GIAI THOẠI NHÀ THƠ ĐIÊN BÙI GIÁNG


GIAI THOẠI NHÀ THƠ ĐIÊN 
BÙI GIÁNG

Nói đến nhà thơ Bùi Giáng thì ở miền nam ai cũng biết. Ông là một trí thức. Trong giới văn học nghệ thuật, ông là một thi sĩ nổi tiếng và dịch thuật nhiều tác phẩm văn chương quốc tế và ông còn là một giáo sư dạy tại các trường.

Người ta trông thấy ông đi lang thang trên khắp đường phố Sài Gòn với thân xác tiều tụy. Trên đầu ông đội cái nón mơ, vai đeo một cái bị to, một tay chống gậy và cứ thế lầm lũi đi không để ý đến ai cả. Ông vừa đi vừa lẩm bẩm như nói chuyện một mình, thỉnh thoảng lại nhếch mép cười không ra tiếng.

Bạn bè quen thuộc và các học sinh cũ của ông ai cũng nói là ông bị loạn trí hay bị điên rồi. Và họ chỉ còn biết lắc đầu thương hại và tội nghiệp cho ông.

Ông đi ăn xin. Hàng ngày, ông đi đến các nơi đông người ngả nón ra xin tiền. Ai thấy ông cũng đều cho. Ông nhận và cúi đầu cám ơn. Ông chỉ nhận tiền mà không nhận ra người cho là người quen hay học trò cũ của ông nên ai cũng yên trí là ông bị điên. Khi nào ông cảm thấy đói bụng, ông ghé vào các tiệm ăn sang trọng, ông đứng chờ thực khách ăn xong liền lễ phép xin các đồ ăn thừa. Ông đổ tất cả vào cái cà mèn rồi đem ra ngoài tìm chỗ nào vắng vẻ, lẳng lặng ăn một cách ngon lành. Khi nào khát nước, ông ra phong- ten cúi xuống uống, xong đi tìm chỗ nào mát ông để cái bị xuống gối đầu, làm một giấc ngủ bình an.

Đôi khi người ta còn thấy ông lôi ra các cuốn sách ngoại quốc ở trong bị, ông đọc và ngâm thơ của họ, và của ông. Rồi ông ghi chép các câu thơ của ông mới làm xong.

Có hôm trời Sài Gòn nóng bức quá, thế là ông cởi hết quần áo, trần truồng tự nhiên, lội xuống các bồn nước ở các công viên đường Nguyễn Huệ, trước cửa Tòa Đô Chánh ông tắm một cách thoải mái. Đôi lúc ông mót tè, ông cũng thản nhiên vạch quần ra tè ngay trên đường phố truớc mặt nhiều người qua lại. Mọi người trông thấy nhưng chẳng ai trách ông một lời nào cả, họ lắc đầu thương hại cho ông già điên.

Cơm thì ăn xin, nước có các nơi công cộng rồi, ông có tiều xài gì đâu mà cần đến tiền. Ông đi xin như vậy lại có rất nhiều tiền người ta cho. Cứ tối đến, ông lôi hết tiền ra, ông đếm thấy nhiều nên vui và cười lớn. Thế là ông đi tìm các em bé mồ côi bụi đời lang thang trên khắp hè phố. Ông bảo tụi nó kêu nhau tập trung lại chung quanh ông. Ông vui đùa với chúng, rồi sau đó, ông kéo hết lũ trẻ đến quán cơm Bà Cả Đọi, ông bảo tụi nó là các cháu cứ việc ăn cho no nê thỏa thích, đứa nào muốn ăn cái gì thì cứ ăn. Xong ông trả tiền hết, rồi ông chia tay các cháu. Ông đi tìm chỗ nào kín ông làm một giấc đến sáng.

Cứ như vậy ngày này qua tháng khác, ông xin được tiền là đem đi nuôi các cháu, đó là niềm vui của ông.

Một hôm, ông đi ra đường Tự Do xin tiền. Đây là con đường có nhiều người bán đủ thứ ở hè phố và rất đông người đi mua sắm. Ông vừa tới nơi thấy đông nên ghé lại. Ông định ngả nón ra xin tiền thì thấy có cặp vợ chồng người Liên Sô đi mua đồ. Ông thấy con mụ Liên Sô đứng đang ngắm nghía đồ đạc mặc cái áo để hở cái ngực ra một chút, cặp vú của nó to quá! Thế là ông tiến ngay lại, tự nhiên lấy tay bóp cặp nhủ hoa của bà ta.

