CÁCH HỌC NGOẠI NGỮ CỦA THI SỸ BÙI GIÁNG
CÁCH HỌC NGOẠI NGỮ
CỦA THI SĨ BÙI GIÁNG
Ngày xưa, khi còn trẻ, tôi sống
gần anh Bùi Giáng của tôi, sau này trở thành nhà thơ, trong Nam nhiều người biết.
Anh tính nết thất thường, tư tưởng lắm lúc kỳ dị, nên có người gọi anh là nhà
thơ điên...
Anh giỏi nhiều thứ, văn học, triết
học, ngoại ngữ, tất cả đều ở mức uyên thâm. Từ ngày còn đi học, anh đã giỏi tiếng
Pháp. Nguyên nhân là do năng khiếu một phần, nhưng một phần có lẽ nhờ anh đã
dùng một biện pháp đặc biệt: Anh thường xuyên viết thư tình bằng tiếng Pháp
(tôi có đọc trộm được một số), để gửi cho một cô rất giỏi tiếng Pháp mà anh
theo đuổi.
Về sau, qua nhiều sách vở anh viết
và dịch, tôi biết anh còn giỏi cả tiếng Anh, tiếng Đức, chữ Hán; và nghe đâu, cứ
mỗi lần học một thứ tiếng nào, anh lại tìm một người đẹp giỏi tiếng ấy để theo
đuổi và viết những lá thư tình bằng thứ tiếng đương học.
Sau này, gặp lại, có lần anh hỏi
tôi (khi ấy chúng tôi còn đương trẻ):
- Ngoại ngữ của mày đến đâu rồi?
- Chỉ làng nhàng thôi.
- Thế mày có theo cách của tao
không?
- Chịu, không theo được.
- Đã biết mà! Những đứa dại gái
như mày, định theo đuổi ai là ngay lập tức chết mê chết mệt vì người đó. Như vậy
còn đầu óc đâu mà suy ngẫm về chữ nghĩa văn chương!
Tôi im lặng. Được thể, anh tiếp
tục:
- Chúng nó bảo tao điên. Nhưng
tao hỏi: Giữa mày và tao, một thằng đứng trước gái đẹp là hồn xiêu phách lạc, mất
hết trí khôn, ấp a ấp úng không nói được nên lời, còn một thằng thì tỉnh táo, sáng
suốt, đường hoàng, nhờ vậy mà tìm được ở người đẹp một nguồn cảm hứng dồi dào,
một sức cổ vũ lớn lao trên con đường học hỏi và phụng sự nhân quần. Như vậy là
tao điên hay mày điên?
Tôi chịu không trả lời được đành
đấu dịu:
- Nếu tôi điên, thì mọi người đều
điên như tôi, còn nếu anh điên thì có ai điên được như anh đâu?
Anh suy nghĩ một lúc, rồi khe khẽ
gật đầu.
- Ừ, mày nói phải.
Những cuộc nói chuyện giữa chúng
tôi thường diễn ra theo kiểu đó: Sau khi đánh một đòn "phủ đầu", anh
rút lui để "bảo toàn danh dự" cho đối phương. Không ai giận anh bao
giờ. Sống giữa thị thành, anh như đi trong giấc mơ. Anh thích trẻ con, kể cả loại
"bụi đời", và ra đường thường bị chúng nó "trấn lột" không
còn mảnh giáp. Vì vậy, đói khát là chuyện hằng ngày. Anh sống được là nhờ bạn
bè ở gần và những độc giả mến mộ thơ anh. Giữa đời, anh yêu một người đẹp như
yêu một nhân vật tiểu thuyết, như những nàng tiên trên trời, thậm chí như yêu một
bóng ma. Anh đặc biệt gắn bó với những bóng ma, thêm một bằng chứng để nói rằng
anh điên thật, chứ không phải giả vờ như có người đã nghĩ. Có điều, như nhà văn
Nguyễn Quang Sáng đã viết: "Bệnh điên của anh là bệnh điên thi ca, nó
không gây ra những hành động phá phách hung dữ khiến chúng ta sợ, mà rót vào hồn
ta những vần thơ nhân ái ngọt ngào". Hay như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết:
"Anh là một người biết yêu thương thành khẩn mặt đất này. Yêu và nhớ nó
tha thiết đến độ điên đảo. Điên đảo để càng yêu càng nhớ nó thiết tha"
(theo Văn nghệ đặc san, số 2/1992)
Bùi Tường
(em trai nhà thơ Bùi Giáng)
Nhận xét
Đăng nhận xét