Kỳ 170-CUỘC DI DÂN LỊCH SỬ VỀ PHƯƠNG NAM


Kỳ 170
CUỘC DI DÂN LỊCH SỬ
VỀ PHƯƠNG NAM

Sau khi chúa Nguyễn Hoàng mất, con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên lên thay và làm nên một cuộc di dân về phương Nam vô cùng ngoạn mục..

Tương truyền lúc mang thai, mẹ chúa Nguyễn Phúc Nguyên là phu nhân Nguyễn Thị nằm mơ thấy có vị Thần đưa cho một tờ giấy trên có đề chữ “Phúc”.

Khi tỉnh dậy, bà kể lại cho mọi người giấc mơ của mình. Mọi người chúc mừng bà và đề nghị đặt tên đứa bé là Phúc. Nhưng bà nói rằng nếu đặt tên là Phúc thì chỉ mình đứa bé hưởng, nên bà muốn lấy chữ “Phúc” làm tên lót, ẩn chứa mong muốn rằng đứa bé sau này sẽ tạo phúc cho muôn dân.

Năm 1613, Nguyễn Phúc Nguyên chính thức lên kế vị. Ông ban hành rất nhiều chính sách về dân sự nhằm xây dựng chính quyền Đàng Trong hùng mạnh, cũng như ổn định cuộc sống dân chúng. Người dân tin yêu gọi ông là Sãi Vương, chúa Sãi, chúa Bụt hay Phật chúa.
Năm 1611 đất họ Nguyễn đã trải dài đến vùng cực nam Phú Yên (ảnh qua lichsunuocvietnam.com)

Sách “Đại Nam thực lục” ghi chép lại rằng:

Nguyễn Phúc Nguyên cho sửa thành lũy, đặt quan ải, vỗ về quân dân, trong ngoài đâu cũng vui phục, bấy giờ người ta gọi là Chúa Phật. Từ đấy mới xưng quốc tính là họ Nguyễn Phước hay Nguyễn Phúc.

Hội An trở thành cảng tiêu biểu ở châu Á, nổi tiếng trên thế giới

Chúa Nguyễn cho mở hải cảng ở Quảng Nam để thông thương với nước ngoài, trong đó cảng Hội An là lớn nhất, đồng thời viết thư mời các thương nhân nước ngoài đến buôn bán. Rất nhiều thương gia Nhật Bản và phương Tây đã đến giao thương, biến Hội An thành đô thị, hải cảng quốc tế tiêu biểu ở châu Á.

Thời gian này Hội An là đô thị rất trù phú, được nhiều nơi trên thế giới biết đến, có rất nhiều khu phố dành cho thương gia nước ngoài.
Theo các tài liệu lịch sử, số lượng thuyền vào thương cảng đông đến nỗi buồm của chúng được ví “như rừng tên xúm xít” (trích trong Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán), còn hàng hóa thì “không thứ gì không có” và số lượng thì “cả trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được” (trích từ Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn).

Một người Ý là Christoforo Borri cư trú ở Hội An vào năm 1618 đã mô tả về Hội An như sau:

“Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam”.

“Người Hoa và Nhật Bản là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên, năm nào cũng mở và kéo dài trong bốn tháng. Người Nhật thường đem lại 4, 5 vạn nén bạc, người Trung Hoa thì đi một thứ thuyền buồm đem lại nhiều tơ lụa tốt và sản vật đặc biệt của họ”.

“Do chợ này mà Quốc vương thu được số tiền thuế lớn, toàn quốc nhờ vậy cũng được nhiều lợi ích”.
Hội An trong bức họa Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ. (Ảnh từ wikipedia.org)

Quan hệ chúa Trịnh – chúa Nguyễn

Năm 1620 chúa Trịnh vô cớ gây chiến nên chúa Nguyễn quyết định hoàn toàn đoạn tuyệt với việc nộp cống thuế cho Đàng Ngoài.

Năm 1623, Trịnh Tùng chết, các con tranh ngôi Chúa mà làm loạn Bắc Hà. Nhiều người hiến kế cho chúa Nguyễn nhân cơ hội này tiến đánh chúa Trịnh, với lý do 3 năm trước chúa Trịnh vô cớ đưa quân tiến đánh vào Đàng Trong. Thế nhưng chúa Nguyễn Phúc Nguyên nói rằng: “Ta muốn nhân cơ hội này nổi nghĩa binh để phò vua Lê, nhưng đánh lúc người có tang là bất nhân, thừa lúc người lâm nguy là bất vũ. Huống chi ta với Trịnh có nghĩa thông gia”.

Hào kiệt khắp nước nghe được câu này của ông liền đi theo rất đông, trong đó nổi tiếng có Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh, giúp Đàng Trong ngày càng hùng mạnh, cư dân đi xuống phía Nam đến tận vùng Nam Bộ.

Tháng 3/1627, chúa Trịnh Tráng thống lãnh 20 vạn đại quân theo 2 đường thủy bộ tiến đánh Đàng Trong của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, hội quân ở cửa biển Nhật Lệ. Chúa Sãi cử các tướng Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Phúc Vệ và Nguyễn Phúc Trung đón đánh.

