi tên đường quy mô năm 1975 đã đổi tên 51 con đường; năm 1985 đã đổi tên 93 con đường; năm 2000 đã đặt, đổi tên mới cho 376 con đường.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến