XÍCH LÔ HÀNH

XÍCH LÔ HÀNH

Còn với sư huynh Huỳnh Bá Thành, tôi lại có nhiều kỷ niệm khác. Cuối thập niên 80 anh Huỳnh Bá Thành lúc đó là Tổng Biên Tập báo Công An TP lôi tôi về viết mảng văn hóa văn nghệ của tờ báo khi tôi đang thất nghiệp. Trong cương vị mới tôi đã làm được “rất nhiều chuyện” với anh, trừ chuyện thơ. Anh nói “Chú mày lo viết truyện dài Feuilleton và làm phim cho hãng Người Bảo Vệ mới thành lập của báo. Riêng THƠ ĐỜI thì cứ ghi chép theo kiểu thời sự hàng ngày để thế hệ sau này đọc và biết những gì xảy ra của nước ta thời điểm đó. Có điều chừng nào anh chết thì chú mày mới in THƠ ĐỜI nhé.”

Thưa hương hồn anh Huỳnh Bá Thành, tôi đã làm những gì anh khuyến cáo và dặn dò. Có lẽ dưới suối vàng anh hẳn còn nhớ những đêm anh em tâm sự cụng ly nhau, tôi đã làm anh khinh khoái và nhẹ lòng biết bao nhiêu trước những bài thơ theo thể Hành về nỗi đau cơm áo gạo tiền của nhân dân thống khổ. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin chép lại bài thơ phổ biến nhất anh đã từng nghe và được các nhạc sĩ giang hồ chuyển thành ca khúc với ca từ tam sao thất bổn. Đó là bài XÍCH LÔ HÀNH.

XÍCH LÔ HÀNH

Tưởng mình ta đạp xích lô
Nào hay phố xá ngựa thồ như nêm
Buộc cho ta miếng băng đen
Để cho cặp mắt làm quen mù lòa
Xỏ giàm vào mõm nữa cha
Để cho số tuổi ta già theo răng
Giật cương đi, hõi mấy thằng
Ê sao nước mắt chợt lăn xuống cằm

Ta đi dụ khị người phàm
Thấy huynh hiền sĩ từ quan lên rừng
Dạ dày ta nhảy lung tung
Nhảy dăm phút nữa dám khùng nghe cha
Cũng may vừa tới ngã ba
Cô em yểu điệu tà tà leo lên
Lưng ta khòm giống cái yên
Chổng mông em cỡi, mùi thiền nhấp nhô

“Ba đồng một cuốc, mại dzô”
Có con ngựa đực vừa ho vừa gào
Ta thồ ngang động hoa đào
Thấy dăm kỹ nữ chém nhau giành bề
Thồ ngang đống rác thúi ghê
Thấy bầy tiểu tử chửi thề giành moi
Thồ ngang khách sạn em ơi
Chó ngồi ăn nhậu, còn người ăn xin

Nhưng mà chớ có rùng mình
Tại ta kéo thắng chưa linh em à
Gân chân lõm tựa ổ gà
Mặt xương bụng lép đếch ma nào ngồi
Mới ra nghề tưởng khơi khơi
“Bác Hồ ngó thẳng” đâu chơi gà mờ
Dạ dày lại đánh lô tô
Mồm ta méo xệch bên bờ tử sinh

Như là thiếu phụ tắt kinh
Ruột xe có chữa thình lình, chết cha
Té ra trong cõi người ta
Ruột lô ruột xịn khéo là ghét nhau
Đếm tiền còn thiếu xu hào
Đếm ta thấy chớm bệnh lao mất rồi
Vá giùm chút bạn hiền ơi
Chiếc xe cà chớn của thời cà chua!

Cũng bài thơ này và bài VE CHAI HÀNH được tôi đọc cho ông Võ Văn Kiệt thời ông làm Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn khi ông mời nhóm sáng tác của báo Tuổi Trẻ trong đó có tôi đến nhà dùng bữa cơm thân mật. Trong lúc trà dư tửu hậu, ông nghe báo cáo rằng có một nhà thơ nổi loạn chuyên làm “Thơ Đen” truyền khẩu trong nhân dân. Các đồng nghiệp khác có vẻ lo âu nhưng tôi thản nhiên công khai hóa nỗi niềm mình trước vị lãnh đạo cao nhất của thành phố. Nghe xong ông Kiệt vỗ tay gật gù khoái trá khiến bầu không khí bớt căng thẳng. Tôi không biết ông nghĩ về tôi ra sao chứ những chính sách của ông ban hành sau này với giới trí thức và văn nghệ sĩ “dám ăn dám nói” rõ ràng bị… siết chặt hơn.

Một kỷ niệm có dính dáng tới ông là tôi vài lần chở nhà văn Sơn Nam đậu trước biệt thự nhà ông để lão tiền bối Sơn Nam gõ cửa xin “viện trợ” của đồng chí cũ thời cùng chung tỉnh ủy Long Châu Hà. Những lúc đó tôi thấy thương kiếp nhà văn của ông Sơn Nam vô cùng. Ngày xưa vua chúa phải hạ mình đi cầu hiền sĩ còn thời nay hiền sĩ phải đi cầu cạnh ngược lại. Đúng là kiếp cầm bút bọt bèo giữa bể dâu chính trị.

BÙI CHÍ VINH


Nhận xét

Bài đăng phổ biến