Giai thoại NGUYỄN KHOA VỸ


Giai thoại NGUYỄN KHOA VỸ

Nguyễn Khoa Vi (1881 - 1968) biệt hiệu Thảo Am, quê quán ở làng An Cựu, sinh ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám 1945, ông tham gia khởi nghĩa ở Huế và đã sáng tác nhiều thơ ca động viên, cổ động đồng bào tích cực hưởng ứng phong trào Việt Minh chống Pháp đuổi Nhật. Đầu năm 1947 quân Pháp chiếm lại Huế, ngôi nhà của Thảo Am bị quân Pháp chiếm làm đồn. Ông cùng với nhà thơ Thúc Giạ và bạn bè lập ra Hương Bình thi xã, Ưng Bình Thúc Giạ là chủ soái, còn ông là phó soái.

Trong một cuộc thi hò giã gạo do thi xã tổ chức có nhiều vị tai to mặt lớn hay sính thơ đến dự, Nguyễn Khoa Vi đã gà cho phe nữ: Tiếng đồn anh hay chữ, Xin hỏi thử cho thông, Thánh hiền xưa đặt chữ công, Tại sao lại có cái quéo trong lòng làm chi?
Và khi bên nam không đối được, Nguyễn Khoa Vi lại gà cho họ: Người xưa đặt chữ công, Trong lòng có cái quéo, Đó là nơi lắt léo khôn khéo của thánh hiền. Em ơi em hãy chịu phiền, Phải cho có nhiều kinh nghiệm em hiểu liền chữ công.

Sinh thời, Thảo Am Nguyễn Khoa Vi rất ghét bọn làm mật thám cho Tây. Ở gần nhà, ông có một tên tay sai đắc lực của Xô-nhi (Sogny), chánh mật thám Trung Kỳ, cũng làm một cái am trong vườn để thờ Phật. Ông liền ra một câu, thách các nhà thơ trong thi xã đối lại, tuy nhiên không ai đối lại được vì nó quá khó:

Vế ra: Thâm trần tục thục trần tâm, kinh thỉ sám nguyện từ thán sĩ (Kinh thỉ sám là kinh từ bi thủy sám của đạo Phật)

Vế đối: Phạm cõi tiền, phiền cõi tạm bài nhân duyên cầu tụng nhuyên dân (Hoài Anh Võ Quang Thạch)(Bài nhân duyên là kinh thập nhị nhân duyên trong đạo Phật)
Bây giờ có ai lên núi Ngự Bình đi sâu thêm vài trăm thước vào khu Nội táng, nghĩa địa của gia đình Nguyễn Khoa, sẽ thấy một ngôi mộ bình thường như hàng trăm ngôi mộ khác nhưng có một chút khác thường đó là hai câu đối:

Chẳng có danh thơm mà để lại.
Làm chi xác thối phải chôn đi.

Đó chính là mộ của cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi

Năm 1946, sau khi nghe tin quân viễn chinh Pháp đã đánh chiếm đồn Mang Cá, Thảo Am Nguyễn Khoa Vi có làm đôi câu đối sau:

Lũ Quỷ nay lại về Lũy Cũ
Thầy Tu mô Phật cũng Thù Tây

Thảo Am có một bài thơ nói lái phản ánh chuyện quan hệ mờ ám giữa sư và vãi như sau:
vế ra: Cầu Đạo cần chi phải Cạo Đầu, Dầu Lai dưa muối cũng Dài Lâu, Na Bường bát tới Nương Bà vãi, Dầu Sãi không tu cũng Giải Sầu

vế đối: Dân Chài sao cứ mộng Dài Chân, Ân Thiên sóng gió được Yên Thân, Làng Vua bão nổi Lùa Quan quỷ, Thần Tiên ban phúc gái Thiền Tân (Trường Văn Nguyễn Phước Thắng)

Một lần, ban đêm đi qua đò Đập Đá, Thảo Am Nguyễn Khoa Vi tức cảnh viết ra bài thơ nói lái sau:

vế ra: 
Đập Cũ đò đưa Đủ Cặp đời,
Trời Cho sức khỏe lắm Trò Chơi,
Có Đôi khi rảnh lên Côi Đó,
Cười Ngả nghiêng cho mệt Cả Người

vế đối:
Đường Xưa nắng đổ Đưa Sườn xơi,
Người Ban tình nghĩa chớ Bàn Ngơi,
Sai Lẹm có buồn đừng Xem Lại,
Đời Lả lơi say thế Đã Lời 
(Trường Văn Nguyễn Phước Thắng)

Thảo Am Nguyễn Khoa Vi còn có 4 bài thơ nói lái nữa như sau:
1 - Bài thứ nhất:
vế ra: 
Làng Vọng còn hơn cái Lọng Vàng,
 Mang Sơ tấm áo chớ Mơ Sang,
Nhắn Bạn lên non đừng Bắn Nhạn,
Hang Lỗ tìm vào bắt Hổ Lang 
(Thảo Am)

vế đối: 
Xóm Kề sao thua chiếc Xế Còm,
Dòm Chi tiền gạo mấy Dì Chôm,
Bán Kẹo đổi đời nên Kéo Bạn,
Bợm Bãi làm chi hóa Bãi Bờm 
(Trường Văn Nguyễn Phước Thắng)

