Kỳ 15: Những ngày cuối đời của điệp viên Phạm Xuân Ẩn

 
Kỳ 15: Những ngày cuối đời của điệp viên Phạm Xuân Ẩn


Ở tuổi 78 (2005), Phạm Xuân Ẩn lâm bệnh với 65% lá phổi không còn hoạt động bình thường và phải vào phòng cấp cứu của bệnh viện suốt 5 ngày trước khi gặp lại Larry Berman với bình oxy để thở tại nhà…
 
Ở câu cuối của Kỳ 11, chúng tôi có nêu câu hỏi là, sau những nhận xét “nhoáng lửa” của Phạm Xuân Ẩn về chủ nghĩa gia trưởng ở Việt Nam (thời điểm 1990), ông gặp điều bất ngờ gì? “Rắc rối” chăng? Không !.
Ngược lại, Phạm Xuân Ẩn “gặp may !” (chữ ông dùng): nhà nước đồng ý để con trai lớn của ông là anh Phạm Xuân Hoàng Ân qua Mỹ du học. Nếu các nhà lãnh đạo quy tội cho ông là dám công khai “ca ngợi đế quốc Mỹ”, hoặc “có vấn đề tư tưởng” (cụm từ nguy hiểm) gì, lúc ấy họ đã xử lý khác đi:
 
“Vào dịp lễ Tạ ơn năm 1990, mọi việc thẩm tra về an ninh đối với Phạm Ân (Phạm Xuân Hoàng Ân) đã được thông qua và cháu được cấp visa sinh viên hạng F1. Những người bạn đồng nghiệp của Phạm Xuân Ẩn (ở Mỹ) đã quyên góp đủ tiền chi phí cho hai năm học (khoa báo chí) ở trường đại học North Carolina” - ước tính cần 11.000 USD cho mỗi năm (Larry Berman, sđd Kỳ 11, tr. 433 và 440-441). Người tự nguyện đứng ra mở chiến dịch quyên góp trên là Robert Sam Anson đã nói:
“Phạm Xuân Ẩn là đồng nghiệp, người thầy và là người bạn của tôi - đã cứu mạng sống của tôi trong cuộc chiến tranh (Việt Nam)”.
Hàng chục nhà báo như : Neil Sheehan, Stanley Karnow, John Larsen, John Apple, Morley Safer, John Griffin, Bill Plante, Don Moser, Stan Cloud, Dean Brelis, Lara Plamer, Dick Swamson, Jason Shaplen, Dick Clurman đã lấy tiền riêng đóng góp, cộng thêm một phần của tạp chí Time. Riêng Phạm Xuân Ẩn gửi “toàn bộ tiền hưu trí của ông (do tạp chí Time trả) cùng với 3.000 USD nữa” để góp vào.
Cũng cần nhắc, trước ngày qua Mỹ du học - vào thời Liên Xô chưa tan rã, Phạm Xuân Hoàng Ân được gởi vào Học viện ngoại ngữ Minsk và Đại học ngoại ngữ quốc gia Mát-cơ-va (Mauris Thorez) để học tổng cộng 5 năm và ra trường với bằng tốt nghiệp hạng ưu. Chuyến du học Liên Xô, không mấy ai ngạc nhiên. Nhưng đến chuyến du học Mỹ, đã thực sự gây bất ngờ lớn, kể cả với Larry Berman: “cho đến nay, tôi vẫn còn chưa hiểu được tại sao chính phủ Mỹ có thể cho người con cả của một điệp viên cộng sản lỗi lạc vào một đất nước (Mỹ) ở thời điểm rất khó xin visa như vậy (1990-1991)”. Còn, tại sao Hà Nội lại cho anh Hoàng Ân đi ? Frank và Phạm Xuân Ẩn có lời đáp tương tự nhau: “đó là hãy gia ơn cho ông già, để xem (chính phủ Việt Nam) sau khi đã làm một điều tốt lớn lao như vậy, liệu có thể làm cho ông ta bớt nói đi không ? (sđd tr. 427).
 
Sau hai năm học, Phạm Xuân Hoàng Ân về lại Việt Nam (năm 1993) và làm việc tại Bộ Ngoại giao.
 
Sáu năm sau (1999), Phạm Xuân Hoàng Ân lại sang Mỹ du học một lần nữa tại khoa Luật trường đại học Duke (trong 3 năm kế đó) do giành được học bổng Fulbright.
 
* Ngày 20.9.2006: Phạm Xuân Ẩn qua đời tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 79 tuổi.
 
* Tháng 11.2006: Phạm Xuân Hoàng Ân được chọn làm phiên dịch cho cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Mỹ Bush và chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
 
Phạm Xuân Hoàng Ân nói với Larry Berman:
 
- “Cháu ước gì ba cháu có mặt ở đây để chứng kiến những giây phút này”
 
Giọng của Hoàng Ân đôi lúc đã nghẹn lại trong buổi phiên dịch cho tổng thống (Mỹ) và chủ tịch nước (Việt Nam) - anh nhớ đến cha mình:
 
- Vâng, cha của cháu đã từng tự hào về con trai mình, nhưng cháu nghĩ chắc ông còn cảm thấy hạnh phúc hơn khi các mối quan hệ giữa hai nước (Việt - Mỹ) đã trở nên rất thân thiết và gần với trái tim ông.
 
Sau ngày Phạm Xuân Ẩn qua đời, hai điều đáng nhớ được Larry Berman nhắc tới:
 
1. Vào dịp đại sứ Mỹ Raymond F. Burghardt sắp kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam đã mời Phạm Xuân Ẩn đến dự chiêu đãi chào mừng phái đoàn ngoại giao mới và chia tay ông đại sứ. Nhưng vài ngày trước đó Phạm Xuân Ẩn “bị một con chim ưng quí của ông mổ, khiến ông không thể đi được. Cháu Ân đại diện cho gia đình đến dự”. Thấy vắng Phạm Xuân Ẩn, đại sứ Raymond F. Burghardt đã đích thân tìm đến nhà để tự mình nói lời tạm biệt trước ngày lên đường về Mỹ. Burghardt phát biểu:
 
- “Câu chuyện và cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn thật không thể nào tin được, nhưng vượt lên trên tất cả những điều đó, Phạm Xuân Ẩn là một biểu tượng quan trọng của tình hữu nghị mới giữa hai nước chúng ta (Việt - Mỹ). Và con trai của Phạm Xuân Ẩn cũng là một người xuất sắc như thế” (Larry Berman - sđd tr. 470)
 
2. Larry Berman viết Phạm Xuân Ẩn có tuổi thọ đủ để chứng kiến “một chương mới mở ra trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (…). Tôi tin rằng cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn đã dừng lại ở đúng cái điểm làm cho vòng tròn được hoàn toàn khép kín”. Và rằng: “trên thực tế, ông đã trở thành một phần của quá trình hòa giải rộng lớn hơn giữa hai kẻ thù xưa”.
 
Trước ngày định mệnh chấm dấu cuối cùng trong “vòng tròn được hoàn toàn khép kín ấy” Larry Berman có dịp đến thăm Phạm Xuân Ẩn trên giường bệnh, tại nhà riêng. Sau hơn hai tiếng đồng hồ trò chuyện, Phạm Xuân Ẩn xin lỗi phải nằm xuống nghỉ một lúc vì mệt và thân mật mời Larry Berman xem qua “tủ sách mở” của ông đặt trên các kệ gỗ. Và nhà sử học Larry Berman tìm thấy bản gốc cuốn “Sổ tay địa lý Đông Dương” ấn hành năm 1943 do một nhà tình báo hải quân Anh viết. Đó là cuốn sách mà sau ngày 30.4.1975, Phạm Xuân Ẩn dùng để “giúp đỡ nhiều gia đình bạn bè của mình phía đối phương (Việt Nam Cộng hòa) chạy trốn bằng cách chỉ cho họ những dòng hải lưu và những đường biển thuận lợi (để vượt biên)” - Larry Berman, sđd tr. 24.
 
Larry Berman cũng giở nhiều cuốn trên kệ sách và thấy lồ lộ cả “một hồ sơ” tình bạn qua loạt sách do những nhà báo đồng nghiệp của ông từ Mỹ và các nơi khác trên thế giới gởi tặng. Ở rất nhiều trang mở đầu, họ ghi lại lời đề tặng nồng nhiệt như của Gerald Hickey, Neil Sheehan. Hoặc Laura Palmer: “Tặng Ẩn yêu quý và thân thiết của tôi, người đã hiểu rằng các chính phủ thì chỉ đến rồi đi, nhưng bạn bè thì ở lại mãi mãi”
 
Bóng bẩy hơn, Robert Shaplen viết: “Tặng Phạm Xuân Ẩn, hiện tại cuối cùng rồi cũng đuổi kịp được quá khứ!” - người Mỹ “năm xưa” lại chính thức đặt chân đến Việt Nam lần nữa… 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến