Kỳ 1: Công bố hồ sơ mật của chính quyền Sài Gòn
Qua loạt bài này, chúng tôi hy vọng với những trích dẫn từ các tài liệu của
Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Hà Nội), của
Phủ Tổng thống và Phủ Thủ tướng VN Cộng hòa (Sài Gòn), của cơ quan tình báo CIA
(Mỹ) và tình báo Hoa Nam (Trung Quốc) sẽ cung cấp thêm đến bạn đọc thông tin từ
nhiều phía về diễn tiến sôi động của cuộc chiến tranh VN dẫn đến sự kiện lịch sử
30.4.1975…
Gần 40 năm sau ngày 30.4, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (TP. HCM) thuộc Cục
Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) lần đầu tiên cho công bố hồ sơ mật và tối
mật của chính quyền Sài Gòn qua một số ấn phẩm, trong đó có hai cuốn:
1.
Về đại thắng mùa xuân năm 1975
Qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn” (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội
2010), do GSTS Phùng Hữu Phú, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng
ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, làm Trưởng ban chỉ đạo biên soạn
(1). Lời tựa viết:
“Thu thập và bảo vệ toàn bộ tài liệu lưu trữ của chính quyền Sài Gòn thời
kỳ trước năm 1975, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ
nhà nước - Bộ Nội vụ muốn chia sẻ một phần "bí mật" về động thái của
giới cầm quyền Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong cơn tuyệt vọng khởi từ hiệp định
hòa bình tháng giêng năm 1973 cho đến trưa ngày cuối cùng của tháng Tư hai năm
sau đó (...) với nhiều tư liệu lần đầu tiên được công bố” (PGS. TS.Hồ Sơn Đài).
2.
Từ chiến dịch xuân hè 1972 đến Điện Biên Phủ trên không
(NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2013), do TS. Vũ Thị Minh Hương - Cục trưởng
Cục văn thư và Lưu trữ nhà nước chỉ đạo công bố (2).
Cả hai cuốn gộp lại dày trên 760 trang, khổ 16 x 24cm, với nhiều tài liệu
có đóng dấu “Mật” hoặc “Tối mật” như hồ sơ số 568 - Font ĐIICH (3), “Thượng khẩn”
hoặc “Hỏa tốc” (hồ sơ số 241 - Font ĐIICH), cả bản thảo phát biểu viết tay có
chữ ký của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (hồ sơ số 572 - Font ĐIICH) - được thâu
giữ từ Phủ Tổng thống (dinh Độc Lập) và các cơ quan nội chính, tình báo và an
ninh quân đội…
Hồ sơ số 18620 - font PTTg (4) của Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ đô (Sài Gòn)
có đóng dấu "Kín" và "Thượng khẩn" (thảo ngày 14 và
15.4.1975) ghi nhận tình trạng xáo trộn trong quân đội Sài Gòn vào những tuần
cuối của cuộc chiến: "Một số quân nhân thuộc các đơn vị phòng thủ hay đồn
trú tại địa phương đã xin phép hoặc trốn về thu xếp di tản gia đình và đã không
trở lại đơn vị, hoặc vì lưu thông gián đoạn, hay vì gia đình cầm giữ. Một số
quân nhân khác vẫn để gia đình tại chỗ - khi cuộc tấn công xảy ra số quân nhân này
đã bỏ để về lo bảo bọc gia đình. Các sự kiện trên đưa đến tình trạng tan rã
...".
Văn bản đó do trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, kiêm
Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định ký, huấn thị rõ về triển khai gấp rút hệ thống “tử
thủ” Sài Gòn với 5 liên khu và các bộ chỉ huy chiến thuật “mỗi bộ chỉ huy do một
đại tá làm chỉ huy trưởng với các thành phần tham mưu chuyên trách về hành
quân”. Đồng lúc, biện pháp “quân sự hóa 335 khóm hiện hữu tại đô thành được thực
hiện với quân số của Bộ Tổng tham mưu cung cấp”. Phân tích thêm: "Hiện trạng
dân số đông đảo, hỗn tạp của Đô thành (Sài Gòn) đã gây trở ngại trong việc kiểm
soát an ninh, thêm vào đó, đồng bào từ các vùng chiến nạn tản cư đến, cùng với
những quân nhân lạc ngũ, vô kỷ luật từ các đơn vị trốn về Thủ đô (Sài Gòn) đã tạo
thêm môi trường cho cộng sản xâm lược (chỉ Quân Giải phóng) lợi dụng để xâm nhập
đặc công, cán bộ vào Đô thành" - gởi Phủ Tổng thống, Phủ Thủ tướng, Bộ Quốc
phòng, Bộ Tổng tham mưu cùng các đơn vị trực thuộc ngày 17.4.1975.
Vào thời điểm trên, theo hồi ức của đại tướng Võ Nguyên Giáp: ông Lê Đức
Thọ đã từ Hà Nội vào Nam công bố Quyết định ngày 6.4.1975 của Bộ Chính trị về
thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Sài Gòn - Gia Định (chiến dịch Hồ Chí Minh), gồm:
Văn Tiến Dũng (Tư lệnh), Phạm Hùng (Chính ủy), Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng
Tấn, Đinh Đức Thiện (Phó tư lệnh), Lê Quang Hòa (Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm
chính trị), Lê Ngọc Hiền (Quyền Tham mưu trưởng, chuyên trách tác chiến), Nguyễn
Văn Linh (Phó Bí thư Trung ương Cục, đặc trách phong trào nổi dậy của quần
chúng, nhất là Sài Gòn), Võ Văn Kiệt (Ủy viên thường trực Trung ương Cục, chỉ đạo
việc tiếp quản thành phố). Đúng 10 ngày sau (16.4.1975), Quân Giải phóng đánh
chiếm Phan Rang, bắt sống đại tá tỉnh trưởng tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Tư (lúc
9 giờ 30), bắt chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang - Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân và
trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Phó tư lệnh Quân đoàn 3 (lúc 10 giờ), cùng hàng
nghìn sĩ quan binh lính Sài Gòn. Ngay sau đó Bộ Tổng tham mưu lệnh đưa tướng
Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Ngọc Sang từ Phan Rang ra Hà Nội bằng máy bay gấp. Ra
đó, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được đưa vào gặp các sĩ quan Cục tác chiến để trả lời
một số câu hỏi.
Về hướng hiểm yếu để tiến công Sài Gòn, tướng Nghi nhận định “tiến công từ
Gò Dầu hạ - Trảng Bàng” là dễ chiếm thế thượng phong nhất (5). Quân ủy Trung
ương và Bộ Tổng tư lệnh cũng nắm được phương thức bố trí “các kho đạn chính ở
Nhà Bè và Cát Lái (Long Bình chỉ là kho tiếp liệu)” và Sài Gòn “dựa chủ yếu vào
lực lượng không quân, nên các sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa và Cần Thơ giữ vai
trò quan trọng, đặc biệt là sân bay Biên Hòa, nơi đậu các máy bay cường kích F5
và A37” (Võ Nguyên Giáp, sđd). Được hỏi lý do thất bại nhanh chóng của quân đội
Sài Gòn tại mặt trận miền Trung và Phan Rang, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi nói thẳng:
- Chúng tôi thiếu tiếp liệu và thiếu thời gian. Nếu các ông đánh chậm một
tháng nữa thì chưa biết sẽ ra sao !
Nhận xét
Đăng nhận xét