ĐỂ VIẾT ĐÚNG CHÍNH TẢ HỎI - NGÃ



ĐỂ VIẾT ĐÚNG CHÍNH TẢ 

HỎI - NGÃ


Nhiều người nhận xét thấy người Bắc viết đúng chính tả hỏi/ngã hơn người Nam và người Trung. Họ viết đúng dễ dàng, gần như không cần học qui tắc nầy, qui tắc nọ tùm lum, phải nhớ cái nầy, phải nhớ cái khác.

Chuyện dễ hiểu, Người Bắc nói và đọc có giọng hỏi/ngã. Nói cách khác, người Bắc nói, đọc chữ dấu hỏi khác với chữ dấu ngã. Vậy nghe tiếng có giọng dấu nào thì viết chữ với dấu đó. Chuyện dễ như viết dấu sắc và dấu huyền. Đâu có ai viết trật dấu sắc thành dấu huyền.

Người Nam và người Trung nói và đọc chữ dấu ngã không được. Thổ ngơi 2 miền nầy sanh ra con người chỉ có giọng dấu hỏi. Cái đó làm họ khổ sở về việc dễ viết sai chính tả hỏi/ngã. Họ phải khổ công tìm mọi cách sửa chữa nhược điểm của mình.
Người Nam nhận xét thấy tiếng Việt có rất nhiều lời song âm, 2 tiếng ghép liền nhau để thành lời nói có nghĩa. Và chữ viết tương ứng phải có 2 chữ ghép liền nhau.

Nhận xét tiếp theo là thường thường các chữ không có dấu thanh, có dấu sắc, có dấu hỏi ở chung nhóm với nhau.
Còn các chữ có dấu huyền, dấu nặng, dấu ngã thì cùng nhóm với nhau. Vậy từ kép song âm (có 2 chữ) có một chữ hỏi/ngã, mình chưa biết viết thế nào cho đúng, thì nhìn sang chữ ghép kề cận, nếu chữ đó có dấu huyền hay dấu nặng, thì chữ hỏi/ngã phải là chữ dấu ngã.

Trái lại, nếu chữ ghép kề cận mà không dấu, hoặc dấu sắc, thì chữ hỏi/ngã phải là chữ dấu hỏi.
Thí dụ:

- Nghỉ ngơi, chữ nghỉ viết dấu hỏi, vì chữ ngơi kề cận không dấu.

- Nghĩ ngợi, chữ nghĩ viết dấu ngã, vì chữ ngợi kề cận có dấu nặng.

Nói đúng cách “ngôn ngữ học” thì gọi đó là viết hỏi/ngã theo qui tắc hài thanh.
Khi tôi dạy học trò tiểu học, tôi phân định dễ hiểu như vầy:
Những chữ không dấu, dấu sắc và dấu hỏi là thuộc nhóm chữ thanh đứng (gọi là thanh đứng, ý tôi muốn tượng trưng cho âm bổng, tượng trưng cho dấu hỏi đứng thẳng)

Những chữ có dấu huyền, dấu nặng và dấu ngã là thuộc nhóm chữ thanh ngang (gọi là thanh ngang, ý tôi muốn tượng trưng cho âm trầm, tượng trưng cho dấu ngã nằm ngang)

Ấn định thanh đứng, thanh ngang như vậy rồi, tôi đặt ra qui tắc cho học trò học, như sau:
Qui tắc: “Trong từ kép 2 chữ, cả hai chữ thường cùng nhóm với nhau, thanh đứng thì đứng hết, thanh ngang thì ngang hết. Có một chữ chưa biết phải viết hỏi hay ngã thì nhìn sang chữ kia xem nó thuộc thanh nào.