Quân chúa Trịnh lợi dụng ưu thế về số lượng tấn công, nhưng không sao chọc thủng được phòng tuyến quân chúa Nguyễn. Nhờ mở cửa giao thương với phương Tây mà quân chúa Nguyễn có được đại bác của Bồ Đào Nha uy lực rất mạnh, đạn bắn rất ổn định, hầu như không bị tắc, tốc độ bắn nhanh hơn, khoảng cách bắn cũng xa hơn so với đại bác cũ, khiến 20 vạn đại quân Trịnh Tráng không thể làm gì được.

Được Đào Duy Từ hiến kế, năm 1630 chúa Nguyễn Phúc Nguyên trả lại sắc lệnh cho chúa Trịnh Tráng đánh dấu mốc chuyển từ chính quyền địa phương thành chính quyền độc lập.

Tự trang bị đại bác cùng quân đội hiện đại

Nhận thấy uy lực của đại bác Bồ Đào Nha, và nhằm xây dựng quân đội hùng mạnh, chúa Nguyễn đã mời cha con người Bồ Đào Nha Jean De La Croix từ Hội An ra Huế giúp mở xưởng đúc vũ khí đạn dược. Năm 1631, chúa Nguyễn mở cơ sở đúc súng đại bác cùng trường bắn.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng xây dựng quân đội Hoàng Sa nhằm bảo vệ lãnh thổ trên biển cùng quần đảo Hoàng Sa. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) trong tham luận tại Hội thảo về Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn năm 2008 đã phát biểu rằng: “Chúa Nguyễn Phúc Nguyên chính là người đã sáng tạo ra một hình thức khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền trên các vùng quần đảo giữa Biển Đông hết sức độc đáo là đội Hoàng Sa”.
Phố cổ Hội An với Chùa Cầu phía sau. (Ảnh từ wikipedia.org)

Cuộc di dân lịch sử của người Việt

Do phải đối phó với sức mạnh từ Xiêm La (Thái Lan ngày nay), Quốc Vương Cao Miên muốn đặt quan hệ thông gia với chúa Nguyễn, từ đó công nữ Ngọc Vạn đã trở thành Hoàng hậu của vua Chey Chettha II. Chúa Nguyễn gửi quân cùng vũ khí sang giúp Cao Miên đẩy lui các cuộc xâm lược của Xiêm La. Quân chúa Nguyễn dùng đại pháo do người Bồ Đào Nha giúp đúc được khiến quân Xiêm La kinh hoàng phải rút lui.

Chúa Nguyễn cũng đã thương lượng với vua Chey Chettha II và được nhượng lại 1 dinh điền ở Mô Xoài (gần Bà Rịa ngày nay), đồng thời chúa Nguyễn được phép lập hai thương điểm là Prei Nokor (thuộc khu Chợ Lớn, Sài Gòn sau này) và Kas Krobey (khu vực Bến Nghé, Sài Gòn sau này) để thu thuế.

Đồng thời người Việt ở Đàng Trong được phép đến sinh sống ở vùng Thủy Chân Lạp (tức Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam và miền Nam Campuchia ngày nay). Chúa Nguyễn cũng cho quân đến đóng ở vùng Prei Nokor (tức  Sài Gòn, Biên Hòa, Bà Rịa) của Chân Lạp nhằm bảo vệ người Việt làm ăn buôn bán sinh sống, đồng thời giúp Cao Miên khi có biến.

Nhờ đó chỉ trong một thời gian ngắn người Việt xuất hiện rất đông ở Cao Miên, khu vực ngày này là Đồng bằng sông Cửu Long, Sài Gòn, Biên Hòa, Bà Rịa. Miền Nam Campuchia cũng rất đông người Việt sinh sống. Đây là tiền đề quan trọng cho việc mở rộng lãnh thổ về sau này.

Nguyễn Cư Trinh, người phò tá cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên đưa người Việt vào Nam Bộ đã có lời tổng kết rằng:

“Đời trước lập Gia Định, tất trước mở xứ Mỗi Xoài, rồi mở xứ Đồng Nai, để cho quân dân hoàn tụ, rồi mới mở xứ Sài Gòn, thế là lấy ít đánh nhiều, lấn dần như tằm ăn.” (trích Phủ Biên tạp lục của Lê Qúy Đôn).
Lăng Trường Diễn của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. (Ảnh từ lichsunuocvietnam.com)

Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên qua đời vào ngày 19/11/1635, hưởng thọ 73 tuổi. Lăng mộ táng tại Sơn Phận, huyện Quảng Điền; sau cải táng về vùng núi Hải Cát, Hương Trà, Thừa Thiên. Tên lăng là Trường Diễn.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên không chỉ hoàn thành tâm nguyện của cha mở rộng cương vực lãnh thổ về phía Nam, mà còn phát triển kinh tế, mở cảng giao thương với thế giới. Cảng Hội An được xem là lớn và tiêu biểu nhất châu Á lúc bấy giờ, nổi tiếng trên thế giới. Quân đội của chúa Nguyễn cũng được xây dựng hùng mạnh với vũ khí hiện đại, không chỉ đánh bại đội quân chúa Trịnh, mà còn giúp Cao Miên đánh bại Xiêm La.

Quân đội cũng theo chân người Việt di cư xuống tận vùng Nam Bộ nhằm bảo vệ cư dân sinh sống, giúp cuộc di dân lịch sử của người Việt xuống phương Nam thành công tốt đẹp.

Trần Hưng

Nhận xét

Bài đăng phổ biến