Con mụ Liên Sô bị ông làm bất thình linh nó hoảng sợ ú ớ kêu. Chồng mụ đi cạnh thấy ông đang bóp vú vợ nó, nó sững sờ và nói gì với ông. Mọi người thấy ông rất bình tĩnh trả lời nó bằng tiếng Anh. Sau khi tên Liên Sô nghe ông nói, nó không còn sừng sộ nữa mà còn cười và bắt tay ông. Xong xuôi nó kéo vợ đi ngay.

Mọi người chứng kiến cảnh đó đều ngạc nhiên. Thật kỳ lạ là ông già chỉ có nói vài câu thôi mà tên Liên Sô chẳng những không nổi giận vì hành động của ông mà còn bắt tay ông vui vẻ, họ thấy bu lại hỏi ông.

_ Thưa cụ, cụ nói gì mà tên Liên Sô đó nó cười và bắt tay cụ vậy?

Ông trả lời:

_ Nó hỏi tôi là mày làm cái gì thế? Tôi mới trả lời là tao thấy cái vú vợ mày bự quá, nên tao sờ và bóp thử xem đàn bà Liên Sô có đủ sữa nuôi dân tao không? Tôi nói có vậy thôi, thế là nó vui vẻ bắt tay tôi và đi luôn.

Mọi người ai cũng thán phục ông già điên mà nói một câu quá chí lý và thâm sâu. Ai cũng kính phục ông, vì họ không ngờ một ông già ăn xin lại giỏi chữ nghĩa thế.

Một hôm khác, ông lang thang ở khu vực chợ trời nơi bán đồ phụ tùng xe máy. Ông thấy đông người đi coi đồ để mua, ông cũng dừng chân lại và ngắm xem hàng hóa. Lúc đó ông trông thấy gian hàng đang treo lủng lẳng cái ghi đông ngoài đường. Ông lấy xuống xem. Ông ngắm đi ngắm lại và thản nhiên cắp vào nách đi luôn.

Ông đi được một đoạn khá xa thì chủ tiệm phát hiện ra ông đã lấy mất cái ghi đông, thế là mụ chủ và chồng con la lối om sòm, kêu người đuổi bắt ông già ăn cắp. Mụ chủ và con cái vừa chạy vừa la, ông biết nhưng ông vẫn thản nhiên đi. Khi ông biết họ đã đến gần, ông bỗng nhiên quay lại và chìa cái ghi đông ra trả lại, tay ông cầm cái ghi đông, miệng thì cười và thản nhiên nói:

_ Gớm! Mới mất có một cái ghi đông chả đáng bao nhiêu tiền, thế mà cả nhà, cả họ chạy đuổi theo và la làng la xóm ỏm tỏi cả lên. 

Nói xong ông thủng thỉnh bước đi, làm cho những kẻ đuổi ông lúc nãy không còn hung hăng nữa, cha con lắm lét nhìn nhau sượng sùng vì câu nói của ông già điên chí lý và thâm sâu quá. Họ im lặng kéo nhau về. Những người ở đó nghe ông nói, họ bảo nhau và tỏ vẻ thán phục ông:

_ Đó cứ nói ông là ông già điên, ông điên mà ông nói ra những câu nói đầy thâm thúy đó được à?

Sau đó ít ngày, ông đang ngủ ngon giấc thì bị hốt ông mang về phường giam vì can tội ngủ đường. Thời đó có quá đông người ở vùng kinh tế mới trốn về Sài Gòn, nhà đã bị tịch thu không có chỗ ngủ nên phải ngủ đường quá đông. Họ thu dọn và ngồi xích lại với nhau để chừa chỗ cho các ông bà già và con nít nằm. Các ông bà già thì khóc tức tưởi, con nít thì khóc sợ hãi. Riêng ông thì cứ lầm lì coi thường, vì đối với ông bây giờ ngủ đâu cũng vậy thôi, vỉa hè hay nhà giam chả có gì khác nhau cả. Ông bình thản lấy cái bị ra gối đầu và nằm ngủ yên.

