TIẾNG LÓNG SÀI GÒN XƯA
TIẾNG LÓNG SÀI GÒN XƯA
Tiếng lóng là ngôn ngữ “phi chuẩn mực”,
thường bị chê là cách nói không đàng hoàng, lộn xộn, khó nghe và khó hiểu.
Con
cái mà nói tiếng lóng là bị cha mẹ la rầy, nhân viên mà văng những từ lóng khó
hiểu là sếp không ưa, đi đến nhà người yêu mà nói tiếng lóng là bị mất điểm
trong mắt ông bà nhạc tương lai.
Tuy
vậy, người ta vẫn thích nói từ lóng, trước hết để tránh đề cập đến những chuyện
không tiện nói huỵch toẹt, hai là để người thứ ba không chú ý, để câu chuyện đỡ
nghiêm trọng, để cho vui, vân vân.
Thời
nào có tiếng lóng của thời đó. Cách nay hơn nửa thế kỷ, Sài Gòn thêm nhiều người
từ miền Bắc vào sống chung. Rồi lai rai người khắp các nơi, từ các tỉnh miền
Trung cho đến Tây Nam bộ đến chia sẻ cái nắng cái gió Sài Gòn. Người đông, vốn
từ ngữ trao đổi với nhau ngày càng phong phú.
Cuộc
sống thay đổi với thời gian, nhiều từ lóng lúc đó thịnh hành, bây giờ hầu
như không nghe ai nói nữa. Giới trẻ hôm nay nếu nghe lại có lẽ không biết nói
gì.
Xin
tạm nêu ra vài từ:
Dầu cù là:
bản
thân dầu cù là không thể là tiếng lóng, nhưng ở đây có nghĩa là “Đảng Cần Lao”.
Từ này xuất hiện cuối thập niên 1950, đầu 1960. Đó là khoảng thời gian cầm quyền
ở miền Nam của chánh quyền Ngô Đình Diệm. Giới viên chức thường hỏi nhau:
“Ê, ông có bôi dầu cù là không?”, là có ý hỏi: “Ông có chân trong đảng Cần Lao
không?”. Có “bôi dầu cù là” thì thế nào cũng được nâng đỡ về mọi mặt vì Đảng đó
do chính quyền Diệm – Nhu lập ra.
Tây hạ thành:
mỉa
mai những cái gì cổ lổ, cũ kỹ quá xá. Chẳng hạn như có người mặc cái áo cũ mèm,
người ta bảo: “Cái áo đó có từ hồi Tây hạ thành”, tức là có từ cả trăm năm, từ
khi người Pháp đánh thành Hà Nội. Không chỉ nói về những món đồ, từ này còn nói
về khái niệm phi vật thể, kiểu như ông nào đọc diễn văn dùng nhiều từ cổ quá lủng
củng và có khi biền ngẫu thì bị gọi là dùng ngôn ngữ “Tây hạ thành”. Từ này
na ná như từ hiện nay cũng còn một số người xài: thời Bảo Đại ở truồng.
Con cháu nhà Hán:
Trong
cuốn “Hán Sở tranh hùng” có chuyện vua Hán Cao Tổ vốn họ Lưu, sau này phá tan
được nhà Tần lên làm vua lập nên nhà Hán. Vì vua nhà Hán họ Lưu nên người ta
dùng chữ “con cháu nhà Hán” để chỉ những người có tánh “lưu ...manh” khó
chơi.
Phỗng:
Khi
đánh bài tổ tôm, khi ta đánh ra hai quân bài giống nhau, người khác đánh ra một
quân giống hệt, ta có quyền “phỗng”. Đáng lẽ quân bài đó người ngồi mé trên ta
có thể ăn để ghép vào cỗ bài của họ nhưng ta có đôi sẵn trong tay, ta có quyền
kéo quân bài đó về phía mình, đó là ”phỗng”. Người ở mé trên mình bị nâng mất
quân bài đáng lẽ mình được, tức là bị phỗng tay trên. Từ này người gốc Bắc nói
nhiều hơn.
Khổng tử viết:
Thập
niên 1950, 1960 cả nước mới thoát ra khỏi chế độ phong kiến chỉ năm mười năm, nền
nho học đã tàn lụi trước đó xa hơn chút nhưng vẫn còn kha khá những người theo
nho học, nệ cổ.
Có
anh đạo đức dù không tới nơi nhưng lúc nào cũng làm ra vẻ nhà nho đạo mạo
nghiêm cẩn. “Khổng tử viết” tức là “Đức Khổng tử có nói”, trong các sách Tứ
thư, ngũ kinh, các danh sĩ Trung Hoa xưa mỗi khi muốn dạy ai thường lấy câu này
ra để dựa cho chắc ăn.
Thế
là khi dân Sài Gòn ngán các anh hủ nho nói trên khi họ muốn lên lớp ai thì gọi
là “Khổng tử viết”, muốn chỉ cho thấy rằng anh đọc sách nho học như con vẹt, chẳng
thèm suy nghĩ gì.
Hia:
Có
nghĩa là cắt xén. Ai có tóc dài, râu dài thì bị nhắc phải ...hia bớt đi, phải cắt
ngắn đi. Hia còn có nghĩa là ném, vứt, lại có nghĩa là khuân vác. Ví dụ như:
“túm cổ, hia ra ngoài!”, hay “hia vài bao vô đây!”. Không ai biết tại sao có từ
này, nhưng giới lính tráng miền Nam trước đây dùng nhiều.
Nghe
lại những từ lóng này, có thể hình dung những ngữ cảnh cụ thể mà bây giờ những
người trẻ không thể hình dung ra được.
Đ.T
(Theo
tạp chí Chọn Lọc 1965)
Nhận xét
Đăng nhận xét