Kỳ 165 -VUA TRẦN TỬ TRẬN GIỮA KINH ĐÔ CHIÊM THÀNH



Kỳ 165
HẠ NHỤC ĐẠI TƯỚNG QUÂN
VUA TRẦN TỬ TRẬN
GIỮA KINH ĐÔ CHIÊM THÀNH

Không nghe lời đại tướng quân trung thành với mình, thậm chí còn hạ nhục bằng cách bắt mặc áo đàn bà, vị vua Trần này đã phải chết thảm giữa chiến trường.

Đại tướng quân Đỗ Lễ

Đỗ Lễ là người quê gốc ở Bồng Trung, xã Đông Biện (nay là xã Vĩnh Tân thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Dòng họ Đỗ nơi đây có nhiều người làm quan văn tướng võ dưới thời nhà Lý và nhà Trần.

Thuở nhỏ Đỗ Lễ đã có sức khỏe hơn người, lớn lên rất giỏi võ nghệ. Ông cũng ham thích binh thư, và dũng lược. Đỗ Lễ tham gia trong một đợt tuyển quân của nhà Trần, nhờ tài năng mà được thăng dần lên chức tướng quân.

Tướng quân Đỗ Lễ là người có công lớn trong cuộc dẹp loạn Dương Nhật Lễ vào tháng 11 năm Canh Tuất (1370). Sách Đại Việt sử ký Tiền biên có ghi chép rằng:

Xét thấy ngoại kỷ chép: Trước đây Duệ Tông khởi nghĩa giết Nhật Lễ, có quan văn là Trần Thâm tính kế hoạch, có quan võ là Đỗ Lễ điều quân.

Nhờ nhiều chiến công dẹp loạn mà Đỗ Lễ được phong làm Đại tướng quân.

Bắt đại tướng quân mặc áo đàn bà

Năm 1372 vua Trần Duệ Tông lên ngôi, nhưng các vua Trần sau này không còn duy trì niềm tin tín ngưỡng như các đời Vua trước, không dùng đạo đức làm nền tảng để trị vì, vì thế mà nhà Trần càng ngày càng suy sụp. Trong triều tham quan lộng hành, không lo cho đời sống người dân, khiến dân chúng các nơi nổi lên, xã hội bất ổn.

Tại phía Nam, vua Chiêm là Chế Bồng Nga nhiều lần mang quân xâm phạm Đại Việt tiến đến tận thành Thăng Long.
Chế Bồng Nga từng đem quân đánh vào tận Thăng Long. (Ảnh từ Pháp Luật VN)
Tháng 12 năm 1376, vua Trần Duệ Tông huy động 12 vạn quân tiến đánh Chiêm Thành, đương nhiên cuộc chiến quan trọng này không thể vắng mặt Đại tướng quân Đỗ Lễ.

Ngay trước khi lên đường Hoàng phi Nguyễn Bích Châu đã dâng biểu lên nhà Vua rằng:

Xin nghỉ binh cho dân chúng được yên hàn, trị cái rắn nên dùng cái mềm, lấy đức để thu phục người phương xa như vua Hạ (Vũ) chỉ gảy đàn mà chẵn 1 tháng rợ Hồ quy phục, đó là thượng sách.
Theo Truyền kỳ Tân phả.

Các quan như Ngự sử trung tán Lê Tích và Ngự sử đại phu Trương Đỗ ba lần lên tiếng can ngăn, nhưng vua Trần Duệ Tông lại tin rằng với đại quân 12 vạn nhất định sẽ dễ dàng đánh tan Chiêm Thành. Vua bỏ ngoài tai những lời này.
Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”
Đến tháng giêng năm 1377, quân nhà Trần tiến vào cửa biển Thị Nại (nay thuộc Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đánh tan quân Chiêm ở động Ỷ Mang và đóng quân ở đây. Sở dĩ quân nhà Trần tiến quân theo con đường này, vì kinh thành Đồ Bàn của Chiêm Thành nằm ngay ở vị trí tỉnh Bình Định ngày nay.

Quân Chiêm nơi đây thua trận đầu hàng rồi nói rằng vua Chiêm là Chế Bồng Nga đã bỏ kinh thành Đồ Bàn mà rút đi rồi. Nghe vua Chiêm đã bỏ Kinh thành mà rút đi, vua Trần Duệ Tông ra lệnh cho tiến quân luôn vào kinh thành Đồ Bàn.

Nhưng Đại tướng quân Đỗ Lễ đã nghi ngờ đây là mưu kế của quân Chiêm liền nói với Vua rằng:

Nó đã chịu hàng, là muốn bảo toàn đất nước làm đầu. Quan quân vào sâu đánh phá thành giặc là việc bất đắc dĩ. Xin hãy sai một biện sĩ cầm mảnh thư đến hỏi tội, để xem tình hình hư thực của giặc, như kế sách của Hàn Tín phá nước Yên ngày trước, không phải khó nhọc mà thành công. Cổ nhân có nói: “Lòng giặc khó lường”. Thần xin bệ hạ hãy xét kỹ lại.
Đại Việt Sử ký Toàn thư

Thế nhưng vua Trần Duệ Tông lại tin rằng mình dẫn 12 vạn quân đến khiên vua Chiêm khiếp vía mà đem quân chạy khỏi thành rồi nên nói rằng:

Ta mình mặc giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi, vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu với ta. Ấy là trời giúp cho ta đó.

Huống chi nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ đánh nhau. Cổ nhân nói: “Dùng binh quý thần tốc”. Nay nếu dừng lại không tiến thì thực là trời cho mà không lấy, để nó lại cơ mưu khác thì hối sao kịp. Ngươi chính là hạng đàn bà.
Đại Việt Sử ký Toàn thư

Rồi sai người mang áo đàn bà đến bắt Đại tướng quân Đỗ Lễ mặc vào nhằm hạ nhục trước mặt ba quân. Thời xưa đường đường là một Đại tướng quân mà phải mặc áo đàn bà giữa ba quân được coi là một nỗ ô nhục ghê gớm, không phải ai cũng vượt qua được.

Ấy vậy mà khi Vua ung dung dẫn quân vào trong Kinh thành Đồ Bàn, khuyên Vua không được Đỗ Lễ bất đắc dĩ phải tuân lệnh vào thành cùng Vua.  Từ đó có thể thấy Đỗ Lễ quả thật vô cùng nhẫn nhịn.
 
Vua Trần trả giá

Khi quân nhà Trần vừa vào trong thành thì quân Chiêm mai phục sẵn từ bốn mặt đổ ra đánh. Bị đánh bất ngờ, quân nhà Trần thua to, 10 phần thì chết 7, 8 phần.

Quân Chiêm bắn tên ra như mưa, vua Trần Duệ Tông bị trúng tên chết tại chỗ, các tướng Nguyễn Nạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh cũng đều chết cả.

Trong đám loạn quân, đại tướng Đỗ Lễ đã lường trước tình huống này, nên bình tĩnh thúc ngựa cầm thương tiến đánh với vua Chiêm là Chế Bồng Nga để đám ngự binh cướp xác Vua rút đi. Đối đầu với Đại Tướng quân của Đại Việt, vua Chiêm nhắm không địch nổi, nhưng lúc này quân nhà Trần đã hoàn toàn tan vỡ, nên quân tướng Chiêm Thành lớp lớp vây quanh tiến đánh Đỗ Lễ. Sau một thời gian giao tranh, Đại tướng Đỗ Lễ dần kiệt sức, cả người và ngựa cùng gục xuống.

Sách Đại Nam quốc sử diễn ca mô tả rằng:

Duệ Tông hăm hở phục thù,
Đánh Chiêm nào quản tri khu dặm trường.
Khinh mình vào động Ky Mang,
Tinh kỳ tan tác gió sương mịt mù.

Đánh giá sự kiện này “Việt sử Giai thoại” có lời rằng:

Đại tướng Đỗ Lễ cẩn trọng, ấy cũng là phép xử thường của kẻ quen xông pha trận mạc. Duệ Tông bất chấp lời can ngăn, lại còn coi khinh mà hạ nhục, bắt Đại tướng phải mặc áo đàn bà trước mặt ba quân, chủ quan háo thắng mà vô mưu đến thế, bảo không thảm bại làm sao được.

Cổ nhân dạy rằng, dụng binh mà khinh tướng, ấy là nguy. Duệ Tông hạ nhục Đại tướng Đỗ Lễ, có biết đâu là đã tự hạ nhục mình, mà xem ra, cái nhục của Duệ Tông mới thực là nỗi nhục lớn hơn cả.

Nhớ lại, thời “Tam quốc” để dụ Tư Mã Ý đem quân ra khỏi thành giao chiến, Gia Cát Lượng cũng từng cho tặng Tư Mã Ý bộ đồ đàn bà để hạ nhục. Nhưng Tư Mã Ý là người có tâm đại nhẫn, biết đem quân ra khỏi thành là trúng kế Gia Cát Lượng, nhưng không sao thuyết phục được quân tướng, phải nhờ Ngụy Chủ ra chiếu thư lệnh phải thủ thành, không được đánh. Nhờ đó quân Ngụy mới không ra khỏi thành.

Nhắc chuyện xưa để thấy rằng đại tướng Đỗ Lễ cũng là người có tâm đại nhẫn, bị bắt mặc áo đàn bà giữa ba quân mà không đem lòng ghi hận, lại có thể theo Vua vào hang cọp, rồi lại hy sinh thân mình để bảo toàn xác Vua. Chỉ tiếc rằng nhà Trần đã mạt…

Trần Hưng

Nhận xét

Bài đăng phổ biến