ĐÊM LÍNH CŨ


ĐÊM LÍNH CŨ

Một người cầm bút khác ngoài Bắc vô Nam tìm gặp tôi là nhà văn Bảo Ninh thành danh với cuốn NỖI BUỒN CHIẾN TRANH. Hôm đó cách đây hơn 15 năm, chiều mưa rả rích ở một quán nhậu trên đường Mạc Đỉnh Chi có tôi, Bảo Ninh, Nguyễn Trọng Tín, Vũ Ngọc Giao, Trần Hữu Dũng… Trong cơn say, hai kẻ hành khất chống nạng bán vé số rong ôm đàn guitar phím lõm hát bài nhạc SƯƠNG TRẮNG MIỀN QUÊ NGOẠI não nùng đến bàn chúng tôi chào mời khách. Tôi bàng hoàng bởi anh chàng cụt giò nghêu ngao vọng cổ có khuôn mặt bầu bĩnh chính là một người lính Sài Gòn cũ trong Xóm Lách mà tôi cư ngụ. Tôi kể chuyện đó cho Bảo Ninh, một người cầm súng ở chiến tuyến ngược lại. Cảm giác rờn rợn và liêu trai ấy đã giúp tôi hoàn thành bài thơ ĐÊM LÍNH CŨ đọc cho bạn bè, và sau đó chép vào sổ tay theo yêu cầu của Bảo Ninh. Không biết người bạn giang hồ phương Bắc giờ này còn lưu những bút tích đó hay không?

ĐÊM LÍNH CŨ

“Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm”
Bài nhạc đầy cải lương nói về người lính
Nam Bắc phân tranh, chiến hào Nguyễn Trịnh
Điệu Habanara nón sắt úp trên đầu

“Sương trắng rơi vai tôi ướt rồi sao?”
Vai ai ướt, Bắc Kỳ hay Nam Bộ?
Đời lính thú lưu đồn quên cố thổ
Một chữ lính viết hoa, bao ngôn ngữ đều thừa

Gặp lại bạn bè cũ vẫn như xưa
Thằng nào cũng hát những bài ca tang chế
Điệu Bolero như một lời trách khẽ
Tiếng đàn đêm bỗng hóa tiếng than dài

Phải rồi tiếng đàn quen thuộc ở Chu Lai
Nắp hầm đầy rêu ta ngồi bưng mặt khóc
Nghe gõ nhịp điệu sênh tiền lóc cóc
Nhạc ngựa reo thấp thỏm giọng nam trầm

Phải rồi tiếng đàn quen thuộc ở Chư Pông
Dân “sinh Bắc tử Nam” không cần Trương Lương thổi sáo
Thằng ca sĩ lính Cộng Hòa cụt đầu, cây guitar chảy máu
Khán giả hét “xung phong” qua tiếng pháo ngậm ngùi

Phải rồi phải rồi, tiếng đàn quen thuộc ở đây thôi
Thằng đang là đồng chí, thằng từng là chiến hữu
Cũng tiếng đàn ấy tưởng xưa mà chẳng cũ
Dù đứt một dây, gân cổ vẫn nghẹn ngào

Mười năm mới gặp nhau, mỗi đứa một cơn đau
Cởi áo binh chủng sao hồn còn vằn vện
Nói gì đây khi rửa tay gác kiếm
Chỉ biết lặng im chờ thái độ tiếng đàn

Nhưng tiếng đàn của binh nhì thì không chọn lọc giống sĩ quan
Lại Habanara, lại Bolero, lại những bài hát ấy
Không phải Tango, không phải Valse quý phái
Mà rất rưng rưng con mắt kẻ giang hồ

Giải phóng về ta bỏ súng làm thơ
Bạn bè tàn phế phải ăn mày hát dạo
Tiếng đàn từ đó trở thành ra giọt máu
Máu đã ứa ra không thể ứa hai lần

Không thể quay đầu trước xương máu nhân dân
Và đóng ngược vào đời mình đinh nhọn
Cám ơn lời ca và tiếng đàn chưa muộn
Đã đánh thức ta sau mười tuổi công hầu

Theo tôi, sự tiên tri và cảnh báo những bi kịch của thời đại không chỉ dành độc quyền cho cá nhân tôi mà là tài sản tinh thần chung của các thi sĩ có tài năng bẩm sinh, từng trãi vốn sống và chịu sự vùi dập sóng gió của định mệnh. Vấn đề là kẻ nào “dám ăn dám nói dám viết đầu tiên”. Những kẻ đi tiền phong trong lãnh vực thơ tiên tri đều có sứ mạng thiêng liêng như các thánh tông đồ trong Thiên Chúa Giáo hoặc các hành giả trong Phật Giáo. Họ có thể tử đạo vì thơ của mình nhưng tên tuổi họ mãi mãi bất tử trong lòng quần chúng.

BÙI CHÍ VINH


Nhận xét

Bài đăng phổ biến