Đến hai giờ sáng thì mọi người đã mệt không còn ai có sức mà khóc nữa. Con nít đã ngủ yên. Trong phòng giam lúc đó thật yên lặng, lúc đó đến lượt ông phá. Ông tỉnh ngủ và ra đứng trước cửa song sắt. Hai tay ông nắm chấn song, miệng ông bắt đầu cứ thế la to làm không ai ngủ được vì ông la rất lớn. Tay phường trưởng xuống, mở khóa, lễ phép mời ông ra và năn nỉ cụ ra về cho, để cho im lặng và khỏi mất mặt với dân. Thế là ông thủng thỉnh ra về, vừa đi vừa cười.

Quen lệ cứ tối đến là ông tìm vào nhà hàng lớn vì nhà hàng lớn có nhiều khách sang họ ăn dư thừa nhiều thì ông có dư đồ ăn. Hôm đó, ông đang đứng chờ ở một bàn có bốn người ăn mặc sang trọng và ăn toàn đồ ăn sang ê hề. Ông nhẫn nại chờ để xin đồ dư. Ông đang chăm chú nhìn vào bàn ăn có nhiều đồ ăn sang, ông đang mừng vì hôm nay lại được ăn ngon rồi thì bỗng nghe bàn phía sau ông có tiếng phụ nữ nói chuyện với người đàn ông cùng bàn. Ông nghe hễ người phụ nữ này mở miệng ra nói là cứ “Kính thưa đại ca đại thi sĩ”. Cái chữ đại thi sĩ làm ông tò mò và lắng tai nghe. Tại sao lại có đại thi sĩ nào vậy. Ông khẽ liếc về sau xem ai thì thấy người phụ nữ đang nói chuyện là người miền Nam, ăn mặc sang trọng, phấn son lòe loẹt.

Còn người đàn ông đang ngồi đối diện mà cô ta đang ra sức ca tụng là đại thi sĩ kia là người gầy còm hốc hác, chứng tỏ là kẻ thiếu ăn lâu ngày, quần áo thì rộng thùng thình bằng vải kaki Nam Định đã cũ, chân đi dép râu, và ngay cạnh bàn chỗ hắn ngồi lù lù một cái nón cối. Ông hiểu đó là một tên cán bộ văn nghệ miền Bắc mới vô có danh xưng là Thu Bồn. Ông nhìn người phụ nữ thấy quen quen, hình như đã gặp ở đâu vài lần rồi thì phải. Một lúc sau, ông chợt nhớ ra là cô này có vài lần đến Hội Văn Nghệ để tặng giai phẩm trong đó có in thơ của cô ta. Ông nhớ có một lần cô ta ăn mặc rất sang trọng đi xe xích lô tới, tay ôm cả một xấp giai phẩm mùa hè. Trong tờ giai phẩm ấy có in một bài thơ của cô ta làm ngay trang đầu có vẽ hoa lá cành chung quanh, ở dưới đề nữ sĩ Thu Ba.

Cô ta vào với thái độ rất nhũn nhặn, niềm nỡ. Cô chào mọi người xong rồi đưa báo tặng, cô cũng không quên viết tặng từ anh gác dan đến các văn nghệ sĩ, cô không bỏ sót một ai. Sau khi tặng báo xong cô ra về thì trong phòng bỗng xôn xao vì có một anh văn nghệ sĩ lớn tiếng nói đùa chơi:

_ Này các anh em, có nhìn kỷ nữ sĩ Thu Ba không? Nữ sĩ tuy xuân xanh ngoài tứ thập thôi mà còn gin đấy, vẫn phòng không lỡ bóng, chưa tìm được người nào xứng đáng để nâng khăn sửa túi đó. Anh nào góa vợ hay vợ nó bỏ vì làm văn nghệ không nuôi nổi vợ, mà muốn được cung bắn vô thì khao tớ một chầu cà phê, tớ mách đường cho. – Anh ta còn nói thêm – Bắn được con se sẻ này là chuột sa hủ nếp khỏi phải còng lưng viết lách gì cả.

Thế là cả phòng cười vang lên.

Anh nói tiếp:

_ Vì tớ ở gần nhà nữ sĩ nên biết rất rõ, nàng là con gái cưng của một nhà xuất nhập cảng giàu có. Nàng là con nhà giàu và lại thích văn thơ nên rất là kén, vì vậy bây giờ vẫn ở không đó_ Thấy mọi người chú ý câu chuyện của mình nên khoái chí nói tiếp _ Ấy, nàng rất yêu văn nghệ thi ca, mà nàng còn làm nhiều thơ nữa. Nhưng ác một nỗi là nàng đã gửi thơ nàng đi khắp các báo ở thủ đô mà không có tờ nào đăng cho nàng bài nào cả. Nàng chờ đợi, khao khát bao nhiêu năm có thơ đăng báo để được mang danh nữ sĩ dù là có tên trên một tờ báo lá cải cũng được.

Và sau đó, có mấy anh nhà báo nghèo đứng ra xuất bản tờ giai phẩm mùa hè Mưa Thu, chủ đích xin quảng cáo để sống. Hôm ấy, nàng đang ở tại hãng thấy một anh đem mẫu tờ giai phẩm lại xin quảng cáo hãng của cha mẹ. Thế là nàng mừng, nói với anh nhà báo là nếu tập giai phẩm mà chịu đăng thơ cho nàng ở đầu thì nàng sẽ cho quảng cáo lớn. Khi in xong nàng hứa mua cho một số lớn để đi tặng bạn bè. Mấy anh nhà báo lá cải này đâu có cần thơ hay hoặc dỡ thấy nàng hứa cho tiền là nhận ngay và hứa là sẽ đăng trang trọng nữa. Và giữ đúng lời hứa, giai phẩm ra là nàng mua cho mấy trăm số để mang đi tặng mọi người cho biết danh. Bây giờ thì anh nào muốn được người đẹp để ý lọt vào mắt xanh thì chỉ việc làm một vài bài thơ ca ngợi nữ sĩ trên báo và chịu khó đi năn nỉ mấy ông chủ báo thương tình đăng thơ lên báo là xong thôi.

Nghe anh ta mách nước thế là cả phòng lại có dịp cười vang và xôn xao rất vui.

Nghe cô nàng luôn luôn xưng tụng tên cán bộ là đại thi sĩ và cô nàng còn ba hoa lên án văn nghệ miền nam, nên ông lẳng lặng lắng tai nghe. Cô nàng nói:

_ Anh Thu Bồn à, sau cách mạng mùa thu thì anh đi theo cách mạng, còn em thì theo gia đình di cư vào Nam, em không còn biết gì về anh nữa. Lắm khi nhớ anh, em cứ nghĩ là không biết giờ này anh ở đâu và ra sao. Anh còn sống không hay đã hy sinh cho Tổ Quốc và cách mạng rồi. Sau ngày Miền Nam được giải phóng em có đọc trên báo thấy họ đăng thơ anh dưới ký tên Thu Bồn, em mừng. Em đến tòa báo hỏi tin anh, họ cho biết anh bây giờ là một đại thi sĩ Miền Bắc rồi. Thơ anh làm chỉ đứng sau nhà thơ lão thành Tố Hữu thôi. Họ nói muốn liên lạc với anh thì cứ viết thư ra Hội Văn Nghệ Hà Nội đề Đại Thi Sĩ Thu Bồn là tới. Em đang định viết thư cho anh thì anh lại vào đây và tìm đến thăm em.

Khi thấy anh, em thật là thương anh vì anh gầy yếu và già đi nhiều. Em rất thương anh cả một đời hy sinh cho cách mạng sống thiếu thốn nên em mới mời anh đi ăn tối nay để bồi dưỡng cho anh. Anh cứ tự nhiên ăn uống cho thỏa thích để bù đắp lại bao năm gian nan, cơ cực.

Tiếp theo cô ta còn say sưa ba hoa và hết lời ca ngợi tên này rồi còn mạt sát nền văn nghệ miền Nam:

_ Anh Thu Bồn à, em không những bái phục anh về thơ, mà em còn sung sướng được đọc các bài anh viết phê bình và giáo dục hướng dẫn cho anh em văn nghệ sĩ miền Nam đi đúng hướng của văn học xã hội chủ nghĩa nữa. Đọc các bài viết của anh em mới tỉnh ngộ và đôi khi thấy xấu hổ cho giới văn nghệ Miền Nam mà trong đó có em, bao nhiêu năm u mê vì bị Mỹ Ngụy nó đầu độc và bịt mắt không nhìn thấy đường đi sai lầm của mình. Em càng đọc càng suy gẫm những lời chỉ bảo của anh mà khâm phục, Anh nói thật chí lý là theo lời Bác dạy là làm văn nghệ thì đường hướng chính là phải phục vụ cho nhân dân và quần chúng. Nếu không phục vụ được cho nhân dân thì là sai và không xứng đáng.

Em suy nghĩ và nhìn lại thì ra nền văn nghệ Miền Nam trước đây không đi đúng với lời Bác dậy mà chỉ phục vụ cho một thiểu số đầu óc tư sản và đồi trụy thôi. Các bài thơ họ làm chỉ toàn là thương vay khóc mướn, thở than về tình yêu, như vậy họ có phục vụ cho ai đâu và làm ủy mị con người đi. Đôi lúc em đọc những bài thơ, em thấy họ chỉ thích dùng những chữ và từ ngữ sáo rỗng để khoe mình là có học thôi. Đến như em, biết làm thơ mà đọc thơ của họ em không hiểu nổi họ nói gì huống hồ nhân dân làm sao hiểu được. Em thí dụ cho anh thấy là ở miền Nam đã đẻ ra nhiều quái thai về thơ, họ làm không luật lệ, không vần điệu lủng ca lủng củng, câu thì hai chữ, câu thì ba chữ, và câu thì dài thòng ra, mà họ ra sức ca ngợi gọi đó là sáng tạo là trường phái Tự Do nữa. Đứng đầu phái này có tên Thanh Tâm Tuyền. Thơ gì lạ quá thế mà cũng gọi là thơ được như:

Một cái cửa sổ
Hai cái cửa sổ
Ba cái cửa sổ
Còn tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ…

Cô ta ba hoa chích choè:

_ Anh nghe xem có chịu được không? Nếu làm thơ như vậy mà khen hay, khen tài thì em chỉ ngồi một lúc là làm cả trăm bài, vì cứ đem cửa sổ ra mà tính thì dễ ợt à. Em cho đó là một quái thai và còn nực cười hơn nữa, là có tên Bùi Giáng mà họ ra sức ca ngợi là vua thơ lục bát mới lạ chứ. Có hôm em đọc được hai câu hắn ta làm thì em cười quá. Làm có một câu lục bát mà không xong, không biết gieo vần. Đọc lên nghe nó ngộ quá! Em đọc cho anh nghe nhé:

“Sông sâu sóng vỗ dập dồn.
Có cô thôn nữ ngửa bụng ra bơi”.

Chả có vần gì mà họ cứ tâng bốc là vua thơ lục bát đó, anh nghe thấy có ngán không?

Cái tên này em mới nghe là hắn bị điên, điên vì cuồng chữ đấy, tội nghiệp cho lão ta.

Bùi Giáng thấy cô nàng đã mạt sát văn nghệ Miền Nam rồi lại còn lôi cả ông ra sỉ vả thì ông không còn chịu được nữa. Ông quay lại, rồi từ từ tiến tới trước bàn hai người. Ông lễ phép ngả nón ra chắp tay lại xá dài và nói:

_ Tôi thật lấy làm vinh hạnh bất ngờ được nghe hai vị nói chuyện. Hoá ra hai vị là hai nhà thơ lỗi lạc. Thật là vinh dự cho tôi may mắn được gặp hai vị. Một nhà đại thi sĩ là đèn trời soi sáng và là một cây cổ thụ của nền thi ca Việt Nam. Còn nữ sĩ là ngôi sao mai rực sáng của Miền Nam mà tôi không biết, thật là đắc tội. Vừa rồi tôi có nghe lỏm được nữ sĩ Thu Ba phê bình văn nghệ Miền Nam. Nữ sĩ lại phê bình cả thơ nữa, mà trong đó nữ sĩ có nhắc đến tên tôi. Tôi xin được hân hạnh giới thiệu tôi là Bùi Gíang đây.

Thu Ba nhìn ông sửng sốt và có ý hơi thẹn vì vừa rồi trót sỉ vả ông là làm thơ sai luật. Nữ sĩ cũng lịch sự đứng dậy cúi đầu chào lại. Ông nói:

_ Thật hân hạnh được biết nhị vị. Tôi không có gì để làm quà tặng nhị vị vì tôi là tên ăn mày. Tôi chợt nghĩ ra được hai câu thơ để làm quà tặng nhị vị. Tôi cảm ơn nữ sĩ Thu Ba vừa rồi có chê tôi là làm thơ lục bát không đúng vần điệu. Sau khi hứng khởi làm hai câu thơ mới, tôi nhẩm đọc thấy quả thật chưa được đúng vần điệu. Tôi nghĩ mãi không biết làm sao cho nó có vần, nhị vị thấy sai thì xin thương tình sửa lại giùm. Vì lâu nay tôi bị mắc bệnh thần kinh đầu óc không được sáng suốt nữa.

Ông nói xong, lấy tờ giấy học trò trong bị ra viết hai câu thơ chữ lớn. Viết xong ông còn ngâm vang lên:

Thu Ba ca ngợi Thu Bồn
Thu Bồn khoái chí sờ vai Thu Ba.

Tất cả thực khách nghe ông ngâm thơ nên chú ý nghe và khi ông ngâm xong tất cả thực khách cười ồ lên. Ông cũng cười to, rồi ông chắp tay xá và đi luôn.

Thu Bồn thấy vậy liền tỏ vẻ giận dữ và bảo:

_ Đúng là tên điên. Thơ với phú, làm có câu lục bát không xong mà cũng đòi là thi sĩ_ Thu Bồn nói với Thu Ba_ Anh giận thì nói thế thôi, chứ cũng tội nghiệp cho hắn. Dù sao thì hắn cũng biết phận và biết kính phục anh em mình, nó xin sửa giùm, vậy em xem thế nào để giúp nó.

Thu Ba cầm tờ giấy do Thu Bồn đưa thì nàng mặt đỏ lên. Cô nàng lanh ý bán cái lại cho Thu Bồn:

_ Trời ơi! Đại ca là đại thi sĩ sao không sửa cho hắn mà lại đẩy cho em. Em là em út mà đâu dám qua mặt anh sửa đi.

Bị Thu Ba bán cái lại, Thu Bồn vội cầm tờ giấy đó đút vào túi rồi bảo với Thu Ba:

_ Thôi để đó, về nhà có thì giờ anh sửa cho, còn bây giờ anh em mình ăn đã kẻo thức ăn nguội cả. 

Nói xong là hắn cắm cúi ăn như tên chết đói lâu ngày.

Hơn một tháng công tác ở miền Nam, Thu Bồn trở về Bắc và đến Tố Hữu để báo cáo. Tố Hữu nghe Thu Bồn báo cáo xong thì khen:

_ Tôi thành thật ca ngợi và khen chú đã hoàn thành công tác do Đảng giao phó cho. Bây giờ chú kể cho tôi nghe xem một tháng ở miền Nam có gì vui không?

Thu Bồn mới kể là gặp lại cô em nuôi ở miền Nam cũng là thi sĩ và được cô em chiêu đãi ăn nhà hàng ra sao. Thu Bồn cũng không quên kể lại câu chuyện gặp Bùi Giáng và được Bùi Giáng tặng thơ:

_ Em đang ngồi ăn thì gặp một tên ăn xin, nó xưng là thi sĩ Bùi Giáng. Nó kinh sợ tụi em lắm và làm hai câu thơ tặng tụi em. Em nghe nó ngâm mà buồn cười vì nó làm có câu hai lục bát thôi mà cũng không xong. Nhưng em thương là nó biết điều và kính sợ em nên có ngỏ lời là xin sửa giùm nếu thấy sai, nghe nói nó bị điên nữa.

Nói xong Thu Bồn lục túi lấy bài thơ đưa cho Tố Hữu xem và nói:
_ Đại ca xem có thì giờ sửa giùm nó, vì em quá bận.

Tố Hữu đón lấy hai câu thơ. Sau khi đọc xong thì Tố Hữu cau mày lại và nói với Thu Bồn:

_ Này chú ạ, chú nói tên này nó điên khùng, mà tôi đọc qua hai câu thơ này của nó thì tôi có cảm nghĩ là nó không có điên, nó còn là một tên văn nghệ cực kỳ phản động nữa là khác. Nó làm hai câu thơ này rất thâm thúy. Nó lại cố ý nài nĩ xin chú sửa là nó muốn thử sức, thử tài chúng ta đó. Thơ nó rất là khó mà sửa nổi, ngay tôi cũng xin chịu thua thôi. 

Trịnh Hưng

Nhận xét

Bài đăng phổ biến