YỂU ĐIỆU THỤC NỮ
YỂU ĐIỆU THỤC NỮ
Sau màn bóng đá là tiếng đồn về
khả năng chuyển hệ từ thơ sang văn xuôi của tôi. Phải công nhận rằng khi dựa
lưng vào chân tường tôi chuyển hệ thật nhanh, phản xạ nghề nghiệp để mưu sinh
và để tự tồn tại. Lúc sinh con trai đầu lòng năm 1990, NXB Long An qua trung
gian Mặc Tuyền đặt hàng tôi viết tiểu thuyết YỂU ĐIỆU THỤC NỮ. Đây là tiểu thuyết
đầu tay của tôi được hoàn thành trong vòng đúng 15 ngày. YỂU ĐIỆU THỤC NỮ hao
hao như một kiểu tự truyện, vừa ra đời lập tức được bán hết, được một NXB khác
tái bản, và được Hãng Phim Giải Phóng kết hợp với Đài Truyền Hình Cần Thơ thực
hiện thành phim nhựa màu 35 ly Agfa đầu tiên trong thời điểm đó. Phim do ông
Huy Thành đạo diễn với dàn diễn viên trẻ tuổi ăn khách Lê Công Tuấn Anh, Thành
Lộc, ca sĩ Ngọc Sơn, Diễm Hương, Kim Khánh, Thế Anh… chiếu rộng rãi khắp các rạp
trên toàn quốc. Phim YỂU ĐIỆU THỤC NỮ sau đó được một Việt Kiều mua đứt bản quyền
đem sang Mỹ kinh doanh và coi như tuyệt bản ở Việt Nam. Sẵn đà thắng lợi, hàng
loạt tiểu thuyết của tôi với đề tài tương tự về giới trẻ tiếp tục xuất hiện
trên diễn đàn các báo cho tuổi mới lớn qua hình thức đăng Feuilleton, xuất bản
thành sách và sau đó làm phim như TÓC TIÊN, CỎ VEN ĐƯỜNG, MÊNH MÔNG TÌNH BUỒN…
Năm 1994, ông Nguyễn Thắng Vu
giám đốc NXB Kim Đồng lúc đó có vào Sài Gòn gặp tôi và đưa nguyên tác tiếng Đức
cuốn TKKG của nhà văn Stefan Wolf lẫn bản dịch tiếng Việt của dịch giả Vũ Hương
Giang, đề nghị tôi phóng tác thành bộ truyện trường thiên thiếu niên giang hồ
võ hiệp mang hơi hướm ngôn ngữ và cuộc sống thời kỳ hiện đại. Không hiểu ai giới
thiệu tôi cho ông, nhưng qua sự tín nhiệm của ông Nguyễn Thắng Vu, tôi thấy có
bổn phận phải đưa đến cho độc giả trẻ tuổi Việt Nam đang thiếu thốn thức ăn tinh
thần một bộ truyện bổ ích nói lên được ước mơ, khát vọng hành hiệp của các em.
Tôi liên tưởng đến phong cách dịch tài hoa của Ngọc Thứ Lang qua cuốn BỐ GIÀ của
Maria Puzzo mà tôi từng mê đắm. Thế là 70 cuốn TỨ QUÁI TKKG ra đời gây sóng gió
dư luận trong suốt 2 năm với số bản in trung bình mỗi cuốn là 60 ngàn bản hằng
tuần, phá mọi kỷ lục về số lượng phát hành lúc đó (và tới tận bây giờ). Sau
thành công bất ngờ của TKKG, ông Nguyễn Thắng Vu tiếp tục đặt hàng tôi bộ truyện
đặc sản Việt Nam mang tựa NĂM SÀI GÒN và bộ truyện này trong năm 1997 cũng tiếp
tục gây chấn động dư luận với 40 cuốn, mỗi cuốn ra hằng tuần có số lượng in
trung bình 20 ngàn bản, cũng là con số kỷ lục của một bộ sách Việt Nam cùng với
KÍNH VẠN HOA của Nguyễn Nhật Ánh. Bộ truyện NĂM SÀI GÒN đã thực hiện thành phim
truyền hình năm 2006 – 2007 với bước đầu 15 tập mang tên NGŨ QUÁI SÀI GÒN chiếu
trên màn ảnh nhỏ khắp cả nước. Bí quyết duy nhất của tôi khi viết những bộ truyện
bán chạy có lẽ không khác gì người tù vượt ngục Henry Charriere phát biểu với
báo chí khi viết cuốn PAPILLON. Đó là “Nếu viết hồi ức về cuộc đời kiểu đó có
nhiều người mua thì tôi dư sức viết được”. Nghe thì đơn giản nhưng để đạt
khái niệm “dư sức viết được” có khi phải đổi bằng máu và nước mắt suốt cả cuộc
đời.
Cũng trong thời gian này tôi còn
mở màn cho đầu sách truyện tranh màu của NXB Kim Đồng bằng 15 cuốn HẢI ĐẠI BÀNG
nói về tuổi thơ của những đứa trẻ giống tôi ở những khu xóm bùn lầy nước đọng.
Tôi chỉ đáng tiếc bộ truyện NĂM SÀI GÒN vì những lý do khác nhau phải “chết
non” ở tập 40, trong khi tôi chuẩn bị cho năm nhân vật của mình đi chu du vòng
quanh thế giới cho đến cuốn 70. Bộ truyện kết thúc đột ngột kéo theo bao nhiêu
là thư từ và nước mắt của những độc giả trẻ tuổi khắp ba miền đất nước đổ về
tôi như một lời trách móc.
Năm 1994 với tôi có khá nhiều biến
cố. Ngoài chuyện “ăn nên làm ra” trong lãnh vực văn xuôi, tôi còn tham dự Hội
Nghị Nhà Văn Trẻ toàn quốc tổ chức tại Hà Nội. Theo lịch trình của Ban Tổ Chức
đại hội thì tôi và Phan Thị Vàng Anh sẽ phát biểu về thơ và về văn. Trên diễn
đàn, thay vì đọc diễn văn tôi lại hùng hồn bày tỏ nguyện vọng khí phách của một
người cầm bút cô độc qua bài thơ TUYÊN NGÔN THI. Bài thơ làm choáng váng hai
hàng ghế đầu của giới lãnh đạo chính trị, văn hóa ngồi phía dưới. Nhưng ngược lại
tạo nên sự phấn khích tột độ chưa từng có của đa số những người cầm bút trẻ hôm
đó. Tôi đã nhận được những tràng pháo tay vang dội, những cuộc đề nghị phỏng vấn
riêng của báo chí, truyền hình, tuy nhiên điều quan trọng nhất là bài TUYÊN
NGÔN THI không bao giờ được xuất hiện nguyên văn trên mặt báo. Nó mãi mãi tồn tại
như một giai thoại độc nhất vô nhị tại thủ đô Văn Miếu cho đến lúc mạng
Internet xuất hiện trên toàn cầu:
BÙI CHÍ VINH
Nhận xét
Đăng nhận xét