CHUẨN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT MỚI SẼ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO?



CHUẨN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT MỚI
SẼ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO?

Sách giáo khoa mới sẽ có sự thống nhất về chuẩn chính tả trong cách viết tên riêng Việt Nam và tên riêng nước ngoài, cách đặt dấu thanh.

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức hội thảo về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới.

Chia sẻ với Zing.vn, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới - cho hay thực ra, dự thảo quy định mới về chính tả không thay đổi nhiều. Điểm lớn nhất là thay đổi cách viết tên người, tên địa lý, thuật ngữ nước ngoài.
Nói cho đúng về vấn đề này, dự thảo chỉ quay lại với những quy định đã có trong Quyết định số 240/QĐ ngày 5/3/1984 do Bộ trưởng Giáo dục khi đó là bà Nguyễn Thị Bình ký.

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Mạnh Thắng.

Quy định về viết tên riêng, tên địa lý

- Thưa GS Nguyễn Minh Thuyết, vì sao Bộ GD&ĐT cần ban hành dự thảo quy định thống nhất về chính tả trong sách giáo khoa phổ thông mới?

- Đến nay, Bộ GD&ĐT đã có ba văn bản quy định về chính tả trong sách giáo khoa là: Văn bản do Bộ GD&ĐT ký với Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam năm 1980; văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký năm 1984; văn bản do Thứ trưởng GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai ký năm 2003.

Giữa các văn bản này có nhiều quy định thống nhất, nhưng cũng không ít quy định không thống nhất với nhau. Một số quy định không còn phù hợp bối cảnh mới.
Việc ban hành quy định mới để thống nhất chính tả trong SGK rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội khuyến khích nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK.

Nếu không có quy định thống nhất, khó tránh khỏi tình trạng mỗi sách giáo khoa viết một cách, gây khó khăn cho việc dạy, học và đánh giá kết quả giáo dục.

- So với các văn bản hiện hành, dự thảo có những thay đổi như thế nào?

- Thứ nhất là quy định về việc viết tên riêng Việt Nam và tên riêng nước ngoài. Quy định về cách viết tên người, tên địa lý Việt Nam về cơ bản giữ nguyên như quy định hiện hành.

Về cách viết tên tổ chức, đơn vị, chúng tôi lựa chọn quy định tại văn bản năm 2003. Cụ thể, viết hoa chữ cái đầu của mỗi từ hoặc cụm từ có tác dụng phân biệt tên riêng đó với những tên riêng khác. Ví dụ: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội...

Những tên người, tên địa lý đã được dịch nghĩa hoặc phiên âm qua âm Hán Việt mà quen dùng như Hắc Hải, Đại Tây Dương, Mỹ, Anh, Bắc Kinh, Đỗ Phủ, Lý Bạch… thì viết như cách viết tên người, tên địa lý tiếng Việt.

Những trường hợp còn lại sẽ có 3 hình thức xử lý: Một là viết nguyên dạng, nếu đó là tên viết bằng chữ Latin, ví dụ: Victor Hugo, Albert Einstein, Thomas Edison, Paris, New York...

Hai là, chuyển tự sang chữ Latin, nếu đó là tên viết bằng các chữ ghi âm không phải chữ Latin, ví dụ: Volga, Moskva, Sankt Peterburg...

Ba là, trường hợp không chuyển tự được thì viết như cách viết trong tiếng Anh, ví dụ: Tokyo, Fuzhou, Zhejiang, Nile, Cleopatra...

- Thưa GS, tại sao lại có sự thay đổi trong cách viết tên người nước ngoài?

- Việc áp dụng quy định này có lợi so với cách phiên âm có gạch nối, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh tra cứu tài liệu và giao dịch bằng tiếng nước ngoài.

Quy định này cũng phù hợp một thực tế là theo chương trình giáo dục mới, học sinh sẽ được học ngoại ngữ từ lớp 3.

- Chương trình, SGK sẽ phải sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, khoa học. Dự thảo quy định cách viết như thế nào?

- Trường hợp tiếng Việt đã có sẵn thuật ngữ tương ứng thuật ngữ nước ngoài hoặc việc dịch thuật ngữ sang tiếng Việt đảm bảo dễ hiểu thì sử dụng thuật ngữ tiếng Việt, ví dụ: tam giác, tam giác cân, hình bình hành, nhôm, đồng, chì, bạc, vàng…

Tuy nhiên, với những thuật ngữ có tính hệ thống, có khả năng tạo ra nhiều thuật ngữ cùng gốc hoặc các thuật ngữ dẫn chiếu đến các ký hiệu, công thức thông dụng thì cần viết nguyên dạng tiếng nước ngoài.

Ví dụ, hóa học có nhiều hợp chất, nếu dịch tên các hợp chất này sang tiếng Việt hay phiên âm theo kiểu cũ sẽ cản trở học sinh tra cứu tài liệu và giao dịch bằng tiếng nước ngoài .

Vị trí đặt dấu thanh 

- Ngoài những sự thay đổi căn bản như trên, còn những quy định nào khác, thưa GS?

- Thứ nhất, quy định về viết chữ “i” hay “y” sau các phụ âm: h, k, l, m, s, t trong những âm tiết không có phụ âm cuối, ví dụ: “bác sĩ” hay “bác sỹ”, “tỉ lệ” hay “tỷ lệ”…
Trường hợp này, dự thảo quy định mới vẫn theo quy định đã có từ năm 1980 của Bộ GD&ĐT, để tránh làm xáo trộn một thói quen đã hình thành sau gần 40 năm áp dụng.
Thứ 2 là vị trí đặt dấu thanh. Dự thảo quy định đặt dấu thanh vào âm chính. Điều này phù hợp kết quả phân tích ngôn ngữ học: Trong tiếng  Việt, thanh điệu bao giờ cũng rơi vào âm chính.

Trường hợp âm chính được thể hiện bằng một chữ cái, dấu thanh được đặt trên hoặc dưới chữ cái đó, ví dụ: Nhà, vịt, hoà (trong tiếng “hoà”, dấu thanh đặt trên âm chính “a” vì “o” chỉ là âm đệm).

Trường hợp âm chính được thể hiện bằng hai chữ cái, thì:
a)
Đối với các kí hiệu ia, ua, ưa, dấu thanh đặt trên hoặc dưới chữ cái thứ nhất. Ví dụ: bìa, lụa, lửa...
b)
Đối với các kí hiệu iê, yê, uô, ươ, dấu thanh đặt trên hoặc dưới chữ cái thứ hai. Ví dụ: biển, thuyền, nhuộm, được...

- Dự thảo này bao giờ sẽ được áp dụng vào thực tế?

- Theo quy định của pháp luật, nếu được lãnh đạo Bộ GD&ĐT đồng ý, dự thảo sẽ được đưa lên Cổng thông tin điện tử của bộ này và các phương tiện thông tin đại chúng 2 tháng để xin ý kiến nhân dân.

Phạm vi áp dụng quy định này là chương trình, SGK mới. Việc sử dụng thống nhất trong toàn ngành giáo dục sẽ tạo ra một lớp người mới quen với cách viết này, dần dần những quy định mang tính hợp lý sẽ lan tỏa ra toàn xã hội.

Quyên Quyên



Cần điều chỉnh chính tả cho phù hợp

- Thưa PGS TS Phạm Văn Tình, quan điểm của ông về dự thảo quy định chính tả trong chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào?

- Về cơ bản, tôi hoàn toàn nhất trí. Là người nghiên cứu ngôn ngữ học, nhiều năm quan tâm tới ngôn ngữ trong nhà trường, tôi thấy có mấy lý do để ủng hộ quan điểm này.

Chính âm, chính tả là một yêu cầu quan trọng trong việc thể hiện chữ viết tiếng Việt. Cần có cách viết khoa học, hợp lý, phổ dụng đối với mọi người sử dụng tiếng Việt, đặc biệt là đối với học sinh bậc học phổ thông (mà theo thống kê, mỗi năm có trên 20 triệu người ở lứa tuổi học đường - thế hệ tương lai của đất nước).

Chuẩn hoá chính tả cần phải thống nhất trong mọi cấp học. Cách tốt nhất là phải chuẩn hoá trong sách giáo khoa để giáo viên và học sinh có căn cứ thực hiện. Đây là nguyên tắc đầu tiên.

Nhà trường đã hướng tới và thực hiện công việc này từ lâu. Các quy định như: Văn bản do Bộ GD&ĐT ký với Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam năm 1980; văn bản do Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thị Bình ký năm 1984; văn bản do Thứ trưởng GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai ký năm 2003 vẫn có hiệu lực và về cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, một số trường hợp phải điều chỉnh cho tiện dụng và phù hợp xu hướng phát triển…

- Hiện nay, quy định chính tả trong trường học có gì chưa phù hợp xu hướng phát triển, hội nhập quốc tế?

- Vướng mắc nhiều nhất (không chỉ trong sách giáo khoa mà trong cả những văn bản xã hội đang thực hiện, nhất là báo chí truyền thông) là tên riêng, tên địa lý nước ngoài, tiếng dân tộc. Hiện tại, vấn đề này tồn tại mấy cách xử lý.

Thứ nhất, phiên âm có gạch nối, tức Việt hoá cách đọc, ví dụ: Mát-xcơ-va, Ác-hen-tina, Sếch-xpia, Uây-nơ Ru-ni, Giắc Lơn-đơn…

Thứ hai, dịch nghĩa, ví dụ: Quảng trường Đỏ, Biển Đen, Thái Bình Dương, Cổng Vàng, Đại lộ Danh vọng…

Thứ ba, chuyển tự, tức chuyển cách viết từ hệ thống chữ cái này sang hệ thống chữ cái khác, thường theo hướng phổ dụng hơn, như dùng chữ cái Latin thay vì dùng chữ cái Kirin, chữ Hán, chữ Nhật, chữ Hàn, chữ Sanskrit… Ví dụ: Moskva, Mendeleev, Sholokhov, Medvedev, Hao Haidong, Shinzō Abe, Park Hang-seo…

Thứ tư, nguyên dạng, ví dụ: London, Buenos Aires, Washington, Real Madrid, Zinédine Zidane, Neymar da Silva…

Dĩ nhiên, mỗi giải pháp đều có nhân tố hợp lý và có giá trị nhất định. Nhưng ta phải hướng tới giải pháp chứa nhiều yếu tố tích cực, tiện dụng và hướng tới sự thống nhất chung (với chính ta và với thế giới).

Càng ngày, người ta càng nhận thấy nguyên dạng là cách giải quyết tốt nhất, tránh phiền phức nhất. Hiện tại, học sinh phổ thông (từ lớp 1 lên lớp 12) vẫn làm quen với việc phiên âm có gạch nối (lấy cách đọc làm căn cứ). Chỉ khi lên bậc đại học, họ mới làm quen với nguyên dạng (lấy cách viết làm căn cứ).

Như vậy, chính quy định này làm phức tạp vấn đề vì người học mất thời gian để làm quen với 2 hệ thống chính tả (trong khi chỉ cần một cách viết thống nhất).

Chúng ta cũng không nên lo học sinh lớp nhỏ không quen với nguyên dạng. Các em đã học ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh) từ tiểu học, sẽ không xa lạ gì với cách viết theo mẫu tự Latin vốn thông dụng toàn thế giới.

Viết sai chính tả do thói quen

- Ngoài những thay đổi căn bản, dự thảo còn quy định về viết chữ “i” hay “y” sau các phụ âm h, k, l, m, s, t trong những âm tiết không có phụ âm cuối quy định đã có từ năm 1980 của Bộ GD&ĐT. Thực tế hiện nay, việc sử dụng "i", "y" trong các văn bản vẫn chưa đồng nhất theo quy định này?

- Việc quy định "i" hay "y" đã được đưa ra trong các văn bản và đưa vào quy chuẩn trong sách giáo khoa, từ điển chuẩn của Viện Ngôn ngữ học, chúng ta nên thống nhất.

Việc sử dụng này phải có cơ sở khoa học, công trình nghiên cứu kỹ càng, có logic, không phải thích dùng "i" hay "y" là được. Việc dùng nhầm lẫn là do thói quen bị sai của một số bộ phận trong xã hội.

- Cũng theo dự thảo, vị trí dấu thanh sẽ được đặt vào âm chính. Tuy nhiên, thói quen của dư luận hiện nay thường đặt dấu thanh vào âm có vị trí ở giữa, điều này có sai không, thưa ông?

- Việc đặt dấu thanh vào âm chính hoàn toàn đúng và tiện lợi cho ngôn ngữ học và công nghệ hiện nay. Ví dụ, trường hợp chữ “của” sẽ có âm chính là chữ u nên thanh được đặt vào giữa. Tuy nhiên, chữ “hoà” thì trong âm oa có chữ o là âm đệm, a là âm chính nên dấu thanh sẽ được đặt vào chữ a.

- Vậy trước khi đánh dấu thanh, người viết lại tư duy đâu là âm chính, đâu là âm phụ? Điều này có khiến mọi việc phức tạp thêm không?

- Hiện nay, sử dụng máy tính đã có những phần mềm tự động đánh dấu thanh tương đối đúng theo vản bản quy định. Chúng ta cần nắm vững đúng ngữ âm học, âm vị để đánh dấu thanh cho chính xác.

Theo lý thuyết, thanh điệu hay dấu thanh nằm trên toàn bộ phần vần hay toàn bộ âm tiết gọi là âm vị siêu đoạn tính. Vì vậy, có thể đánh dấu thanh ở bất kỳ phần vần và âm tiết. Tuy nhiên, chúng ta cần có quy định thống nhất là đánh dấu thanh vào âm vị chính để hợp nhất với ngữ âm, thẩm mỹ và xử lý âm tự.

Nếu dự thảo được đưa vào thực tế, ngành giáo dục sẽ áp dụng quy định này. Xã hội cũng nên làm theo.

Trước đó, quy định dấu thanh đánh vào âm chính đã chi tiết hóa trong quy định SGK phổ thông, cụ thể là cuốn sổ tay biên tập của NXB Giáo dục.

- Sự thay đổi theo dự thảo mới này sẽ mang lại thuận lợi, bất cập gì? Việc thay đổi có làm khó học sinh, giáo viên đang quen với chính tả cũ không thưa ông?

- Lúc đầu có thể có khó khăn với cả giáo viên và học sinh, vì bấy lâu nay vẫn áp dụng hai cách thể hiện chính tả (trong sách giáo khoa và thói quen học đường). Nhưng tôi tin mọi việc sẽ vào guồng, ổn thoả vì thực chất trở ngại này không lớn lắm.
Giải pháp nguyên dạng giải quyết được bản chất vấn đề và với trình độ của giáo viên và học sinh hiện nay thì nó sẽ nhanh chóng được tiếp nhận.

 Quyên Quyên


Nhận xét

Bài đăng phổ biến