ĐÔI ĐIỀU VỀ CHÍNH TẢ
ĐÔI ĐIỀU VỀ CHÍNH TẢ
1.
Cứ như từ tên gọi thì “chính tả” là viết đúng. (Từ Hán Việt:
Chính là đúng, tả là viết). Nhưng không phải cứ viết sai là phạm
lỗi chính tả. Hôm vừa rồi, thấy có bạn đọc phàn nàn trang “oep” của một trường
Quốc tế nọ mắc nhiều lỗi chính tả, vào xem thì thực ra, các bài viết chỉ mắc một
số lỗi về câu cú. Đó là lỗi ngữ pháp, chứ không phải lỗi chính tả. Dip 30.4, thấy
ở một cửa hàng bán xăng dầu có căng một cái băng đỏ, trên đó ghi “ngày giải
phóng thủ đô”. Có nhiều bạn phàn nàn lỗi chính tả, nhưng thực ra đó hoàn toàn
không phải. Đó là lỗi về sự hiểu biết.
Từ xưa, ngay từ chương trình Tiểu học đã có môn Chính tả. Đó là môn học
rèn cho học sinh cách ghi lại lời nói một cách đúng đắn, đúng quy tắc của
cộng đồng (hoặc thể chế nhà nước). Các lỗi về câu, về diễn đạt, lập luận dù là
viết sai nhưng hoàn toàn không phải phạm lỗi chính tả. Chuẩn mực của nó thường
được ghi lại trong Từ điển hoặc Từ điển chính tả. Người viết sai cái chuẩn mực ấy
bị coi là viết sai chính tả. Với nền giáo dục thực dân đế quốc xưa, người học hết
Tiểu học đã không còn mắc các lỗi chính tả thông thường. Và những gia đình “có
chữ nghĩa”, không thể thiếu một tủ sách, trong đó nhất thiết phải có một số cuốn
Từ điển các loại để người trong gia đình sẵn sàng tra cứu khi cần thiết.
Thời phong kiến, nước ta sử dụng chữ Hán. Tiếng Việt đã có từ ngàn đời,
nhưng để ghi âm tiếng Việt bằng các chữ cái la-tinh phải đợi đến thế kỷ 16, 17
nhờ sự giúp đỡ của các nhà truyền giáo phương Tây. Dù thế, mãi tới đầu thế kỷ
20, chữ Quốc ngữ mới dần được phổ biến. Cuốn “Đại Nam quốc âm tự vị” do Huỳnh Tịnh
Của biên soạn rất công phu gồm 2 tập 1.210 trang được xuất bản lần đầu năm 1895
và 1896. Phong trào Đông Kinh nghĩa thục đầu thế kỷ đã có nhiều đóng góp trong
việc phổ biến chữ Quốc ngữ, nhưng phải tới năm 1945, dưới chính thể Dân chủ cộng
hòa, chữ Quốc ngữ mới trở thành chữ viết chính thức của nước ta. Vì thế, trong
nửa đầu thế kỷ trước, số người sử dụng chữ Quốc ngữ chưa nhiều (theo thống kê,
số người biết chữ chỉ khoảng 5% dân số), chưa có đủ những quy định chuẩn mực
như sau này.
Việc viết đúng chính tả không hoàn toàn như những quy định hiện hành.
Thay cho “d / gi”, nhiều người sử dụng chữ “z”; sự phân biệt hai chữ cái “c” và
“k” cũng chưa thật rạch ròi. Điều này có thể thấy rõ trong nhiều bút tích của
các tác giả thời này, trong đó có Hồ Chí Minh. Năm 1927, ông xuất bản cuốn sách
“Đường kách mệnh” ở Quảng Châu với tên Nguyễn Ái Quốc. Việc sử dụng chữ “K” để
ghi âm “cách” và dùng từ “cách mệnh” (thay bằng “cách mạng” hiện nay) được coi
là rất bình thường, không ai coi là phạm lỗi chính tả. Rất tiếc trong lần xuất
bản gần đây, tên cuốn sách đã được nhà xuất bản Sự thật rất “hỗn”, ghi thành
“Đường cách mệnh” với lý do sửa lại cho đúng chính tả (nghe nói sau nhiều lần tốn
không biết bao tiền bạc tổ chức hội thảo) là một việc làm đáng trách. Nó đã làm
mất đi cái bối cảnh cuốn sách ra đời.
Lại nữa, nhiều người hiện nay để bài xích Hồ Chí Minh, thường dẫn ra việc
ông sử dụng chữ “z” trong bản nháp “Di chúc” (trong các từ “nhân zân”, “zúp đỡ”,
…) để gán cho ông nhiều lỗi đáng trách cũng là một việc mang tính chất “bới
lông tìm vết”. Nên nhớ rằng, đây là bản nháp ông viết cho riêng mình và theo tập
quán, trong những bản nháp này, người viết (bất kỳ ai) hoàn toàn có thể sử dụng
cách viết tắt, cách dùng các ký hiệu, … nhằm mục đích viết cho nhanh. Khi viết
những dòng này, chắc chắn ông Hồ Chí Minh không thể lường được chuyện về sau,
người ta đã lợi dụng rất nhiều thứ của ông, thuộc về ông để nhằm đạt được mục
đích cho nhóm lợi ích của mình. Tôi cho rằng, Hồ Chí Minh là người đã sử dụng
tiếng Việt một cách chuẩn mực đáng để những người yêu tiếng Việt noi
theo.
2.
Chính tả là những quy định, nhiều khi có lý lẽ nhưng cũng không ít trường
hợp hoàn toàn chỉ là những quy định. Thí dụ, các từ “suất” với nghĩa là phần
như “năng suất’, “suất ăn”, “định suất” đều viết “s”; còn khi có nghĩa “ra” như
“xuất khẩu”, “xuất hiện”, “xuất phát”, … đều được viết “x”. Các từ chỉ lời kể bằng
miệng đều viết “ch” như “kể chuyện”, “nói chuyện”, “câu chuyện”, … còn lời kể
được nhận biết qua chữ viết đều được viết “tr” như “truyện ngắn”, “đọc truyện”,
“viết truyện”, … Người ta viết “chuyền” khi cái được “chuyền” là những vật cụ
thể, có thể cầm, nắm, như “dây chuyền” (cả hai nghĩa, vật trang sức đeo ở cổ và
cách làm việc để có năng suất cao), “chuyền bóng”, “chơi chuyền”, … còn khi cái
được “truyền” trừu tượng thì viết “tr” như “tuyên truyền”, “truyền thanh”, “truyền
tín hiệu”, …
Ngay trong Từ điển cũng có những trường hợp thừa nhận cả hai cách viết,
như: Thánh Dóng/Thánh Gióng, nhộn nhịp/rộn rịp, rập rờn/dập dờn, thư dãn/ thư
giãn, lầm lẫn/nhầm lẫn …
Nhưng cũng không ít trường hợp quy định chỉ là quy định, mọi người chỉ
có một cách là chấp hành vô điều kiện. viết “sum họp” nhưng lại viết “xum xuê”,
“chảy xiết” nhưng lại viết “siết chặt”, …
Không ai dám khẳng định không bao giờ sai chính tả. Người mỗi vùng miền
thường mắc các lỗi giống nhau. Vì bên cạnh được quy định bởi ngữ nghĩa, nhiều
khi cách viết chỉ là những quy định, cho nên, chữ nào hay gặp thì không sai,
còn chữ nào ít khi sử dụng, hoặc chỉ sử dụng trong lời nói sẽ rất dễ nhầm
lẫn. Mỗi người thường mắc những lỗi quen thuộc; ai hay đọc sách đồng thời cũng
ít sai chính tả. Biết được nguyên nhân ấy thì việc sửa lỗi chính tả không có gì
quá khó. Thời còn dạy học, khi chấm bài, gặp các lỗi chính tả của học sinh, tôi
thường yêu cầu sau khi bài được trả, “đương sự” phải viết lại năm dòng từ ấy (từ
chứ không phải tiếng, như “để dành”, “giành độc lập”, …), và sau đó có kiểm tra
cẩn thận. Chắc nhiều bạn trên FB hiện nay là “nạn nhân” có thể làm chứng.
Sự “cứng rắn” này của tôi rất hiệu quả, chỉ cần một thời gian ngắn, những lỗi
chính tả thường hay mắc ấy rất nhanh chóng được sửa chữa.
Người thận trọng, có lòng tự trọng trong chữ nghĩa gặp khi có sự
phân vân đều cần đến cuốn Từ điển (trong đó có Từ điển chính tả).
Viết đúng chính tả là dấu hiệu đầu tiên thể hiện trình độ sử dụng tiếng
Việt (cũng như nhiều ngôn ngữ khác), nói rộng ra, nó bộc lộ trình độ học vấn.
Trước đây, học sinh hết cấp Tiểu học đã được coi là “đọc thông viết thạo”, một
trong những biểu hiện là không mắc những lỗi chính tả thông thường. Vũ Trọng Phụng
mới học hết Tiểu học trường làng ở Hưng Yên (chắc chắn khi ấy chưa có những trường
chất lượng cao hay trường đạt chuẩn quốc gia), sau khi cha mất, không có điều
kiện đi học tiếp đã có thể đảm đương việc sửa “morat” cho nhà in (công việc mà
ngày nay đòi hỏi người đảm nhận có bằng đại học mà hầu hết làm vẫn chưa nên
thân), rồi từ đó, do được tiếp xúc với văn chương đã trở thành nhà văn nổi tiếng.
Nhưng vì sao ngày nay, nhiều bậc “mũ cao áo dài” trong văn hóa với những
học hàm học vị đầy mình vẫn viết sai chính tả? Chung quy vì các vị ít đọc sách.
Thời nhỏ, các vị học tắt, lên lớp nhờ phong trào thi đua; lớn lên, các vị làm
quan tắt nhờ phong bì và khom lưng. Công trình nghiên cứu, tham luận hội thảo,
… chủ yếu dùng kỹ thuật “cóp” (coppy) và “pết” (paste), …
Cho nên Bộ trưởng Bộ học nói còn sai chính tả (ngọng) thì nói gì đến viết.
Và trách gì đám học sinh, sinh viên, mấy anh làm biển quảng cáo cùng những
người do cái nền giáo dục ấy nhào nặn.
Ông Giáo Làng
Nhận xét
Đăng nhận xét