NHIỀU LỖI LIÊN QUAN ĐẾN TỪ HÁN-VIỆT
NHIỀU LỖI LIÊN QUAN
ĐẾN TỪ HÁN-VIỆT
Tôi còn nhớ hồi học đại học, một hôm thầy giáo vào lớp bảo mỗi sinh
viên lấy một tờ giấy giải thích những từ sau: báo, chí, báo chí, phóng, viên,
phóng viên, phóng, sự, phóng sự... Sinh viên ngành báo chí không phải là dân
"ngoại đạo" với chữ nghĩa nhưng hôm ấy đều ngắc ngứ!
Lần khác học môn biên tập báo
chí, thầy nhiều lần phê bình lớp chúng tôi bởi rất nhiều trường hợp "lợn
lành chữa thành lợn què" mà trong đó có không ít lỗi liên quan đến từ Hán
- Việt.
Sự nhầm lẫn chữ nghĩa có liên
quan đến từ Hán - Việt xảy ra rất thường xuyên. Có lẽ đây là những ví dụ không
xa lạ với tất cả chúng ta:
- "Với nhà thơ Phạm Tiến Duật,
cuộc đời anh như một bài thơ dài, những câu thơ của nhà thơ chiến sĩ từng tiếp
lửa, sưởi ấm bao tâm hồn trong chiến tranh cũng như hòa bình thì nay lúc nhà
thơ nằm xuống, những người yêu anh, trong đó có cả những người chỉ yêu thơ mà
chưa được gặp đã đến sưởi ấm nhà thơ phút lâm chung này. (Tang lễ
nhà thơ Phạm Tiến Duật: Vĩnh biệt một nhà thơ xuất sắc, báo C, ngày
12-12-2007).
"Lâm
chung" là sắp tắt thở, sắp chết. "Phút lâm chung" là thời
khắc mà con người sắp từ giã cõi đời, trong khi ở đây phóng viên đang viết về lễ
tang nhà thơ Phạm Tiến Duật (mất ngày 4-12-2007, lễ tang tổ chức ngày
11-12-2007) nên không thể nói "phút lâm chung" trong hoàn cảnh này!
- Báo V có bài Cựu thủ tướng
Ukraine "thoát y" trang sức trước Quốc hội, đăng ngày 10-10-2006. Bài
báo nói về hành động tháo bỏ đồ trang sức đang đeo trên người của cựu thủ tướng
Tymoshenko.
Trong bài báo này, tác giả dùng
cụm từ thoát y trang sức dù chữ thoát y có được đặt trong
ngoặc kép là không chính xác. Thoát y có
nghĩa là (tự) cởi quần áo, không thể dùng cho trang sức.
Tiếng Việt hiện nay có rất nhiều
từ Hán - Việt. Nhưng không phải ai cũng hiểu và hiểu đúng các từ này. Nhiều trường
hợp dùng sai trên báo chí có thể làm một bộ phận người đọc hiểu sai theo và bắt
chước.
Trên đây chỉ là vài ví dụ nhỏ.
Rất mong Bộ Giáo dục - đào tạo lấy
ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, các nhà giáo về việc nên hay không nên dạy chữ
Hán hay từ Hán - Việt trong nhà trường; nếu có thì dạy như thế nào...
Xét cho cùng học chữ Hán hay từ
Hán - Việt là để sử dụng tiếng Việt cho đúng (cho hay), góp phần gìn giữ và
phát huy sự trong sáng của tiếng Việt.
TRỊNH MINH GIANG
Nhận xét
Đăng nhận xét