Lễ Vu lan rằm tháng 7: Ý nghĩa báo hiếu cha mẹ và chuyện
bông hồng cài áo
Lễ Vu lan (rằm tháng 7 âm lịch) hằng năm để tưởng nhớ công
ơn cha mẹ và nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì đang có.
Trong truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, báo hiếu
tổ tiên, ông bà, cha mẹ là một trong những điều quan trọng nhất. Ngày lễ Vu lan
báo hiếu trong Phật giáo đã trở thành ngày lễ mang đậm nét nhân văn, ý nghĩa với
công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Nguồn gốc của lễ Vu lan
Chia sẻ với Thanh Niên, ni sư Như Trí (trụ trì chùa Diệu Giác, TP.Thủ Đức,
TP.HCM) cho biết, không chỉ với những người theo đạo Phật mà với nhiều người
dân Việt Nam, lễ Vu lan là ngày báo hiếu, cầu nguyện cho cha mẹ còn sống được mạnh
khỏe, bình an. Với những người đã mất, mọi người cầu nguyện được siêu độ, an
nghỉ trọn vẹn.
Nhiều sách vở đã ghi chép lại rằng, sau khi giác ngộ Đức Phật có nhiều học
trò, đệ tử trong đó có những người tài giỏi, lãnh đạo của nhiều tín ngưỡng
khác, trong đó có Mục Kiền Liên.
Mẹ của Mục Kiền Liên là một người bỏn xẻn, đố kị, không muốn chia cho người
khác bất kì thứ gì. Thậm chí, bà chế biến những món không phải là đồ chay đem đến
cho người khác. Sau đó, bà gặp quả báo, buộc phải ở dưới địa ngục. Mục Kiền
Liên dùng thần thông của mình thấy mẹ bị đày đọa nên mới đem cơm xuống cho mẹ
ăn dù không tới gần được. Mục Kiền Liên liền về gặp và bày tỏ mong muốn được cứu
mẹ với Đức Phật.
Khi đó, Đức Phật mới trả lời một mình Ngài không thể nào giải cứu được
nhưng nhờ oai lực của chúng tăng với những lời tu nguyện có thể giúp cho mẹ Mục
Kiền Liên thoát khỏi cảnh đó.
Sau đó, Mục Kiền Liên chuẩn bị cơm, trái cây để cúng dường cho Đức Phật
và chúng tăng đồng thời dùng thần thông đưa chén cơm xuống cho mẹ. Mẹ Mục Kiền
Liên biết con sẽ mang cơm xuống nên giấu những người khác, ăn một mình, tính bỏn
xẻn vẫn không từ bỏ. Tuy nhiên, khi bà cầm trên tay, chén cơm bỗng biến thành lửa,
không phải thức ăn nữa. Sau khi mẹ của Mục Kiền Liên chuyển đổi tâm thức thì bà
đã thức tỉnh, thành tâm hướng về tam bảo sám hối và về cõi trời.
"Đây là một câu chuyện được sách vở trong Phật giáo ghi lại với ý
nghĩa nhắc nhở con người phải biết chia sẻ, biết đùm bọc, thương yêu. Vì vậy,
ngày Vu lan báo hiếu, tất cả mọi người đều hướng đến cha mẹ, bày tỏ lòng
thành", ni sư Như Trí bày tỏ.
Ý nghĩa của nghi thức bông hồng cài áo
Vị trụ trì bày tỏ, phận làm con luôn cố gắng hòa thuận, không được cãi lời
cha mẹ. Trong cuộc sống, nếu cha mẹ có những ý kiến trái chiều, con cái phải
bình tĩnh giải thích, không được chống đối đấng sinh thành.
"Truyền thống dân tộc Việt Nam luôn có câu "ăn quả nhớ kẻ trồng
cây". Cha mẹ là đấng sinh thành nên con cái không được ngược đãi, tàn ác với
họ. Ngược lại khi dạy các con, cha mẹ phải dạy những điều hay lẽ phải, làm tấm
gương mẫu mực cho các con", ni sư Như Trí nói.
Cũng theo ni sư Như Trí, ngày lễ Vu lan mọi người thường thực hiện nghi
thức cài bông hồng trên áo. Nghi thức này thường được tổ chức tại các ngôi chùa
Việt Nam để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế
với con cháu.
Nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo với ý nghĩa hạnh
phúc vì đang còn mẹ. Ai không còn mẹ sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng với
ý nghĩa tưởng nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục dù mẹ đã khuất.
"Sau này nhiều người còn thực hiện cài bông hoa màu đỏ với ý nghĩa tự
hào, hạnh phúc vì còn có cả cha lẫn mẹ bên cạnh. Với ý nghĩa nhân văn, lễ Vu
lan không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà trở thành ngày báo hiếu của tất cả
người dân Việt Nam", ni sư Như Trí cho hay.
Nhận xét
Đăng nhận xét