Kỳ 9: Vui buồn qua hồi ức của thượng tướng Trần Văn Trà và
Trung tướng Trần Văn Đôn
Sau lời kêu gọi buông súng đầu hàng của đại tướng Dương Văn
Minh, lần lượt có đến 400.000 binh lính, cùng hơn 100.000 nhân viên công an và
cộng sự viên thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia VNCH ra trình diện…
Những con số trên do Ban tổng kết chiến tranh Thành ủy TP. HCM nêu qua cuốn
Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến 1945 - 1975 (1) và thông tin
thêm: trong chiến dịch Hồ Chí Minh, riêng Sài Gòn - Gia Định đã “diệt và làm
tan rã” 31.000 quân đối phương, bắt sống 12.619 tù binh, chiếm “9 căn cứ quân sự,
5 chi khu, 21 phân chi khu và trụ sở, thu 12.275 súng và gần như toàn bộ hồ sơ
các cơ quan từ Phủ tổng thống trở xuống”(sđd tr. 674)
Cũng theo tài liệu đã dẫn, tiếng súng thật sự chấm dứt cuối chiều 30.4,
lúc 17 giờ, giữ được: “thành phố hơn 3 triệu dân (đầu năm 1975 - GH) vừa qua cuộc
chiến tranh 30 năm (1945-1975) vẫn nguyên vẹn, chuyển sang trạng thái bình yên
đến độ gây ngạc nhiên cho mọi người trên thế giới đang có mặt (tại Sài Gòn)”.
Ai nấy đều biết “nước vẫn chảy đều trong các đường ống và dòng điện chỉ tạm ngừng
trong 2 giờ (của ngày 30.4) rồi mọi nhà lại sáng. Công nhân các nhà máy vẫn sẵn
sàng cho máy chạy. Chợ búa, quán xá vẫn sẵn sàng mở - đường phố vẫn đông người
và xe cộ”.
Cùng ngày: “các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh,
Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, đảo Phú Quốc được giải phóng”. Hai ngày sau
(2.5), Châu Đốc là tỉnh cuối cùng đã lọt vào tay Quân giải phóng (sđd tr.
674-675).
Về giai đoạn đó, hồi ức của thượng tướng Trần Văn Trà thuật lại (trước giờ
chiếm dinh Độc Lập - vào mờ sáng 30.4):
* Tại Tổng hành dinh (ngoài Bắc) - tức: “từ Hà Nội, Bộ Chính trị điện chỉ
thị cho mặt trận như sau: tiếp tục tiến vào Sài Gòn (…) giải phóng và chiếm
lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân địch, giải tán chính quyền các cấp của
địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của địch (…) nếu chỗ nào địch chống cự
thì lập tức tiến công tiêu diệt ngay”(2).
* Tại Sở chỉ huy (trong Nam): “chúng tôi chăm chú theo dõi từng giờ các
mũi tiến quân của từng hướng. Trên bàn to trải bản đồ vùng Sài Gòn và xung
quanh, mọi người nhìn theo vạch bút chì đỏ mà cán bộ tham mưu, từng lúc, căn cứ
vào báo cáo của các cánh (tiến quân) để vẽ, đánh dấu nơi quân ta đến, mục tiêu
ta đã chiếm. Bỗng một đồng chí cán bộ vừa reo mừng vừa xách máy ghi âm vào để
lên bàn (phát lại) tiếng nói của Dương Văn Minh trên đài phát thanh Sài Gòn xin
đầu hàng vô điều kiện (…) mọi người nhảy lên reo mừng. Các anh Lê Đức Thọ, Phạm
Hùng, Văn Tiến Dũng đều xúc động mạnh, ôm hôn mọi người, bắt tay nhau thật chặt.
Có mấy phút giây trong đời ta mà được sung sướng đến nghẹn ngào, mừng vui trào
nước mắt” (Trần Văn Trà, sđd tr. 395).
Ngược với niềm hân hoan tràn khắp Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, là nỗi
tuyệt vọng của các tướng lãnh VNCH - khiến một số trong họ đã tự kết liễu mạng
sống của mình vào thời điểm lịch sử ấy, gồm : 1. Thiếu tướng Phạm Văn Phú,
nguyên Tư lệnh Sư đoàn 2, uống thuốc cực độc tự tử tại nhà riêng ở đường Gia
Long (nay là đường Lý Tự Trọng), chết vào trưa 30.4.1975. 2. Thiếu tướng Nguyễn
Khoa Nam, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4, tự vẫn lúc 11 giờ 30 (30.4). 3. Chuẩn tướng
Lê Văn Hưng, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, điềm tĩnh từ biệt gia đình và các
chiến hữu, rồi lặng lẽ quay vào phòng chỉ huy, khóa chặt cửa và rút súng tự sát
lúc 20 giờ 45 (đêm 30.4). 4. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, nguyên Tư lệnh Sư đoàn 5
Bộ binh, tự sát tại tổng hành dinh ở Lai Khê (trưa 30.4). 5. Chuẩn tướng Trần
Văn Hai, nguyên Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh, tự sát tại Trung tâm Đồng Tâm (đêm
30.4).
Hàng chục sĩ quan cấp tá, cấp úy và một số hạ sĩ quan VNCH cũng đã tự sát
tương tự tại nhiều đơn vị, địa phương, hoặc nhà riêng của họ trong ngày.
Một số khác bị bắt sống như: thiếu tướng Đỗ Kế Giai (Chỉ huy trưởng binh
chủng Biệt động quân), thiếu tướng Lê Minh Đảo (Tư lệnh sư đoàn 18 Bộ binh),
thiếu tướng Trần Bá Di (Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Quang Trung), thiếu
tướng Đoàn Văn Quảng (Tư lệnh Lực lượng đặc biệt), thiếu tướng Bùi Văn Nhu (Phó
tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh sát quốc gia), chuẩn tướng Lê Trung Tường (Tham mưu trưởng
Quân đoàn 3), chuẩn tướng Huỳnh Văn Lạc (Tư lệnh sư đoàn 9 Bộ binh), chuẩn tướng
Trần Quang Khôi (Tư lệnh Lữ đoàn 3 Kỵ binh), chuẩn tướng Lê Văn Thân (Phó tư lệnh
Biệt khu thủ đô), chuẩn tướng Hồ Trung Hậu (xuất thân binh chủng nhảy dù -
Chánh thanh tra Quân đoàn 3), đại tá Nguyễn Thành Trí (Phó tư lệnh Sư đoàn Thủy
quân lục chiến), đại tá Nguyễn Bá Trang (Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm thủy bộ
211), đại tá Nguyễn Văn Tấn (Quyền tư lệnh lực lượng Hải quân), đại tá Phạm Bá
Hoa (Tham mưu trưởng Tổng cục Tiếp vận), đại tá Ngô Văn Minh (Tham mưu trưởng
Biệt khu thủ đô), đại tá Nguyễn Văn May (Tư lệnh vùng 5 Duyên hải), đại tá Đàm Trung
Mộc (Viện trưởng Học viện Cảnh sát quốc gia) và nhiều nữa…
Riêng các nhân vật nổi bật trên chính trường Sài Gòn di tản ra nước ngoài
có trung tướng Trần Văn Đôn, Phó thủ tướng, Tổng trưởng Quốc phòng, kiêm Quyền
Tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH (những ngày cuối tháng 4.1975) đã viết hồi
ký chính trị (sđd Kỳ 8) về chuyến đi của mình như sau:
“Chiều 29.4: lúc đến Tòa đại sứ Mỹ, tôi không vào được vì người quá đông
nên mọi cửa ra vô đều đóng chặt, tôi phải đi vòng ngã phía đường Hồng Thập Tự
(nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1- HCM) cũng không vô được. Tôi trở lại
Bộ Quốc phòng điện thoại cho Tòa đại sứ Mỹ, nhưng gọi rất khó khăn vì họ đã cắt
nhiều đường dây, kiên nhẫn gọi một hồi liên lạc được với ông Polgar (người có
trách nhiệm cao nhất của Cơ quan trung ương tình báo Mỹ CIA tại Sài Gòn). Ông dặn
tôi đến nhà riêng rồi ông sẽ bốc tôi đi.
“Đến nơi tôi cũng thấy đông nghẹt người đang chờ. Cô thư ký của ông
Polgar kêu chúng tôi đến khách sạn Mỹ Lee Hotel gần đài Chiến sĩ tự do. Chúng
tôi tới đó thấy cửa đóng mà người chờ đợi để đi cũng quá đông nên đành trở lại
nhà ông Polgar ngồi chờ.
“Đến 4g chiều, chúng tôi trở lại khách sạn Lee Hotel cũng không vô được,
tôi chán nản mệt mỏi dựa cửa muốn ngủ… (sđd tr. 478).
Đang lúc nản lòng, định bỏ cuộc, bỗng cô thư ký của ông Polgar đến, nói
nhỏ (với tướng Đôn): “Mình đi chỗ khác !” và “xe chúng tôi theo xe của cô ấy đến
đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng) gần đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi)
tại một cao ốc 9 tầng. Tầng dưới là Alliance Francaise của Pháp. Còn 8 tầng
trên là văn phòng tình báo CIA của Mỹ. Chúng tôi lên trên sân thượng tầng 9. Tại
đó đã có sẵn khoảng 60 người đang chờ trực thăng hạ xuống. Người ta chen lấn
nhau để lên máy bay nên tôi đành phải đứng phía sau” chờ đợi. Chuyến trực thăng
cuối cùng đáp xuống sân thượng trên lầu 9 của tòa nhà CIA đã bốc Trần Văn Đôn
ra đi (sđd, tr. 479):
“7 giờ 30 tối ngày 29.4.1975, tôi giã từ Sài Gòn. Lúc đó Sài Gòn đã lên
đèn, những ngọn đèn lờ mờ như chan hòa nước mắt, tôi giã từ quê hương đất nước,
lúc quê hương đất nước đang chuyển mình quặn đau, cái đau đứt ruột (…) Trực
thăng chở chúng tôi đáp xuống chiến hạm Hancock. Sáng hôm sau (30.4.1975), khi
radio loan tin lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh, hầu hết những
người trên tàu đều xúc động. Một nỗi buồn da diết đè nặng tâm hồn mọi người hiện
diện. Tất cả đều im lặng. Im lặng nhìn nhau không muốn chuyện trò… đám đông người
ở trên tàu đều nhòe nhoẹt nước mắt. Tàu nổ máy rồi rẽ sóng ra khơi”…
Nhận xét
Đăng nhận xét