VÀI CHUYỆN THÚ VỊ VỀ CHÓ TRONG SỬ VIỆT


VÀI CHUYỆN THÚ VỊ VỀ CHÓ
TRONG SỬ VIỆT

Chó là loài vật gần gũi trong gia đình người Việt, lại là con vật trong “lục súc” thường xuất hiện trong sách vở chữ Nho, nên nó có mặt rất nhiều trong sử sách Việt Nam.
1.
Từ truyền thuyết Lạc Long Quân

Bộ truyện Lĩnh Nam chích quái, tương truyền do danh sĩ Trần Thế Pháp viết vào thế kỷ 15 tập hợp nhiều câu chuyện thần thoại, cổ tích, truyền thuyết Việt Nam từ thời thượng cổ, trong truyện Ngư tinh, nối ngay sau truyền thuyết về họ Hồng Bàng, kể về sự tích Quốc tổ nước Việt là Lạc Long Quân và Hùng Vương, đã có chó xuất hiện. Để đánh bại Ngư tinh, Hùng Vương đã theo kế của vị Lạc hầu làm hàng nghìn lưỡi câu bằng sắt, dùng cả dây gai các loại treo hàng trăm lưỡi câu như vậy rồi dùng dê và chó xâu vào làm mồi vứt xuống biển để dụ cá nhưng nó tinh khôn không thể bắt giết được. Cuối cùng vua Hùng mới đành phải lập đàn cầu khấn nhờ đức Lạc Long Quân dùng phép thần diệt thủy quái.

Long Quân dùng gươm báu giết chết được Ngư tinh, cắt đuôi, lột da phủ lên núi (nay là đảo Bạch Long Vĩ), còn đầu trôi ra bể biến thành con chó ngao, Long Quân liền lấy đá ngăn bể rồi chém chó. Cái đầu biến thành một ngọn núi (nay gọi là Cẩu Đầu Sơn), thân trôi ra ngoài Mạn Cầu, chỗ đó nay gọi là Mạn Cầu Thủy hoặc Cẩu Đầu Thủy. Những tên gọi này ngày nay là tên một số hòn đảo phần lớn thuộc vùng biển Đồ Sơn của thành phố Hải Phòng và vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh.
2.
Chó báo điềm sinh vua Lý Thái Tổ

Đến đời vua mở đầu triều Lý - Lý Thái Tổ, do vua sinh năm Giáp Tuất (974), nên đời sau đã sáng tác ra câu chuyện liên quan đến chó thành điềm báo về việc vua ra đời. Chuyện được đưa vào Đại Việt sử ký toàn thư, viết rằng: “Trước ở viện Cảm Tuyển chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp có con chó đẻ con sắc trắng có đốm lông đen thành hình hai chữ “Thiên tử”. Kẻ thức giả nói đó là điềm năm Tuất sinh người làm thiên tử. Đến nay, vua sinh năm Giáp Tuất lên làm thiên tử, quả là ứng nghiệm”.

Còn có truyền thuyết kể rằng bà mẹ vua là người họ Phạm sống trong chùa, nằm mơ thấy thần chó đá và thụ thai. Sinh con trai, bà mang đến chùa Cổ Pháp và con chó bằng đồng của chùa bỗng sủa mừng. Sư cụ là Lý Khánh Vân cho là điềm lành, ứng vào sấm ký của chùa, rước nuôi đứa bé và đặt tên Công Uẩn, cho mang họ của mình. Cậu bé theo học thầy Vạn Hạnh, thành đạt, phò nhà tiền Lê làm tướng giỏi, sau lên ngôi vua.
3.
Đội quân chó đánh giặc của Nguyễn Xí

Thời nhà Minh xâm lược nước ta, trong cuộc kháng chiến của Lê Lợi, sử sách ghi lại có một đội quân chó rất dũng mãnh, nhiều lần làm quân giặc kinh hồn bạt vía.

Đó là đội quân chó của Nguyễn Xí. Nguyễn Xí quê ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, gốc người làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Năm lên 9 tuổi, Nguyễn Xí theo anh đến làm trong nhà Lê Lợi. Sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn ghi rằng: “Vua sai Nguyễn Xí nuôi đàn chó săn gồm hơn 100 con. Sớm chiều chia cơm cho chó ăn, ông đều dùng chuông làm hiệu. Bầy chó theo sự điều khiển của ông, tiến thoái răm rắp”.

Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, đội quân chó săn của Nguyễn Xí rất hữu dụng trong quân. Những lúc nghĩa quân bị vây hãm, hết lương thực, đàn chó đi săn thú, bắt chim về làm thức ăn. Khi xung trận, Nguyễn Xí điều khiển bầy chó lăn xả vào trận làm quân giặc hoảng sợ. Tên tướng Minh là Mã Kỳ, mỗi khi nghe đến đội quân khuyển của Nguyễn Xí là hết sức kinh hãi.

Truyền thuyết còn kể rằng, Nguyễn Xí từng dùng đàn chó thực hiện kế “thuyền cỏ mượn tên” như của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc. Ông cho buộc vào cổ đàn chó những chiếc đạc ngựa, ban đêm xua chó chạy vào trại giặc Minh để phát ra tiếng kêu như cả đoàn kỵ mã tấn công. Bên ngoài, ông cho trống thúc, quân reo, khiến quân giặc trong trại hốt hoảng tưởng bị tấn công, nhưng không rõ binh lực của quân ta thế nào nên không dám ra đánh. Chúng đành dùng cung nỏ bắn ra ngoài như mưa. Cứ làm như vậy đến gần sáng, nghĩa quân thu nhặt được hàng vạn mũi tên.
4.
Đem hình ảnh chó ra biện bạch với quân Nguyên

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2 (1285), khi quân đội hai bên dàn trận hai bên bờ sông Hồng, để thăm dò sức mạnh đối phương, vua Trần Nhân Tông sai viên Chi hậu cục thủ là Đỗ Khắc Chung giả mang thư sang trại giặc, vào trướng Ô Mã Nhi để đưa thư. “Đại Việt Sử ký toàn thư” ghi lại đoạn đối thoại của Ô Mã Nhi và Đỗ Khắc Chung đã được chép tỉ mỉ:

“Ô Mã Nhi hỏi: “Quốc Vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ “Sát Thát”, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm”.

Khắc Chung đáp: “Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi. Quốc Vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có?”, rồi vạch áo ra cho quân Nguyên xem, chứng minh mình không xăm chữ “Sát Thát”.

Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi bảo các tướng rằng: “Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xướng là Chích, không nịnh ta lên là Nghiêu, mà chỉ nói “Chó nhà cắn người”, thật giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được”.

Nói xong, Ô Mã Nhi sai quân đuổi theo Đỗ Khắc Chung toan bắt lại nhưng không kịp. Vì hành động dũng cảm này, mà vua Trần Nhân Tông đã khen Khắc Chung rằng: “Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế”.
5.
Thần khuyển đại tướng quân của vua Gia Long

Nếu trong truyền thuyết về vua Lê Lợi, khi bị giặc Minh truy đuổi, có đàn cáo chạy bụi rậm ra cứu mạng vua, thì đến truyền thuyết về vua đầu triều Nguyễn là Nguyễn Ánh, loài vật cứu mạng ông là con chó.

Cuốn sách “Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đô”̀, ghi chép và lý giải tất cả những chuyện liên quan đến hoàng tộc, có nói về sự tích này. Cứu mạng vị chúa trẻ, hậu duệ sống sót cuối cùng của các chúa Nguyễn trước sự truy đuổi của quân Tây Sơn là 4 con chó Phú Quốc, và chúng cứu mạng Nguyễn Ánh những hai lần. Một lần, đàn chó cứu chúa Nguyễn Ánh ở dốc Gành Đỏ (vùng Bằng Lăng, Phú Yên), một lần, ở vùng Cà Tang (Quế Sơn, Quảng Nam) hiện nay.

Khi Nguyễn Ánh phải chui vào một bụi rậm, 4 con chó vây quanh bảo vệ. Khi quân Tây Sơn nhìn thấy bụi rậm, họ dùng giáo chọc vào để kiểm tra. Một con chó đã lấy thân mình đỡ ngọn giáo đâm vào chúa, 3 con còn lại chạy ra đánh lạc hướng quân Tây Sơn, giúp Nguyễn Ánh thoát nạn. Theo quyển sách nói trên, sau khi lên ngôi, vua Gia Long bình xét công trạng của các tướng sĩ, đã không quên sắc phong cho 4 con chó Phú Quốc danh hiệu: “Cứu khổn phò nguy Tá quốc huân thần Thần khuyển đại tướng quân”. Sau khi chúng qua đời, ông đã cho an táng và lập miếu thờ trọng thể.
6.
Đền thờ chó ở hồ Trúc Bạch?

Ở trên hồ Trúc Bạch, đoạn cuối đường Thanh Niên, Hà Nội hiện nay, có một hòn đảo nhỏ, trên có một ngôi đền tương truyền có từ lâu. Sách “Tây Hồ chí“ (có ý kiến cho rằng tác giả là Đốc học Dương Bá Cung), viết rằng: “Đó là đền Cẩu Nhi tức là chó con, mẹ là Cẩu Mẫu. Đền ở trên bến Châu Chử tại góc hồ (Đời Trần gọi đây là bến Thần Cẩu). Tương truyền rằng, ở chùa Thiên Tâm trên núi Ba Tiêu, châu Bắc Giang, có một con chó trắng bụng chửa bỗng bơi qua sông Cái, rồi lên ở trên núi Khán. Sau đó đẻ được một chó con. Mọi người lấy làm lạ. Đến năm Nhâm Tuất, hai chó đều hóa. Khi Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, nghe chuyện này, bèn bảo: “Đó là chó thần”. Rồi sai dựng miếu thờ chó mẹ trên núi, miếu thờ chó con ở trên hồ”.

Đề tài đền thờ này có phải thờ thần chó hay không đã làm dấy lên một cuộc tranh luận kéo dài trong suốt nhiều năm qua. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đền Cẩu Nhi không có thật trong lịch sử và cuốn “Tây Hồ chí” không có cơ sở tin cậy vì không rõ tác giả là ai. Do đó hiện nay, chính quyền thành phố Hà Nội đã cho tu sửa, dựng cầu đá vào đền, đổi tên thành Đền Thủy Trung Tiên, tên hiệu bà Mẫu Thoải, tức vị chúa cai quản sông nước trong đạo thờ Mẫu.

Nhiều tài liệu lịch sử cũng ghi chép việc thờ cúng chó đá. Như trong cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí”, ở phần “Dư địa chí” ghi chép về trấn Thanh Hoa, nhà bác học Phan Huy Chú viết “Nghi môn ở điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng”.

LÊ TIÊN LONG 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến