MỘT SỐ TỪ, CỤM TỪ TIẾNG VIỆT THƯỜNG BỊ DÙNG SAI (P.1)

MỘT SỐ TỪ, CỤM TỪ TIẾNG VIỆT
THƯỜNG BỊ DÙNG SAI (P.1)

Trên những tờ báo, kể cả báo in lẫn báo điện tử ra hằng ngày, trong những bản tin phát trên đài truyền hình, ta dễ dàng bắt gặp nhiều trường hợp người viết, người nói sử dụng không chính xác tiếng mẹ đẻ. Có những từ, cụm từ với nghĩa khá rõ ràng, dễ hiểu mà vẫn cứ bị dùng sai. Tình trạng lặp đi lặp lại cái sai đó dẫn đến việc làm hỏng ngôn ngữ, khiến nó mất đi sự chính xác, trong sáng. Tôi xin lược ra vài trường hợp.

Bây giờ đã đầu tháng 5, tức là sắp diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Đương nhiên báo chí phải quan tâm, phản ánh thông tin thời sự, nhưng tôi thấy hầu hết, kể cả những tờ có uy tín, lâu nay khá cẩn trọng trong sử dụng tiếng Việt, đều viết "thí sinh đi thi". Xin nhớ  “thí sinh” có nghĩa là người đi thi rồi, còn nếu muốn viết chính xác thì phải là "học sinh đi thi", có nghĩa người học đi thi. Đã dùng chữ "thí" (thi) thì đừng dùng "thi" nữa.

Trong nhiều bản tin, bài viết, chúng ta cũng hay gặp cụm từ “người dân tộc” với hàm ý chỉ dân tộc thiểu số, ví dụ viết rằng “chương trình xóa đói giảm nghèo đặc biệt quan tâm đến người dân tộc”. Cũng có thể đây là cách nói tắt, viết tắt nhưng như vậy rất sai. Nước ta có 54 dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đông nhất là người Kinh, chiếm hơn 85% dân số. Những dân tộc còn lại, như Tày, Thái, Mường, Dao, Lô Lô, Brâu được gọi là dân tộc thiểu số. Thiểu số có nghĩa là số ít, chiếm số ít. Ví dụ dân tộc Ơ Đu tổng cộng chỉ có 376 người (theo thống kê năm 2009). Dù chiếm số nhiều, đông như người Kinh, hay số ít như người Ơ Đu thì cũng đều là dân tộc. Nếu viết “người dân tộc” nhằm nói về các dân tộc thiểu số thì vô hình trung cho rằng người Kinh không phải dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt. Chính vì vậy, phải viết đầy đủ là: người dân tộc thiểu số, đồng bào dân tộc thiểu số, các dân tộc thiểu số… Có một thời, để nhằm Việt hóa những từ Hán Việt, người ta đã thay “dân tộc thiểu số” bằng “dân tộc ít người” nhưng có lẽ sự lôm côm, dở Hán dở Việt ấy (cũng như trường hợp dân quân gái) khó được chấp nhận nên sau lại quay về cụm từ “dân tộc thiểu số” trong các văn bản.

Có từ khác nữa cũng gốc Hán Việt bị dùng chưa chuẩn, ngay cả trong rất nhiều văn bản của nhà nước chứ không phải chỉ trên báo chí, là “tàn tật”, “khuyết tật”. “Tàn” có nghĩa tổn hại, làm cho hư hại, “tàn tật” là chỉ cơ thể hoặc bộ phận cơ thể bị hư hại, bị hỏng, không hoạt động được bình thường. “Khuyết” có nghĩa là thiếu, vắng, không đầy đủ, lầm lỗi. Khuyết điểm là cái điểm, vị trí nào đó còn thiếu. Người bị mù là người tàn tật chứ không phải khuyết tật bởi họ vẫn có mắt (chứ không phải khuyết, không có) nhưng nó bị hỏng (tàn). Người điếc, người thọt chân, người bị cụt tay cụt chân do chiến tranh… cũng vậy, đều là người tàn tật. Cụ Hồ khi thăm thương binh đã động viên chiến sĩ “các chú tuy tàn nhưng không phế”. Gọi những người bị hư hỏng bộ phận cơ thể nào đó là người tàn tật tức là chỉ đúng một thực thể chứ không nhằm hạ thấp ai cả. Có ai đó bảo rằng phải gọi là khuyết tật để làm giảm nhẹ đi, cho đối tượng được nhắc đến bớt mặc cảm, buồn tủi. Nếu chỉ vì những lý do như vậy thì sẽ tới một ngày ngôn ngữ trở nên tùm lum tà la mất, ai muốn dùng tùy tiện thế nào cũng được, miễn là nêu ra cái lý do có vẻ nhân đạo.


Nguyễn Thông

Nhận xét

Bài đăng phổ biến