2 - Bài thứ hai:
vế ra: 
Đời Chua bậu cứ thử Đùa Chơi,
Chơi Ngổ xong rồi kiếm Chỗ Ngơi,
Bến Đậu thênh thang mời Bậu Đến,
Ngồi Đây say tít, ngất Ngây Đời 
(Thảo Am)

vế đối: 
Phàm Lu ta phải gắng Phu Làm,
Lãm Đao sao bằng học Lão Đam,
Tổ Ca bát ngát thiền Ta Cổ,
Làm Pho sống khỏe lắng Lo Phàm 
(Trường Văn Nguyễn Phước Thắng)
 (Lão Đam = Lão Tử)

3 - Bài thứ ba:
vế ra: 
Dòng Châu lai láng đĩa Dầu Chong,
Công Khó đợi chờ biết Có Không,
Nhắc Bạn thêm thương người Nhạn Bắc,
Trông Đời ngao ngán giữ Trời Đông
 (Thảo Am)

vế đối:
Rày Bông rạng rỡ hội Rồng Bay,
Giấy Mo đền đáp thấu Gió Mây,
Thương Vợ càng mong đời Thơ Vượng,
Vầy Tương ngan ngát cà Vườn Tây (
Trường Văn Nguyễn Phước Thắng)
(Lấy ý ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương)

4 - Bài thứ tư:
vế ra: 
Phấn Lau chưa dứt nghe Pháo Lân,
Tân Niên rót rượu mời Tiên Nâng,
cô Dâu Hứa đãi ăn Dưa Hấu,
chú rể Tinh Thần tựa Tình Thân,
có ông Phó Đảo châm Pháo Đỏ,
chú lính Xuân Qua muốn Xa Quân,
Mang Vài chậu kiểng Mai Vàng rộ,
Xin Tuần nghỉ phép thoả Tình Xuân

vế đối: 
Dưa Thào rượu mứt đón Giao Thừa,
Đưa Chả nhấm mồi Tết Đã Chưa,
đường Phố Có đông ông Phó Cố,
ngõ quê Chưa Thẳng bà Chẳng Thưa,
hoa mai Nở Đẹp đem Nẹp Để,
thược dược Mướt Ưa chớm Ướt Mưa,
Liếm Tý rượu ngàn Lý Tím đẹp,
Xưa Truân chuyên lắm nhớ Xuân Trưa 
(Hoài Anh Võ Quang Thạch)

Thảo Am còn có bài thơ thất ngôn tứ tuyệt chơi chữ toàn phụ âm CH mang tên: "Trách người đa tình" như sau: 
Chạy chửa chay chân chẳng chịu chừa,
chín chiều chua chát chán chê chưa,
cha chài chú chóp chơi chung chạ,
 chẳng chính chuyên chi chớ chực chờ

vế đối: 
Mênh mông muôn mẫu một màu mưa,
mỏi mắt miên man mãi mịt mờ,
mộng mị mỏi mòn mai một một,
mỹ miều may mắn mấy mà mơ 
(Tú Mỡ)

Thảo Am còn có 1 vế xuất khá độc đáo được viết vào dịp tết Đinh Hợi (1947) như sau:
vế ra: 
Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế

vế đối: 
Mùa mới mạnh mã mề, mon men muốn mời mặt mạo muội (Thiền Long)

Sự hiểm hóc của câu đối nằm ở từ hai nghĩa "tay tử tế" {người con rể ("con" (danh từ) và "rể" (danh từ) xét nghĩa từng từ đơn Hán Việt) ; người tốt bụng (từ ghép Hán Việt)}. Ở đây cháu dùng từ "mặt mạo muội" vì chữ "mặt" gần giống nghĩa chữ "tay" trong trường hợp dùng để chỉ người nào đó (vd: "cái mặt đó lì lợm lắm" nghĩa là chỉ người đó ít nghe theo lời ai). Từ "mạo muội" cũng có hai nghĩa: Xét từ đơn nghĩa là "dung mạo (danh từ) của người em (bạn) gái (danh từ)", xét từ ghép nghĩa là "dại dột" (cách nói khiêm nhường). Ý vế đối là: 1/ Vào mùa mới, sửa soạn vẻ bề ngoài (mã mề) cho đẹp, mạnh mẽ, đi tán tỉnh người con gái trẻ hơn. 2/ Vào mùa mới, sửa soạn vẻ bề ngoài cho đẹp, mạnh mẽ, đi tìm những người khờ khạo để chọc ghẹo vui vẻ, ngoài ra chữ "muội" đối chữ "tế".


Nhận xét

Bài đăng phổ biến