Thuộc thanh đứng thì viết dấu hỏi, thuộc thanh ngang thì viết dấu ngã”

Tôi đưa ra một loạt nhiều từ kép làm thí dụ để củng cố qui tắc nêu trên, như: củng cố, lắc lẻo, lỡ làng, lở loét, lở lói, loã lồ, giữ gìn, dữ dằn, dữ dội, ngỡ ngàng, rực rỡ, bảo ban, bão bùng, vất vả, đả đớt, đỡ đần, mở mang, lưỡng lự, ngất ngưởng,…
Tôi còn làm thơ (thơ con cóc) bắt học trò học thuộc lòng để chúng học chính tả hỏi/ngã, như sau:

Không-sắc-hỏi, gọi là thanh đứng,
Huyền-nặng-ngã, quả thực thanh ngang.
Hai bên đối chọi rất rõ ràng:

Ngang vốn nằm dài viết dấu ngã;
Đứng thẳng, dấu hỏi dễ gì quên.

Thí dụ có nhiều lắm ai ơi:

Ngả-nghiêng như té nằm tới nơi,
Vậy mà viết hỏi, vì thanh đứng;
Dửng-dưng đâu phải chữ lạ lùng,
Viết hỏi dửng, cũng tại dưng sau.
Em viết ỡm-ờ cùng màu-mỡ,
Viết ngã, bởi dấu huyền sau trước.

Tuần sau, học trò khép nép trình với thầy là chữ vỏn vẹn không theo “luật” thanh đứng thanh ngang, vẹn dấu nặng, mà vỏn lại viết dấu hỏi.

Đứa khác lại trình chữ trơ trẽn cũng vậy, trơ không dấu, thanh đứng, mà trẽn lại dấu ngã, thanh ngang. Tôi mĩm cười, cho đám trẻ biết đó là những cập chữ ngoại lệ. Rồi tôi cho bài tập về nhà làm: “Tìm những cặp chữ ngoại lệ về thanh đứng/thanh ngang”

Tôi “dễ dãi” cho chúng hỏi cha mẹ, và lật tìm trong từ điển. Chúng lần lượt đem vào lớp những chữ ngoại lệ, và tiếp tục bổ sung danh sách nầy cho đến cuối niên học.

Học trò và luôn cả thầy giáo cùng nhau lo học nhớ những chữ ngoại lệ: vỏn vẹn, trơ trẽn, ễnh ương, đối đãi, nài nỉ, ve vãn, riêng rẽ, sành sỏi, minh mẫn, mềm mỏng, ngoan ngoãn, niềm nở…

Tôi còn chỉ cách cho học trò ứng dụng qui tắc thanh đứng/thanh ngang đối với một số chữ lẻ, tức chữ đơn, chưa có gì hỗ trợ để viết đúng hỏi/ngã.
Gặp những chữ chưa có cặp có đôi, thì cố tìm chữ láy, chữ đệm ghép vào cho có cặp rồi áp dụng qui tắc hài thanh.

Thí dụ gặp chữ kỹ/kỷ, nếu nghĩa trong câu cho phép ghép được với càng thành kỹ càng thì kỹ dấu ngã; chữ rảnh ghép được với rang thành rảnh rang, thì rảnh dấu hỏi.
Còn có cách tìm xem chữ cùng nghĩa với chữ chưa biết viết hỏi hay ngã thuộc thanh nào, để quyết định theo qui tắc hài thanh.

Thí dụ gặp chữ mảnh vải, chữ cùng nghĩa với mảnh là miếng, thanh đứng, vậy mảnh dấu hỏi. Còn mãnh hổ, mãnh nầy có nghĩa là mạnh, thanh ngang, vậy mãnh dấu ngã.

Sau một vài tuần, có một trò hỏi tôi
“Thưa thầy, gặp một chữ hỏi/ngã đứng một mình, em tìm không ra chữ ghép được với nó, thì làm sao viết đúng hỏi/ngã?”
Tôi trả lời tỉnh bơ làm cả lớp cười ồ: “Gặp trường hợp như vậy thì chỉ còn cách tra từ điển, để viết đúng hỏi/ngã!”

Học trò cười ồ, vì nghĩ thầy nói giỡn. Tôi phải nghiêm chỉnh cho chúng biết đó là sự thật. Nhiều nhà văn coi trọng trách nhiệm khi gặp những chữ lạ làm mình mờ ớ về chính tả đều phải tra từ điển, kể cả chính tả hỏi/ngã.

Trước hành lang lớp tôi có tấm bảng “công cộng” để dạy chính tả cho toàn trường.

Ông Hiệu Trưởng cắt tôi lo viết hai câu văn vần hoặc văn xuôi có chứa 2 chữ gần đồng âm mà khác chính tả, trong đó có những chữ hỏi/ngã, cứ đầu tuần là thay câu mới, đại khái như sau đây:

Lỡ làng duyên kiếp, ngỡ ngàng hồng nhan.
Bông hoa rực rỡ, nhờ đất màu mỡ.
Ôm ấp nỗi niềm khổ đau trong cuộc sống nổi trôi.
Cứ vui vẻ lên, vẽ vời chi chuyện muộn phiền…

Tôi có đọc đâu đó biết được, người ta quan sát thấy những từ Hán Việt hỏi/ngã khởi đầu bằng các phụ âm sau đây: D, L, M, N, Ng, Nh, V thì viết dấu ngã, như diễm (lệ), lưỡng (lự), mỹ (mãn), (nam) nữ, (ngôn) ngữ, (thạch) nhũ, vĩnh viễn, …

Còn lại là viết dấu hỏi, trừ một số ngoại lệ như sau: hiện hữu, bằng hữu…, tuẫn tiết, bĩ cực, bãi nại, bãi chức,…

Mới đây, tôi đọc thấy trên diễn đàn Viện Việt Học cho biết Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đặt ra một câu thiệu để giúp mình nhớ như một qui tắc hỏi/ngã: “Mình Nên Nhớ Viết Là Dấu Ngã” Nhớ câu thiệu nầy là nhớ các phụ âm đầu M, N, Nh, V, L, D, Ng.

G/s Nguyễn tài Cẩn có nêu ra 24 chữ ngoại lệ viết dấu ngã: Kỹ (kỹ thuật, kỹ nữ), Bãi (bãi chức, bãi khoá), Bĩ (bĩ cực, vận bĩ), Hữu (bằng hữu, hữu ích, hữu khuynh), Phẫu (giải phẫu), Cữu (linh cữu), Tiễn (tiễn biệt, tống tiễn, hoả tiễn), Tiễu (tiễu trừ, tiễu phỉ), Trẫm, Trĩ (ấu trĩ, chim trĩ)

Trữ (tích trữ), Huyễn (huyễn hoặc), Hỗ (hỗ trợ), Hãm (giam hãm), Đãng (phóng đãng, quang đãng), Quẫn (khốn quẫn, quẫn bách), Xã (xã hội), Hoãn (trì hoãn), Quĩ (quĩ tích, thủ quĩ), Suyễn (bệnh suyền), Cưỡng (cưỡng ép), Tuẫn (tuẫn nạn), Đễ (hiếu đễ), Sĩ (kẻ sĩ, văn sĩ)

Tôi có dạy học sinh cách viết chữ hỏi/ngã Hán Việt nầy, nhưng lúc đó tôi không biết câu thiệu của G/s. NTC. Vả lại, học sinh tiểu học không phân biệt được từ Hán Việt và từ thuần Việt. (Ngay bây giờ, nhiều người trẻ Việt ở ngoại quốc cũng không phân biệt nổi tiếng Hán Việt và tiếng thuần Việt.).

Kết luận:

Đối với người Bắc có học, thì chữ hỏi/ngã cũng đơn giản như chữ sắc/huyền, không cần học gì hết cũng viết đúng, nếu có người nói và đọc đúng giọng Bắc.
Còn người Nam thì thật vất vả trong việc viết đúng chính tả hỏi/ngã. Họ phải tìm cách phân loại chữ hỏi/ngã để đưa vào qui tắc nầy, qui tắc kia để học.

Họ không cho chữ hỏi/ngã mọc ra như rừng rậm, mà sắp xếp chữ hỏi/ngã thành như vườn cao su, có hàng ngũ dọc ngang, gom những chữ hỏi/ngã ngoại lệ vào một khu vực để “điểm danh” mà nhớ mặt, không cho vào khu vườn đã có trật tự.

Nhờ những công trình như vậy, nên những ai chịu khó quan tâm thì cũng viết trúng chính tả hỏi/ngã, không trúng 100%, thì cũng sai ở mức độ chấp nhận được. 


NGUYỄN PHƯỚC ĐÁNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến