TIẾNG VIỆT CÓ HỒN HƠN HÁN VIỆT
TIẾNG VIỆT CÓ HỒN HƠN HÁN VIỆT
Nếu khéo dùng tiếng Việt để tả cảnh, tả tình thì có thể chỉ cần điểm một hai từ cũng bằng cả một bức tranh, một khúc nhạc.
Kiệt tác Tỳ bà hành của nhà thơ Bạch Cư Dị đã được đưa vào chương trình văn học thế giới bậc phổ thông trung học. Phải nói Tỳ bà hành là bài thơ Đường rất dài, có lẽ chỉ kém bài Trường Hận Ca cũng của Bạch Cư Dị mà thôi. Do nó dài nên không mấy người học thuộc lòng nhưng tôi vì quá thích lời dịch thơ của Phan Huy Vịnh mà lại nhớ từng câu từng chữ để thấy tiếng Việt là cả một khung trời bao la.
Trở lại với Tỳ bà hành, cả một đoạn dài của bài thơ chỉ để tả tiếng đàn mà lời lời ý ý như nước chảy, hoa trôi thì mới thấy hết cái tài của thi nhân Bạch Cư Dị. Nhưng Phan Huy Vịnh cũng rất tài tình khi vừa dịch sát ý, vừa toát được vẻ huyền diệu của tiếng đàn bài thơ. Và việc Phan Huy Vịnh dịch thành công cũng cho thấy không gian tiếng Việt vô cùng phong phú, khoáng đạt và bóng bẩy để có thể chuyển ngữ thành công kiệt tác của nhân loại.
Thậm chí, có những đoạn thì tôi mạo muội cho rằng bản dịch qua tiếng Việt của Phan Huy Vịnh khiến bài thơ còn có hồn hơn cả bản gốc tiếng Hán. Đơn cử như câu:
Gian quan oanh ngữ hoa để hoạt
U yết tuyền lưu thủy hạ than
Hai câu này vốn để tả tiếng đàn của ca nương trong đêm khuya trên bến Tầm Dương:
Như chim oanh học nói thao thao trong khóm hoa
Như dòng suối ngập ngừng, đổ nước xuống ghềnh
Bản dịch của Phan Huy Vịnh viết là:
Trong hoa oanh ríu rít nhau
Nước tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh
Cái diệu kỳ ở bản dịch chính nằm ở 2 chữ thuần Việt ríu rít và róc rách. Đã ríu rít rồi lại róc rách, hai từ tượng thanh nối nhau tiếng trước - tiếng sau, câu trên - câu dưới nghe rất vui tai. Đó là thứ mà có thể ta không tìm thấy trong bản thơ gốc. Chỉ 2 từ thuần Việt đó thôi mà mô tả được cả khung cảnh, được cả âm thanh. Nếu phải dùng một ngôn ngữ khác để truyền tải thì chúng ta sẽ mất bao nhiêu từ ngữ?
Phát âm vần R khi ngâm bài này lên thì lưỡi ta rung lên bần bật thật không khác gì dây đàn rung lên trong đêm vắng cả. 4 chữ R dồn dập trong 2 câu làm đầu lưỡi rung lên 4 lần để rồi sau đó nhận ra "tiếng buông xé lụa, lựa vào 4 dây". Tôi nghĩ không thể hoàn hảo hơn được nữa. Nếu khéo dùng tiếng Việt để tả cảnh, tả tình thì có thể chỉ cần điểm một hai từ cũng bằng cả một bức tranh, cả một khúc nhạc. Kỳ diệu!
Nhận xét
Đăng nhận xét