LỖI CHÍNH TẢ
LỖI CHÍNH TẢ
Một
ông hành nghề là thanh tra có vẻ là quan chức xã hồn nhiên và hồn hậu trả lời
trên báo Tiền Phong, rằng mình có mắc lỗi chính tả trong khi đang vất vả viết
báo cáo gửi trình Thủ Tướng. Đại loại có một công trình bị thất thoát từ hàng
tỷ đồng thì hơn một lần ông nắn nót viết thành triệu đồng. Ông nhăn nhó khẳng
định “Đây chỉ là lỗi chính tả chứ không có tiêu cực gì”.
Theo Từ
điển tiếng Việt của Hoàng Văn Hành, thì chính tả là Cách viết chữ được coi
là chuẩn. Ví dụ như câu miệng quan trôn trẻ là một mẫu câu thành ngữ rất đúng
chính tả Việt. Từ thăm thẳm xa xưa cho đến mới tinh ngày nay thì lỗi chính tả
vẫn được xem là lỗi trong veo phổ thông long lanh phổ cập và đặc biệt nó chứa
chất rất nhiều ngây thơ. Nó có nhan nhản không những ở các cấp trong trắng
trung tiểu học mà còn chình ình ở những tay sành sỏi thành thạo nghề viết. Vô
số nhà văn giỏi chữ loay hoay không biết viết chữ kẻ sĩ/sỹ nên
là Ingắn hay Y dài. Vô số những quan chức đầy đặn bằng cấp cũng
bứt dứt khi viết chữ "bạc tỉ/tỷ" nên là Y dài
hay I ngắn. Lỗi chính tả nông nổi dễ mắc như vậy nên hầu hết nó được
sự cảm thông khoan thứ, cực chẳng đã nếu gặp phải thầy cô nào khó tính lắm thì
cũng chỉ ăn vài nhát thước kẻ vào mông đít. Vì vậy khi bất đắc dĩ phải đối diện
hoặc đối thoại với lương tâm hay lương tri mà thấy có điều gì gờn gợn thì con
người ta thưòng thường hân hoan rồi nghiêm khắc kiểm điểm rằng mình đang mắc
lỗi chính tả.
Thế
nhưng trong nghệ thuật của sự dùng chữ, đại loại như văn hay thơ, thì chính tả
hoặc một thứ có vẻ khó hơn nó một tí, ngữ pháp chẳng hạn lại luôn được các tay
bút bậc thầy trân trọng bàn. Hầu như tất cả bọn họ đều khẳng định rằng, mỗi một
người viết có cá tính đều mang một thứ chính tả một thứ ngữ pháp của riêng
mình. Trong bước đầu của tập tọng viết nhiều người trẻ thường được các bậc
trịnh thượng già dặn rằng chớ có dùng nhiều thì, là, mà. Ở một đêm
thơ sinh viên, một nam sinh cố tình quên những lời dặn khuôn vàng thước ngọc
rụt rè mặt tái mét đứng lên đọc một bài thơ dài rất nhiều mà, là,
thì có câu kết cuối.
Cũng chỉ là một chén trà,
Nhưng mà em rót lại là trắng đêm.
Nhưng mà em rót lại là trắng đêm.
Nghe
xong, không biết bao nhiêu nữ sinh phía dưới mắt ngân ngấn rưng rưng lệ ào ạt
vỗ tay. Thơ đã xúc động thì cần quái gì ngữ pháp với cả chính tả. Có lẽ xuất
phát từ cái ý có vẻ vớ vẩn này nên rất nhiều nghệ sĩ của văn của thơ đã chủ
động sáng tạo, cố tình vi phạm những lỗi chính tả mang vẻ kinh điển. Từ đấy mà
suy, ông quan thanh tra kia (chữ dùng của đại văn hào Gô Gôn) đích thực là
một Avănggác (Tên riêng Tây phiên nôm nhằm chỉ các nghệ sĩ tiên phong
có công cách tân thuộc một nghệ phái nào đấy). Đổi mới khái niệm chữ rồi thêm
vào đây một nội hàm hoàn toàn khác cũ là khát khao muôn đời của bao nhiêu nghệ
sĩ lớn.
Có
phải vì thế mà ở ta của ngày hôm nay, đã và đang hình thành một nghệ phái có
tên là PMU 18 với đông đảo “nghệ sĩ” luôn đi đầu trong việc bóp và nặn ra một
thứ chính tả mới. Ăn cắp thì viết thành thất thoát. Hối
lộ thì viết thành quà biếu trên mức tình cảm. Đương nhiên, rút ruột
tiền tỷ sẽ viết thành tiền triệu. Thậm chí nghệ sĩ ưu tú Tổng giám đốc Bùi Tiến
Dũng còn mạnh dạn vượt ra ngoài văn chương báo cáo để làm một cú nghệ thuật
trình diễn sắp đặt (installation) kinh hoàng. Tác phẩm của nghệ sĩ này trải
hàng chục ki lô mét cọc tiêu phủ xi măng bao quanh cốt tre. Các quan chức thanh
tra, kiểm tra, bố cha vì quá say mê nghệ thuật hậu hiện đại nên đã
lim dim nhắm mắt tán thưởng.
Chỉ
có đám thảo dân ngu ngơ vô tình bị đứng xem bỗng cồn cào đau đớn bật khóc thầm.
Hình như họ xót xa tủi thân cho chính mình đã bao nhiêu năm nay vất vả chỉ biết
viết theo đúng phép chính tả.
Nguyễn
Việt Hà
Nhận xét
Đăng nhận xét