TÁI BẢN “TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT CỦA GS NGUYỄN LÂN -P2


TÁI BẢN “TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT
CỦA GS NGUYỄN LÂN
-PHÊ BÌNH VÀ KHẢO CỨU” (P2)

Trích tiểu mục 7 mới bổ sung trong bản 2018 (tổng 27 trang), thuộc mục “Tiếng mẹ đẻ”.

“7. Cách vận dụng từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ của GS. Nguyễn Lân” (tiếp theo).

o “e hèm • tht. Từ thốt ra tỏ ý còn e ngại <> E hèm! Có chắc cháu đỗ không?”.
GS. Nguyễn Lân đã giảng sai nghĩa của “e hèm”. Vì “e hèm” là tiếng phát ra từ cổ họng, kiểu “hắng giọng” hay “đằng hắng” trước khi nói điều gì; ra hiệu hoặc báo cho người khác biết có sự xuất hiện của mình, chứ không phải “tỏ ý còn e ngại”.

Từ điển Vietlex: “e hèm • đg. phát mạnh ra tiếng từ trong họng, thường để ra hiệu hoặc lấy giọng trước khi nói, đọc: có tiếng e hèm từ ngoài cổng ~ Ông ta e hèm một tiếng rồi dõng dạc đọc tiếp”. Theo đó, dùng “e hèm” đặt trong câu “E hèm! Có chắc cháu đỗ không?” là hoàn toàn vô nghĩa!

o “gan vàng dạ sắt • ng. Lòng chung thuỷ, không thay đổi <> Tin tưởng vào gan vàng dạ sắt của người yêu”.

Thực ra, “gan vàng dạ sắt”; “dạ sắt gan vàng”; “gan đồng dạ sắt”; “gan đá, dạ sắt”; “gan vàng dạ ngọc”…là nói về lòng gan dạ, dũng cảm, không nao núng, sợ hãi trước bất kì khó khăn nguy hiểm nào, chứ không phải nói “lòng chung thuỷ”. Bởi vậy, nếu ai đó viết “Tin tưởng vào gan vàng dạ sắt của người yêu”, có nghĩa tin tưởng vào sự trung thành của người yêu (trong hoàn cảnh bị địch bắt, nhưng vẫn không khai, không đầu hàng) chứ không phải là tin vào “lòng chung thuỷ” của người yêu đối với mình. Câu “gan vàng dạ sắt” chính là dị bản đồng nghĩa của “lòng gang dạ thép• ng. Tính cương quyết, không e sợ cường quyền; không lùi bước trước khó khăn <> Những chiến sĩ cách mạng ấy luôn luôn có lòng gang dạ thép trước sự đe dọa của thực dân”, mà chính GS. Nguyễn Lân đã thu thập và giải thích.

Tham khảo: Một vài ví dụ về cách dùng đúng: “Trong tập hồ sơ dày hàng gang của cơ quan công an bút tích của cha Hoan còn đó chứng tỏ ông ta chẳng phải tay gan vàng dạ sắt gì, hoá ra miệng hùm gan sứa, chó má thật.” (Mặt trời quê hương-Xuân Sách); “Người đảng viên đem gan đồng dạ sắt mình ra cứu làng.” (Những người cùng làng-Vũ Cao).

o “gần lửa rát mặt • ng. ở gần kẻ có quyền thế nhiều khi bị thiệt chứ có lợi lộc gì <> Người anh quyền cao chức trọng, nhưng tham nhũng, người em bị xấu lây, nên cứ phàn nàn là gần lửa rát mặt”.

Cách giảng của GS. Nguyễn Lân không rõ. Riêng ví dụ thì sai hoàn toàn. Vì nếu đúng như vậy, thì bố mẹ, vợ con của “người anh quyền cao chức trọng, nhưng tham nhũng” kia, còn “gần lửa” hơn và “rát mặt” hơn nhiều! 

Tham khảo: “gần lửa rát mặt” có nghĩa như một số từ điển sau đây đã giảng: “ví trường hợp ở gần người có quyền thế, gần cấp trên thì thường hay bị sai khiến, mắng mỏ hoặc xem thường.” (Từ điển Vietlex); “Gần quan trên, cấp trên thì luôn luôn phải giữ mình, chịu gò ép, giữ gìn ý tứ, không được tự do thoải mái.” (Từ điển Vũ Dung); “Gần người có quyền thế, gần cấp trên chỉ tổ bị hăm doạ, mắng mỏ, chứ chẳng được nhờ cậy gì” (Từ điển thành ngữ Việt Nam-Viện ngôn ngữ học). Ví dụ: “Bỏ hoang, dân cũng chẳng chết đói, gần lửa rát mặt. Chỉ mấy ông quản trị là khổ với cấp trên” (Gương mặt đồng chiêm-Ngô Thực).

Theo đó, “gần lửa rát mặt” là nói quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữalãnh đạo với nhân viên, chứ không phải giữa người có quyền chức và người thân, anh em trong gia đình, như cách vận dụng của GS. Nguyễn Lân.

o “giận mất khôn ng Ý nói khi tức giận, không bình tĩnh suy xét nên thường mắc sai lầm: Trong lúc nóng nảy, anh mắng chị ấy, nên giận mất khôn”.

Cứ theo ví dụ của GS. Nguyễn Lân, thì “anh” chàng nào đó, “mắng chị ấy” xong rồi mới “giận mất khôn”, chứ không phải vì “giận mất khôn” nên mới mắng chị ấy. Theo đó, ví dụ đúng phải là: Trong lúc nóng nảy, anh đã mắng chị ấy,đúng là giận mất khôn; hoặc Giận mất khôn, trong lúc nóng nảy, anh đã mắng chị ấy.

o “gieo vãi mạ • đgt. Tung hạt thóc ở ruộng mạ <> Sau tết nguyên đán anh chị đã ra đồng gieo vãi mạ”.

Người ta chỉ nói “gieo mạ”, hoặc “vãi mạ”, chứ không ai nói “gieo vãi mạ”. Còn khi nói “gieo vãi” là chỉ biện pháp gieo thẳng, gieo sạ (bỏ qua khâu làm mạ và cấy). Mặt khác, “gieo mạ” là rắc hạt giống đã nảy mầm xuống đất để làm mạ cấy, chứ không phải “tung hạt thóc ở ruộng mạ”.

o “ham thanh chuộng lạ • ng. Nói tính tình của những người thích những cái cho là hay, là lạ <> Anh ấy đi du lịch là vì ham thanh chuộng lạ”.

Ý thành ngữ phê phán những người có tính ham chuộng không đâu, thích chạy theo những cái mới, cái lạ. Còn “đi du lịch” là khái niệm khác. Người ta đi cho biết đó biết đây, đi để nghỉ dưỡng, giải trí chính đáng, không thể ví, hoặc đồng nghĩa với chuyện “ham thanh chuộng lạ”.

o “hang hùm nọc rắn • ng. (Hùm cũng là con hổ) Nơi rất nguy hiểm <>Những ổ cờ bạc chính là những hang hùm nọc rắn đối với thanh niên”.

“Hang hùm nọc rắn”, hoặc “Hang hùm miệng rắn” chỉ những nơi người ta dễ gặp nguy hiểm, tai hoạ (ví dụ, vào sào huyệt, hay đi qua địa bàn hoạt động của bọn cướp). Còn ổ cờ bạc là chốn phức tạp, dễ bị lôi kéo, nhiễm thói hư tật xấu, đem ví với “hang hùm nọc rắn” là khiên cưỡng.  

o “hao tài tốn của • ng. Làm hết dần của cải <> Nạn tham nhũng đã làm hao tài tốn của của Nhà nước”.

Thực ra, “hao tài tốn của” thường chỉ việc phải chi rất nhiều tiền của để làm một công việc nào đó (không đem lại lợi ích thiết thực). Còn nạn tham nhũng là lợi dụng quyền chức để ăn cắp của công, biến tài sản của nhà nước thành tài sản của mình, không ai gọi là “hao tài tốn của”.

 o “hiểm nghèo như treo sợi tóc • ng. Nguy hiểm đến mức có thể chết hoặc sụp đổ bất cứ lúc nào <> Đã có lúc tình thế hiểm nghèo như treo sợi tóc”.

Đúng ra phải là “như ngàn cân treo sợi tóc”. Bởi không phải bất cứ cái gì “treo sợi tóc” cũng đều nguy hiểm. Ví dụ, cái kim mà treo sợi tóc thì có gì mà hiểm nghèo? Theo đó, ví dụ “Đã có lúc tình thế hiểm nghèo như treo sợi tóc”, là cách nói không có trong thực tế.

 o “hiền thê • dt. (H. thê: vợ) Vợ hiền <> Trong lịch sử nước nhà không thiếu những bậc hiền thê”.

 “Hiền thê” có nghĩa là “vợ hiền”, thì đâu phải là những bậc “anh thư”, “cân quắc anh hùng” hay “liệt nữ”, mà đem “lịch sử nước nhà” ra làm bối cảnh, và gọi là “bậc hiền thê”?

o “hoà cả làng • ng. Không ai còn đổ tội cho ai <> Công việc của cơ quan trì trệ, nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm, thành ra hoà cả làng”.

“Hoà cả làng”, là nói xảy ra vụ việc cụ thể nào đó, có kẻ sai, người đúng, nhưng cuối cùng lại giải quyết theo kiểu không ai phải chịu trách nhiệm, “không còn kể ai phải, ai trái, ai đúng, ai sai, tất cả đều như nhau: làm thế thì hoà cả làng! (Từ điển Vietlex), chứ không phải “không ai còn đổ tội cho ai”. Còn chuyện “công việc của cơ quan trì trệ, nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm” trong ví dụ của soạn giả, gọi là “cha chung không ai khóc” thì đúng hơn.

o “hương thơm • dt. Danh tiếng tốt <> Để lại hương thơm muôn đời”.
“Danh tiếng tốt” thì phải là “danh thơm”, hoặc “tiếng thơm” chứ không phải “hương thơm”. Bởi vậy, người ta chỉ nói “để lại tiếng/danh thơm muôn đời”, chứ không ai nói “để lại hương thơm muôn đời” như soạn giả.

 o “im ỉm như gái đái gốc dâu • ng. Biết là làm bậy không dám nói ra (thtục) <> Nó trót đi buôn lậu, nên cứ im ỉm như gái đái gốc dâu”.

“Im ỉm như gái đái gốc dâu”, hay “Im ỉm như gái ngồi phải cọc”,  “Im ỉm như bà cốt uống thuốc”, có nghĩa tình huống đã lỡ xảy ra chuyện vô duyên, đáng xấu hổ, nên cố gắng che giấu, chịu đựng, lặng thinh không cho ai biết. Còn đã “đi buôn lậu”, thì người ta phải có mưu kế, tìm cách lén lút, trốn tránh cơ quan quản lý ngay từ đầu, ngay trong lúc “đi”, chứ sao lại “trót đi buôn lậu” rồi mới “im ỉm như gái đái gốc dâu”, “không dám nói ra”?

o “khư khư như ông từ giữ oản • ng. Chê người cứ giữ chặt, không chịu rời ra, không chịu thay đổi <> Họ giữ nguyên những hủ tục, cứ khư khư như ông từ giữ oản”.

“Khư khư như ông từ giữ oản”, hay “khư khư như ông từ giữ tráp”, “giữ như ông thầy giữ ấn”, “giữ như giữ mả tổ”…là nói về việc giữ gìn một đồ vật cụ thể nào đó (hữu  hình), không cho ai đụng đến. Còn giữ phong tục tập quán, hủ tục lạc hậu, là chuyện bảo thủ, ngoan cố, không chịu thay đổi (trừu tượng) không nên đem ví với chuyện “khư khư như ông từ giữ oản”.

o “lang lảng như chó cái trốn con • ng. Đi chỗ khác một cách lén lút <>Đương ngồi học, nhưng thấy bố xuống nhà ngang, cậu bé đã lang lảng như chó cái trốn con”.

Đây là một ví dụ có nhiều vô lí. Thứ nhất, cậu bé “đương ngồi học”, đâu có ngồi chơi hay nghịch ngợm gì, mà khi “thấy bố xuống nhà ngang” lại phải “lang lảng như chó cái trốn con”? Thứ hai, “lang lảng như chó cái trốn con” có nghĩa là lảng tránh, không dám, không muốn giáp mặt hoặc đến gần (như chúng tôi đã phân tích trong phần Phê bình khảo cứu Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam). Vì soạn giả hiểu sai thành “đi chỗ khác một cách lén lút” (đồng nghĩa “lẻn bước”: Thừa cơ lẻn bước ra đi-Kiều), nên mới viết “cậu bé đã lang lảng”, trong khi đúng ra phải là “cứ lang lảng”.
(còn tiêp)

 HOÀNG TUẤN CÔNG
 9/2018

Nhận xét

Bài đăng phổ biến