GỈ SÉT – RỈ SÉT – GÍ và DÍ

GỈ SÉT – RỈ SÉT – GÍ và DÍ
Vụ việc 17 tàu cá vỏ thép ở tỉnh Bình Định đóng mới theo nghị định 67 của Chính phủ đưa vào hoạt động chưa được một năm phải nằm bờ do hỏng máy, hư hỏng vỏ thân tàu. Và cụm từ nổi bật là: rỉ sét, hay gỉ sét?

Viết về đề tài này, nhiều bài báo đã giật tít với từ ngữ không thống nhất với nhau:

- Vụ tàu vỏ thép nằm bờ: gỉ sét lòng tin.
- Tàu gần 20 tỉ rỉ sét hay những cái đầu bị rỉ sét.
Vậy, “gỉ sét” và “rỉ sét”, cách viết nào đúng?

“Gỉ sét” thông dụng hơn

Danh từ gỉ có nghĩa là “chất do kim loại tác dụng với không khí ẩm tạo thành, ví dụ: gỉ sắt”. Còn trong trường hợp được sử dụng trong hai tiêu đề báo trên thì nó là một động từ có nghĩa là “bị biến thành gỉ, ví dụ: sắt gỉ”.

Còn rỉ cũng có cùng nghĩa như gỉ, nghĩa là sử dụng từ nào cũng đúng cả.

Về phương diện phát âm, với người thuộc vùng phương ngữ Bắc Bộ thì cả hai âm đầu “r” và “gi” đều phát âm đồng nhất với nhau là /z/, nên cả “gỉ” và “rỉ” đều được phát âm là [zi].

Còn với cư dân thuộc vùng phương ngữ Trung Bộ thì phát âm hai từ trên có phân biệt khác nhau: “gỉ” phát âm thành [zi] (như phương ngữ Bắc Bộ) và “rỉ” phát âm thành [i] (phụ âm đầu quặt lưỡi, không tồn tại trong hệ thống phương ngữ Bắc Bộ).
Nói cách khác, dù viết “dỉ-gỉ-rỉ” thì cư dân Bắc Bộ đều phát âm thành “dỉ”, còn cư dân Trung Bộ thì phân biệt rõ “gỉ-rỉ” (/z-/) khi phát âm.

Ngoài ra, đây còn là ví dụ cho hiện tượng cặp từ lưỡng khả trong từ vựng tiếng Việt. Hiện tượng lưỡng khả có thể diễn ra do trong cặp từ đồng thời được sử dụng có một từ thuộc loại khẩu ngữ, phương ngữ, thông tục, văn chương, trang trọng, kiểu cách, từ cũ, ít dùng...

Tuy nhiên, có khá nhiều trường hợp trong cặp từ lưỡng khả không thể xác định được từ nào thuộc các phong cách, sắc thái tu từ, phạm vi sử dụng nêu trên, mà cả hai từ đều được sử dụng tương đương nhau.

Trong đó các nhà từ điển học khuyến nghị dùng một trong hai từ (từ thứ nhất, in đậm trong cặp từ), ví dụ:

- gạo lức/ gạo lứt,
- đểnh đoảng/ đuểnh đoảng,
- tròng trành/ chòng chành,
- chỏng gọng/ chổng gọng,
- ghế tựa/ ghế dựa,
- gọt giũa/ gọt dũa,
- hằng ngày/ hàng ngày,
- huyên thuyên/ huyên thiên,
- mắc mứu/ mắc míu, rửng mỡ/ dửng mỡ, soong nồi/ xoong nồi, hoen gỉ/ hoen rỉ...

Như vậy, cân nhắc giữa việc lựa chọn sử dụng từ nào trong cặp từ lưỡng khả “gỉ sét” hay “rỉ sét” thì có lẽ nên theo khuyến nghị của các nhà từ điển học: dùng từ “gỉ sét” thông dụng hơn.

“Gí” hay “dí”?

Mở rộng thêm về hiện tượng chuyển âm từ âm đầu “gi” → “d”, ở một trường hợp khác, nhiều bài báo có tiêu đề còn nhầm lẫn giữa từ “gí” và “dí”:

(a) Bị gí súng uy hiếp, người mẹ vẫn lao vào cứu con.
(b) Dí súng vào đầu bạn nhậu giữa quán ăn đêm.

Trong trường hợp này, sử dụng từ “dí” là chưa phù hợp, vì trong từ vựng tiếng Việt không có từ “dí” đứng độc lập (trừ trường hợp duy nhất có tiếng “dí” trong từ “dí dỏm”).

Như vậy, tuy là một hệ thống chữ viết tiến bộ, có nhiều ưu điểm như đơn giản, dễ học, nhưng chữ viết tiếng Việt vẫn còn ít nhiều điều bất hợp lý, mà việc con chữ “g” vốn ghi âm vị //, trong trường hợp từ “gỉ” vừa khảo sát trên lại ghi âm vị /z/, là một ví dụ.

Do đó, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bên cạnh việc chọn từ ngữ chuẩn xác khi sử dụng trong giao tiếp sao cho đạt hiệu quả cao nhất, có lẽ việc khắc phục những nhược điểm của chữ viết, từ ngữ nước nhà cũng cần được đặt ra trong tiến trình cải cách lâu dài, kiên trì, bền bỉ để tiếng mẹ đẻ của chúng ta ngày càng hợp lý, trong sáng và giàu đẹp hơn.

HIỆN TƯỢNG "TAM KHẢ"

Nhân đây, trả lời một trường hợp khác mà khá nhiều người băn khoăn khi sử dụng, trong ba từ “sum sê/ sum suê/ xum xuê”, từ nào viết đúng chính tả?

Xin nói ngay là cả ba từ đều viết đúng chính tả, đều được sử dụng với cùng một nghĩa tương tự là: “(Cây cối) có nhiều cành lá rậm rạp, tươi tốt”, trong đó từ “sum suê” ít dùng hơn hai từ còn lại, và từ các nhà từ điển học khuyến nghị nên dùng là từ “sum sê”.

Đây là một trường hợp thuộc hiện tượng từ tam khả trong từ vựng tiếng Việt, tương tự như các trường hợp “sóng sượt/ sõng soài/ sóng soải”, “đàng hoàng/ đường hoàng/ đình huỳnh”, “giá đắt/ giá mắc/ giá mắt”...

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
----------------------------
Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Phê (1995), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học. 2. Đoàn Thiện Thuật (1999), Ngữ âm tiếng Việt, NXB ĐHQG Hà Nội.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến