NGHĨA MỘT SỐ TỪ HÁN VIỆT


NGHĨA MỘT SỐ TỪ HÁN VIỆT

ÂN CẦN  
Nguyễn Lân giải thích ân () có nghĩa là “chu đáo”, cần () có nghĩa là “gắn bó”. Còn Thiều Chửu thì không giải thích rõ nghĩa của hai yếu tố này. Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng giải thích ân là “chu đáo, quan tâm đến”. Giải thích như Nguyễn Lân và các tác giả Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng là chưa được hoàn toàn chính xác. Ân trong Giáp cốt văn vẽ một người có bụng trướng và một bàn tay cầm kim châm để chữa bệnh. Nghĩa ban đầu của ân là “bệnh nặng”, về sau phái sinh thêm những nghĩa mới là “to lớn”, “sung túc” và từ các nghĩa đó phái sinh nghĩa “tình cảm nồng đậm” tức là “nhiệt tình”. Cần cũng có nhiều nghĩa trong đó có nghĩa là “chu đáo”. Chính vì nghĩa của ân và cần trong từ ân cần là như vậy nên Hiện đại Hán ngữ từ điển định nghĩa ân cần là “nhiệt tình và chu đáo”.

BỐ THÍ  
Thí () là một yếu tố dễ hiểu. Thí ở đây có nghĩa là “cho”. Bố () là một yếu tố khó hiểu. Trong cuốn Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng, bố thí chỉ được dẫn ra ở mục thí, còn ở mục bố không thấy dẫn ra từ bố thí, điều này chứng tỏ các tác giả chưa giải thích được nghĩa của bố trong từ bố thí. Tìm trong cuốn Hiện đại Hán ngữ từ điển và cuốn Thường dụng văn ngôn từ điển của Trung Quốc ở mục chữ bố cũng không thấy có nghĩa nào phù hợp với nghĩa của từ bố thí. Ở Việt Nam, Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh ở mục bố () có giải thích mấy nghĩa: “Vải - Tiền - Tuyên cáo ra - Chia bày ra”. Mấy nghĩa này cũng không có nghĩa nào thích hợp với nghĩa của bố thí. Phải tìm đến cuốn Hán ngữ đại từ điển và Hán ngữ nguyên lưu tự điển mới biết được nghĩa của bố trong từ bố thí. Bố ở đây có nghĩa là “cho”. Bố ban đầu có nghĩa là “vải”, về sau phái sinh ra một nghĩa khác là “tiền”. Tiền là thứ có thể dùng để cho. Vì vậy bố phái sinh thêm một nghĩa mới là “cho”. Đó là lai lịch nghĩa của bố trong từ bố thí.

ĐÔ HỘ  
Nguyễn Lân không chú nghĩa của đô () trong từ đô hộ. Trong Từ điển Hán - Việt của Thiều Chửu, các nghĩa ở mục chữ đô không có nghĩa nào ứng với nghĩa của đô trong đô hộ. Đào Duy Anh chú đô là “tóm cả”. Còn Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng thì chú đô là “thâu tóm”. Theo chúng tôi thì Bửu Kế chú đạt hơn cả: đô ở đây có nghĩa là “cầm đầu”. Nói “cầm đầu” thì hơi nôm na nhưng nó phù hợp với định nghĩa của Hán ngữ đại từ điển. Cuốn từ điển này giải thích đô có nghĩa là “thống lĩnh”, “thống soái”.

Hộ () trong đô hộ được Nguyễn Lân chú là “che chở”, Bửu Kế chú là “giúp đỡ”, có từ điển chú là “bảo vệ”. Những nghĩa này đều là nghĩa của hộ nhưng không ứng với nghĩa của hộ trong đô hộ. Hộ trong đô hộ có nghĩa là “cai quản tất cả”. Nghĩa này sát với một nghĩa trong Hán ngữ đại từ điển: hộ là “tổng lãnh, thống hạt”.

Đô hộ là “chức quan do phong kiến Trung Quốc thời xưa (đời nhà Đường) đặt ra để cai trị nước phụ thuộc”. Trong tiếng Việt từ đô hộ phái sinh thêm nghĩa động từ là “thống trị nước phụ thuộc”.

HỒN NHIÊN  
Hồn nhiênlà một từ dễ hiểu nhưng giải thích nghĩa của các yếu tố cấu tạo nên nó thì ý kiến của các tác giả còn khác nhau. Đối với yếu tố hồn () Nguyễn Lân giải thích hồn là “không lộ ra”, Thiều Chửu giải thích hồnlà “hồn hậu, có ý kín đáo, không lộ”, còn Bửu Kế thì giải thích hồn là “tất cả”. Tra các từ điển tiếng Hán không thấy hồn có nghĩa là “không lộ ra” như ý kiến của Nguyễn Lân. Giải thích nghĩa của hồn là “hồn hậu” như Thiều Chửu thì cũng không sai nhưng chưa nói rõ được nghĩa của bản thân chữ hồn. Trong tiếng Hán, hồn cũng có nghĩa là “tất cả” (đúng hơn là “toàn”) như ý kiến của Bửu Kế nhưng nghĩa này là nghĩa của hồn trong từ hồn thân (浑身) có nghĩa là “toàn thân” chứ không phải nghĩa của hồn trong hồn nhiên tiếng Việt. Đối với yếu tố nhiên () Nguyễn Lân giải thích nhiên có nghĩa là “như thường”, còn Bửu Kế thì cho nhiên ở đây có nghĩa là “vậy”. Đúng là trong tiếng Hán cổ nhiên có nhiều nghĩa: “phải”, “thế”, “như thế”, v.v. nhưng những nghĩa này ngày nay đã mờ đi và giới ngôn ngữ học có một cách giải thích khác.

