VÂN VÂN và MÂY MÂY…

VÂN VÂN và MÂY MÂY…
Nếu có ai cắc cớ hỏi: "Này, tớ thấy trong câu văn có lúc xuất hiện "v.v…", vậy "lai lịch" của nó thế nào nhỉ?".

Theo Đại từ điển tiếng Việt (1999): "v.v.: vân vân, viết tắt; dùng sau một sự liệt kê, có nghĩa là "và còn nữa, không thể kể ra hết". Truyện thơ Nôm khuyết danh Nhị độ mai ghi rành rành: "Hạnh Nguyên ra yết cửa ngoài/ Ngứa gan tấm tức mấy lời vân vân". Và, Truyện Kiều có câu: "Nén hương đến trước Thiên đài/ Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân".

Có phải trong những câu thơ trên, "vân vân" này được hiểu theo nghĩa "còn nữa, không thể kể ra hết"? 

Theo Việt Nam từ điển (1931): "còn thế nữa" là cách hiểu như hiện nay ta đã hiểu. Với câu Kiều vừa dẫn chứng, Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị (1965) cũng có đưa vào mục từ "vân vân" (viết tắt v.v.). 

Cụ Đào Duy Anh cho biết thêm: "Cùng nghĩa như vân vi, chỉ lời này lời khác" (Từ điển Truyện Kiều). "Vân vi" là đầu đuôi câu chuyện", Đại từ điển tiếng Việt giải thích: "Đầu đuôi sự tình" và xếp chung "vân vân/vân vi".

Từ các giải thích trên, ta có thể hiểu nôm na, từ dùng chỉ việc/chuyện nọ, này, kia, còn nữa, còn chưa kể lể/liệt kê ra hết, đầu đuôi gốc ngọn thì sử dụng "vân vân/vân vi"; về sau, "vân vân" lấn lướt, chiếm ưu thế loại bỏ "vân vi". Rồi tự bao giờ "vân vân", chỉ viết gọn lại "v.v…", và ai là người tiên phong khởi xướng để nay đã trở thành thói quen phổ biến? 

Với câu hỏi cố tình bắt bí này, thú thật, tôi đây bí rị bà rì, xin nhường câu trả lời cho các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học.

Vẫn biết "v.v…" xuất hiện sau khi dứt sự liệt kê, nhưng vẫn có người viết/đọc cực kỳ ngộ nghĩnh: "Vân vân và mây mây". Cách diễn đạt ấy, chỉ có thể xuất hiện trên… báo Tuổi Trẻ Cười (số 1.10.2017), không ai khác chính là người phụ trách chuyên mục "Jesse Cười". 

Âu cũng là một cách nghịch ngợm nhằm tạo ấn tượng cho người đọc/nghe. Sở sĩ như vậy, ai cũng thừa biết "vân" là Hán Việt có nghĩa là mây.

Mây thì bay trên trời, tất nhiên, nhưng "Đi mây về gió" không chỉ hiểu theo nghĩa có phép mầu nhiệm, biến hóa thần kỳ; thường xuyên đi lại, ít ở một nơi cố định. 

Nay đã mở rộng nghĩa, chẳng hạn, chàng kia tâm tình: "Chẳng thèm nói phét làm gì, tớ đây thường xuyên đi mây về gió". Tức chàng ta là phi công - hành nghề bằng phương tiện hiện đại mà đầu thế kỷ XX, người dân nước Nam lần đầu tiên kinh ngạc trước sự việc lạ lùng - như Quận môn Nguyễn Hữu Bài đã cảm nhận: "Mới đó nhập nhờn vừa khỏi đất/ Bỗng đâu phất phới đã ngang trời". 

Đây cũng là lần đầu tiên trong thi ca Việt Nam xuất hiện bài thơ vịnh… chiếc máy bay.
Không chỉ có thế, "đi mây về gió" còn nhằm nói lên cảm giác của những ai nhiễm thói xấu lúc sử dụng chất kích thích để tìm cảm giác "phê như con tê tê". 

Còn "Buôn mây bán gió"? Câu thành ngữ này nhằm chỉ kẻ khoe khoang buôn bán nọ kia nhưng thực ra chẳng nghề ngỗng gì ráo.

Ca dao có câu so sánh rất hàm súc: "Đôi ta như nút với khuy/ Như mây với núi biệt ly không đành". Nếu dại dột thay thế "mây" bằng "vân" (dù không trái nghĩa) nhưng nghe khó lọt lỗ tai. 

Ngược lại, "Quả cau nho nhỏ/ Cái vỏ vân vân", nếu thay đổi "vân vân" bằng "mây mây" thì sao? Thì… tha hồ hứng lấy "gạch đá", vì rằng "vân vân" trong ngữ cảnh này lại hàm nghĩa có nhiều đường cong nhỏ lượn song song tự nhiên trên bề mặt của sự vật nào đó, chẳng dính dáng gì đến mây.

Vâng, dù nghe rõ mồn một từ mây nhưng chẳng dính líu gì đến "vân", cũng chẳng liên quan gì đến "mây". Chẳng hạn, "Mây tắt chẻ ngược, mây nước chẻ xuôi, mây đắng chẻ đầu đuôi chẻ lại", thì chẳng phải mây bay trên trời mà ở đây lại hướng dẫn cách chẻ cây mây. 

Nó cũng đã từng xuất hiện trong thành ngữ "Bứt mây động rừng", tương tự "Đánh trống động chuông", tức nhân việc này mà động đến việc khác. Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn (1897) của Paulus Của Huỳnh Tịnh cho biết, làm mất lòng nhau, thời đó cũng là gọi là "động".

"Giác Duyên từ biệt giã nàng/ Đeo bầu quẩy níp rộng đường vân du" (Truyện Kiều), thì "vân du" là từ nhằm chỉ đạo sĩ, người tu hành đi đó đi đây giống như mây trôi trên trời, mây bay đi. 

Thế nhưng, một người ân cần hỏi: "Tía má bạn đã trăm tuổi rồi sao?". Người này đáp: "Vâng ạ, song thân của tôi đã vân du tiên cảnh". Ta ngầm hiểu là người đó đã mất.
Ca dao Nam bộ có câu: "Đố ai lên võng đừng đưa/ Lên đu đừng nhún thì chừa lang vân". Dù chưa hiểu rõ nghĩa nhưng do có từ "chừa", lập tức ta biết đó là tính xấu; và sực nhớ đến câu "Lang vân trắc nết", tức thì "lang vân" là chỉ người phụ nữ hư thân mất nết, bỏ chồng đi theo trai.

Không những thế, ta cũng còn biết "vân vũ" là từ Hán Việt có nghĩa "mây mưa" nhằm chỉ thiên nhiên thời tiết, trời cao, thiên giới.

Tuy nhiên, "mây mưa" còn hàm nghĩa chỉ việc trai gái ăn nằm với nhau!

LÊ MINH QUỐC

Nhận xét

Bài đăng phổ biến