Kỳ 163 -VÌ BỜ CÕI, CÔNG CHÚA HUYỀN TRÂN KẾT HÔN VỚI VUA CHIÊM


Kỳ 163
VÌ BỜ CÕI, CÔNG CHÚA HUYỀN TRÂN
PHẢI KẾT HÔN VỚI VUA CHIÊM GẦN 50

Có thể nói đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và vua Jaya Sinhavarman III (Chế Mân) là hai nhân vật đã dày công vung đắp cho tình hữu nghị Việt-Chiêm vào đầu thế kỷ 14. Cả hai đều là anh hùng chống Nguyên Mông và đều là những nhà cai trị yêu chuộng hòa bình. Chuyến viếng thăm của Thượng hoàng Trần Nhân Tông đến đất nước Chiêm Thành vào năm 1301 đã dẫn đến một sự kiện lớn. Để đáp lại sự đón tiếp nồng hậu của vua Jaya Sinhavarman III và kết chặt liên minh hai nước, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành.

Thoạt đầu, đây là một hôn ước mang tính chính trị hòng giải quyết những mâu thuẫn tiềm ẩn có nguy cơ phá vỡ liên minh Đại Việt - Chiêm Thành. Thời bấy giờ, Việt - Chiêm đang ở thế tựa lưng vào nhau. Nước Chiêm Thành đang trên đà hùng mạnh trở lại và là đối tượng mà đế chế Nguyên Mông muốn tranh thủ thuyết phục để thực hiện mưu đồ bành trướng xuống Đông Nam Á sau khi dùng vũ lực bất thành. Một mặt, triều đình Đại Việt vẫn muốn giữ vị thế nước lớn đối với Chiêm Thành, coi nước này là chư hầu của mình. Mặt khác, liên minh chặt chẽ với Chiêm Thành là vấn đề sống còn đối với Đại Việt, trong bối cảnh Nguyên Mông vẫn lăm le tổ chức những cuộc xâm lược mới.

Bên cạnh vấn đề vị thế cao thấp trong liên minh là vấn đề di dân người Việt. Kể từ thời vua Trần Thái Tông đánh Chiêm Thành, người Việt dựa vào ưu thế quân sự vượt trội của mình đã có nhiều đợt di dân xuống phía nam. Cho đến đầu thế kỷ 14, những vùng châu Ô, châu Lý của Chiêm Thành đã có đông người Việt đến cư trú, lập thành nhiều làng xã. Triều đình nhà Trần thời kỳ này cần có một giải pháp để giữ vừa đảm bảo chỗ đứng chân cho di dân người Việt, vừa không mất lòng triều đình Chiêm quốc. Một khi gả công chúa cho vua Jaya Sinhavarman III, vua Chiêm sẽ trở thành em vợ của vua Trần Anh Tông nước Đại Việt, nhiều vấn đề khúc mắc sẽ được giải quyết dễ dàng nhờ vào mối quan hệ thông gia. Còn đối với Chiêm Thành, Đại Việt xưa nay vừa là nước có thể bảo trợ, cũng vừa là thế lực nguy hiểm có thể đe dọa đến tồn vong của nước mình. Việc kết thân với Đại Việt gần như đảm bảo cho Chiêm Thành một láng giềng thân thiện phía bắc, gạt bỏ nguy cơ ngoại xâm để yên ổn xây dựng đất nước.

Mặc dù cả hai nước đều có động cơ chính trị rõ ràng, cuộc hôn nhân giữa công chúa nước Đại Việt và vị vua nước Chiêm Thành vẫn vấp phải trở ngại lớn. Cuối năm 1301, vua Jaya Sinhavarman III sai sứ mang sính lễ đến cầu hôn công chúa Huyền Trân theo như hôn ước trước đó. Trong triều đình Đại Việt đã diễn ra những cuộc tranh luận gay gắt. Hầu hết quần thần đều cho rằng không nên gả công chúa cho Chiêm Thành, vì khinh người Chiêm là man di. Duy chỉ có Văn Túc vương Trần Đạo Tái khuyên nên gả đi, và Trần Khắc Chung tán thành. Vua Trần Anh Tông vẫn chần chừ chưa quyết vì một đằng là hôn ước đã 
 định trước và tầm quan trọng của liên minh, một đằng là hạnh phúc của em gái mình và cả thể diện của hoàng tộc.

Cần biết rằng, lúc bấy giờ vua Jaya Sinhavarman III đã ở trạc tuổi gần 50, lại đã có ba người vợ chính thức. Còn công chúa Huyền Trân thì đang độ xuân sắc, là giai nhân nổi tiếng đất Việt. Hạnh phúc lứa đôi đối với vị công chúa trẻ trong cuộc hôn nhân này rất xa vời. Sau vua Jaya Sinhavarman III xin cắt đất châu Ô (nam Quảng Trị ngày nay), châu Lý (tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày nay) làm sính lễ. Vua Trần Anh Tông muốn có được đất hai châu, mới chấp thuận gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm.

Mùa hạ năm 1306, một phái đoàn lớn đưa công chúa Huyền Trân sang Chiêm quốc để cử hành hôn lễ. Quan quân Đại Việt theo chân đoàn đưa dâu vào tiếp quản hai châu Ô, Lý. Kể từ đây, lãnh thổ Đại Việt lại được mở rộng về phía nam thêm một phần đáng kể. Nhà vua Jaya Sinhavarman III đã ra tận vùng biên thùy để đón rước người vợ mới của mình. Hôn lễ được cử hành long trọng tận ba ngày đêm, công chúa Huyền Trân được phong làm Hoàng hậu Paramecvari.

Việc cưới gả này đã đem về cho Đại Việt những điều lợi rất lớn là vừa có được vị thế chủ động trong liên minh, vừa có được những vùng đất mới. Thế nhưng việc một công chúa phải gả cho vua xứ “man di” theo thế giới quan Nho giáo vốn thịnh hành ở Đại Việt thời bấy giờ là một điều đáng chê trách. Do đó trong nước Đại Việt đã có nhiều người mượn điển tích Chiêu Quân Cống Hồ đời Hán để làm văn thơ châm biếm, chỉ trích.

Xét trong suốt chiều dài lịch sử, thời điểm vua Jaya Sinhavarman III cưới công chúa Huyền Trân có thể coi là cao trào của mối quan hệ Việt-Chiêm. Nhưng sau đó không lâu, những biến cố đã xảy ra liên tiếp khiến hai bên dần xa cách. Công chúa Huyền Trân về làm dâu nước Chiêm Thành chẳng bao lâu thì vua Jaya Sinhavarman III mất vào tháng 5.1307. Lúc này công chúa đã mang thai hoàng tử Chế Đa Da. Chẳng lâu sau, công chúa hạ sinh hoàng tử. Tháng 9.1307, sứ giả từ nước Chiêm Thành sang Đại Việt dưới danh nghĩa của hoàng tử Chế Đa Da để báo tang và dâng voi trắng. Vua Trần Anh Tông hay tin, sai Hành khiển Trần Khắc Chung dẫn đầu sứ bộ sang Chiêm Thành để đón công chúa và hoàng tử Chế Đa Da về Đại Việt vào mùa đông năm 1307. Vì rằng vua Jaya Sinhavarman III đã mất mà hoàng tử Chế Đa Da lại còn quá nhỏ nên cũng theo mẹ về Đại Việt, để tránh việc xung đột quyền lực về sau. Một hoàng hậu khác của vua Jaya Sinhavarman III là Tapasi người Java cũng trở về nước sau đó ít lâu. Có thể thấy rằng, việc những người vợ ngoại quốc của vua Chiêm Thành quay trở về nước sau khi chồng mình qua đời là một chuyện thường tình của Chiêm quốc.

Tuy nhiên, trong chính sử Việt lại có những ghi chép về việc công chúa Huyền Trân trở về khá ly kỳ. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung, mượn cớ là sang viếng tang và nói với [người Chiêm]: "Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu". Người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô.”

Nhiều sách sử đời sau cũng chép theo sách Toàn thư, và theo đó hết lời miệt thị Trần Khắc Chung theo quan niệm Nho giáo. Một số luồng tư tưởng dân gian thì lấy việc của công chúa Huyền Trân và Hành khiển Trần Khắc Chung để làm chất liệu sáng tác nên một chuyện tình theo môtip tướng quân - công chúa. Ngày nay, khác nhiều nghiên cứu đã không đồng tình với sử liệu trong Toàn thư, bởi những manh mối mới đã được tìm ra.

Trước tiên, tục lệ tuẫn táng theo vua trong phong tục Chiêm Thành theo nghiên cứu của những học giả người Chăm hiện đại thực ra là hoàn toàn tự nguyện. Công chúa Huyền Trân không phải chết theo vua nếu nàng không muốn. Manh mối tiếp theo là việc hoàng hậu Tapasi cũng đã được yên ổn mà trở về nước nên chẳng việc gì công chúa Huyền Trân phải cần đến một cuộc giải cứu với nhiều trá thuật như chính sử Việt thời phong kiến ghi chép. Đây là những sử liệu mà có lẽ các sử gia thời phong kiến chưa có điều kiện tiếp cận. Khi viết Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên đã phải dùng đến nguồn thông tin duy nhất mà ông có lúc đó là những ký ức dân gian.

Thời kỳ vua Jaya Sinhavarman III là thời thịnh trị của nước Chiêm Thành và cũng là giai đoạn mà Đại Việt và Chiêm Thành có được ngoại giao nồng ấm nhất. Sau khi vua Jaya Sinhavarman III mất, con trai ông với chính hậu Bhaskaradevi (người Java) là Chế Chí kế vị, lấy hiệu là Jaya Sinhavarman IV. Nhà vua mới không cùng chí hướng với cha mình, nuôi ý định lấy lại hai châu Ô, Lý. Trước đó, khi hai châu này trở thành đất của Đại Việt thì đã có nhiều người dân, điển hình là các thôn La Thuỷ, Tác Hồng, Đà Bồng không tuân phục.

Vua Trần Anh Tông phái Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến tuyên dụ, chọn người trao cho quan tước, cấp ruộng đất, miễn tô thuế 3 năm để vỗ về. Bấy giờ dân tình mới chịu phục tùng. Sau khi lên ngôi một thời gian, vua Jaya Sinhavarman IV bắt đầu cho người trà trộn và nhân dân hai châu Ô, Lý để xúi giục họ nổi lên chống lại triều đình Đại Việt, làm tiền đề cho sự can thiệp của Chiêm Thành về sau. Tình hữu nghị đã phải tốn nhiều công sức vun đắp, phải cùng trải qua thử thách của hai dân tộc Việt-Chiêm lại nhanh chóng bị rạn nứt bởi những việc làm này.

Quốc Huy


Nhận xét

Bài đăng phổ biến