KHÔNG NÊN PHIÊN ÂM TRONG SÁCH GIÁO KHOA


KHÔNG NÊN PHIÊN ÂM
TRONG SÁCH GIÁO KHOA

Con tôi năm nay học lớp 7. Vừa rồi cô giáo lớp con tôi ra một đề văn (bài về nhà) phân tích câu ca dao: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng". Hai từ khó hiểu không được giải thích, con tôi phải tìm hiểu.

Học sinh lớp 7 đã lớn, đã biết tìm tòi, suy nghĩ, giải thích, biện luận... Và với công cụ hỗ trợ đắc lực của máy tính, Internet ngày nay, các em có thể tự bổ sung ít nhiều kiến thức cho mình mà đôi khi trên lớp thầy cô giảng chưa hết ý.

Trong khi đó cũng lớp 7, ở môn địa lý có thể thấy toàn bộ địa danh nước ngoài đều được phiên âm tiếng Việt (đôi lúc phiên âm không đúng!). Tôi ví dụ những từ như: Xa-ha-ra, Ca-la-ha-ri, Ghi-nê, sông Nin, A-bit-gian (Cốt Đi-voa), kênh đào Xuy-ê, núi Át-lát, La-bra-đo, A-pa-lat, Cooc-đi-ê, Bô-xtơn, Oa-sinh-tơn, A-ma-dôn, Niu I-óoc, máy bay Bô-ing... như là dạy cho các em cấp I. Với cách học như sách giáo khoa, phải nói là rất khó khăn cho các em trong việc tra cứu thông tin. Tôi thử vào Google và tra cụm từ "Bô-xtơn" thì không tìm thấy một trang nào!

Bên cạnh những từ phiên âm rất khó chịu này, các em phải học về Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà không có sự giải thích NAFTA gồm những từ viết tắt nào! Trong khi đó với môn tiếng Anh, các em phải biết cách tra cứu từ điển, đọc theo phiên âm như thế nào cho đúng. Thậm chí bài tập trắc nghiệm môn tiếng Anh còn có những câu hỏi về cách phát âm.

Tôi đề nghị nếu có chỉnh lý sách giáo khoa, ngay từ chương trình lớp 6 không nên dùng từ phiên âm tiếng Việt để tập dần các em tư duy lớn hơn, tiếp cận cái mới nhanh hơn. Nếu có dùng từ phiên âm nên mở ngoặc thêm từ tiếng Anh bên cạnh hay ngược lại từ tiếng Anh có kèm theo phiên âm.

TÂM AN (Nha Trang)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến