LOAY HOAY CHỮ NGHĨA

LOAY HOAY CHỮ NGHĨA

Tôi đọc được trên trang mạng VietNamnet một bài viết ngày 15-6-2015 khá lý thú về chuyện dùng từ ngữ có tựa Hiện tượng từ vựng tiếng Việt âm đầu "d - gi", bài viết của tác giả THS. GVC. Đỗ Thành Dương, Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang. Tôi copy, trích một đoạn dưới đây:

"Tiếp theo, có trường hợp do không hiểu rõ nghĩa gốc của từ ngữ mà tạo nên hai quan niệm khác nhau, dẫn đến hai cách viết khác nhau, như cuộc tranh luận cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ về tên gọi Thánh Dóng hay Thánh Gióng, Hội Dóng hay Hội Gióng.
Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh, người có nhiều công trình nghiên cứu về Thánh Dóng thì cả quyết tên của cậu bé (là Thánh Gióng sau này) là Dóng, con ông Đùng bà Đà, chứ không phải như mọi người sau này suy diễn là vì cậu bé suốt ngày chỉ nằm trên thúng tre, treo trên cái gióng (cái quang gánh) nên có tên là Gióng. Và hiện nay vẫn cứ tồn tại cả hai cách viết.

Tra cứu các mục từ “gióng” trong từ điển tiếng Việt , ngoài các nghĩa trên ra, ta thấy thêm các từ “gióng” khác có những nghĩa khác nhau: “gióng” là đoạn giữa hai mắt của một số cây có thân thẳng; đốt, VD Gióng mía, gióng tre. “gióng” có nghĩa là thúc ngựa đi (ít dùng) VD gióng ngựa.
Mấy năm trước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị và được Chính phủ chuẩn y trình lên UNESCO đưa Lễ hội Thánh Dóng vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Mặc dù vậy, trong Công văn 5299 ban hành ngày 4/8/2009 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, lại dùng chữ Thánh Gióng."
(Hết trích).

Tôi thử tra một số từ điển tiếng Việt xưa nay về vài chữ quen thuộc có âm đầu là "d - gi", chẳng hạn như: bánh dày (bánh giày), ng (gióng), (thánh Dóng hay thánh Gióng):

- Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của (Saigon 1895-1896) có từ Bánh giầy (có dấu mũ): thứ bánh dẻo làm bằng bột nếp, dùng chày quết nhuyễn đặt vê tròn tròn, ấy là bánh một người con thứ vua Hùng-vương làm mà dâng, cùng được nối ngôi cho vua cha.

- Việt Nam Tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội - 1931), Dày (bánh), Thứ bánh hình tròn, làm bằng xôi dã.

- Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học (Hà Nội - Đà Nẵng 1997), bánh giầy d. Bánh làm băng xôi giã thật mịn, nặn thành hình tròn, dẹt, có khi có nhân đậu xanh.

- Từ điển chính tả thông dụng, GS Nguyễn Kim Thản, NXB Khoa học Xã hội - 1995, ghi bánh giầy.

- Từ điển chính tả Tiếng Việt, Như Ý, Thanh Kim, Việt Hùng, NXB Giáo Dục - 1995, ghi bánh dày.

- Chính tả tiếng Việt, Hoàng Phê, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, ghibánh giầy.

Như vậy ta thấy các quyển từ điển đều dùng chữ giầy, và dày trong bánh giầy(bánh dày).
Còn chữ gióng (thánh Gióng hay thánh Dóng):

- Việt Nam Tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội - 1931) viết: Gióng. Tên Nôm làng Phù Đổng thuộc tỉnh Bắc Ninh, sinh quán của Phù Đổng Thiên Vương.

- Tự vị Chính tả của Lê Văn Hòe, in tại Hà Nội (trước 1954 nhưng không ghi ngày tháng), ghi nhận không có chữ Dóng.


Tự vị Chính tả của Lê Văn Hòe.

Ngoài ra nhiều quyển từ điển tiếng Việt khác không thấy ghi nhận thánh Gióng hay thánh Dóng.

Như vậy, nếu căn cứ trên những quyển từ điển tiếng Việt xưa nay, một số chữ giữa "d" và  "gi" như đã nói bên trên cũng khó biết được viết thế nào cho chính xác.

Tham khảo:
- Những sách đã dẫn.


Phạm Ngọc Hiệp

Nhận xét

Bài đăng phổ biến