Nhìn lại 'Cải cách Ruộng Đất' ở Việt Nam
Mặc dù cuộc cải cách ruộng đất do Đảng Cộng sản Việt Nam thực
hiện 60 năm về trước đã trôi qua, nhưng nhiều người vẫn chưa thể 'quên được' 'sự
thật' vẫn chưa được Đảng nói ra hết, cũng như Đảng phải nhìn nhận 'tội lỗi' của
mình, theo một khách mời của tọa đàm trực tuyến về "Cải cách ruộng đất"
do BBC thực hiện.
Từ Moscow, hôm thứ Năm, ông Nguyễn Minh Cần, nguyên Phó Chủ tịch phụ
trách Nông nghiệp của Hà Nội, nguyên cán bộ sửa sai cải cách ruộng đất của Đảng
ở ngoại thành Hà Nội, một nhà bất đồng chính kiến nhiều năm tị nạn chính trị ở
Nga, cho rằng Đảng và chính quyền phải 'sám hối'. Ông nói:
"Bây giờ cải cách ruộng đất đã qua rồi, chúng ta muốn quên đi, nhưng
mà sự thực không quên được. Vì sao, bởi vì tôi đã rất đồng ý với nhà văn Trần Mạnh
Hảo, là vì trước hết Nhà nước, Đảng cầm quyền phải nói sự thật, phải nhìn nhận
tội lỗi của mình, phải sám hối, mới xóa bỏ được hận thù.
"Mới xóa bỏ được: thôi, ta coi vấn đề cải cách ruộng đất là qua rồi.
Điều đó nhà nước chúng ta không làm, cuộc triển lãm vừa qua không làm. Đó là điều
thứ nhất tôi xin khẳng định như thế.
"Điều thứ hai là bây giờ rất cần một sự thay đổi về ruộng đất. Không
phải là chúng ta làm một cuộc cải cách về ruộng đất theo kiểu của Trung Quốc,
theo kiểu 1953 trước nữa, mà là phải đấu tranh để xóa bỏ điều ở trong Hiến pháp
là quốc hữu hóa ruộng đất của nông dân và đem ruộng đất trả lại cho nông
dân."
'Quyết tìm sự thật'
Nhà văn Trần Mạnh Hảo, một nhân chứng mà gia đình là 'nạn nhân' của cuộc
cải cách, như ông tự giới thiệu, nói với cuộc tọa đàm từ Sài Gòn:
"Tôi cho rằng lịch sử phải được thể hiện một cách trung thực, nếu tất
cả lịch sử bị bóp méo, và bị dối trá hóa, bị tuyên truyền nhảm, tức là bịa ra lịch
sử để sự tuyên truyền, thì chừng đó, sau này dù thời gian sau này chăng nữa,
con cháu chúng ta họ vẫn quyết tâm đi tìm sự thật.
"Bởi vì sự thật, chỉ có sự thật mới giải phóng được con người. Chỉ
có sự thật mới giúp chúng ta nhìn nhận chân lý, cái gì sai, cái gì đúng, còn cứ
bịa chuyện, cứ bịp bợm nhân dân, thì mọi thứ sẽ không bao giờ tốt đẹp."
"Tôi không muốn nói lại cuộc cải cách ruộng đất, bởi vì vết thương của
gia đình tôi, bố mẹ tôi. Bố tôi bị bắt, mẹ tôi phải nuôi ba đứa con, tôi phải
đi bắt rận thuê để lấy gạo nấu cháo cho mẹ ăn và các em ăn, tức là rất là thảm.
"Đẩy gia đình chúng tôi vào thảm kịch có thể chết đói cả ba bốn mẹ
con. Và cuộc cải cách ruộng đất tôi đã nhìn thấy nông dân ở làng đến lấy ở nhà
tôi từng cái đũa, cái bát, cái mâm, cái hòn gạch, phá nhà, phá cửa, cướp hết
toàn bộ những tài sản của gia đình chúng tôi, mà một gia đình lao động, không
bao giờ là địa chủ.
"Và những gia đình bị bắn ở trong làng tôi cũng không bao giờ là địa
chủ. Họ đã bắn, đã giết oan hàng mấy, hàng chục vạn người, thế thì làm sao mà
có thể nói là một cuộc cải cách tốt đẹp được."
'Không có cơ sở'
Từ Paris, nhà văn Vũ Thư Hiên, tác giả của cuốn hồi ký chính trị
"Đêm giữa ban ngày" đặt vấn đề liệu vào thời điểm tiến hành cuộc cải
cách, Đảng có tiến hành một cuộc điều tra 'đàng hoàng không'.
Nhà văn đặt câu hỏi cho ông Nguyễn Minh Cần:
"Thắc mắc của tôi là vào giai đoạn đó, có một cuộc điều tra về cải
cách ruộng đất đàng hoàng không, thành lập được mấy đoàn điều tra, đã đi những
địa phương nào để điều tra cải cách ruộng đất, trưởng phó đoàn là ai và báo cáo
về cải cách ruộng đất để chuẩn bị cho cải cách ruộng đất có hay không?"
Khách mời từ Moscow trả lời:
"Sự thực ở đây là không chỉ riêng Hà Nội, mà cả toàn quốc, tỷ lệ 5%
mà Hồ Chủ Tịch đưa ra, rồi vân vân, thì không có dựa trên một cơ sở điều tra
nào cả," cựu Phó Chủ tịch Hà Nội phụ trách nông nghiệp nói.
"Hoàn toàn không có một điều tra nông thôn để mà quyết định vấn đề
thành phần, ruộng đất, rồi vân vân, ở trong nông dân như thế nào cả, nông thôn
ra làm sao cả. Đấy là một sự thật."
'Không thể sửa được'
Về vấn đề sửa sai, ông Nguyễn Minh Cần thuật lại những gì mà ông đã trải
nghiệm, cựu thành viên ủy ban sửa sai của Đảng ở Hà Nội nói:
"Ngay bản thân tôi, tôi là người phụ trách sửa sai ở ngoại thành Hà
Nội, thì ông Võ Nguyên Giáp thời bấy giờ, Ủy viên Bộ chính trị, phụ trách Hà Nội
trong việc sửa sai, chúng tôi bàn với nhau có bao nhiêu việc không thể nào sửa
được.
"Vợ, chồng, con cái của người ta bị bắn chết thì hỏi sửa sai thế
nào? Chúng tôi có mấy người liên lạc trong thời kỳ bí mật ở ngoại thành Hà Nội,
thì đội cải cách về, chẳng hiểu thế nào mà họ nghèo, quy là địa chủ, bắn chết.
Chúng tôi làm thế nào mà giải quyết được?
"Rồi nhà cửa người ta chia ra rồi, bây giờ sửa sai, chúng tôi phải
trả lại cho những người đó, nhưng mà trả lại thế nào được? Khi mà nông dân đã
nhận được nhà cửa thì họ được tin là phải trả lại, thì họ lấy ngói, lấy gạch rồi
phá hết tất cả của người ta.
"Mà khi vào chia đấy, thì bao nhiêu gia đình được một ngôi nhà, thì
những cây cảnh, những cái chậu v.v..., thì mình phá hết, thì bảo là trả lại thế
nào?"
Các khách mời trong cuộc thảo luận cũng nhìn lại hai luồng ý kiến chính
trên các mạng xã hội Việt Nam nhân cuộc triên lãm Cải cách Ruộng đất ở Bảo
tàng Lịch sử Quốc gia tại Hà Nội khai mạc rồi bị đóng cửa vì 'lý do kỹ thuật'
sau khi vừa khai trương đầu tháng 9/2014.
Các ý kiến cũng nhằm sáng tỏ bối cảnh chung, tác động của Trung Quốc,
việc tiến hành, vai trò của Ban lãnh đạo Việt Nam khi đó như việc lập các
đoàn cải cách.
Cuộc thảo luận cũng nhìn vào ý nghĩa, tác động của Cải cách Ruộng Đất
với nông thôn, nông dân Việt Nam tới ngày nay.
'Bài học lịch sử'
Thảo luận còn nêu ý kiến cần có một cuộc cải cách về đất đai hiện nay
ở Việt Nam để giải quyết vấn đề tham nhũng đất, khiếu kiện khá phổ biến về đất
đai.
Có khách mời cũng cho hay từ kinh nghiệm của Liên Xô thì sau năm 1991 vẫn
không hề có sự nhìn lại về các cuộc cải tạo tiêu diệt nông dân thời Stalin.
Nhưng riêng với Việt Nam, có ý kiến thảo luận nói cần khép lại quá khứ
dù không được quên những vụ tàn sát thời Cải cách Ruộng Đất.
Về bài học rút ra và thái độ đối với quá khứ, lựa chọn ứng xử trong hiện
tại, ông Nguyễn Quang Thạch, nhà vận động 'sách cho nông thôn' nói với BBC:
"Lịch sử là thứ đã qua rồi, chúng ta không được phép quên lịch sử,
mà chúng ta phải đánh giá sòng phẳng về nó.
"Chúng ta không quên quá khứ sai lầm của lịch sử, nhưng cũng không
căm hận nó nữa, mà nên hành động để tạo dựng cho tương lai tốt hơn thôi.
"Chứ nếu chúng ta, như kiểu vừa rồi, là chỉ đưa trưng bày ra, phô diễn
cho người ta, chỉ nói cái tốt, không nói cái sai, khuyết, để rồi cùng nhau nhìn
nhận, và không lặp lạih những sai lầm trong tương lai.
"Cho câu chuyện tôi nghĩ là người Việt mình, chính quyền đã đến lúc
phải đánh giá lại sai lầm của mình, và sau đó công bố rõ ràng, và chúng ta điều
chỉnh chính sách đất đai để không tạo ra sự xung đột giữa chính quyền và người
dân. Để không tạo ra sự dồn tích, sự căm phẫn trong đời sống cộng đồng."
'Mong cải cách mới'
Cũng hôm thứ Năm, bà Lê Hiền Đức, nhà hoạt động chống tham nhũng và vận động
cho nhân quyền, nói với tọa đàm từ Hà Nội:
"Tôi lại muốn cải cách ruộng đất bây giờ nữa, nhưng trên tinh thần của
tôi bây giờ là gì: tổ chức cải cách ruộng đất không phải là đấu tố như ngày
xưa, nâng thành phần từ phú nông lên địa chủ để giết chóc, đàn áp nhau.
"Nhưng cải cách ruộng đất bây giờ là gì: để người nông dân của tôi
bây giờ sống bằng đồng ruộng thì nhiều bà con nông dân đã căng khẩu hiệu là
'Nông dân coi đồng ruộng như máu xương của mình'.
"Nhưng bây giờ mất hết ruộng, mất hết vườn, mất hết rừng, thì hỏi rằng
còn gì nữa, vì vậy theo suy nghĩ của tôi, tôi lại mong muốn có cuộc cải cách,
nhưng cải cách bây giờ đừng lặp lại những sai lầm dã man, tàn ác, giết chóc như
những năm trước đây.
"Mà cải cách bây giờ là gì: để cho những người nông dân đứng lên tố
cáo những bọn tham nhũng. Bây giờ có những người nông dân không còn nhà, không
còn một tấc đất để sống, trong khi những kẻ tham nhũng có bốn, năm, bảy cái biệt
thự, có hàng trăm héc-ta rừng để bóc lột nhân dân...
"Vì vậy theo tôi, tôi lại muốn có một cuộc cải cách ruộng đất mới,"
nhà vận động năm nay 83 tuổi nói với cuộc tọa đàm của BBC từ Hà Nội.
Nhận xét
Đăng nhận xét