Kinh nghiệm viết văn: HƠI VĂN



Kinh nghiệm viết văn:
HƠI VĂN

Khi viết, một trong những điều tôi quan tâm nhất là hơi văn. Theo tôi, một bài văn hay, ngoài các yếu tố khác, cần phải có một yếu tố này nữa, cực kỳ quan trọng: “nhất khí quán hạ”. Nghĩa là từ đầu đến cuối phải liền mạch. Xin nói ngay, khái niệm “nhất khí quán hạ” đã có từ lâu. Tuy nhiên, phần lớn nó chỉ được dùng trong thơ: Nó là cơ sở để người xưa xây dựng bố cục gồm bốn phần Khai, Thừa, Chuyển và Hiệp trong thơ Đường luật truyền thống. Ở đây, tôi chỉ nói về văn xuôi, chủ yếu là văn xuôi nghị luận.

Tôi biết có nhiều người viết theo kiểu lắp ghép. Hôm này, rảnh, họ viết vài ba đoạn. Hôm khác, nhân đọc một cuốn sách nào đó, nổi hứng, họ viết thêm vài ba đoạn khác. Những đoạn ấy nhiều khi không có quan hệ gì mật thiết với nhau cả. Cuối cùng, họ ráp tất cả lại thành một bài. Thỉnh thoảng có những bài hay. Thật hay.

Biết hay, nhưng tôi thì tôi chịu. Không cách gì tôi viết như vậy được. Viết, tôi thường viết một lèo từ đầu đến cuối. Bài ngắn thì viết trong vài ba giờ. Bài dài hơn, vài ba ngày. Dài hơn nữa, có thể vài ba tuần, thậm chí, vài ba tháng. Nhưng bao giờ cũng liên tục. Bị ngắt quãng lâu, mất trớn, tôi thường bỏ luôn. Muốn viết tiếp, cũng không viết tiếp được. Có lúc, viết xong, chợt loé lên một ý hay hay hoặc đọc sách, tìm ra thêm một tư liệu thật thú vị liên quan đến đề tài của bài viết, muốn thêm vào; nhưng sau khi thêm vào, thấy ý văn như bị lệch, nhịp văn như bị gãy, tôi luôn luôn lựa chọn: Thà mất đi một ý hay một tư liệu nhưng giữ được sự “nhất khí”.

Tôi thích bài văn giống như một đường kiếm: Từ lúc rút ra khỏi vỏ đến lúc vung lên, hạ sát đối thủ, rổi đút lại vào vỏ, nó chỉ đi một đường. Loáng một cái là xong.

Muốn giữ được sự nhất khí, cần nhất là sự mạch lạc trong lập luận và sự thống nhất trong giọng điệu.

Về sự mạch lạc, giữa các câu trong đoạn và giữa các đoạn trong bài cần phải có quan hệ thật chặt chẽ với nhau. Mỗi câu hay mỗi đoạn phải vừa là sự tiếp tục vừa là sự khai triển của câu hay đoạn trước đó. Không có sự khai triển, hơi văn sẽ bị quẩn. Không có sự tiếp tục, hơi văn sẽ bị đứt. Một bài văn nhất khí là một bài văn, thứ nhất, không có câu hay đoạn nào thừa hay lệch; và thứ hai, tất cả đều được nối kết lại với nhau thành một chỉnh thể thống nhất. Bảo đảm sự chặt chẽ trong quan hệ giữa các câu và các đoạn, thật ra, không khó. Chỉ cần tính duy lý và sự thận trọng. Nói chung, có một nguyên tắc: Tư duy mạch lạc thì viết văn cũng mạch lạc; cái gì sáng trong trí thì cũng rõ trong câu chữ. Ở phương diện này, luyện viết văn thực chất là luyện khả năng lý luận.
Lập luận mạch lạc, giọng điệu trong bài cũng cần phải thống nhất. Đó phải là tiếng nói của một người trong một tình huống nhất định với một thái độ nhất định. Giọng, có khi ẩn, có khi hiện. Người thì thích nó ẩn để bài viết có vẻ trung tính, đáp ứng một trong những yêu cầu quen thuộc của loại văn nghị luận: khách quan. Người thì thích nó hiện để bài viết trở thành hoặc hùng hồn hoặc tha thiết, từ đó, tác động trực tiếp đến cảm xúc của người đọc. Riêng tôi, tôi không thích che giấu cái giọng của mình. Bởi vậy, tôi thích dùng những câu tu từ vốn, bình thường, tương đối ít được các cây bút chuyên về nghị luận sử dụng. Khác với các câu ngữ pháp vốn lúc nào cũng tròn trịa hay ngay ngắn với những chủ ngữ và vị ngữ, câu tu từ thường là câu đặc biệt hoặc được đảo ngữ hoặc cắt ngắn, chỉ có vị ngữ hoặc một phần của vị ngữ. Ví dụ, trong bài “Từ nhà phê bình đến một blogger” đăng trên blog này vào ngày 17 tháng 7, 2009, tôi dùng nhiều câu đặc biệt (không có chủ từ, như “Ở Việt Nam, dạy học”, “Như cái số, đành chấp nhận”, “Ừ thì làm” hoặc nhiều ngữ khí từ, như “A!” hay trợ từ, như “vui chứ?”):

