DÙNG SAI CẢ TIẾNG MẸ ĐẺ (Kỳ 2)
DÙNG SAI CẢ TIẾNG MẸ ĐẺ
(Kỳ 2)
Trên mặt báo, hoặc trong các chương trình truyền hình, ta luôn gặp trường
hợp người Việt sử dụng sai tiếng Việt, tức tiếng mẹ đẻ.
Có một cụm từ rất thường xuất hiện trên mặt báo: "nguyên nhân là
do..." hoặc "nguyên nhân chủ yếu là do...". Không thể được.
Nguyên
nhân là cái gì thì nói thẳng ra, vậy
là thừa từ "do" hoặc từ "nguyên nhân". Ví dụ: Tôi học dốt,
nguyên nhân là lười; Tôi học dốt do lười.
Mỗi lần đọc báo hoặc nghe phát thanh viên trên tivi đọc cụm từ sai
trên, tôi hiểu rằng bây giờ chả có ai chịu nhắc nhở họ.
Tiếng Việt có câu thành ngữ "Té nước theo mưa" nhưng không ít
tờ báo khi sử dụng câu này lại chuyển thành "Tát nước theo mưa".
Báo An ninh thế giới có lần rút tít "Trừng phạt Nga, châu
Âu khó mà "tát nước theo mưa"...
Nghĩa của câu thành ngữ "Té nước theo mưa" là chỉ hành vi lợi
dụng cơ hội, hoàn cảnh nào đó để vừa thủ lợi, vừa che giấu được mình, khó bị
phát hiện. Nhìn chung hành vi này không phải là tốt, đối tượng thực hiện không
phải người đàng hoàng.
Vấn đề cần bàn là chữ nghĩa khi một số nhà báo sử dụng thành ngữ này. Họ
không hiểu chữ "té", một động tác tung, vung nước lên thành những giọt
nhỏ, giống như hạt mưa, sự trà trộn này khó bị phát hiện, khó phân biệt đâu là
nước mưa, đâu là nước té. Còn "tát" thì múc nước chỗ này đổ sang chỗ
khác, cả một lượng lớn, chả liên quan gì đến mưa cả, lại càng không thể lợi dụng
mưa để che giấu hành động của mình. Vả lại khi khô hạn thì người ta mới đi tát
nước, chứ đã có mưa rồi thì xếp gầu ở nhà, đi tát làm chi cho mất công, đó là
chưa kể cần phải tháo bớt ra bởi sợ úng ngập.
Thỉnh thoảng chúng ta thấy trong bài hoặc tin tức này nọ trên mặt báo
có từ "phong phanh", ví dụ: nghe phong phanh ai nói. Dùng vậy là sai,
từ chính xác phải là "phong thanh".
Phong
thanh là một từ ghép có gốc Hán Việt,
phong là gió, thanh là âm (tiếng, lời nói), cứ chiết tự ra thì có nghĩa âm
thanh trong gió. Nghĩa bóng của từ này, theo Từ điển Hán Việt của cụ
Đào Duy Anh là tin tức, còn mở rộng ra thì có nghĩa là thoáng nghe được, thoáng
biết về điều gì đó chưa rõ ràng, chưa chắc chắn lắm. Trong văn cổ còn có cụm từ
"phong thanh hạc lệ" (tiếng gió thổi, tiếng hạc kêu), khi mình có điều
gì nghĩ ngợi trong lòng thì nghe cái gì cũng cảm thấy sợ, giống như nghe gió thổi
hạc kêu cứ ngỡ có ai đang đuổi mình. Cụ Nguyễn Đình Chiểu có câu "Tiếng
phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn trông
mưa" là vậy.
Còn phong
phanh là từ láy tượng hình thuần Việt,
để chỉ vật chất dạng ít, sơ sài, mỏng manh, nói chung là chỉ trang
phục, quần áo, nhất là khi trời rét lạnh, ví dụ: ăn mặc phong phanh thế kia thì
làm sao chịu nổi.
Như vậy, phải viết là "nghe phong thanh" chứ không phải
"nghe phong phanh" như nhiều người dùng sai bấy lâu nay.
Nguyễn Thông
Nhận xét
Đăng nhận xét