NỖI BUỒN THÀNH NGỮ - TỤC NGỮ - Nguyễn Đức Dân


NỖI BUỒN 
THÀNH NGỮ - TỤC NGỮ 

Trong kỳ chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia hôm 16-8, đáng buồn là tất cả học sinh giỏi của những trường tiêu biểu có học sinh giỏi này lại không phân biệt được thành ngữ và tục ngữ.

Trong kỳ chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 15 có một câu hỏi dành cho học sinh ở bốn đầu cầu truyền hình tại bốn trường có học sinh được vào vòng chung kết: Một câu thành ngữ tiếng Việt nói về kim loại dẫn nhiệt tốt?

Cả bốn đầu cầu đều đưa ra đáp án là Lửa thử vàng gian nan thử sức và tất nhiên đều sai bởi đơn giản đây là một tục ngữ chứ không phải thành ngữ.
Đáng buồn là sau 12 năm học tiếng Việt, học đủ những lý thuyết về ngôn ngữ học nhưng tất cả học sinh giỏi của những trường tiêu biểu có học sinh giỏi này lại không phân biệt được thành ngữ và tục ngữ. Thành ngữ là những cụm từ nêu lên những hình ảnh, những khái niệm. Tục ngữ là những câu nêu lên những triết lý, kinh nghiệm, nhận thức về những quy luật trong cuộc sống tự nhiên và xã hội của con người.

Lời giải đáp của cố vấn chương trình là thành ngữ lạnh như tiền. Vì tiền xưa bằng đồng, mà đồng dẫn nhiệt rất nhanh, tay nóng sờ vào tiền, nhiệt lập tức “hút” sang tiền nên tay thấy lạnh. Đó là cách hiểu thành ngữ này theo nghĩa đen. Câu “Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng” (Cung oán ngâm khúc) được hiểu theo nghĩa đen. Trong thực tế, nhiều thành ngữ được dùng theo nghĩa bóng, tức là nghĩa biểu trưng. Ai không thể hiện chút tình cảm gì, thái độ gì trong quan hệ giao tiếp với người khác thì được gọi là mặt lạnh như tiền. Đây là nghĩa bóng của thành ngữ này.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức là một tục ngữ gồm hai vế là hai câu ngầm so sánh với nhau: Lửa [dùng để] thử vàng [thật hay giả], tựa như gian nan [dùng để] thử sức [chịu đựng khó khăn, gian khổ của con người].

Thiết nghĩ trong chương trình “tích hợp” tới đây, Bộ GD-ĐT nên đưa vào những kiến thức tối thiểu, cơ bản, nặng tính thực hành để học sinh hiểu tiếng Việt, dùng đúng tiếng Việt, bắt đầu từ việc phân biệt thành ngữ với tục ngữ.

NGUYỄN ĐỨC DÂN


Nhận xét

Bài đăng phổ biến