VIẾT ĐÚNG CHÍNH TẢ: KHÔNG DỄ MÀ CŨNG DỄ!


Một trong những lỗi khá phổ biến trong bài làm của học sinh, sinh viên hiện nay là viết sai chính tả. Điều này có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Chủ quan, là do học sinh chưa được rèn luyện đầy đủ về kỹ năng viết đúng chính tả, bản thân lại thiếu ý thức “tự trang bị” vốn chính tả cho mình. Khách quan, là do chữ quốc ngữ được xây dựng theo những nguyên tắc của chữ viết ghi âm, do vậy, mặc dù về cơ bản, chính tả của tiếng Việt hiện đại đã được thống nhất trên toàn quốc nhưng bởi cách phát âm ở từng vùng, từng địa phương có khi rất khác nhau nên xảy ra tình trạng phát âm thế nào ghi ra thế nấy. Người miền Nam, miền Trung thường lẫn lộn hai thanh hỏi / ngã, các phụ âm cuối –C / -T, -N / -NG…, người miền Bắc thường lẫn lộn các phụ âm đầu TR- / CH-, S- / X- … cũng chính là vì trong phát âm đã không có sự phân biệt rõ ràng các thanh, các âm vừa dẫn.

Chính tả, đó là “cách viết chữ (tả) được coi là chuẩn ( chính )” (Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, HN, 1988). Mặc dù trong cách viết ấy có thể còn nhiều chỗ bất hợp lý ( ví dụ: trong chữ quốc ngữ, cùng một phụ âm, có khi viết là NG-, có khi viết là NGH-, chẳng hạn: NGỦ NGHÊ, hoặc cùng một phụ âm, có khi viết là C-, có khi viết là K-, có khi viết là Q-, chẳng hạn: CŨ KĨ, QUE v.v. ), nhưng ngày nào cộng đồng sử dụng chữ quốc ngữ của chúng ta còn chưa có sự thống nhất cải tiến những bất hợp lý đó thì ngày nấy chính tả hiện hành vẫn phải được tuân thủ.

Viết đúng chính tả không chỉ là biểu hiện của một trình độ văn hoá nhất định mà còn là biểu hiện của ý thức tôn trọng cộng đồng, của lòng yêu quý tiếng nói dân tộc. Đã có một giai thoại vui quanh việc viết sai chính tả một chữ trong một câu thơ của nhà thơ NG. B. : “ Đêm đêm binh lính tiễu quanh thành”. Khốn nỗi, thay vì tiễu (dấu ngã, tức tuần tiễu) người ta đã in thành tiểu (dấu hỏi, nghĩa là gì, chắc các bạn đều đã hiểu) ! Thật vô cùng tai hại ! Mà chỉ là một sơ suất không đâu, phải không các bạn ?

Người viết bài này sinh trưởng ở miền Trung nên hồi còn là học sinh trung học đệ nhất cấp ( bậc trung học cơ sở hiện nay ) cũng là một “chuyên gia” viết sai chính tả. Sau đó, nhờ bị “ quê độ” về chính tả, phải kiếm mua một cuốn từ điển tiếng Việt về làm sách gối đầu giường, gặp đâu tra đó cho đến khi nhớ chắc, chữ nào hay quên thì ghi riêng ra một cuốn sổ tay để làm “kinh nhật tụng”, nhờ vậy chỉ sau một năm học, hỏi/ ngã đã tương đối phân minh, nờ/ngờ, cờ/tờ đã đâu ra đó. Thật sung sướng vô cùng ! Từ “ kinh nghiệm bản thân” , người viết bài này mới dám khẳng định rằng: viết đúng chính tả, không dễ mà cũng dễ ! Vấn đề là ở bản thân có quyết tâm không.

Để khắc phục những lỗi về chính tả, trước hết, cũng như muốn chữa bệnh, bạn cần phải định bệnh, nghĩa là phải biết rõ mình hay mắc phải những loại lỗi chính tả nào để có hướng tập trung chữa đúng loại lỗi ấy. Có thể dựa vào nhận xét của thầy cô trên bài tập làm văn của bạn. Sau đó, hãy trang bị cho mình vài cuốn cẩm nang dùng cho việc tự chữa lỗi chính tả. Xin giới thiệu với bạn những cuốn dễ tìm: Từ điển chính tả tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, NXB Giáo dục, 1988 (cuốn này được tái bản nhiều lần ), Chữa lỗi chính tả cho học sinh của Phan Ngọc ( NXB Giáo dục, HN,1982), Mẹo luật chính tả của Lê Trung Hoa (Sở Văn hoá và Thông tin Long An XB,1984)… Nếu bạn đã có sẵn một cuốn từ điển tiếng Việt (của NXB Khoa học xã hội hay của NXB Giáo dục là tốt nhất ) thì dùng nó thay cho từ điển chính tả cũng được, chỉ hơi bất tiện trong việc tra cứu do dung lượng lớn mà thôi. Thế là đã có bột để bạn gột nên hồ rồi đó. Giờ thì bạn hãy ghi nhớ các mẹo luật nào liên quan đến những lỗi chính tả mà bạn thường hay mắc phải (đã được các nhà nghiên cứu nêu trong sách ) rồi vận dụng ngay đi ( đừng học hết các mẹo luật mà ngán và rối, nên nhớ sách được soạn cho nhiều đối tượng mà mỗi người lại chỉ mắc một số lỗi chính tả nhất định; từng thời kỳ, chỉ nên tập trung giải quyết một số loại lỗi, ưu tiên cho những chữ thường dùng ) và hãy kiểm tra bằng từ điển khi cảm thấy bán tín bán nghi …. ( Bạn cũng có thể tìm thấy các mẹo luật này trong những cuốn giáo trình Tiếng Việt thực hành dành cho sinh viên giai đoạn 1 ( Đại học đại cương ) gần đây được xuất bản khá nhiều. Và, như đã nói, nên có một cuốn sổ tay dành để ghi những chữ mà mình hay mắc lỗi, tóm tắt các mẹo luật để thường xuyên xem lại .

Cũng cần nói thêm, để việc ghi nhớ chính tả được bền, và hỗ trợ cho việc dùng từ chính xác, bạn nên tập phân biệt chính tả dựa vào sự phân biệt nghĩa của những cặp từ đồng âm, gần âm, ví dụ:ngủ – dấu hỏi là từ chỉ trạng thái ý thức tạm ngừng, trái nghĩa với “thức”, còn ngũ - dấu ngã là từ có các nghĩa “số năm”, hay trong các kết hợp “hàng ngũ”, “đội ngũ”… ; da – viết D- với các nghĩa có liên quan tới “ da thịt”, trong “da diết”, “ma da”, “cây da”, còn gia – viết G/- trong các trường hợp còn lại, với các nghĩa là “nhà” (vd. gia súc), chỉ “người có học vấn, chuyên môn” (vd. chuyên gia), là “thêm”(vd. gia vị), v.v. Để nắm chắc nghĩa, bạn hãy tra từ điển tiếng Việt (nếu có cả từ điển Hán – Việt thì càng tốt ). Và, nếu bạn có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với một người phát âm chuẩn về một số mặt nào đó, chẳng hạn người Hà Nội có sự phân biệt rất rõ hai thanh hỏi / ngã, các vần có âm cuối –N / -NG, -C / -T, thì bạn hãy tranh thủ phân biệt và ghi nhận chính tả qua phát âm của họ, đỡ công tra cứu !

Ngoài ra, để viết đúng chính tả - nhất là đối với các trường hợp mà chuẩn chính tả hiện nay chưa rõ, cách viết tên riêng tiếng Việt và không phải tiếng Việt, cách phiên thuật ngữ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt - bạn còn phải nắm chắc các quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt, quy định tạm thời về viết hoa trong sách giáo khoa và trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ (cụ thể là: “Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt” ban hành kèm theo Quyết định số 240/QĐ ngày 05-3-1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và các văn bản của ngành giáo dục; “Một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục” do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam và Bộ Giáo dục cùng thông qua tại Hà Nội ngày 30 tháng 11 năm 1980; “Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa, ban hành kèm theo Quyết định số 07/2003/QĐ-BGDĐT ngày 13/3/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và  Đào tạo”; “Quy định tạm thời về viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ”, ban hành kèm theo Quyết định số 09 1998/ QĐ – VPCP ngày 22 tháng 11 năm 1998 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)*.

Chúc các bạn sớm cười khà : “Chữa lỗi chính tả tiếng Việt, kể ra thì … chẳng khó!”…


TRẦN HOÀNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến