CHIẾN THẮNG NGỌC HỒI – ĐỐNG ĐA – 1789


CHIẾN THẮNG NGỌC HỒI – ĐỐNG ĐA
 1789

Quang Trung quyết định cuộc tiến công đồn Ngọc Hồi sẽ bắt đầu vào mờ sáng ngày mồng 5 tháng Giêng (ngày 30/1/1789) cùng một lúc với cuộc tiến công của đạo quân đô đốc Long vào đồn Đống Đa.

Cả ngày mồng 4, Quang Trung tiếp tục công việc chuẩn bị chu đáo cho trận quyết chiến và tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với đạo quân của đại đô đốc Bảo.

Cũng trong ngày hôm đó, Quang Trung chỉ dùng những toán nhỏ đánh khiêu khích vùng ngoại vi Ngọc Hồi, gây tâm lý căng thẳng cho quân Thanh và tạo yếu tố bất ngờ cho cánh quân Đô đốc Long trên hướng thứ yếu đánh đồn Đống Đa.

Ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (ngày 30/1/1789), lúc trời còn chưa sáng, bất thình lình quân Tây Sơn tiến công mãnh liệt vào mặt nam đồn Ngọc Hồi.

Quân Tây Sơn tràn qua đồn Bình Vọng, một đồn tiền tiêu của địch, xông thẳng đến đồn Ngọc Hồi.

Vua Quang Trung cưỡi voi chỉ huy chủ lực quân tiến vào đồn Ngọc Hồi. Để biểu lộ sự quyết tâm đánh tan kẻ thù trước toàn quân, Quang Trung đã chít khăn vàng lên đầu. Quân sĩ cũng chít khăn đỏ lên đầu để hưởng ứng. 

Cuộc tiến công bắt đầu. Quang Trung tung đội tượng binh gồm hơn 100 voi chiến tiến lên trước. Đây là một binh chủng xung phong, đột phá rất lợi hại. Một con voi chiến lúc đó có thể chở được 13 - 14 người kể cả quản tượng.

Ngoài cung nỏ, giáo, lao, tượng binh Tây Sơn còn được trang bị thêm nhiều thứ hỏa khí như súng tay, hỏa hổ và đặc biệt đặt cả đại bác trên mình voi.

Trước khi sang xâm lược nước ta, Tôn Sĩ Nghị đã nghe nói về binh chủng này và đã nghiên cứu cách đề phòng, chống đỡ.

Phía ngoài đồn Ngọc Hồi, quân địch bố trí một bãi chướng ngại dày đặc, trong đó có chông sắt và địa lôi, nhằm ngăn cản tượng binh của ta từ xa, không cho tiến sát vào chiến lũy.

Nhưng trước cả một đội tượng binh lớn mạnh với hơn 100 voi chiến đang hùng hổ xông đến, trông từ xa như "quả núi di động", quân Thanh vẫn không khỏi hoảng sợ.

Đề đốc Hứa Thế Hanh phải vội vàng trấn an tinh thần quân lính và lập tức ra lệnh cho đội kỵ binh thiện chiến - binh chủng tinh nhuệ nhất của quân Thanh lao ra khỏi cửa lũy nghênh chiến.

Nhưng vừa trông thấy đoàn voi chiến của quân Tây Sơn, ngựa quân Thanh đã "sợ hãi, hí lên, tế chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau". Chưa đánh, đội kỵ binh thiện chiến của địch đã rối loạn cả đội hình.

Quân Tây Sơn thừa thắng thúc voi đuổi theo. Quân địch càng hoảng sợ, tất cả rút lui vào trong lũy cố thủ. Chúng dựa vào hệ thống chiến lũy, từ trên cao bắn đại bác và cung nỏ ra rất dữ dội để cản đường tiến của đoàn quân voi Tây Sơn.

Nhưng, trước hỏa lực của địch, "súng và tên bắn ra như mưa", thế trận và đội ngũ quân Tây Sơn vẫn vững vàng.

Theo lệnh của Quang Trung, đội voi chiến lập tức chia ra làm hai cánh đánh vòng về hai phía tả và hữu để mở đường cho đội xung kích lao lên. Đây là một đội quân cảm tử gồm 600 người, chia làm 20 toán.

Mỗi toán gồm 10 chiến sĩ giắt dao ngắn bên hông, khiêng một tấm mộc lớn bằng gỗ phía ngoài quấn rơm ướt và 20 chiến sĩ cầm vũ khí tiến theo sau.

Hai mươi toán quân cảm tử dàn ngang thành thế trận chữ "nhất", phía trước là 20 tấm mộc kết liền với nhau như một bức tường thành di động, xông thẳng vào trận địa của địch.

Những tấm mộc bọc rơm ướt có tác dụng chống đỡ đại bác và cung tên của địch từ trong chiến lũy bắn ra, che chở cho đội quân xung kích tiến lên.

Quân chủ lực Tây Sơn dưới sự đốc chiến trực tiếp của Quang Trung, lập tức xung phong vào đồn lũy của địch. Bộ binh, kỵ binh, tượng binh của ta ào ạt xông vào cửa lũy đã mở. Thế xung trận của quân Tây Sơn mạnh như triều dâng bão cuốn.

Từ hai bên sườn đồn Ngọc Hồi, đội tượng binh cũng đồng thời đánh ập vào. Quân ta lùa voi, xông pha tên đạn, nhổ rào lũy tiến vào. Từ trên mình voi, quân ta dùng đại bác và hỏa hổ đốt phá đồn lũy, doanh trại địch và thiêu cháy quân địch.

Quân Thanh vốn đã khiếp sợ những con voi chiến hùng hổ của Tây Sơn, nay lại càng khiếp sợ hỏa lực lợi hại của binh chủng này. Đó là hỏa hổ, một thứ vũ khí nổi tiếng của quân Tây Sơn.

Đồn Ngọc Hồi, cứ điểm phòng ngự kiên cố nhất của quân Thanh bị phá vỡ. Một bộ phận quan trọng quân địch bị giết chết tại trận.

Trong bộ chỉ huy của địch, đề đốc Hứa Thế Hanh, phó tướng của Tôn Sĩ Nghị và là tướng chỉ huy toàn bộ mặt trận phía nam Thăng Long và tổng binh Thượng Duy Thăng là tướng chỉ huy quân tả dực của Tôn Sĩ Nghị bị bỏ mạng tại đây.

Tuy nhiên, số quân Thanh thoát chết ở đồn Ngọc Hồi vẫn còn khá nhiều, khoảng vài vạn tên. Bọn tàn quân này theo tổng binh Trương Triều Long tìm đường tháo chạy về Thăng Long.

Đạo quân của đại đô đốc Bảo đã chăng sẵn một mẻ lưới bủa vây và tiêu diệt toàn bộ tàn quân địch ở đầm Mực.

Quân địch bị dồn vào bước đường cùng. Chúng còn khoảng vài vạn quân nhưng chỉ là một khối người rã rời, kiệt sức về thể xác và kinh hoảng đến tuyệt vọng về tinh thần.

Từ ba mặt, quân Tây Sơn khép chặt vòng vây, dồn ép chúng vào khu đầm Mực lầy lội, um tùm mà tiêu diệt. Quân Thanh "hết hồn hết vía, vội trốn xuống đầm Mực làng Quỳnh Đô" và "quân Tây Sơn lùa voi cho giày đạp, chết đến hàng vạn người"  (Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí).

Toàn bộ bọn tàn quân địch ở đồn Ngọc Hồi đều bị tiêu diệt, trong đó có cả tổng binh Trương Triều Long. Một số tên lẩn trốn vào các làng xóm chung quanh cũng bị nhân dân giết chết hoặc bắt nộp cho quân Tây Sơn.

Chỉ trong sáng ngày mồng 5 tháng Giêng Tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn đã phá tan đồn Ngọc Hồi tiêu diệt toàn bộ quân địch khảng 3 vạn tên ở Ngọc Hồi và đầm Mực.

Đây là một cứ điểm then chốt nhất của quân địch đã bị tiêu diệt, đập nát hệ thống phòng thủ của chúng ở phía nam Thăng Long, mở toang cửa ngõ tiến vào giải phóng kinh thành, uy hiếp đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long.

Đạo quân chủ lực của Quang Trung và đạo quân của Đô đốc Bảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề trên hướng tiến công chủ yếu này.

Đây là trận quyết chiến chiến lược thể hiện quyết tâm đánh tiêu diệt và nghệ thuật tổ chức lực lượng, nhất là dùng voi chiến công đồn của Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Trận Ngọc Hồi xứng đáng giữ vị trí quyết định trong toàn bộ cuộc tổng tiến công chống quân xâm lược Mãn Thanh cuối thế kỷ XVIII ở nước ta.

Cũng vào rạng sáng ngày mồng 5 tháng Giêng (30/1/1789), khi đạo quân chủ lực tiến đánh đồn Ngọc Hồi thì trên hướng tiến công phối hợp, đạo quân của đô đốc Long (có tài liệu nói là Đặng Tiến Đông) cũng đồng thời mở cuộc tiến công hết sức bất ngờ vào đồn Đống Đa (về danh tướng chỉ huy trực tiếp trận Đống Đa, hiện nay có những chủ kiến khác nhau: Hoàng Lê nhất thống chí ghi là Đô đốc Long. Đại Nam chính biên liệt truyện lại ghi là Đô đốc Mưu).

Đồn Đống Đa tuy không kiên cố như đồn Ngọc Hồi, nhưng cũng giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ Thăng Long của Tôn Sĩ Nghị.

Quân Thanh lập đồn trại ở Đống Đa là để khống chế con đường cái từ Tam Điệp ra phía tây - nam Thăng Long, đề phòng cuộc tiến công của quân Tây Sơn theo hướng này và bảo vệ trực tiếp cửa ô Thịnh Quang, một cửa ngõ phía tây - nam thành Thăng Long.

Đóng giữ đồn Đống Đa là đạo quân Điền Châu, Triều Châu do Sầm Nghi Đống chỉ huy. Đặc điểm của đạo quân này là số lượng khá đông - ước đoán khoảng vài vạn quân - nhưng chất lượng không đều và khá ô hợp.

Đồn Đống Đa là hướng tiến công mà Tôn Sỹ Nghị chủ quan cho là khó có thể xảy ra vì con đường "thượng đạo" hiểm trở khó cơ động và triển khai lực lượng lớn các binh chủng.

Để đánh đồn Đống Đa, đạo quân Tây Sơn của đô đốc Long phải hành quân bí mật, đi theo một con đường núi đã bế tắc, phải mở lấy đường mà đi và khắc phục nhiều trở ngại của núi rừng.

Nhiệm vụ đó đòi hỏi tướng chỉ huy không những phải giàu nghị lực, có tài tổ chức, mà còn phải am hiểu cặn kẽ địa hình và đường đi lối lại trong vùng.

Đạo quân của đô đốc Long không nhiều lắm - chỉ khoảng một vạn quân - nhưng theo kế hoạch phối hợp của Quang Trung, phải bất ngờ đánh úp, tiêu diệt đồn Đống Đa thật nhanh, gọn.

Muốn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó, quân đội Tây Sơn cần được sự tham gia, hỗ trợ trực tiếp của nhân dân xung quanh đồn địch.

Đạo quân của đô đốc Long gồm kỵ binh và tượng binh, tuy không nhiều nhưng có sức cơ động nhanh và đột phá mạnh. Quân đội cũng được trang bị nhiều hỏa hổ và đại bác đặt trên mình voi chiến. Cuộc tiến công bắt đầu vào khoảng cuối canh tư (khoảng 3 giờ sáng).

Bằng khí thế áp đảo quân thù, quân Tây Sơn với đội hình đã bày sẵn, xông thẳng vào đồn trại của địch. Quân ta đốt phá các doanh trại phía ngoài rồi nhanh chóng đánh thọc vào sở chỉ huy của địch.

Sầm Nghi Đống cố đốc thúc quân lính chống cự nhưng không sao đương nổi sức tiến công mãnh liệt của quân Tây Sơn. Chỉ trong chốc lát, số quân Thanh bị chết và bị thương đã lên đến 5.000 người.

Sầm Nghi Đống phải bỏ các doanh trại bên ngoài, rút về bảo vệ sở chỉ huy trên Loa Sơn để chờ quân cứu viện.

Cùng lúc đó, xung quanh đồn trại của địch đột nhiên xuất hiện một hàng rào lửa dày đặc. Đó là "trận rồng lửa" (hỏa long trận) của nhân dân địa phương góp sức cùng với quân đội Tây Sơn diệt giặc.

Nhân dân 9 xã ở ngoại thành Thăng Long đã hăng hái dùng rơm rạ, cỏ khô bện thành những con cúi, tẩm dầu, nhựa trám và nhựa thông, nối lại thành những "con rồng".

Khi nghĩa quân nổ súng, nhân dân đốt cháy những con rồng rơm tạo thành bức tường lửa vây kín đồn trại giặc.

Quân địch đang choáng váng vì đòn tiến công bất ngờ của quân Tây Sơn lại càng khiếp đảm trước lưới lửa bao vây trùng điệp của nhân dân. Trong đêm tối, chúng chỉ còn trông thấy bốn bề lửa cháy rực trời, tiếng reo hò dậy đất. Đồn trại của địch tan vỡ nhanh chóng.

Quân địch đang lúc đêm tối, tự xéo lên nhau mà chạy. Các mũi tiến công của quân Tây Sơn lao vào chém giết như vào chỗ không người.

Từ trên sở chỉ huy, Sầm Nghi Đống thấy rõ đã lâm vào cảnh thế cùng lực kiệt: chống đỡ không nổi, quân cứu viện không có, phá vây không được. Hắn tuyệt vọng, thắt cổ tự vẫn ngay tại sở chỉ huy. Đội thân binh trung thành của hắn cũng tự sát theo chủ tướng đến vài trăm tên.

Đồn Đống Đa bị tiêu diệt chỉ sau mấy giờ chiến đấu. Đại bộ phận quân địch bị tiêu diệt tại trận. Một số tên chạy thoát ra ngoài cũng bị quân ta đuổi theo chém và bắt được đến quá nửa. Quân Tây Sơn thừa thắng tiêu diệt luôn các đồn Yên Quyết, Nam Đồng rồi nhanh chóng tràn vào cửa ô tây - nam thành Thăng Long.

Sau trận đánh, hàng vạn xác giặc nằm ngổn ngang khắp chiến trường từ trại Khương Thượng, Thịnh Quang đến trại Nam Đồng.

Khi thu dọn chiến trường, quân dân ta đã nhặt xác giặc, xếp thành từng đống rồi đắp đất lên thành những gò đống lớn. Đó là lối chôn cất cổ truyền của nhiều nước phương Đông vừa có ý nghĩa biểu dương chiến công, để lại một di tích chiến thắng cho muôn đời con cháu, vừa nhằm cảnh cáo kẻ thù.

Những đống xác giặc đó gọi là Kình nghê kinh quán, có nghĩa là gò đống lớn vùi xác quân giặc hung dữ ví như loài cá kình, cá nghê ngoài biển cả (là loại cá to hay đuổi bắt loại cá nhỏ mà ăn). Mười hai gò đống như vậy đã xuất hiện trên trận địa như những chiến tích bất diệt của dân tộc.

Tuy vậy, mười hai gò lớn vẫn chưa vùi hết xác quân xâm lược, rải rác trên các cánh đồng vẫn còn có nhiều xác giặc chôn ở đó. Rất nhiều năm sau này (năm 1851), người dân khi đào đất để đắp đường, lập chợ đã tìm thấy nhiều xương cốt bèn thu nhặt đem chôn thành một hố, đắp thành gò thứ 13.

Trải qua năm tháng, trên các gò đống đó, cây cối mọc um tùm, nhiều nhất là cây đa. Với tên đất sẵn có, nhân dân thường gọi những gò đống đó là "gò Đống Đa" và cùng có những gò đống đó là "xứ Đống Đa".

Như trên đã nói, theo kế hoạch của Quang Trung, trong khi đạo quân chủ lực công phá đồn Ngọc Hồi, thì đạo quân của Đô đốc Long bất ngờ tập kích tiêu diệt đồn Đống Đa, rồi nhanh chóng thọc sâu vào thành Thăng Long, uy hiếp đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị.

Do đó, mờ sáng ngày mồng 5, lúc đồn Đống Đa sắp bị tiêu diệt, đô đốc Long đã hết sức khẩn trương, mau lẹ, đem đội kỵ binh tiên phong của mình đánh thọc vào Thăng Long.

Như một mũi dao nhọn, đội kỵ binh Tây Sơn lao thẳng về phía cung Tây Long. Đấy là hành động bất ngờ, táo bạo mà Tôn Sĩ Nghị không thể nào lường trước được.

Những tin tức khủng khiếp của mặt trận phía nam và phía tây - nam đồng thời đến với Tôn Sĩ Nghị như những đòn trời giáng.

Cả một đạo quân chủ lực còn nguyên vẹn trong tay, nhưng viên chủ soái của quân Thanh hoảng hốt, không còn biết xoay xở, đối phó thế nào.

Như trong bản tâu gửi về triều đình nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị cảm thấy "quân giặc nhiều quá" và quân Thanh đã bị "vây kín bốn mặt". Hắn "sợ mất mật" và "ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng Bắc mà chạy".

Viên thiên tổng Tiết Trung phải dắt cương ngựa cho Tôn Sĩ Nghị chạy trốn và phó tướng Khánh Thành đi theo hộ tống.

Chủ tướng bỏ chạy, "quân sĩ các doanh nghe tin đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều" (Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí).

Tình hình hỗn loạn đến mức độ, tổng binh Lý Hóa Long chạy đến giữa cầu phao cũng bị quân lính đẩy ngã nhào xuống sông.

Qua khỏi cầu phao sang bờ bắc sông Nhị, Tôn Sĩ Nghị lại sợ quân Tây Sơn lợi dụng cầu phao đuổi theo. Chỉ lo bảo toàn tính mạng của bản thân, viên bại tướng đó không ngần ngại ra lệnh cắt đứt cầu phao để chẹn phía sau.

Hành động ích kỷ và tàn nhẫn của Tôn Sĩ Nghị đã làm cho hàng vạn quân Thanh bị dòng nước sông Nhị cuốn trôi. "Cầu gãy, người bị chết vô kể" và "nước sông Nhị vì thế mà tắc nghẽn không chảy được".

Số quân Thanh không kịp qua cầu phao cũng tìm mọi cách liều lĩnh vượt sông. Có bọn cướp được một số thuyền buôn và thuyền đánh cá đang đỗ bên bờ sông nhưng rồi chúng tranh nhau xuống thuyền đông quá nên hầu hết cũng bị đắm. Có bọn thì buộc giáo, mác, khiên, mộc lại thành từng bó để làm bè vượt sông.

Vừa lúc đó, quân Tây Sơn ập tới. Số phận quân Thanh chưa kịp qua sông đã được định đoạt: nếu không vùi xác theo dòng sông Nhị thì cũng bị chém giết hoặc bắt làm tù binh. Một số tàn quân trốn tránh vào các xóm làng thì sau đó, trong vòng 10 ngày, đều phải ra đầu thú.

Số phận đám quân Thanh đóng ở bờ bắc sông Nhị cùng với số tàn quân vượt qua cầu phao chạy trốn theo Tôn Sĩ Nghị cũng không may mắn hơn bao nhiêu.

Bọn chúng bị quân Tây Sơn truy kích phía sau và đến Phượng Nhãn lại bất ngờ bị đạo quân của đô đốc Lộc chặn đánh.

Tôn Sĩ Nghị và bọn tàn quân không dám chạy theo đường cái. Chúng phải luồn rừng, lội suối, leo núi, đường đi quanh co rẽ ngang rẽ dọc... luôn luôn lạc lối, không tìm được nẻo đi và đêm ngày đi gấp, không dám nghỉ ngơi.
Tôn Sĩ Nghị phải vất bỏ tất cả mọi thứ mang theo kể cả sắc thư, kỳ bài, quân ấn chủ soái do vua Thanh ban cho, để lo chạy thoát thân.

Đạo quân Thanh đóng ở Hải Dương cũng bị đánh tan. Riêng đạo quân Vân Nam do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy, ngày 21 tháng Chạp năm Mậu Thân (ngày 16/1/1789) đến Tuyên Quang và những ngày cuối năm đó mới đến Sơn Tây.

Vừa đóng quân được mấy ngày thì được tin Tôn Sĩ Nghị bại trận, cả đạo quân này hốt hoảng tháo chạy về nước. Không bị tiến công nhưng đạo quân Ô Đại Kinh cũng bị tan vỡ và rút chạy trong cảnh hỗn loạn.

Qua vùng Tuyên Quang, chúng lại bị một đội dân binh dân tộc Tày do Ma Doãn Dảo chỉ huy chặn đánh. Chúng càng hoảng sợ, chen lấn, xô đẩy nhau giành đường về nước và một bộ phận khá đông tán loạn vào núi rừng. Một toán quân do Phùng Chấn Tiên cầm đầu, bị lạc đường chạy sang Quảng Tây.

Theo lời tâu của tổng đốc Vân Quý là Phú Cương thì trong đạo quân Ô Đại Kinh có một số không thấy trở về, trong đó có một viên vũ cử (cử nhân võ), một viên ngoại ủy (võ quan cấp dưới) và mấy chục tên lính.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến thật là rực rỡ, chói lọi. Toàn bộ quân xâm lược Mãn Thanh khoảng 29 vạn quân cùng với vài vạn quân của bù nhìn Lê Chiêu Thống đã bị đánh tan tành, bị tiêu diệt đại bộ phận và bị quét sạch ra khỏi bờ cõi.

Sáng mồng 5, đang ở trong cung điện, được tin quân Thanh bại trận, Tôn Sĩ Nghị rút chạy, Lê Chiêu Thống vội vàng bám gót chạy theo.

Nhưng ra đến bờ sông thì cầu phao đã bị cắt, hắn hoảng sợ theo bờ sông chạy lên Nghi Tàm, cướp được chiếc thuyền đánh cá chèo qua sông.

Hắn tìm đường chạy lên ải Nam Quan mới gặp Tôn Sĩ Nghị để bắt đầu cuộc sống lưu vong nhục nhã nơi đất khách quê người.

Trưa ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30/1/1789), vua Quang Trung ngồi trên lưng voi, chiến bào màu đỏ của nhà vua xạm đen khói súng, đi đầu đại quân tiến vào Thăng Long giữa cảnh mừng vui khôn xiết của nhân dân.

Cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Toàn bộ 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh cùng với vài vạn quân của bọn bù nhìn Lê Chiêu Thống đã bị đánh tan tành, bị tiêu diệt đại bộ phận và bị quét sạch ra khỏi bờ cõi.

Trong bốn đạo quân Thanh thì ba đạo, trong đó có đạo quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị bị tiêu diệt gần hết và một đạo quân không đánh mà cũng tan tác. Hàng loạt tướng lĩnh cao cấp của địch bị bỏ mạng.

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã tiến hành nhiều cuộc kháng chiến, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, nhưng đến cuối thế kỷ XVIII, chưa có lần nào khi phải đương đầu với hàng chục vạn quân xâm lược mà đánh thắng oanh liệt, vang dội trong một thời gian ngắn như thế.

Điều đó càng có ý nghĩa lớn lao khi cuộc kháng chiến chống quân Thanh diễn ra vào lúc chế độ phong kiến suy tàn, kẻ thù có sẵn chỗ dựa bên trong là bọn phong kiến phản động, và quân xâm lược đã chiếm kinh thành cùng nhiều vùng rộng lớn xung quanh.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa giữ vai trò là những trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược.

Nhìn riêng về từng hướng tiến công thì trận Ngọc Hồi là trận quyết chiến trên hướng tiến công chủ yếu và trận Đống Đa là trận quyết chiến trên hướng tiến công thứ yếu.

Trận Ngọc Hồi là trận tiến công chính diện nhằm tiêu diệt cứ điểm kiên cố nhất của địch, đập nát vị trí then chốt trong hệ thống phòng thủ cứng rắn phía trước, đồng thời thu hút chủ lực địch.

Còn trận Đống Đa là trận vu hồi, thọc sâu hết sức bất ngờ, đánh thẳng vào một cửa ngõ thành Thăng Long và cũng là chỗ sơ hở, chỗ yếu của địch để trực tiếp uy hiếp bộ chỉ huy đầu não của địch.

Sự phối hợp chặt chẽ của hai trận này làm cho quân Thanh bị chia cắt, cô lập không thể ứng cứu được cho nhau và đặc biệt làm cho Tôn Sĩ Nghị cùng với đạo quân chủ lực, cơ động to lớn của địch lâm vào tình thế bất ngờ, bị động, không kịp trở tay đối phó và cuối cùng bị tê liệt, tan rã và tháo chạy tán loạn.

Thật hiếm có một chiến công chống ngoại xâm, trong hoàn cảnh phức tạp của đất nước, trong so sánh lực lượng rất chênh lệch về quân số giữa ta và địch, mà lại giành được thắng lợi oanh liệt, thần tốc như cuộc đại phá quân Thanh.

Với cách đánh táo bạo, mãnh liệt, đánh nhanh, đánh hiểm, đánh thẳng vào sào huyệt trung tâm, chọc những mũi dao nhọn vào tim địch, diệt ngay được bộ chỉ huy cùng tập đoàn chiến lược chủ yếu của địch.

Nguyễn Huệ thường chỉ bằng một trận quyết chiến đã giải quyết xong một cuộc chiến tranh. Đây là tài năng hiếm có của ông và cũng là điều ít thấy trong lịch sử chiến tranh của dân tộc ta.

Những trận quyết chiến diệt quân Xiêm - Nguyễn, đánh tan quân Trịnh và đại phá quân Thanh là những trận nổi tiếng trong lịch sử, đã đưa Nguyễn Huệ trở thành người anh hùng, nhà quân sự kiệt xuất của dân tộc ta.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã biểu hiện một cách rất rõ tài năng quân sự kiệt xuất của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, ý chí quyết chiến quyết thắng và bản lĩnh chiến đấu kiên cường của quân đội Tây Sơn.

Chiến thắng này là chiến thắng của lòng quyết tâm và ý chí "Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ" được nhân dân hết lòng ủng hộ và giúp đỡ mạnh mẽ.

Trên đường hành quân chiến đấu của quân Tây Sơn, nhân dân đã hăng hái cho con em mình gia nhập nghĩa quân, tiếp tế lương thực, thực phẩm, giúp đỡ các phương tiện vượt sông...

Nhân dân các làng xã quanh kinh thành Thăng Long đã giúp quân Tây Sơn bí mật giấu quân ém sát đồn giặc, góp ván gỗ làm mộc công phá đồn Ngọc Hồi, đã phối hợp làm "trận rồng lửa" trong trận diệt đồn Đống Đa...

Ngọc Hồi - Đống Đa là một thiên anh hùng ca, một chiến công lừng lẫy, một sự nghiệp vĩ đại của Quang Trung - Nguyễn Huệ và của dân tộc ta, là một cống hiến lớn lao cho nền khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

ĐẶNG VIẾT THỦY

Nhận xét

Bài đăng phổ biến