LỖI CHÍNH TẢ SAI... KHÓ SỬA

LỖI CHÍNH TẢ SAI...  KHÓ SỬA

“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, ngôn ngữ của người Việt ta rất phong phú và đa dạng, nhiều ẩn ý. Tuy nhiên trong quá trình vận dụng ngôn ngữ vào cuộc sống và thực tiễn vẫn gặp phải những lỗi sai “ngớ ngẩn”.

Cá nhân “sai”         

Dọc các con đường, khu phố, thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp những biển quảng cáo, biển hiệu cửa hàng, áp phích mắc phải những lỗi sai chính tả. Thường thì những lỗi sai chính tả này rơi vào sai phụ âm đầu như: tr, s, x, r, d, gi


Nguyên nhân các lỗi sai này có thể do đặc trưng phát âm và dùng từ của những vùng miền khác nhau, khiến văn nói ảnh hưởng tới văn viết. Như ở miền Bắc, mắc phải những lỗi về phụ âm đầu như âm “tr” và “ch”, “r, d” với “gi”, “I” ; “y” hay “s” và “x’ do khi nói chuyện, người miền Bắc không có sự phân biệt những từ này nên khi viết dễ mắc lỗi sai. Còn như miền Trung thì hay bị lỗi về dấu, do họ không phân biệt thanh hỏi và ngã nên viết cũng hay bị sai chính tả.


Báo chí “sai”

Đôi khi, ta vẫn bắt gặp những lỗi sai chính tả trên báo chí. Những trường hợp này khá hy hữu, nhưng với báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng thì lại ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến uy tín của tờ báo, người biên tập, cách sử dụng từ vựng cũng như sự trong sáng của tiếng việt, thậm chí khiến người xem cảm thấy khó chịu.

Việc đào tạo ra những nhà báo có chuyên môn, nghiệp vụ là rất quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn gặp phải lỗi sai chính tả như này trên báo thì việc phổ biến và ngăn ngừa là rất quan trọng, phải triệt để ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường thông qua các môn học về tiếng việt, ngữ pháp, cách dùng từ…

Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao về vụ 700 bằng tốt nghiệp của sinh viên trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên sai lỗi chính tả. Nguyên nhân  là do sơ xuất của cán bộ nhà trường không kiểm tra cẩn thận trước khi in. Điều này chính là do sai sót của nhà trường, trước khi in và trước khi kí tên, đóng dấu đã không kiểm tra rõ ràng lỗi. 

Sai chính tả trong trường hợp này lại thuộc về ý thức con người và sự cẩu thả trong cách làm việc của nhà in và cơ quan quản lý.

Việc sai lỗi chính tả ở những cơ quan, tổ chức như thế này là rất nghiêm trọng, bởi những gì họ viết ra không chỉ có một hay một vài người chứng kiến, mà có cả một tập thể nhìn vào. Nếu chỉ là học sinh, sinh viên thì sai có thể sửa lại hoặc bị điểm thấp, còn những cơ quan nhà nước thì sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến uy tín, tên tuổi của mình.

Sửa lỗi sai chính tả như thế nào?

Các lỗi sai chính tả phải được phân biệt từ khi các em học sinh còn học ở cấp thấp, các em phải được uốn nắn và chỉ ra các lỗi sai thường gặp để tránh dùng sai từ, sai âm cả trong văn nói và văn viết.

Trong quá trình học tập tại giảng đường Đại học, việc đưa những bộ môn như: tiếng Việt thực hành, văn học Việt Nam… vào các giảng đường là cần thiết. Sinh viên không chỉ được thực hành phát hiện lỗi sai và sửa lại mà còn được trau truốt hơn trong cách dùng từ, sử dụng câu. Những môn này đặc biệt quan trọng nhất là với sinh viên báo chí hay sư phạm.

Ngoài ra, một số phần mềm phát hiện lỗi sai cho văn bản trên máy tính cũng rất hữu ích, nó sẽ giúp phát hiện lỗi sai chính tả trong quá trình soạn thảo văn bản, giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Việc đọc nhiều sách, báo cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp con người bổ sung nhiều ngôn từ giúp cho vốn từ vựng phong phú, như vậy sẽ giúp khả năng phát hiện lỗi sai chính tả và sửa chúng sẽ nhạy bén hơn.

Ngôn ngữ người Việt luôn phong phú, giàu đẹp và đa dạng nhưng cách sử dụng đúng và hiệu quả để tránh xảy ra sai sót thì cần phải chú ý và sửa chữa nhiều. Nhưng nguyên nhân chính là ở bản thân mỗi người, chúng ta  cần phải cẩn thận và chú ý trong cách dùng từ của mình, để người đọc, người xem không bị hiểu nhầm ý mình diễn đạt, tránh tình trạng “Bút sa gà chết”.

Vũ Thị Tố Uyên


Nhận xét

Bài đăng phổ biến