Để làm rõ nghĩa của các yếu tố cấu tạo từ hồn nhiên, ta phải hiểu nghĩa của từ hồn nhiên trong tiếng Việt. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) định nghĩa: “hồn nhiên t  biểu hiện có bản tính gần với tự nhiên, có sự đơn giản, chân thật, trong trắng, nhiều khi ngây thơ trong tình cảm, trong sự suy nghĩ, trong tâm hồn”. Nghĩa này không có trong từ hồn nhiên của tiếng Hán hiện đại nhưng lại có trong tiếng Hán cổ đại. Trong Hán ngữ đại từ điển ở mục từ hồn nhiên, nghĩa (3) đã giải thích hồn nhiên là “có diện mạo chất phác, thuần khiết, chân thành”. Với nghĩa này hồn trong hồn nhiên có nghĩa là “tự nhiên, chất phác, chân thật, trong trắng”, còn nhiên được các nhà Hán ngữ học giải thích là một phụ tố đứng sau một yếu tố chỉ tính chất để cấu tạo một tính từ chỉ tính chất, trạng thái”.

HƯU TRÍ  
Các từ điển đều giải thích đúng nghĩa của hưu. Hưu () là “nghỉ không làm việc nữa”. Nhưng đối với tríthì ý kiến của các tác giả còn khác nhau, rất đáng thảo luận. Các tác giả Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng cho tríở đây có nghĩa là “sắp đặt”. Giải thích như thế là sai. Trong tiếng Hán có nhiều chữ trí. Chữ trí có nghĩa “sắp đặt” được viết là . Nhưng chữ trí này không phải là trí trong hưu trí. Chữ trí trong hưu trí phải viết là . Chữ trí này được Nguyễn Lân chú là “hết, đến cùng”. Còn Bửu Kế thì chú là “đến”. Chú như thế chưa được rõ nghĩa lắm. Ở Trung Quốc, thời phong kiến, quan lại về hưu thì gọi là trí sĩ (致士) hoặc trí sự (致事). Trí có nghĩa là “thôi”, sĩ là “làm quan”, sự là “công việc”. Như vậy, theo tôi trí trong từ hưu trí nên chú là “thôi chức vụ, công việc”.

NGHỆ AN  
Trong cuốn Từ điển Việt - Hán mới của Trung Quốc (Tăng Thuỵ Liên chủ biên), mục từ Nghệ An được viết là ở phần phụ lục về địa danh Việt Nam. Viết chữ Nghệ như thế là sai. âm Hán Việt đọc là nghĩa chứ không phải là nghệ. Nghệ ở đây chữ Hán phải viết là . Trong Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh tác giả chú nghĩa chữ là “Sửa trị - Người hiền tài” và có mục từ Nghệ An. “Sửa trị” đúng là một nghĩa của Nghệ, ngày nay gọi là “cai trị, cai quản”. Nhưng Nghệ còn một nghĩa nữa là “an lành, yên ổn”. An cũng có nghĩa là “an lành, ổn định”. Đây là một từ ghép đẳng lập có hai yếu tố đồng nghĩa. Trong tiếng Hán cổnghệ an là một tính từ được giải thích trong cuốn Hiện đại Hán ngữ từ điển là “thái bình vô sự” tức là “thái bình yên ổn”. Hiểu được ý nghĩa này mới thấy được cái hay, cái đẹp của địa danh này.

PHƯƠNG PHI 
Nguyễn Lân ở mục từ phương phi (芳菲) không chú nghĩa các yếu tố phương và phi. Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng không có chữ . Bùi Duy Dương trong bài “Từ láy trong Thiên Nam ngữ lục” (tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, s. 6 (14)-2011) cho rằng phương phi là một từ láy. Thực ra thì phương phi không phải là từ láy mà là một từ ghép đẳng lập gồm hai yếu tố nghĩa gần giống nhau. Phương () có nghĩa là “thơm”, phi () có nghĩa là “(hoa cỏ) thơm ngát và tốt tươi”. Phương phi trong tiếng Hán có nghĩa là “(hoa cỏ) thơm ngát, đẹp đẽ”. Trong tiếng Việt, phương phi biến nghĩa: “béo tốt, hồng hào, trông khoẻ và đẹp [thường nói về người đàn ông đã đứng tuổi]” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên).

TRUYỀN LÔ  
Truyền lô là một từ cũ. Trong bài Lều chõng ngày xưa (Tuổi Trẻ, 7-7-2012), Phạm Đức Thanh Dũng đã giải thích rõ nghĩa của từ truyền lô: “Truyền lô là thay mặt nhà vua xướng danh những người đỗ tiến sĩ...”. Lễ truyền lô khởi đầu từ khoa thi đình đầu tiên ở điện Thái Hoà rất long trọng... Quan truyền lô cầm danh sách tân tiến sĩ rồi lần lượt xướng danh theo thứ tự. Đọc xong giao cho bộ lễ tiếp nhận”. Truyền () có nghĩa là “chuyển”. Lô() có nghĩa là “trình bày”.

TRỰC NHẬT  
Nhật () là một yếu tố dễ hiểu, có nghĩa là “ngày”. Trực () trong trực nhật nghĩa là gì thì ý kiến của các tác giả còn khác nhau. Nguyễn Lân cho trực ở đây có nghĩa là “đợi”. Nhưng đợi thì có liên quan gì với nghĩa của từ trực nhật đâu. Thiều Chửu ở mục chữ trị () trong tiếng Hán hiện đại đọc là zhí, trong tiếng Việt có hai cách đọc; đọc là trị trong trường hợp giá trị, đọc là trực trong trường hợp trực nhật, trực ban v.v.) ông giải thích trị trong trị nhật (tức trực nhật) có nghĩa là “đang”. Trị nhật là “đang ngày” tức là đang phải làm mọi việc ngày ấy vậy. Các từ điển tiếng Hán của Trung Quốc chẳng có cuốn nào giải nghĩa trực là “đang” cả. Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng giải thích trực trong từ trực nhật là “có mặt thường xuyên để giải quyết vấn đề”. Giải thích như thế là chưa nói được cái nét nghĩa cốt lõi của trực. Theo Hiện đại Hán ngữ từ điển thì trực ở đây có nghĩa là “luân lưu làm nhiệm vụ trong một thời gian nhất định”. Luân lưu (tức là luân phiên) là một nét nghĩa cốt lõi của trực. Không có chuyện luân phiên thì không phải là trực. Chẳng hạn một y tá năm ngày đến bệnh viện làm việc thì không phải là trực mà chỉ có ngày thứ bảy hoặc chủ nhật luân phiên nhau đến làm nhiệm vụ mới gọi là trực. Như vậy trực nhật nên định nghĩa ngắn gọn là “làm nhiệm vụ theo phiên trong một ngày”.

VÂN VI  
Nghĩa của các yếu tố vân () và vi () và nghĩa của từ vân vi chẳng có gì phải bàn cãi. Vân là “nói”, vi là “làm”. Vân vi là “đầu đuôi mọi lẽ, đầu đuôi sự tình” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên). Thí dụ: Giãi bày vân vi; suy nghĩ vân vi. Cụ Phan Bội Châu có câu thơ:

Trên trăng, dưới nước, giữa mình
Thôi thời với bóng tự tình vân vi

Vấn đề cần tìm hiểu là mối liên hệ giữa nghĩa yếu tố cấu tạo và nghĩa của từ. Trong tiếng Hán cổ đại vân vi có nghĩa đen là “nói và làm”. Mà nói và làm là hai hành động của sự tình. Hành động là một tiến trình, có sự thay đổi, tiến triển. Vì vậy trong tiếng Hán cổ đại vân vi phái sinh thêm một nghĩa mới là “biến hoá” (theo Hán ngữ đại từ điển). Đầu đuôi là “toàn bộ sự việc từ bắt đầu cho đến kết thúc”. Cũng tức là “sự biến hoá”. Nghĩa này trong tiếng Việt chính là mượn nghĩa thứ hai của từ vân vi trong tiếng Hán. Sự phái sinh nghĩa ở đây dựa trên cơ sở của phép ẩn dụ.

PGS. TS. LÊ XUÂN THẠI
------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đào Duy Anh, Từ điển Hán Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001.
[2] Thiều Chửu, Hán - Việt tự điển, NXB TP Hồ Chí Minh, TP HCM, 1997.
[3] Bửu Kế, Từ điển Hán Việt từ nguyên, NXB Thuận Hoá,Thuận Hoá, 1999.
[4] Nguyễn Lân, Từ điển từ và ngữ Việt Nam, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, TP HCM, 2001.
[5] Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Đà Nẵng, 2000.
[6] Cốc Diễn Khuê, Hán tự nguyên lưu tự điển, NXB Hoa Hạ, 2004.
[7] Lôi Hàng (chủ biên), Từ điển Việt - Hán hiện đại, NXB Nghiên cứu và giảng dạy Ngoại ngữ, 2004.
[8] Phòng biên tập từ điển, Sở nghiên cứu Ngôn ngữ, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Hiện đại Hán ngữ từ điển, bản thứ 5, Thương vụ ấn thư quán xuất bản, 2006.
[9]Tân hoa tự điển, Thương vụ ấn thư quán xuất bản,1996.
[10] Tạ Trúc Thanh (Chủ biên), Hán ngữ đại từ điển, NXB Hán ngữ đại từ điển, 1997.
[11] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.
Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư. Số 6 (20), 11-2012.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến