Giai thoại NGUYỄN ĐỖ MỤC và DƯƠNG BÁ TRẠC


 Giai thoại
NGUYỄN ĐỖ MỤC
và DƯƠNG BÁ TRẠC



Nguyễn Đỗ Mục (1882 - 1951), tự Trọng Hữu, bút hiệu Hì Đình Nguyễn Văn Tôi. Quê gốc của ông là làng Thư Trai, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (sau đổi là huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây; nay là huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội). Năm 1913, Đông Dương tạp chí ra đời. Ông đến cộng tác và viết đều đặn ở mục Gõ đầu trẻ, chuyên về giáo dục. Sau khi tạp chí này đình bản (ngày 15 tháng 9 năm 1919), ông viết cho tờ Trung Bắc tân văn.

Dương Bá Trạc (1884 - 1944) có tên hiệu là Tuyết Huy, ông sinh tại làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, huyện Khoái Châu (nay là huyện Văn Giang), tỉnh Hưng Yên. Năm 1906, ông tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Năm 1907, Dương Bá Trạc bị bắt giam, ông bị kết án tù Côn Đảo. Năm 1910, Dương Bá Trạc được đưa về đất liền an trí ở hạt Long Xuyên (nay thuộc An Giang). Năm 1932-1935, ông làm chủ bút tờ Văn học tạp chí. Năm 1943, ông sang Singapore. Ở xứ người, ông luôn mong tìm một kế sách giúp nước nhà sớm được độc lập, nhưng ý nguyện chưa thành, thì Dương Bá Trạc mất.

Nguyễn Đỗ Mục và Dương Bá Trạc thường viết ra những giai thoại nhằm đả kích thực dân Pháp và tay sai, trong số đó có một câu chuyện rất hay như sau: Một anh nông dân ở làng nọ có hai vợ. Do khéo đối xử và sắp xếp việc nhà, việc cửa, nên nhìn bề ngoài người ta thấy gia đình anh tương đối thuận hòa, yên ổn. Thế nhưng, chuyện chồng chung không ai dễ chịu ai. Về mặt tâm lý, anh chồng vẫn nể sợ người vợ cả, trong khi tình cảm yêu thương thì lại nghiêng về người vợ nhỏ nhiều hơn, bởi lẽ ngoài sức trẻ trung, và chút ít nhan sắc, chị ta còn là con gái của một ông đồ hay chữ nhất vùng. Một chiều nọ, nhân buổi rảnh rỗi việc đồng áng, ba vợ chồng ngồi bàn chuyện. Nhân không khí vui vẻ, cởi mở, anh chồng đưa ra đề nghị: "Anh ta ra một câu đối, nếu ai đối được thì tối nay, anh sẽ "vô buồng" người ấy". Cả hai bà vợ đều đồng thanh tán thành.

Anh chồng bèn đọc: Vợ cả vợ hai, cả hai vợ đều là vợ cả
Cô vợ nhỏ khiêm tốn nhường lời cho người vợ cả đối trước. Suy nghĩ một hồi, chị vợ lớn lắc đầu: "Thôi dì Hai nó nói trước đi!"

Người vợ nhỏ bèn ứng khẩu đáp: Con dòng, con giống, dòng giống con mới thiệt con dòng

Câu đối khá chỉnh. Anh chồng vỗ đùi khen hay. Nhưng chưa dứt lời, thì bà vợ lớn mới nổi "máu Hoạn Thư", đứng dậy túm lấy áo ông chồng, xỉa xói: "Thôi, tui biết tỏng cái mẹo của các người rồi, đừng giả vờ qua mắt tui, để tối vô buồng “con mẻ” chớ gì. Tui nói cho mà biết, tui mới là vợ chánh, mọi quyền hành ở nhà nầy đều do tui, tui chưa ưng thuận thì ông đừng hòng bước qua khỏi cửa buồng của dì ấy, chớ đừng nói “cả hai đều là vợ cả" nhen! Ông nghe rõ chưa?" Anh chồng đang hứng, bỗng yểu xìu một cách thảm hại.

Lúc đó, bên hàng xóm có 2 nhà Nho hay chữ là Nguyễn Đỗ Mục và Dương Bá Trạc đang ngồi đàm luận chuyện văn chương. Có thuyết khác lại cho rằng vế ra và vế đối thứ nhất đều do 2 vị sĩ phu này trông thấy tình cảnh như vậy mà đối đáp với nhau, còn vế đối của người vợ lẽ vẫn do người đó đối khi nghe thấy 2 ông đọc như vậy
Ông Nguyễn Đỗ Mục chợt nảy ra vế đối khác: Quan thừa, quan thiếu, thừa thiếu quan sao gọi quan thừa

Quan Thiếu ở đây ám chỉ Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu (1872 - 1946), con trai thứ của Hoàng Cao Khải. Vì có hàm Thái tử Thiếu bảo, nên được gọi là cụ Thiếu Hà Đông.

Ông Dương Bá Trạc cũng có câu đáp lời: Con nuôi, con đẻ, nuôi đẻ con há đợi con nuôi

Mấy câu đối trên được 2 ông cho đăng lên tờ báo Trung Bắc, mục đích chính để đả kích những viên quan thân Pháp







Nhận xét

Bài đăng phổ biến