“NHẶT SẠN” VĂN CHƯƠNG

“NHẶT SẠN” VĂN CHƯƠNG

Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu có một dạo phụ trách chuyên mục “Người dọn vườn” trên tuần báo Văn nghệ. Mục này chuyên tìm những lỗi về kĩ thuật, về nghệ thuật sáng tác trong các tác phẩm văn học đương thời. Ông “dọn vườn” rất kĩ với những lời phê bình nghiêm khắc mà nhiều khi khá cay độc . Đọc chuyên mục này người ta vừa được thư giãn vừa ái ngại cho những người bị “dọn” : Có thể sẽ có người vì bị chọc quê, vì cụt hứng mà bỏ nghề cầm bút đi chăng ? Nhớ có lần Xuân Diệu giới thiệu tác phẩm của một chuyên viên khí tượng. Bài thơ kể về sự kiện một trạm khí tượng mới được khánh thành làm cho mấy “em” chuồn chuồn trở nên thất nghiệp, trong đó có câu:

Em liếc nhìn anh như hờn trách…

Người dọn vườn khuyên nhà thơ này hãy về đọc lại cuốn Sinh học lớp 7, bởi trong đó dạy rằng mắt chuồn chuồn là mắt kép bao gồm nhiều tinh thể hợp lại. Vậy thì “em” chuồn chuồn” liếc thế quái nào được!

     Lại nói thêm về danh xưng “em” trong thơ. Có một thời các thi sĩ nhà ta sính dùng từ này cho nhiều đối tượng chẳng hề “em” tí nào, từ những loài thảo mộc, côn trùng, chim cá đến những thứ vô tri vô giác. Hình như người ta nghĩ rằng như thế sẽ làm tăng độ… “ướt” cho thơ. Cụ Xuân Diệu rất dị ứng với cách “tu từ” kiểu này. Những câu như “ Zin ba cầu em hỡi!…” hay “ Hỡi em người nữ anh hùng!” đều bị ông “phang” không thương tiếc. Hiện nay thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những câu thơ sử dụng danh xưng nhầm chỗ như thế, chẳng hạn có người gọi cái Linga bằng “em”( Linga là biểu tượng sinh thực khí dương trong Ấn giáo):

          -  Có lẽ nào em lại khỏa thân, Linga- dựng đứng thuở yêu nồng…
(Miền lá trở- Thơ Thảo Nguyên-Nxb Đà Nẵng 2008)

      Hoặc lễ độ tới mức xưng “con” với…mùa hè:

          - Thưa Hè! Con vẫn còn đây!
Còn tươi sắc nắng, còn đầy tiếng ve… 
(Bóng làng-Thơ Ngô Hà Phương-Nxb Đà Nẵng 2008)

     Chúng ta đang sống trong cuộc cách mạng thứ 3 của khoa học kĩ thuật. Những khái niệm, thuật ngữ, tri thức mới xuất hiện dày đặc từng ngày từng giờ. Nếu không cẩn thận, người sáng tác văn học dễ mắc lỗi về kiến thức như chơi. Và nếu là những kiến thức đã trở thành phổ thông thì thật là khó ăn khó nói với người đọc.

     Trong tuyển tập truyện và kí của nhà văn Nguyễn Thi có một tình tiết kể về một anh chàng chờ người yêu trên rẫy từ lúc sao Hôm sắp lặn cho đến khi sao Mai vừa mọc. Tác giả và người đọc đều nghĩ đó là thời gian của một đêm nhưng thực ra là cả…nửa năm trời. Bởi vì sao Hôm hay sao Mai đều là những tên gọi khác nhau của sao Kim trong Thái dương hệ, ở phương tây gọi là sao Venus (Vệ Nữ). Sao này có 6 tháng mọc trước mặt trời gọi là sao Mai, 6 tháng lặn sau mặt trời gọi là sao Hôm.

     Trong bài “Quả đất này của chúng mình” ( Thơ Định Hải, nhạc Trương Quang Lục) có câu:
“Quả bóng xanh bay giữa trời xanh”

ý nói quả đất màu xanh chuyển động trong một bầu trời cũng màu xanh. Trong thực tế thì bầu trời xanh mà ta vẫn thấy chính là lớp bên ngoài của khí quyển. Khi quay quanh mặt trời và kể cả trong chuyển động tự xoay quanh trục, quả đất không phải quay trong bầu khí quyển của mình mà mang cả nó theo giống như khi ta đi chơi phải mặc áo vậy. Còn bầu trời ngoài trái đất chỉ là một màu đen ngòm. Không tin thì cứ hỏi... Gagarin và các phi hành gia của Nga, Mĩ.

     Dẫu sao, đó là những sự cố do thiếu kiến thức về khoa học tự nhiên, một lĩnh vực có thể châm chước được đối với những người như Xuân Diệu đã từng tự thú:

“ Hãy biết rằng anh lúc ở trường,
rất tồi toán pháp khá văn chương...”.

Nhưng những lỗi về tri thức phổ biến như trong các trường hợp sau thì các tác giả cần phải đề phòng cẩn trọng hơn:

          - “ Vịt con lạc mẹ ” 
là tựa đề một bài thơ thiếu nhi của một nhà thơ khá nổi tiếng ở Đà Nẵng. Than ôi! Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu rằng vịt mái có bao giờ ấp trứng đâu mà vịt con có mẹ? Có lẽ nhà thơ muốn nói đến loài “ vịt giời ” chăng?

          - “...ông Lâm cười hề hề, vừa khoe tờ hai trăm đô mới toanh cô Giang thưởng công...” 
( Chuyện vui vui ở xóm-Truyện ngắn T. Đ.).

Hình như tác giả đã tiên đoán sau này thế nào ngân hàng nhà nước Mĩ cũng phải in các đồng đô la có mệnh giá lớn gấp đôi đồng trăm đô hiện nay do kinh tế Mĩ đang tụt dốc(!).

           - Do tuổi Dần, đời mẹ đã lao đao về chuyên hôn nhân. Trên 30 tuổi( tức khoảng dưới 35) mẹ mới sinh ra con gái... cũng tuổi Dần nên đời con lận đận... 
(Con gái tuổi cọp- Truyện ngắn Quảng Nam).

Mấy ông thầy tướng số mà đọc đoạn văn này chắc phải... đốt sách, bởi xưa nay nếu 2 người cùng tuổi âm lịch thì phải cách nhau một bội số của 12 . Một bà mẹ đẻ con cùng tuổi mình thì lúc đó phải là 25, 37, 49 chứ làm gì mà trên 30?

          - “...mụ vợ chỉ thêm vào một ít dành dụm được từ tiền bán lứa heo nái được giá hồi đầu năm...”.
(Thương hiệu đờn cò Bảy hòe-Truyện ngắn T.Đ.).

Không rõ nhà này nuôi heo thế nào mà lại bán cả lứa heo nái, chắc là lỗ to nên mới thế chứ ở quê  người ta chỉ bán lứa heo con, lứa heo thịt. Còn bán cả lứa heo nái có nghĩa là bỏ luôn cả nghề nuôi heo rồi đó.

     Bên cạnh các lỗi do “đãng trí” như trên, có không ít tác phẩm văn học thiếu tính logic về thời gian hoặc không gian. Điều này có thể làm giảm đi độ tin cậy trong cảm thức người đọc.

          - “ Chưa lần nào đến thăm em
          Dẫu hai nhà cách một phên gió lùa
          Hai vườn cách một rào thưa…

         
Nhưng sau đó:
          “…Vườn em tre cứ xanh ngần
          Gai khoe sắc nhọn dễ gần được đâu…”
          (Vườn-Thơ N.B.Hòa, tạp chí Đất Quảng số 70)

          Hai nhà cách chỉ tấm phên mỏng nên gió có thể lùa từ nhà này sang nhà kia được. Xin hỏi các thầy dạy môn địa lí có loại gió nào như thế không? Còn hai vườn chỉ cách một rào thưa nhưng lại ken dày bằng hàng tre gai khoe sắc…nhọn. Thật là khó hình dung cái trật tự không gian của 2 khu vườn và 2 ngôi nhà đó.

           - Có một nhân vật truyện ngắn vì thấy làm người lương thiện khó quá nên lên tận trên trời nộp đơn xin làm… kẻ bất lương. Nhưng Ngọc Hoàng thì đang bận…nhậu. Trong lúc đứng chờ bên bờ sông anh ta trông thấy một hàng cây cổ thụ rất đẹp. Anh ta lan man nghĩ:

“…không biết họ chỉ nghĩ đến việc chống sạt lở hay đã tiên tri được hiệu ứng nhà kính đang trở thành nguy cơ lớn của nhân loại? Trái đất càng nóng lạnh thất thường, dữ dội, càng nghiệm rõ hơn giá trị của rừng…” 
(Truyện ngắn QN).

Chẳng rõ đây là bờ sông Ngân Hà trên trời hay sông nào ở trần gian?

           - Trong một truyện ngắn khác, tác giả tính toán thế nào mà lại cho rằng khoảng năm 89, 90 của thế kỉ trước là “ thời văn minh di động, a còng…”. Trên thực tế, ở nước ta mới có mạng Mobiphone từ năm 93, Vinaphone vào năm 96. Còn mạng internet chỉ mới được kết nối từ năm 97.

      Ngoài ra, cũng cần nói đến những trường hợp dùng sai từ  ngữ nước ngoài, nhất là trong truyện ngắn, nghiên cứu lí luận. Trước hết là sai về chính tả, thí dụ  Graphic viết thành Grafic, Cubase ghi là Cubax ( Cubase là một phần mềm chép nhạc), còn nhạc Zazz là thứ chưa hề có mà chỉ có nhạc Jazz…

Bên cạnh đó là khá nhiều tác giả sử dụng từ ngữ không đúng chỗ. Chẳng hạn từ “ Cứu cánh” trong triết học có nghĩa là mục đích cuối cùng ( Cứu cánh biện minh cho phương tiện), thế nhưng dường như hiện nay người ta vẫn dùng rất phổ biến với nghĩa cứu giúp, hỗ trợ. Hoặc từ Internet lại được sử dụng một cách…hóc búa như trong câu 2 câu thơ sau:

          - “…Ta lỡ hẹn, đáy sông còn sóng vỗ
          Mùa Internet tưng bừng nhoi nhói nắng hàng cau…”
                                                    (Ngu ngơ- Thơ N.H.Phương)

     Thiết nghĩ, dẫu cho “Văn chương tự cổ vô bằng cứ” đi nữa thì cũng cần có một độ tin cậy nào đó thì người ta  mới đọc. Cũng như khi kể chuyện tiếu lâm, muốn cho người ta chịu khó ngồi nghe rồi ôm bụng cười thì cần phải kể như thật mặc dù ai cũng biết đó là chuyện phịa. Hơn nữa, sự chuẩn xác trong văn chương còn thể hiện bản lĩnh và thái độ của người viết qua tác phẩm, nhất là đối với những ai đã coi con đường này là một nghiệp dĩ của đời mình.


PHẠM VĂN MIMH

Nhận xét

Bài đăng phổ biến