GIAI THOẠI CỦA THI SĨ -PHẦN 2
GIAI THOẠI CỦA THI SĨ [P.2]
Khi đặt bút viết GIAI THOẠI CỦA
THI SĨ tôi không hề nghĩ rằng đây là bài đầu tiên vén màn cuộc đời hoặc hồi ký
cá nhân của người viết. Chỉ đơn giản cảm thấy ngứa ngáy tứ chi cảm thấy miệng cần
nói ra những điều mình biết được cho nhẹ lòng để đánh tan một số nghi hoặc từ
phía người đời. Đơn giản chỉ là như thế. Tôi luôn luôn chủ trương viết về cái đẹp
của các nhân vật mình đề cập v cố gắng không đá động đến phần u tối, phần “sống
để bụng chết mang theo” của họ. Tôi quan niệm đã coi một người nào đó là bạn,
là huynh đệ thì tôi sẽ chỉ chơi với phần ưu điểm mà họ có. Còn chính quyền và
ai đó chụp mũ, kết án hành vi của những người tôi đề cập thì là chuyện thiên hạ.
Tôi không quan tâm. Tự truyện của tôi chẳng những không đẩy bất kỳ ai đến chân
tường mà ngược lại thanh lọc chất người và chất thú dưới ánh mặt trời. Thanh lọc
và chiến đấu với bọn bất lương quen thói dìm kẻ sĩ lẫn tráng sĩ xuống tận đáy
xã hội .Trên cơ sở đó tôi bắt đầu cuộc ghi chép văn minh và vệ sinh cho phần
hai của bài viết này. Đó là khoảng thời gian đẹp đẽ tôi có cơ hội giao du với các
chính khách, thân hào nhân sĩ, các kỳ nhân quái khách trong những lãnh vực khác
nhau.
Những năm đầu sau giải phóng khi
còn phụ trách biên tập trang văn nghệ cho báo Tuổi Trẻ, tôi có chơi với một người
bạn công tác tại Thành Đoàn xuất thân từ phong trào công giáo Thanh Lao Công
tên là Nguyễn Trì tự Trương Hùng Thái. Nguyễn Trì tuy làm cách mạng nhưng có
máu giang hồ hảo hớn mê truyện Bình Xuyên, truyện 108 anh hùng Lương Sơn Bạc
hơn là mê “Thép Đã Tôi Thế Đấy” của Paven. Tôi thường xuống khu Bà Quẹo,
Bình Hưng Hòa ngao du sơn thủy cùng Nguyễn Trì và đọc thơ uống rượu cho bá tánh
hâm mộ nghe. Trong một lần say khướt, hai đứa tôi kéo ra quán ngã tư miệt Tân Kỳ
Tân Quý uống nước chanh “giải cảm”. Không ngờ ở bàn kế bên một đám anh chị sống
ngoài vòng pháp luật đang cụng ly bàn chuyện làm ăn, tất cả đều cởi trần xâm
mình vằn vện và chửi thề ỏm tỏi. Sau đợt chửi, do chia chác không đều hay sao
đó, một vỏ chai bia bị đập bể toang và hai cây mã tấu được thẩy lên bàn cái rầm.
Không khí căng thẳng như sắp xảy ra một trận huyết chiến. Tôi và Nguyễn Trì đều
hồi hộp thì … một kẻ đẹp trai lầm lì nhất trong bàn gầm lên như sư tử hống để tạo
sự chú ý rồi lẳng lặng cầm ly rượu xây chừng vừa uống cạn đưa lên miệng nhai
rôm rốp như nhai bánh tráng. Anh chàng nhai hết nửa ly thì lè lưỡi ra cho đồng
bọn thấy mớ mảnh thủy tinh vụn nhọn lễu, xong xuôi tiếp tục chiêu một ngụm rượu
ực gọn xuống bao tử và nhai tiếp nửa ly còn lại với hai tròng mắt đỏ ngầu. Khỏi
phải nói, đám anh chị há hốc mồm kinh hãi mạnh ai nấy thu “đồ nghề” rút lui có
lễ độ chứ sao. Bởi đối với một kẻ dám nhai ly khinh thường tính mạng mình thì
chuyện nhai xương đối thủ chỉ là đồ bỏ.
Lúc ra về Nguyễn Trì thều thào với
tôi “Thằng đó có võ gồng hoặc võ bùa làm bọn kia sợ chết khiếp”. Tôi bóp mạnh
vào tay Trì lầm bẩm “Tao sẽ nhai được như thằng đó. Chỉ có cách đó thì đụng độ
mới bớt đổ máu”. Đã nói là làm. Trở về trụ sở cơ quan ở số 12 Duy Tân (bây
giờ đổi thành đường Phạm Ngọc Thạch) đêm nào tôi cũng tập nhai ly. Tôi nhai hết
những chiếc ly xây chừng nhỏ xíu mà chị hậu cần không hề hay biết. Tôi nhai rồi
phun ra chứ không nuốt những mảnh thủy tinh vào bụng. Mới đầu tôi có bị đứt lưỡi,
rách môi, trầy nướu tóe máu nhưng dần dà rút được kinh nghiệm, mỗi lần cắn ly
tôi cho vành ly chỉ chạm vào phần cứng áp lực giữa hai hàm răng. Khi ly bể
toang, tránh phần môi dưới và phần tay cầm bị chỗ nứt xé toạc. Tôi đã nhai từ
những chiếc ly nhỏ, ly mỏng dính cho đến những cái ly cối dành uống bia dày cộm.
Tôi còn thí nghiệm qua nhai chén sành, chén kiểu, tròng mắt kính… và đều thành
công. Có nghĩa là “trăm hay không bằng tay quen” chẳng có bùa ngải, võ gồng, thần
quyền nào cả. Nói là nói vậy nhưng để có hứng thú nhai ly, trong bàn nhậu bắt
buộc phải xảy ra biến cố. Khi đó tôi tu rượu ừng ực, cơn hứng nổi lên, men nồng
bốc hỏa…tôi gần như bị “nhập” trước mắt bè bạn hoặc kẻ thù. Lúc đó thay vì thượng
cẳng chân hạ cẳng tay dễ bị tổn thương, tôi đã làm cho chiến hữu khâm phục hoặc
kẻ thù im phăng phắc. Chẳng những nhai mà tôi còn nghiền vụn những mảnh thủy
tinh nhọn lễu thành cám và nuốt gọn với ý niệm trong đầu “bản thân thủy tinh vốn
dĩ là cát mà ra, cát cát cát…”. Tôi đã sống và nhai ly một cách “cõi trên” như
thế khi gặp lại Nguyễn Trì khiến hắn hoảng hồn. Những người khác trong giới văn
nghệ chứng kiến năng khiếu quái đản đó của tôi cũng không ít, kể cả dân anh chị
giang hồ…
Hơn 15 năm trước tôi và Nguyễn
Quốc Chánh đã từng “cứu bồ” nhà thơ Hội Văn Nghệ Cần Thơ Võ Minh Đường, phóng
viên báo Tuổi Trẻ Nguyễn Ngọc Vinh trong một chầu nhậu tại quán số 43 đường Đồng
Khởi với nội dung “Đường và Vinh bị đám thủy thủ viễn dương và lũ con ông
cháu cha đời mới ăn hiếp”. Thế mà Nguyễn Ngọc Vinh sau này cao hứng bày đặt
“test” tôi nhai ly tại quán Trống Đồng thuộc khuôn viên Tao Đàn. Bạn bè đã
thích thì chìu ngay. Trước sự chứng kiến của khá đông anh em văn nghệ chiều hôm
đó tôi đã xỉn quắc cần câu để “nhai” và “nuốt” phân nửa ly bia cối dày cộm chỉ
chừa phần đáy và phần tay quai ly. Sẵn đà phấn khích cao độ tôi đã nhai tiếp cặp
kính mát của Ngọc Vinh rồi nhả gọng ra, và đến giờ này tôi vẫn còn ân hận…Tôi
ân hận bởi những chuyện tầm ruồng trẻ con bồng bột không cân xứng với chí hướng
của một kẻ làm thơ dám lập ngôn và đương đầu với những cái lớn hơn trong cuộc đời.
Đến giờ này trong bụng tôi đã nuốt tương đương “4 ly lớn thủy tinh” cộng thêm một
trận xuất huyết dạ dày suýt qua đời tại bệnh viện Saint Paul chỉ vì đống mảnh
chai vớ vẩn. Tôi đã nằm hôn mê 2 ngày 2 đêm tại Saint Paul, được linh mục làm
phép Xức Dầu Thánh dành cho người hấp hối, với sự túc trực của bà mẹ nghèo “có
công với cách mạng” rưng rưng nước mắt. Có lẽ khi viết những dòng này tôi sẽ từ
bỏ luôn ý niệm “biến thủy tinh thành cát” như lời tụng thầm trong mỗi lần nhai.
BÙI CHÍ VINH
Nhận xét
Đăng nhận xét