Giai thoại LÊ THỊ MIÊN

Giai thoại LÊ THỊ MIÊN

Lê Thị Miên (1836 - 1908), còn được gọi là Yến Phi, biệt biệu Hồng Y liệt nữ; là vợ ba của Cai Vàng. Quê bà ở thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Đối đáp với Tổng Thịnh:
Nguyễn Văn Thịnh tức Cai Tổng Vàng (còn gọi là Cai Vàng), người xã Vân Sơn, huyện Phượng Nhỡn, Kinh Bắc (nay thuộc xóm Kẻn, thôn Vân Sơn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang). Năm 1862 Cai Vàng khởi binh chống lại vua Tự Đức, thời đó trong nước lan truyền câu ca: "Trên trời có ông sao dài, ở vùng Kinh Bắc có Cai Tổng Vàng". Một lần, Cai Vàng mở hội vật để tuyển người khoẻ mạnh xung vào nghĩa quân của mình. Có một đô vật nhỏ nhắn, khôi ngô tuấn tú, đã vật ngã nhiều đô vật sĩ nổi tiếng, sắp chiếm giải nhất, thì keo vật cuối cùng mái tóc của “đô” này bị xổ tung, hiện nguyên hình là một giai nhân. Cai Vàng đích thân ông thẩm vấn. Cô gái “đô vật” khai tên Lê Thị Miên, tự Yến Phi, con một ông đồ ở thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cai Vàng nói cô là con thầy đồ ắt phải biết chữ bèn ra câu đối: Cô Miên ngủ một mình

Vì đêm qua cô bị nhốt một mình ở trong rừng sâu, nên Cai Vàng mới nghĩ ra vế đối này. Nhưng vấn đề ở chỗ chữ "cô" là gái chưa chồng, đổi ra "cô" là cô đơn, một mình; chữ "Miên" là "dài" lại viết chữ "miên" là "ngủ" thành ra từ Hán Việt "cô miên" nghĩa nôm là "ngủ một mình", mà tai quái ở chỗ Miên lại chính là tên của cô gái này. Tổng Thịnh nghĩ chắc chắn cô gái không thể đối nổi.

Không ngờ cô gái đối ngay: Tổng Thịnh tóm nhiều đứa

Ông Cai Vàng tên "Thịnh" làm "cai tổng", thì "tổng" là "tóm", "Thịnh" là "nhiều", còn chữ "mình" thì cô đối bằng "đứa" mà lại rất phù hợp với tình thế lúc ấy. Cai Tổng Vàng cảm phục tài trí cô Miên, đã thu nạp làm… “vợ ba”, phong cho làm phó tướng.

Người ta kể rằng, vì cô Miên không chịu lấy chồng,, nên có lần cô bị các nho sĩ làm thơ trêu ghẹo rằng: Lạnh lùng thay, giấc cô Miên/Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u. Không chịu kém, cô Miên xướng trước một câu, thách ai đối được sẽ nhận người ấy làm chồng, nhưng rồi không một ai lên tiếng.

vế ra: Chưa chồng chơi chốn chùa chiền, chanh chua chuối chát chính chuyên chờ chồng

Câu đối này phải chờ mãi đến cuối năm 2013 mới có ông Trường Văn Nguyễn Phước Thắng đối lại được như sau: Thủ thân thăm thất thiên thần, thi thông thư thạo thảo thuần thành thân

Câu đối đề tại miếu thờ:
Sau khi Tổng Thịnh chết, mùa xuân năm 1864, Bà Ba Cai Vàng trực tiếp cầm quân đánh vào Nải Sơn (Kiến Thụy, Hải Phòng). Sau 22 ngày chiến đấu liên tục, hao quân hao tướng mà không thắng được. Xét thấy, không còn đủ sức để tiến hành cuộc chiến đấu lâu dài được nữa, bà giải tán lực lượng...Theo truyền thuyết, Bà Ba Cai Vàng mai danh ẩn tích ở chùa Dặn (Đình Bảng, Bắc Ninh). Cũng có người cho rằng, bà đã vào tu tại chùa Hương nơi thôn Tứ Kỳ (nay là thôn Đại Trạch, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), với pháp danh là Đàm Giác Linh. Tại chùa này, bà đã cho dựng miếu Âm Hồn để thờ chồng (Cai Vàng). Sau khi bà mất, nhân dân lập miếu thờ, hai bên cửa miếu có đề đôi câu đối sau:

Tiểu cát phục nhung y, kỵ mã huy kỳ, danh trấn anh hùng nhân Kinh Bắc (Thời trẻ mang giáp trụ, cỡi ngựa phất cờ, nức tiếng anh hùng miền Kinh Bắc)

Xuất gia quy thiền phái, chiêu kinh tịch kệ, giác chân đức độ Phật Như Lai (Xuất gia vào chùa thiền, tụng kinh đọc kệ, hiểu tường đức độ Phật Như Lai)



Nhận xét

Bài đăng phổ biến