BỆNH DỄ DÃI KHI DÙNG TIẾNG NƯỚC NGOÀI

BỆNH DỄ DÃI
KHI DÙNG TIẾNG NƯỚC NGOÀI

Nói không quá đáng, trong việc chuyển tải thông tin bằng ngôn ngữ mẹ đẻ đến với đông đảo công chúng, về mặt ngôn ngữ, báo chí-truyền thông công rất to nhưng tội cũng nhiều. Thậm chí có ý kiến cực đoan cho rằng báo chí phải chịu trách nhiệm lớn về sự hủy hoại, làm hỏng sự trong sáng, quy chuẩn của tiếng Việt.

Phàm đã theo nghề chữ nghĩa, viết lách thì phải đặt lên hàng đầu việc viết sao cho chính xác. Báo chí, nhất là báo điện tử, do đặt mục đích thông tin nhanh, thời sự, chạy đua với thời gian và cạnh tranh nhau nên hơi xem nhẹ khâu biên tập, trong đó có việc dùng từ nước ngoài. Tôi xin nêu vài trường hợp:

Không chỉ phóng viên mảng tài chính mà khá nhiều nhà báo đã tùy tiện khi dùng từ "đô la" để gắn với khoản tiền nào đó. Nên biết rằng "đô la" là tên chung để chỉ đồng tiền của nhiều nước chứ không phải chỉ có Mỹ, dù tiền Mỹ (USD) phổ biến nhất. Hiện có những đồng tiền đô la của Mỹ, Canada, Úc, Singapore..., thậm chí cả Zimbabwe. 100 nghìn tỉ đô la Zimbabwe chưa bằng 1 USD. Cho nên viết kiểu như "xuất siêu của Trung Quốc qua Việt Nam hơn 20 tỉ đô la" là không chính xác, phải nói rõ 20 tỉ đô la Mỹ, hoặc 20 tỉ USD.

Ngoài ra, nhân tiện đây xin nói luôn trên nhiều báo in, báo mạng chữ Việt, người đọc thường thấy dùng chữ viết tắt VND. Chữ ấy chỉ riêng dùng để giao dịch tiền tệ với nước ngoài, còn viết cho người Việt đọc thì phải là VNĐ mới đúng, mà theo tôi cứ viết hẳn ra thành chữ “đồng” bởi cả thế giới chỉ có mỗi nước ta gọi tên tiền là "đồng" (nó là danh từ riêng, chứ không phải chữ đồng trong đồng tiền). Cứ nửa tây nửa ta, khó chịu lắm.

Khá nhiều phóng viên, nhất là mảng y tế và văn nghệ, thường dùng sai hai từ có gốc tiếng Anh hoặc tiếng Pháp là type và tube. Ví dụ, họ viết "bệnh tiểu đường tuýp 2", "người mẫu Hà Anh thuộc tuýp người cá tính"... Lạ ở chỗ các phóng viên, biên tập viên ấy ngoại ngữ bằng B, bằng C, TOEFL, IELTS... đầy mình nhưng hầu như cứ viết lấy được, trong khi một kẻ chớm mù ngoại ngữ như tôi cũng nhận ra là sai.

Type có nghĩa là loại, kiểu, tiếng Việt phiên âm thành típ. Tube là cái ống, tiếng Việt phiên thành tuýp. Ở miền Bắc hồi trước năm 1975 (còn miền Nam thì sau 1975) có đội thanh niên cờ đỏ hay cầm dao kéo đi cắt rạch những bạn trẻ mặc quần ống tuýp (tức ống quần bó chật, thuôn như cái ống), cho rằng đó là sự hư hỏng, lai căng. Cứ thả cái vỏ chai bia vào, ống quần hẹp đến mức giữ vỏ chai lại không rơi xuống đất là đủ “tiêu chuẩn” rạch. Sau này thì ngược lại, khi ai mặc quần ống (tube) loe họ cũng rạch luôn bởi họ không thích sự ăn mặc khác kiểu (type) của các cán bộ đương thời.

Vì vậy, trong những trường hợp ví dụ trên, phải viết là: bệnh tiểu đường típ 2 (hoặc bệnh tiểu đường dạng 2, type 2), người mẫu Hà Anh thuộc típ (dạng, kiểu) người cá tính.

Cũng liên quan đến dùng từ nước ngoài, có lẽ nhiều phóng viên hơi bị bệnh “hướng ngoại” nên thích dùng từ nguyên mà không hề quan tâm rằng nó đã được Việt hóa, phổ biến, dễ hiểu dễ đọc. Đành rằng sự hội nhập với thế giới tác động rất mạnh vào ngôn ngữ nhưng thứ gì đã thành giá trị thì nên gìn giữ, phát huy, bảo tồn. Ví dụ chỉ cần viết: a xít, băng rôn, ki ốt, sô, cà phê, sô cô la, bê tông, vắc xin, đô la… là người đọc cả trình độ cao hoặc ít học đều hiểu ngay, không cần phải từ nguyên gốc làm gì.


Nguyễn Thông

Nhận xét

Bài đăng phổ biến