“Chỉ có điều, sau khi nhận ra mình nói dở, tôi chỉ thích chọn những nghề…ít nói nhất. Vậy mà tôi lại sa vào nghề dạy học. Cả đời tôi dạy học. Ở Việt Nam, dạy học. Ra đến nước ngoài, cũng dạy học. Như cái số, đành chấp nhận. Nhưng nếu có cái nghề thứ hai nào cần làm và có thể làm, tôi dứt khoát chọn cái nghề ít nói; thậm chí, không nói: càng tốt.

May, nó tới: lần này Ban Việt ngữ đài VOA không mời tôi làm phát thanh viên mà lại làm một…blogger!
A! Cái chuyện này mới thú vị đấy. Chữ blog mới đến độ chưa có trong tiếng Việt.
[…]
Được tham gia vào diễn đàn có tính tiên phong như thế, vui chứ?
Ở diễn đàn ấy, mình chỉ cần viết chứ không cần nói: càng vui nữa.
Thế thì tôi đâu có lý do gì để từ chối. Ừ thì làm. Từ nhà phê bình đến blogger, không chừng đó cũng sẽ là cuộc hành trình chung của nhiều người, sau này: một cuộc xuống đường của trí thức.”

Tự sự, viết thế; phê bình, tôi cũng viết thế. Ví dụ, phân tích chữ “nhuộm” trong câu “Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng” trong bài “Tương tư” của Nguyễn Bính, tôi viết, cũng bao gồm nhiều câu tu từ:

“Thử bỏ đi động từ ‘nhuộm’ hoặc thế động từ ‘nhuộm’ bằng một từ nào khác, ví dụ như chữ ‘giờ’, ‘lá xanh giờ đã thành cây lá vàng’, thì câu thơ sẽ ra sao? Nó sẽ nhẹ hẳn đi. Tức khắc. Không có chữ ‘nhuộm’, câu thơ chỉ có một nghĩa: hiện tượng chuyển mùa; trước là mùa xuân (hay mùa hạ?), nay là mùa thu. Thêm chữ ‘nhuộm’, một động từ, ngoài ý nghĩa trên, câu thơ còn có ý nghĩa khác: đó là quá trình chuyển mùa. Giữa hai thời điểm xuân và thu, xuất hiện đôi mắt người con trai không ngừng khắc khoải trông ngóng. Anh đếm từng ngày, từng ngày. Ròng rã. Anh quan sát mùa thu về, từ từ, từ từ. Một chiếc lá vàng. Hai chiếc lá vàng. Ba chiếc lá vàng. Rồi cả cây, điệp điệp lá, vàng hực lên. Cho nên, sau chữ “nhuộm” là tấm lòng của người con trai tương tư đang mòn mỏi. Bài thơ, như vậy, cứ xoáy sâu vào khoảng cách. Từ khoảng cách vời vợi của không gian đến khoảng cách đằng đẵng của thời gian.”

Viết văn có tính luận chiến, tôi càng hay sử dụng các câu tu từ. Ví dụ một đoạn trong bài “Chủ nghĩa mình-thì-khác”:

“Biểu hiện của chủ nghĩa mình-thì-khác rất dễ nhận thấy. Nó bàng bạc ở khắp nơi. Từ trong nước ra đến tận hải ngoại. Từ giới bình dân đến cả giới trí thức. Từ những giao tiếp hàng ngày đến những sinh hoạt chuyên môn. Ở đâu giọng điệu của nó cũng khá giống nhau. Về phương diện chính trị, nước người ta dân chủ và tôn trọng nhân quyền ư? Ừ, thì cũng hay, nhưng... mình-thì-khác. Về phương diện xã hội, mọi thứ ở người ta đều được tổ chức một cách duy lý và hợp lý ư? Ừ, thì cũng hay, nhưng... mình-thì-khác. Về phương diện nghệ thuật, người ta hết lao vào thử nghiệm này đến thử nghiệm khác khiến thế giới sáng tạo lúc nào cũng trăm hoa đua nở ư? Ừ, thì cũng hay, nhưng... mình-thì-khác. Về phương diện văn học, từ lâu người ta đã bước vào giai đoạn hậu hiện đại chủ nghĩa với những quan niệm mới mẻ và vô cùng lý thú ư? Ừ, thì cũng hay, nhưng... mình-thì-khác. Thậm chí, cả đến thơ tự do vốn đã phổ biến khắp nơi trên thế giới, ở Việt Nam nó vẫn còn bị rất nhiều người, kể cả giới cầm bút, xem không phải là thơ. Lý do? Tại... mình-thì-khác. Cả đến những yêu cầu tối thiểu đối với văn chương nghị luận, từ tính chính xác trong tư liệu đến tính nhất quán trong lập luận và tính nghiêm túc trong cách thức diễn đạt, chúng ta cũng bất chấp. Lý do: mình-thì-khác.”

Trong cái gọi là các câu tu từ, tôi hay sử dụng nhất là cấu trúc câu bắt đầu bằng một liên từ. Thường, cho đến nay, liên từ (hay còn gọi là kết từ, quan hệ từ hoặc từ nối) thường được dùng để nối liền các từ hoặc ngữ hoặc mệnh đề trong nội bộ một câu. Chỉ trong một câu mà thôi. Những liên từ quen thuộc gồm có: của (Trời xanh đây là của chúng ta), bởi/vì/do/tại/ (Bởi ông hay quá, ông không đỗ / Không đỗ ông càng tốt bộ ngông), để (Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi), mà (Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát), với (Với áo mơ phai dệt lá vàng), thì (Thì con người ấy ai cầu mà chi), v.v… Rất hiếm khi liên từ được dùng ngoài phạm vi một câu. Có. Nhưng hiếm. Thật hiếm. Riêng tôi, tôi sử dụng thật hào phóng. Những câu như “Mà thật., “Thì cũng đúng.”, “Chứ không phải sao?”, v.v… xuất hiện khá nhiều. Thường thì chúng đứng để đầu một đoạn văn. Để cho hơi văn từ đoạn trên có thể chảy tràn xuống đoạn dưới.
Ví dụ hai đoạn trong bài “Báo Tết và văn hoá Tết” in trong cuốn Văn hoá văn chương Việt Nam (Văn Mới xuất bản, 2002) của tôi:

“Nhưng đặc điểm nổi bật nhất ở các tờ báo Tết chính là nền văn hoá nhìn lại. Báo Tết, thực sự là báo Tết, trong cảm quan của cả người viết lẫn người đọc, bao giờ cũng là một sự nhìn lại, hoặc chủ yếu là một sự nhìn lại. Nhìn lại một năm. Nhìn lại một giáp. Nhìn lại một thế kỷ. Nhìn lại những thành công và những thất bại của một đất nước hoặc một lãnh vực nào đó. Nhìn lại những nếp cũ, những tục cũ. Nhìn lại những vang bóng một thời. Nhìn lại. Số báo Tết nào cũng thường nặng trĩu quá khứ và cũng man mác tâm sự u hoài.
Thì cũng hay thôi. Mỗi số Tết là một dịp ôn bài. Ôn tập thể. Và thú vị. Như nhắp một hớp trà hay nhâm nhi một miếng mứt. Có lẽ phần lớn những kiến thức của chúng ta về phong tục tập quán của dân tộc cũng như những dấu mốc quan trọng trong lịch sử đất nước nếu không đến từ, thì cũng được củng cố bởi, các dịp ôn bài như thế.”

Hoặc một đoạn trong bài “Tiến tới một nền cộng hoà văn chương”:
“Có thể nói số phận văn học Việt Nam gắn chặt với một chữ: chữ "làng". Làng văn và làng thơ. Chữ "làng" ấy, nghe thì rất thân thương, nhưng chính vì vẻ thân thương như thế, người ta dễ quên nó là một khái niệm cũ. Không những cũ, nó còn lỗi thời. Không những lỗi thời, nó còn có hại: nó khiến chúng ta lẫn lộn giữa kỷ niệm và hiện thực, từ đó, buộc chặt tâm hồn của chúng ta vào những hình ảnh đã hoá thạch trong quá khứ, làm chúng ta mất hẳn khả năng thích nghi và thay đổi. Hậu quả là, bước sang thế kỷ 21, sinh hoạt văn học Việt Nam, từ trong lẫn ngoài nước, vẫn thấp thoáng hình ảnh của những sinh hoạt làng xã ngày xưa.

Thì cũng thói quen dị ứng với mọi cái mới. Thì cũng tâm lý chiếu trên chiếu dưới. Thì cũng những cung cách hào lý, ở những người ít nhiều thành công và thành danh; cung cách trương tuần, ở những kẻ bất tài và nhiều tham vọng; cung cách thằng mõ, ở tuyệt đại đa số những kẻ chỉ có một đam mê duy nhất: lặp lại không mệt mỏi những điều ai cũng biết. Thì cũng một thứ văn hoá: văn hoá làng.”

Cấu trúc câu bắt đầu với chữ “thì” như thế được lặp lại lần nữa trong bài “Vài ý nghĩ về phê bình văn học”:

“dù đứng bên này hay bên kia ‘chiến tuyến’, dù ở trong nước hay ở ngoài nước, dù theo cộng hay chống cộng, giới cầm bút Việt Nam cũng thường có một số thói quen giống nhau, một số cách suy nghĩ và cảm xúc giống nhau, đều có một số ưu điểm khá giống nhau và đều gặp phải một số những trở ngại và những hạn chế giống nhau. Thì cũng khát vọng làm những chứng nhân của lịch sử. Thì cũng niềm tin là văn chương, muốn cao cả, phải phục vụ một cái gì; muốn trường cửu, phải gần gũi với đại chúng và được đại chúng chấp nhận; muốn cảm động, phải xuất phát từ đáy lòng, nghĩa là phải thiết tha và thành thực; muốn đẹp, phải có thật nhiều... chất thơ; và muốn mới lạ, phải thêm chút ngổ ngáo trong ý tưởng, chút khinh bạc trong giọng điệu và chút gân guốc trong ngôn ngữ. Thì cũng lửng lơ giữa truyền thống và hiện đại: thích làm ra vẻ ‘Tây’ để che giấu một tâm hồn thật ‘chân quê’.”

Khi viết những câu có cấu trúc lặp lại như vậy, bao giờ tôi cũng thích để các ý mạnh phía sau; càng về sau càng mạnh; ở câu chấm dứt là một ý mạnh nhất.
Thích thế nên viết thế. Còn hay hay dở lại là chuyện khác.
Tuỳ sự đánh giá của bạn đọc.

Nguyễn Hưng Quốc



Nhận xét

Bài đăng phổ biến