CHIM LẠC NHƯ LÀ MỘT BIỂU TƯỢNG

 
CHIM LẠC NHƯ LÀ MỘT BIỂU TƯỢNG


1. Hai tiếng "chim lạc" trong đời sống văn hóa hiện đại Việt Nam đã trở thành một biểu tượng ăn sâu vào tâm thức người Việt non một thế kỷ qua. Đó chính là hình ảnh loài chim nước lớn, xoải cánh bay quen thuộc trên trống đồng và trên một số đồ đồng khác thuộc văn hóa khảo cổ học Đông Sơn.
 
Khái niệm trống Đông Sơn (hay còn gọi trống đồng Đông Sơn) dùng để chỉ tất cả những trống kim khí (chủ yếu là chất liệu đồng) là di vật khảo cổ học nằm trong văn hóa khảo cổ học Đông Sơn mà tính chất cơ bản của nó là trước Hán và khác Hán.
 
Chủ nhân của trống Đông Sơn là tất cả các cư dân đã sử dụng trống như một thành tố văn hóa cơ hữu trong tổng thể đời sống văn hóa của họ. Đó là những cư dân tồn tại trên một vùng địa lý rộng lớn từ phía nam sông Dương Tử đến các vùng hải đảo, trùm lên cả không gian Đông Nam Á hiện nay.
 
Ngày nay, các nhà khảo cổ học thế giới khá thống nhất gọi đó là không gian Việt cổ. Trong không gian đó, tồn tại rất nhiều các tộc người, các nhóm ngôn ngữ khác nhau. Cổ sử Trung Hoa gọi họ một cái tên bao trùm là Bách Việt. Trong Bách Việt đó, Lạc Việt là một cư dân quan trọng và chính là tiền thân cơ bản của người Việt Mường sau này. Bởi vậy, trống Đông Sơn có thể được gọi với những tên khác như trống đồng Việt cổ, trống đồng Lạc Việt, trống đồng Việt…
 
Là một nhạc khí thiêng liêng chủ yếu dành cho nghi lễ và lễ hội bộ lạc, trống Đông Sơn còn là một tác phẩm tạo hình vô cùng tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn. Tác giả sáng tạo trống đã khắc hình lên khuôn và đúc ra hình ảnh. Vì công cụ khắc là que nhọn tạo nên các vạch và chấm nên tạo hình của nó còn mang đậm tính chất của loại hình nghệ thuật hội họa.
 
Về tổng quan, hình ảnh trên trống đồng có thể xem là một tổng lễ hội cộng đồng thờ mặt trời như là biểu tượng cao nhất và lễ hội đó cũng diễn ra dưới ánh sáng mặt trời tràn ngập. Trong đó chứa đựng nhiều đề tài nghi lễ và lễ hội khác, các hành động hội khác phong phú về hình thức, liên tục trong thời gian và phổ biến trong không gian.
 
Thông qua việc diễn đạt lễ hội, trống đồng phản ánh cuộc sống văn hóa thực tiễn và tinh thần, phản ánh những nghĩ suy về thế giới khách quan, và đặc biệt là phản ánh mỹ cảm tinh tế, năng khiếu nghệ thuật của người xưa cùng với khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của họ.
 
Đó là tác phẩm điêu khắc thuộc nghệ thuật hoành tráng, nghệ thuật sử thi.
 


 
2. Hình ảnh trên trống Đông Sơn có yếu tố sinh động, tả thực, cũng có yếu tố ước lệ, khái quát được thể hiện bằng bút pháp mô phỏng và bút pháp hình học (kỷ hà học). Trên tổng thể, nó phô diễn một tư duy nghệ thuật ưa thích sự hài hòa của những yếu tố trên.
 
Đồng thời, người ta cũng dễ dàng tiếp nhận được những hình ảnh quan trọng và những hình ảnh ít quan trọng hơn dựa trên các phương diện: việc sử dụng không gian tiêu điểm, độ lớn của hình ảnh, tầm quan trọng của đề tài, cách kết hợp hài hòa bút pháp, và đặc biệt là tần số xuất hiện cũng như khả năng lưu giữ hình ảnh qua quá trình phát triển lâu dài (từ loại I đến loại IV theo cách phân loại của Heger).
 
Trong đó, chúng ta thấy hiển nhiên các hình ảnh quan trọng sẽ là: mặt trời (trên tất cả các trống), chim lạc (trên tất cả các loại trống), người, nhà, hươu, thuyền… Sự sắp xếp thứ tự này về cơ bản phản ánh trật tự tầm quan trọng của các loại hình ảnh diễn tiến trên nhiều trống theo tiến trình lịch sử. Chúng ta thấy chim lạc chắc chắn thuộc về biểu tượng quan trọng vì ở những loại trống đã giản ước rất nhiều hình ảnh khác thì hình ảnh này vẫn xuất hiện bên cạnh mặt trời vốn không thể thiếu.
 
Khái niệm chim lạc được nhà nghiên cứu sử học nổi tiếng - GS Đào Duy Anh đề cập đến trong các tác phẩm Lịch sử Việt Nam – Từ nguồn gốc đến đầu thế kỷ mười chín (quyển thượng và quyển hạ) - Hà Nội, 1955 và Nguồn gốc dân tộc Việt Nam - Hà Nội, 1958. Với những lý giải của giáo sư trong các tài liệu trên, ta có thể cho rằng, chính cụ là người đã đặt tên cho loài chim chính trên trống đồng là chim lạc.
 
Ngoại trừ những điều lý giải còn phải xem thêm về nguồn gốc "lạc" gắn với sự thiên di cư dân từ nam Dương Tử xuống đồng bằng Bắc Bộ thì ta thấy đây là một sáng tạo trong việc tạo nên một khái niệm đã trở thành phổ biến trong giới học thuật.
 
Trước hết chúng ta hiểu, đây là sự định danh một cái tên gọi (le nom). Bởi vì cư dân sáng tạo ra trống đồng thuộc về rất nhiều nhóm ngôn ngữ nên chúng ta khó lòng biết, họ cách nay hơn 2.000 năm có một tên chung cho loài đó không và gọi nó bằng vỏ ngữ âm nào, thuộc ngữ hệ nào. Các cổ thư thì không cung cấp cho chúng ta tên gọi.
 
Với tư cách là một nhà sử học người Việt, đang nghiên cứu lịch sử cội nguồn Việt Nam, GS Đào Duy Anh đã liên hội hình ảnh chim đó trên trống với những ghi chép cổ sử về cư dân Lạc Việt với Lạc điền, Lạc dân, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc vương…, liên hội với một loài hậu điểu (hậu là khí hậu, thời tiết; điểu là chim, hậu điểu là chim di cư theo mùa, có thể có tên lạc (?)), mà sáng tạo ra cách gọi đó.
 
Trong khảo cổ học, cách đặt tên cho một hình ảnh hoặc một hiện vật, nhà khảo cổ thường dựa theo xu hướng nghiên cứu, ngôn ngữ sử dụng, hình thể hiện vật qua trực quan, tác dụng của hiện vật, kinh nghiệm lão thực… để định danh. Tựa như, với một đường gấp khúc, người Việt có thể đặt tên nó là răng cưa, dãy núi, gấp khúc, thậm chí là sóng nước. Trong lúc đó, người Thái có thể gọi khác đi theo ngôn ngữ và kinh nghiệm của họ.
 
Khi chúng ta chưa thể suy nguyên nó người xưa từng gọi với vỏ ngữ âm nào, thuộc Âu Việt, Mân Việt hay Lạc Việt thì cách gọi của GS Đào Duy Anh được thừa nhận như một biểu hiệu (symbol) cho hình ảnh đó. Và nó đã trở thành quen thuộc và mang tính biểu tượng.
 
Tìm đến một định danh khác (gốc Kinh, gốc Mường, gốc Tày, gốc Thái, gốc Khmer, gốc Mã lai…) là một điều thú vị của khoa học nhưng khó lòng có được một cái tên chung khi mỗi nền khoa học được diễn đạt bởi một ngôn ngữ khác nhau.
 
Viết đến đây, tôi nhớ lại lời dạy của GS Trần Quốc Vượng vào mùa xuân 1974 xa xưa về vấn đề này: “Chim lạc ư! Đây là chuyện đặt tên của thầy tôi, GS Đào Duy Anh. Là nhãn hiệu cho một hình ảnh. Nhãn hiệu này ĐẸP. Tính tư tưởng CAO. Còn muốn tên khác ư? Các ông các bà muốn gọi nó theo kiểu tả thực bằng tiếng Việt nhà quê thì cứ thế này: cái cò, cái vạc, cái nông… Xong!”.
 
3. Trên trống đồng Đông Sơn, có hàng chục loài chim khác nhau: trả, sáo, bồ chao, bồ nông, cò, le le, vịt ngỗng, sáo cờ… tùy cách nhìn của các nhà nghiên cứu. Chim tồn tại trong những bối cảnh không gian khác nhau: mặt nước, mặt ruộng, bầu trời, nóc nhà, mũi thuyền, đầu nhân vật… Tư thế miêu tả chim lại càng phong phú: bay gần, bay xa, đậu, đứng, nằm, mò, gắp cá, gù nhau, ngủ, rình mồi…
 
Trong đó, tồn tại nhiều là một loài có tầm vóc lớn, sải cánh rộng, mỏ dài, chân cao, mào lớn đang xoải cánh bay xa. Đó mới là chim lạc mà chúng ta thường nghĩ tới.
 


 
Về phối cảnh trên trống, loài chim này được xếp ở vành lớn (trống Ngọc Lũ), không gian rộng và ở nhiều trống, nó lấn át các hình ảnh khác (khi nhiều hình ảnh giản lược hoặc mất đi). Về không gian mô tả, nó bay trên một bầu trời rộng rãi. Về tư thế, mỏ dài ngẩng cao về phía trước để định hướng, chân và mào dài và xuôi hẳn song song thân mình tạo cảm giác tốc độ lớn. Sải cánh rộng gợi ý sức bền để bay xa, tương phản với những chú chim nhỏ đậu và ngủ ngay dưới chân mình, tạo nên nét đối lập thú vị. Về bút pháp, đó là những yếu tố kỷ hà học (trừu tượng, thiêng liêng) hài hòa với yếu tố miêu tả sinh động và hiện thực (khác với những loài nhỏ cơ bản là tả thực). Tính biểu tượng được khắc họa rõ nét. Vừa đủ trực quan, vừa đủ khái quát.
 
Hình thể to lớn, bầu trời cao rộng, tốc độ vút nhanh, đường bay xa tắp, hướng bay ngút ngàn, xoay quanh các tia sáng mặt trời tỏa rạng với chu kỳ năm và cũng là quay về nơi chôn rau cắt rốn. Đó là biểu tượng của chim lạc trên trống đồng.
 
Với tư cách là một biểu tượng, chim lạc vừa gần gụi thân quen vừa thiêng liêng cao cả. Chim lạc vươn lên với cao rộng như khát vọng muôn đời chinh phục bầu trời. Chim lạc tượng trưng cho ước mơ vượt không gian bất chấp giông tố thử thách.
 
Với những nét phóng túng trong đường khắc lưu loát, hình ảnh chim lạc là thông điệp ngàn xưa vọng lại cho chúng ta mạch lạc và lãng mạn. Với những nét cẩn trọng tinh tế trong tạo hình, người xưa dồn cả tài năng, trí lự, tâm hồn, khát vọng cho một loài chim nước theo mùa, đến với họ, bay đi rồi lại trở về, thủy chung, son sắt.
 
Đó chính là biểu tượng chim lạc đẹp đẽ và linh thiêng của Tổ quốc Việt Nam ngàn đời.
 
Nguyễn Hùng Vĩ (nhà nghiên cứu văn hóa dân gian)
 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến