CHỮ NGHĨA

CHỮ NGHĨA

Trái quýt bên trái còn xanh, 2 trái phía sau đã chín, ở giữa là trái ương (nửa xanh nửa chín). Ảnh Internet

Mấy hôm nghỉ lễ tuần trước rảnh chiều ghé nhà bạn chơi, trời nóng quá ra trước hiên nhà bạn ngồi uống cà phê. Bạn hỏi, chữ ươn (g) viết có g không? Con bạn mới hỏi mà bạn không biết trả lời ra sao. Tôi chơi với bạn đã lâu, bạn là người gốc miền Bắc, nhưng các cụ của bạn đã vào Nam từ hồi đi "Tân thế giới" năm bốn mươi mấy của thế kỷ trước, sanh bạn ra ở miền Nam, thuở nhỏ bạn lại ở trong xóm chơi với toàn bọn trẻ con cùng lứa miền Nam, nên nói tiếng Nam, bạn cũng hay lẫn lộn từ ngữ kiểu thế này. Tôi hỏi lại, nhưng bạn muốn nói chữ ươn (g) gì? Bạn nói, thì người ta hay nói dở dở ươn (g) ươn (g) đó. À, bạn muốn nói đến câu dở dở ương ương, nếu vậy thì chữ này phải làương (có g) chứ không phải là ươn.

Chắc bạn đã quên mất câu thơ hồi còn đi học của Tú Xương:

Vị Xuyên có Tú Xương
Dở dở lại ương ương
Cao lâu thường ăn quịt
Thổ đĩ lại chơi lường!

(Trần Tế Xương - Tự Vịnh)

Về từ ngữ thì chữ ươn và ương đều có ý nghĩa, và ý nghĩa của hai chữ khác nhau. Chữ ươn và ương (trong dở dở ương ương) là từ tiếng Việt, không phải từ Hán Việt. Chữ Nôm viết ươn ( ), bộ Nhục bên trái (chỉ ý) và chữ An  (chỉ âm) bên phải, có nghĩa là: 1. thực phẩm không còn tươi. 2. Biếng nhác. 3. Khó ở. Và ương (  ), chữ đầu  mượn nguyên chữ ương  của chữ Hán Việt (tai ương, phép Giả tá), chữ sau  gồm chữ ương  (trung ương) của chữ Hán (bên phải, chỉ âm), ghép thêm bộ Tâm (chỉ ý) bên trái, thành chữ ương, có nghĩa là: 1. Gan lì, khó bảo. 2. Trái cây sắp chín.

Tôi cũng lấy giải nghĩa của ba quyển từ điển tiếng Việt qua những thời kỳ là Đại Nam Quấc âm tự vị của Hùinh Tịnh Paulus Của. Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, và Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) để làm căn cứ xem xét:

Đại Nam Quấc âm tự vị ghi:

- Ươn: quá cử, hết tươi, có mùi hôi, dở dang, yếu đuối, không yên trong mình.
- Ương ương: lỡ dở, không được, không không, không ra bề gì.

Việt Nam tự điển ghi:

- Ươn: 1. Nói về cá thịt không tươi, gần thối. 2. Khó ở trong mình.
- Ương: nói trái cây gần chín: ổi ương. Nghĩa bóng: nói tính gàn dở, bướng bỉnh: người có tính ương.

Từ điển tiếng Việt ghi:

- Ươn: 1. (Tôm, cá) không còn tươi nữa, bắt đầu có mùi hôi. 2. (Kết hợp hạn chế). Không được khỏe lắm, hơi ốm (lối nói kiêng tránh). 3. Hèn, kém.
- Ương: (Quả cây) ở trạng thái gần chín.
- Ương: Gàn, cứ theo ý mình, không chịu nghe ai.

Đấy là giải nghĩa về chữ ươn, và ương, còn về chữ dở trong dở dở ương ương, có nghĩa là dở dang, dở chừng, chứ không phải là hay - dở.

Ở đây tôi chỉ ghi những từ liên quan đến chữ cần nói, không ghi những chữ đồng âm nhưng khác nghĩa.

Ngoài từ điển giải nghĩa từ, thì những quyển từ điển khác về chính tả, như Từ điển chính tả thông dụng của GS. Nguyễn Kim Thản, Từ điển chính tả tiếng Việt của Như Ý, Thanh Kim, Việt Hùng, đều ghi nhận chữ viết đúng là dở dở ương ương.

Thuở nhỏ tôi hay nghe người lớn trong nhà nói "quả này còn ương đấy đừng ăn", có nghĩa là trái cây này chưa chín đừng ăn, hoặc là "quả này ương ương", có nghĩa là quả này chưa chín (thậm chí còn xanh). Hình như chữ ương để chỉ trái cây gần chín, hay ương ương để chỉ trái nửa xanh nửa chín là phương ngữ(*) miền Bắc? Bởi tôi chỉ nghe người lớn trong nhà nhắc bọn trẻ tụi tôi như thế, còn khi nghịch phá leo cây hái trái với tụi nhóc tì "Nam bộ" trong xóm, thì tụi nhóc gọi thứ trái ương, hay ương ương đó là trái "hường hường", hoặc cũng có khi nói thành "hườm hườm".

Trong những quyển từ điển xuất bản tại miền Nam trước năm 1975, như Đại Nam Quấc âm tự vị (Hùinh Tịnh Paulus Của 1895-1896), Việt Nam Tân tự điển của Thanh Nghị - NXB Thời Thế Saigon-1951), Tự điển Việt Nam (Ban Tu thư Khai Trí-Saigon 1971), hoặc gần đây là quyển Từ điển Từ ngữ Nam bộ của TS Huỳnh Công Tín (NXB Chính Trị Quốc Gia-2009)..., đều không có từ ương, hay ương ương để chỉ trái cây chưa chín.

Nhưng đến câu thành ngữ dở dở ương ương thì phải hiểu theo nghĩa khác, là nghĩa bóng, không còn nói về trái cây nữa. Chắc chúng ta đã từng nghe câu nói "đồ dở dở ương ương", hoặc "hắn ta dở dở ương ương quá", để chỉ một người theo như nghĩa bóng của Việt Nam tự điển giải thích là người có tính có tính bướng bỉnh, gàn dở. Hoặc của từ điển tiếng Việt là gàn, cứ theo ý mình, không chịu nghe ai.

Theo Đại Nam Quấc âm tự vị cũng có thể dùng từ ương ương để nói về một đồ vật lỡ dở, không được, không ra bề gì. Chẳng hạn có lần tôi được anh em ở ngoại quốc gởi cho một cái áo sơ mi, mà màu sắc sặc sỡ, "chim cò" (từ "chim cò" để chỉ sự lòe loẹt trong ăn mặc của quý anh, quý ông, bây giờ ít ai dùng), áo mặc đi làm cũng không được mà đi chơi cũng chẳng xong, đúng là một cái áo dở dở ương ương, (điều này cũng hoàn toàn đúng khi nói về người, một người lỡ dở không được, không ra bề gì, hiền không ra hiền, dữ không ra dữ, khôn không ra khôn, ngu không ra ngu, gàn dở...), nghĩa là... dở dở ương ương, dân miền Nam còn gọi là "đồ cà chớn"...

Như vậy câu dở dở ương ương, viết Ương ương chứ không phải ươn ươn,người ta hay dùng để chỉ người có tính bướng bỉnh gàn dở, chẳng chịu nghe ai mà cũng chẳng giống ai... Hoặc trong chừng mực ít hơn cũng có thể dùng chỉ đồ vật, để chỉ những đồ vật lỡ dở, chẳng dùng được vào việc gì...

Phạm Ngọc Hiệp


Ghi chú:
- Tham khảo các Từ điển đã dẫn.
(*) Phương ngữ: Còn gọi là Tiếng địa phương, được chia ra: Phương ngữ lãnh thổ (tiếng phổ biến ở một vùng nhất định), và Phương ngữ xã hội (Tiếng phổ biến của một cộng đồng, hoặc một nhóm người trong xã hội) (theo Từ điển Giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Giáo Dục-2003).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến