Kỳ 4: TS. Nguyễn Tiến Hưng vạch trần “kế hoạch di tản điên
rồ mang mật danh: Talon Vise” của Mỹ
\
Hơn 3 sư đoàn thủy quân lục chiến (TQLC Mỹ) sẽ bất ngờ ập đến
Sài Gòn bắn phá mở đường để đánh chiếm phi trường Tân Sơn Nhất và bảo vệ Tòa đại
sứ Mỹ nhằm thiết lập “một hành lang di tản” đưa toàn bộ người Mỹ còn lại ở Sài
Gòn ra đi gấp rút…
Cuộc tiến quân “điên rồ” trên được bàn định và phác thảo bởi Ngũ Giác
Đài, đứng đầu là J. Schlesinger (Bộ trưởng Quốc phòng); Bill Clements (Thứ trưởng
Quốc phòng); William Colby (Giám đốc CIA) và một số quan chức cao cấp khác của
Nhà Trắng…
Họ chủ trương, cùng lúc với cuộc đổ bộ của TQLC, là triển khai lực lượng
không quân đặc nhiệm với nhiều phi đội máy bay phản lực (sẽ đánh bom sát phạt
khi cần) quần thảo và gầm rú, uy hiếp bầu trời Sài Gòn suốt đợt di tản.
Dưới mặt biển, 4 hàng không mẫu hạm: Hancock, Coral Sea, Midway và
Interprise (kéo theo nhiều tàu hộ tống khác có 2.200 TQLC bảo vệ) sẽ áp sát
vùng biển Nam Việt Nam, sẵn sàng nã pháo vào các vị trí “nhạy cảm và cần thiết”
ở trung tâm Sài Gòn nếu lực lượng TQLC trên bờ yêu cầu.
Khi phối hợp tác chiến giữa TQLC (trên bộ) với không quân (trên không) và
hạm đội 7 (ngoài khơi) đã “giáp vòng”, một “cầu hàng không” gồm hàng chục (khả
năng có đến hàng trăm) chiếc trực thăng - chủ lực là loại lớn CH-53 có sức chứa
50-60 người mỗi chiếc - được huy động để bay ra bay vào Sài Gòn liên tục nhằm
chở hết 6.000 người Mỹ, lần lượt đáp xuống các hàng không mẫu hạm kể trên, với
phương châm: “tốc hành”, “nhanh và gọn”… Mọi việc nhằm mục đích không để những
người Mỹ và gia đình của họ “lọt vào tay cộng sản” - còn số đông người Việt từng
cộng tác với Mỹ di tản được hay không là “vấn đề thứ yếu”…
Trên đây là tóm lược kế hoạch mang mật danh Talon Vise - một trong những
“kế hoạch di tản điên rồ” (crazy plans) của Mỹ - lần đầu tiên được TS. Nguyễn
Tiến Hưng đưa ra ánh sáng công luận, qua cuốn “Khi đồng minh tháo chạy” (sđd Kỳ
2) ấn hành cách đây 10 năm (2005) - song đến nay (2015 và cả mai sau) vẫn còn
nguyên giá trị tư liệu: “hy vọng những thế hệ con cháu của đoàn người di tản là
những người Mỹ mai đây sẽ nắm địa vị quyền hành, sẽ không bao giờ đối xử như vậy
đối với những đoàn người di tản từ các đồng minh khác trong một tình huống nào
đó, như từ Iraq, Afghanistan, Đài Loan, Đại Hàn, khi đồng minh của họ cuốn gói
ra đi” (Nguyễn Tiến Hưng).
nguyen tien hung vach tran ke hoach di tan dien ro Taylor vise cua My
Hải quân Mỹ đẩy một chiếc trực thăng từ tàu Blue Ridge xuống biển để lấy
chỗ cho các trực thăng khác đáp xuống…
Những “kế hoạch di tản điên rồ” như kiểu Talon Vise được Washington hối hả
vạch ra từ những tuần cuối tháng 3.1975, trong bối cảnh cuộc tiến quân “thần tốc
của phe Cộng sản” đang tăng cường độ: “Ngày 25.3: Bộ Chính trị chủ trương tập
trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất để giải phóng Sài Gòn
trước mùa mưa - Ngày 26.3: giải phóng TP. Huế - Ngày 29.3: giải phóng Đà Nẵng
(…) Các sân bay Gia Lâm, Vĩnh Phú, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng, Kontum nhộn nhịp
khác thường. Các loại máy bay lên thẳng nặng, nhẹ, các loại máy bay chở khách đặc
biệt của ta đều được huy động, không những để chở người, chở đạn, chở vũ khí,
chở sách, báo, phim ảnh, tranh vẽ, các bản nhạc… mà còn chở hàng tấn bản đồ Sài
Gòn - Gia Định vừa mới in xong (…) Các bến sông Hồng, sông Gianh, sông Mã, sông
Hàn, các cảng Hải Phòng, cửa Hội, Thuận An, Đà Nẵng, cũng ngày đêm nhộn nhịp”
(Văn Tiến Dũng - Đại thắng mùa Xuân). Những hoạt động đó ít nhiều được CIA thâu
thập, kết hợp với nhận định và chủ trương của Bộ Quốc phòng Mỹ, để hình thành
nên “kế hoạch điên rồ”. Sau đó nội dung các “crazy plans” được Nhà Trắng và Ngũ
Giác Đài “thông báo nhanh” đến đại sứ Mỹ Graham Martin ở Sài Gòn để tham cứu.
Và Martin “hết hồn” khi biết tổng thống Ford cùng cấp lãnh đạo ở
Washington muốn dùng “sức mạnh quân sự” cho một giải pháp “di tản hết” người Mỹ.
Lập tức, Martin gởi chính phủ Mỹ và Cố vấn An ninh quốc gia Kissinger bức mật
điện khá dài, khẳng định: “Lệnh di tản người Mỹ đột ngột có thể gây bạo động ở
Sài Gòn. Nếu không giữ bình tĩnh mà lại đưa thủy quân lục chiến vào đây thì có
thể gây sự nổi giận không thể lường được (…). Tôi nhắc lại một lần nữa là sẽ có
náo động lớn nếu gửi quân đội Mỹ vào Sài Gòn”. Những lời thẳng thắn đó phù hợp
với bình luận của tờ Newsweek (28.4), rằng: Kế hoạch phòng hờ để bảo vệ (di tản)
người Mỹ được soạn thảo ra dường như là để “đối phó với những người lính miền
Nam (quân đội Sài Gòn) đang liều mạng tìm lối thoát hoặc uất hận vì bị bỏ lại,
còn nhiều hơn là đối phó với đoàn quân cộng sản đang tiến tới !”.
Kể cả sau ngày 30.4.1975, Martin đã một lần nữa trình bày trước Quốc hội
Mỹ (1976): “Tôi cho rằng mang quân đội Mỹ vào là một sai lầm lớn, vì, thưa quý
vị, nếu quý vị đứng vào hoàn cảnh của người Việt Nam thì quý vị sẽ phản ứng như
thế nào?”.
Khi bị (Quốc hội) chất vấn là tại sao ông đại sứ (Martin) không yêu cầu Tổng
thống (Ford) cho di tản trước ngày 29.4 (ngày Tân Sơn Nhất bị pháo kích),
Martin trả lời: “Không, vì theo đánh giá kỹ nhất của tôi, nếu làm sớm hơn sẽ có
nguy cơ là xảy ra một tình trạng hỗn loạn với kết quả là một số rất đông người
Mỹ sẽ chết. Nó sẽ dẫn tới một sự khủng khiếp nặng nề nhất, đó là nhu cầu phải
đưa quá nhiều quân lực Mỹ vào, và chúng ta sẽ phải chiến đấu với quân đội miền
Nam (Sài Gòn) để mở đường tháo lui”.
TS. Hưng nhận định: “Ngày nay ta mới hiểu hết được tâm tư của đại sứ
Martin. Rõ ràng là thoạt đầu Washington chỉ muốn di tản nhân viên tòa đại sứ Mỹ,
cơ quan Tùy viên Quốc phòng DAO, công dân Mỹ và một số rất ít người Việt làm việc
cho Mỹ mà thôi. Và phương thức di tản thì lại quá ư là nguy hiểm. Ta thử tưởng
tượng: nếu Mỹ đem từ 3 tới 6 sư đoàn vào để chỉ di tản người Mỹ và bà con (của
họ), trước hết là TQLC chiếm đóng phi trường Tân Sơn Nhất, rồi Tòa đại sứ Mỹ;
sau đó trực thăng và từng đoàn xe Mỹ chở người tới phi trường (và cũng như vậy,
di tản từ các địa điểm khác như Biên Hòa, Cần Thơ). Khi thấy sự phản bội quá lộ
liễu như thế, liệu các đơn vị quân đội, cảnh sát, nghĩa quân, địa phương quân,
dân chúng Việt Nam Cộng hòa (miền Nam) có để yên hay không ? Vào đầu tháng 4,
sau những buổi họp tại dinh Độc Lập và Phủ Thủ tướng, tôi cũng đã bắt đầu nghe
thấy hai chữ “đ.m” (chửi Mỹ bỏ rơi Nam Việt Nam - GH)”…
Nhận xét
Đăng nhận xét