Cải cách Ruộng đất: Số người bị giết ở VN ít hơn bên Trung
Quốc nhưng 'di chứng lâu hơn'
Cho đến ngày hôm qua, Việt Nam vẫn chưa làm một tổng kết
cụ thể, công khai về con số nạn nhân của Cải cách Ruộng đất mà thời gian diễn
ra từ 1948 hoặc từ 1953 đến 1955, tùy theo tài liệu.
Bernard Fall, tác giả viết về Bắc Việt Nam, nêu ước tính 50 nghìn người ở
miền Bắc VN trong giai đoạn 1953-55 bị quy là 'địa chủ' và xử tử. Theo ông, con
số bị tống vào các trại cải tạo phải "ít nhất là gấp đôi như thế".
Hoàng Văn Chí trong sách của mình về miền Bắc VN thời VNDCCH cho rằng
"chừng 5% dân số miền Bắc, tức vào khoảng nửa triệu người" bị chế
độ mới giết.
Nhà báo Gareth Porter lại nêu con số ít hơn nhiều: 800-2500 vụ xử tử
trong Cải cách Ruộng đất.
Sử gia Edwin Moïse nêu con số cao hơn nhưng cho là từ 5000 tới 15.000.
Nhà nghiên cứu Mông Cổ, Balazs Szalontai khai thác các tài liệu Hungary,
Đông Âu và Liên Xô cũ về Bắc VN, viết trong bài "Political and Economic
Crisis in North Vietnam, 1955 -56" (Cold War History, 2005), thì nêu ra
con số trong phần so sánh nạn nhân Cải cách Ruộng đất ở Bắc VN và Cải cách Thổ
địa ở Trung Quốc.
Theo ông Szalontai, số liệu thu thập được tại Bắc VN cho thấy các con số
sau: 1.337 vụ xử tử, 23.748 người bị xử tù.
Phạm vi của 'khủng bố' rất rộng
Tuy số bị xử tử không cao bằng chiến tranh, nhưng "tầm vóc của khủng
bố" (scope of terror) mà Đảng Lao động Việt Nam tung ra, thì bao trùm
toàn xã hội, theo tác giả Mông Cổ.
Quá trình này diễn ra liên tục, nhắm vào người dân, đảng viên đem lại qua
các đợt Chỉnh huấn, chỉnh quân, Giảm tô, Cải cách Ruộng đất, thanh trừng văn
nghệ sĩ, bộ máy đảng
Chỉ trong đợt Giảm tô: 7,7 triệu người dân và hàng trăm nghìn gia đình
buộc phải tham gia và chịu hệ lụy.
Trong Cải cách Ruộng đất đợt chính thức: 4 triệu người ở 1.594 xã, tính
đến tháng 12/1955 chịu tác động.
Trong số này 18.738 bị quy kết là "cường hào ác bá giả danh trung
nông".
Chính quyền tổ chức 3.312 vụ đấu tố, dẫn tới 162 vụ tử hình tại chỗ.
Các vùng duyên hải gần biên giới Trung Quốc (Quảng Ninh ngày nay) có nhiều
khối dân cư gốc Hoa không chịu theo chế độ mới. Một số nhóm sắc tộc thiểu số,
tôn giáo cũng có thái độ bất hợp tác.
Cải cách Ruộng đất vì thế còn có mục tiêu "thanh lọc và tổ chức lại
xã hội" nhằm buộc toàn dân tuân thủ theo một ý thức hệ mới.
Ngoài các vụ bị giết là nhiều trường hợp người ta tự tử, và không khí đen
tối chung cũng làm nhiều người hoảng loạn.
Có 12 nghìn người chết đói tại Bắc VN tính đến cuối 1954 vì thiên tai, lụt
lội, và cả vì mùa màng thất thu do xáo trộn kinh tế xảy ra ở các vùng
"giải phóng", theo tài liệu ông Szanlontai trích dẫn.
Đến vụ lúa xuân năm 1955, nạn đói tiếp tục lan ra, ảnh hưởng xấu tới ít
nhất 1 triệu dân, đa số ở các làng theo đạo Công giáo.
Cùng thời gian, theo lời ông Trường Chinh nói với các "đồng chí Đông
Âu" vào cuối 1957, Đảng Lao động VN đã khai trừ 80 nghìn đảng viên, nhiều
người trong quân đội, để trừng phạt họ về "xuất thân địa chủ". Cũng
chính ông ta thừa nhận, 60% bị xử lý "oan sai".
Quân đội Bắc VN tự đánh vào hàng ngũ của họ bằng tiêu chuẩn lý lịch.
Vì số bản thân là công nhân, gốc công nhân, thợ mỏ chỉ chiếm 2,6 % trong
227 nghìn quân nhân nên đa số hoặc gốc tiểu tử sản hoặc nông dân.
Việc quy kết thành phần xấu cho gia đình họ, trên thực tế, đã tác động
sâu rộng tới quân đội.
Vì lý do khách quan, Đảng Lao động VN không thực hiện được Cải cách
Ruộng đất ở miền Nam, dù đã lên kế hoạch. Nhưng chính sách phân biệt giai cấp
khiến họ ra lệnh cho hàng nghìn cán bộ bỏ vợ con "sai thành phần" ở
lại để tập kết ra Bắc.
Với thanh niên Bắc VN tin theo chế độ, chừng 50 nghìn bị "khai trừ
khỏi đoàn" vì lý lịch của cha mẹ.
Sau đợt "sửa sai" hàng chục nghìn người bị tù oan được thả về.
Thấp hơn TQ, cao hơn Đông Âu
Tác giả người Mông Cổ nói làn sóng đàn áp, khủng bố ở Bắc Việt Nam cao
hơn chương trình tương tự ở Đông Âu:
Hungary chỉ xử tử 500 tù nhân, gồm cả những người gây tội ác thời
phát-xít;
Tiệp Khắc xử tử 178 người từ tháng 10/1948 đến cuối 1952;
Romania: 137 người (1945-1964);
Ba Lan chỉ có 20 người chết trong các năm 1950-53.
Đó là không kể 2500 bị thiệt mạng trong 'nội chiến nhỏ' ở Ba Lan giữa
các nhóm vũ trang đối kháng chính quyền mới, với chiến dịch đầu diễn ra trước
khi Thế Chiến kết thúc: 1944, chấm dứt năm 1948.
Nhưng con số của Bắc VN thấp hơn nhiều so với Trung Quốc dù Cải cách
Ruộng đất được Trung Quốc khuyến khích, chỉ đạo.
Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ công bố tại Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 7, tính đến
tháng 2/1954, đã "tử hình 710 nghìn thành phần kẻ thù giai cấo" trong
Cải cách Thổ địa.
Đó là chưa kể 2 triệu "thành phần bất hảo, trộm cướp" bị chế
độ mới "tiêu diệt". Nhiều triệu người ở CHND Trung Hoa bị đi tù vì
lý lịch.
Các vụ trấn áp, bỏ tù và xử tử "người của chế độ cũ" tại Bắc
Việt Nam làm dấy lên lo ngại rằng đó là hành động vi phạm Hiệp định Geneva,
cấm trả thù những người từng làm cho Pháp.
Điều này khiến nay nội bộ Đảng Lao động VN có quan điểm bất đồng.
Các nhà ngoại giao Đông Âu ghi nhận được ý kiến từ nhiều nhân vật của
chế độ về không khí chính trị chung.
Ví dụ Tổng thư ký đảng Dân chủ, ông Dương Đức Hiền nói với cán bộ Đại sứ
quán Hungary Denes Felkai vào năm 1957 rằng "toàn bộ quan niệm chung về
Cải cách Ruộng đất là sai".
Đáng chú ý là ông Hiền cũng theo dõi tình hình bên ngoài và khoe rằng ông
"nghe đài BBC, thấy cách giải thích của họ về biến động ở Hungary 1956
đáng tin hơn báo Đảng".
Ngoài ra, các quan chức khác của Đảng Lao động và cả lãnh đạo đã nhận
ra "sai lầm" trong Cải cách Ruộng đất.
Tuy thế, trên nguyên tắc, Đảng Lao động VN vẫn coi đây là một thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị
khoá II Trường đại học Nhân dân Việt Nam (8-12-1956) nêu rõ:
"Trong Cải cách Ruộng đất, cán bộ đã phạm những sai lầm khuyết điểm
nghiêm trọng, cần phải kiên quyết sửa chữa. Nhưng không nên vì sai lầm khuyết
điểm mà phủ nhận thành tích của cải cách ruộng đất tức là giai cấp phong kiến địa
chủ đã bị đánh đổ, độ 8 triệu nông dân đã có ruộng cày. Đó là một thành tích
không ai có thể chối cãi được. Cần nhận rõ như thế để không vì sai lầm khuyết
điểm mà bi quan. Trái lại vẫn giữ vững lòng tin tưởng vào Đảng và Chính phủ."
Di sản khác Đông Âu, khác cả Liên Xô, TQ
Theo ông Balazs Szalontai, chính quyền VNDCCH thừa nhận sai lầm
"nhiều hơn Trung Quốc và Liên Xô muốn" trong Cải cách Ruộng đất.
Chính vì thế mà hệ lụy về sau này lại có khác so với quá trình "tan
băng" ở Đông Âu.
Do đã thừa nhận các sai trái bằng lời, Đảng Lao động Việt Nam đã không
làm gì cụ thể để thay đổi cơ chế quyền lực.
Khác với ở Việt Nam, sửa sai ở Đông Âu diễn ra cùng quá trình "giải
độc chủ nghĩa Stalin" và tại Tiệp Khắc, Hungary, Ba Lan, và cả ở Mông Cổ
cơ chế Đảng được tách ra khỏi Nhà nước.
Còn tại Việt Nam, cơ chế này, trên thực tế là Đảng "chỉ huy Chính
phủ" (mà không chịu trách nhiệm trước Quốc hội), được duy trì tại Bắc VN
sau Cải cách Ruộng, trên cả nước sau 1975 và còn tồn tại đến nay, đầu thế kỷ
21.
Ngược lại, việc "sửa sai" riêng một kiểu có ý nghĩa quan trọng
với hệ thống chính trị ở Việt Nam: nó trở nên độc lập hơn các nước Đông Âu
trong quan hệ với Liên Xô.
Theo BBC tìm hiểu, một bức hình người châu Âu luôn xuất hiện tại các vụ
đấu tố kinh hoàng thời Cải cách Ruộng đất ở Việt Nam.
Đó là ảnh thủ tướng Liên Xô Georgy Malenkov, người lên thay Stalin được
chưa đầy hai năm: 1953-55.
Ảnh ông được treo cạnh ảnh Chủ tịch Mao và Chủ tịch Hồ Chí Minh "chứng
kiến các cuộc đấu tố".
Nhưng sau này ông Malenkov bị hạ bệ vì muốn "hòa hoãn, giảm sức mạnh
quân sự" của quân đội Liên Xô, một gánh nặng kinh tế, theo quan điểm của
ông.
Điều này gần như không được nói đến ở Việt Nam và người ta cũng tránh nhắc
tới các nhân vật "cải cách ở Liên Xô".
So với Trung Quốc thì quá trình "sửa sai" ở Bắc Việt Nam cũng
nửa vời hơn nhiều.
Từ 1956, Trung Quốc chỉnh lại chính sách, cho phép con em gia đình thuộc
thành phần "tư sản" được thi và vào học đại học.
Còn ở Việt Nam (và sau 1975 ở miền Nam- BBC), việc loại trừ nhiều công
dân ra khỏi quyền tiếp cận giáo dục theo chủ nghĩa lý lịch về "thành phần
giai cấp" vẫn tiếp tục lâu dài.
Cùng lúc, các thành phần bần cố nông được ưu tiên vào đại học, vào hệ thống
kinh tế, chính trị, quân sự và tiếp tục lãnh đạo nước VN cho đến nhiều năm về
sau.
Việc tự do hóa tại Liên Xô và Trung Quốc cùng thời gian xem ra không có
tác động gì tương tự ở Bắc Việt Nam, theo bài "Political and Economic
Crisis in North Vietnam, 1955 -56".
So sánh với các đợt phản kháng rộng khắp như ở Đông Âu sau khi Stalin chết,
tác giả của nghiên cứu trích lời một nhà quan sát Hungary ở Hà Nội khi đó, kết
luận rằng nhờ "sửa sai kịp thời, cộng với trấn áp tiếp tục (subsequent
repressive measures- hàm ý vụ Nhân văn Giai phẩm)" VNDCCH đã ngăn được
"cơn bão nổ ra".
Có thể vì các biện pháp không rốt ráo trong "sửa sai" di chứng
của Cải cách Ruộng đất đến nay vẫn còn ở nước VN thống nhất.
Hồi tháng 9/2014 có cuộc triển lãm về Cải cách Ruộng đất tại Hà Nội
nhưng sau vài hôm bị đóng cửa "do sự cố mất điện".
Theo sử gia Dương Trung Quốc, triển lãm được thực hiện trong bối cảnh
chưa có một tổng kết chính thức về cải cách ruộng đất nên "đương nhiên sẽ
có hạn chế rất lớn" bất chấp nỗ lực của những người làm công tác bảo tàng.
Cho đến nay (03/02/2022) chưa có cuộc điều tra hình sự nào tại Việt Nam
về các vụ giết người trong Cải cách Ruộng đất.
Nhận xét
Đăng nhận xét