ĐẶT LẠI VẤN ĐỀ DẠY NGỮ PHÁP

Người Việt không hiểu... tiếng Việt: 
ĐẶT LẠI VẤN ĐỀ DẠY NGỮ PHÁP

GS-TS Ngô Như Bình, giảng viên cao cấp Khoa Ngôn ngữ và văn minh Đông Á, ĐH Harvard (Mỹ), có chia sẻ về mong mỏi kêu gọi trả lại sự trong sáng cho tiếng Việt.

Theo GS-TS Ngô Như Bình, ngày nay tiếng Việt là ngôn ngữ phát triển ở trình độ cao, hoàn toàn có đủ khả năng diễn đạt các khái niệm và các sắc thái tình cảm, thực hiện các chức năng xã hội từ giao tiếp hằng ngày đến giảng dạy trong nhà trường, công cụ truyền tin của các phương tiện thông tin đại chúng, ngôn ngữ sáng tác văn học và thơ ca. Thế nhưng, ông đau đáu trước một xu hướng khá bi đát, rằng tiếng Việt đang bị hủy hoại.

3 vấn đề nghiêm trọng đang hủy hoại tiếng Việt

Những vấn đề nghiêm trọng đang hủy hoại tiếng Việt là: Lỗi ngữ pháp và lỗi về cách dùng từ ngày càng trở nên phổ biến; Tiếng nước ngoài được dùng một cách bừa bãi; Một số cấu trúc ngữ pháp của tiếng nước ngoài được đem áp đặt vào tiếng Việt.

Đầu tiên là lỗi ngữ pháp và cách dùng từ. Chẳng hạn tít một bài báo Triển lãm tranh dân gian dưới góc nhìn người Pháp. Câu này có nghĩa là: “Tranh dân gian (của VN) khắc họa người Pháp”. Thực ra, tác giả muốn nói “người Pháp nhìn nhận thế nào về tranh dân gian VN”. Tít bài trên đã thiếu giới từ của, phải là Triển lãm tranh dân gian dưới góc nhìn của người Pháp. Còn câu “Không tăng số người trẻ nghiện thuốc lá mới” phải hiểu nghĩa là “làm sao để số người trẻ nghiện một loại thuốc lá mới nào đó không tăng lên”. Nhưng nội dung văn bản lại muốn nói: “Không tăng số người trẻ bắt đầu nghiện thuốc lá”.

Một văn bản có các câu: “... có một con lợn mẹ đẻ được 11 con heo con. Đã 20 ngày trôi qua, “chú heo vàng” vẫn sống khỏe mạnh, hàng ngày có rất nhiều đoàn người đến xem con lợn đặc biệt này...”. Ở đây là lỗi lẫn lộn các phương ngữ khác nhau.

Kế đến là tình trạng tiếng nước ngoài được dùng bừa bãi, trước hết là tiếng Anh.

Một bài viết có câu: “Theo Bảng xếp hạng này, Top 10 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong bảng xếp hạng là: Dẫn đầu là ĐHQGHN (894 thế giới); tiếp đó lần lượt là Trường Đại học Cần Thơ (1790)”. Câu này dùng từ “top” của tiếng Anh, ngữ pháp cũng là ngữ pháp tiếng Anh, vì nếu đúng ngữ pháp tiếng Việt thì phải là “10 cơ sở giáo dục đại học top của VN”. Tiếng Việt có từ “hàng đầu” hoàn toàn có thể thay thế cho từ “top”. Câu trên nên sửa lại thành “Theo bảng xếp hạng của thế giới, 10 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam là:...”.

Nói chung, vay mượn là hiện tượng tất yếu của tất cả các ngôn ngữ. Ngay tiếng Anh là một ngôn ngữ nhóm Germanic trong ngữ hệ Ấn-Âu, gần với các thứ tiếng Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy nhưng một nửa vốn từ vựng vay mượn của tiếng Pháp là một ngôn ngữ thuộc nhóm Romance trong ngữ hệ Ấn-Âu. Tiếng Việt vay mượn cũng là điều đương nhiên, nhưng chỉ nên vay mượn tiếng Anh khi tiếng Việt không có từ tương đương, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Lỗi thứ ba, áp đặt một số cấu trúc tiếng nước ngoài vào tiếng Việt.
Gần đây tôi đi nghe một buổi hòa nhạc tại Hà Nội. Người dẫn chương trình nói: Xin giới thiệu ca sĩ X đến từ Hà Nội. Từ tiếng Anh “from” không chỉ có nghĩa “đến từ”. Ca sĩ người Hà Nội từ Hà Nội đến tham dự buổi trình diễn tại Hà Nội thì thật là luẩn quẩn. Nếu “đến từ” trong câu này được thay bằng “của” thì câu sẽ trở nên chuẩn mực.

Những lỗi như trên hiện giờ có thể dẫn ra hằng hà sa số, đáng báo động.
Cần phân biệt ngôn ngữ trên mạng và ngôn ngữ chuẩn mực

Có thể thấy tiếng Việt đang bị biến tướng nghiêm trọng trong giới trẻ, thể hiện rõ nhất thông qua mạng xã hội. Những người trẻ tuổi cho rằng tiếng Việt cũng giống như mọi thứ khác, thời trang, kiến thức, lối sống, cần phải được hiện đại hóa mới phù hợp với thời đại mới. Ông có ý kiến như thế nào về nhận định này?

Ngôn ngữ của mạng xã hội có những quy luật riêng của nó. Tiếng nước nào cũng thế. Không chỉ giới trẻ mà cả những người có trình độ học vấn cao khi viết tiếng Anh trên Facebook hay nhắn tin cũng đầy những từ viết tắt và những cách dùng sai ngữ pháp. Vấn đề ở đây là phải phân biệt ngôn ngữ dùng trên mạng xã hội và ngôn ngữ chuẩn mực. Không thể đem ngôn ngữ mạng xã hội dùng trong những ngữ cảnh đòi hỏi ngôn ngữ chuẩn mực.
Nếu tiếng Việt thực sự bị khủng hoảng, phải làm thế nào để cứu lấy tiếng Việt?
Có rất nhiều việc phải làm. Nhà trường phải đặt lại vấn đề dạy ngữ pháp tiếng Việt. Môn tiếng Việt từ trước tới nay chưa được chú ý đúng mức. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm, đặc biệt là các phương tiện truyền thông, phải gương mẫu trong việc sử dụng tiếng Việt. Cần một cuốn ngữ pháp tiếng Việt chuẩn và từ điển tiếng Việt phải cập nhật thường xuyên.

Johann Gottfried von Herder, nhà thơ và nhà triết học người Đức có câu rất đáng suy ngẫm: “Một dân tộc còn có gì có thể quý giá hơn là ngôn ngữ mà ông cha để lại?”.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến