Chuyển đến nội dung chính
Thơ Việt Nam Hậu Chiến Thơ Miền Nam trước 1975
Thơ Việt Nam Hậu Chiến
Thơ Miền Nam trước 1975
Vẫn còn nhớ trong chuyến
được mời sang Đức đọc thơ chương trình giới thiệu Thơ Việt Nam "105 Kinh độ
Đông" do Viện Goethe Institut và trung tâm LiteraturWERKStatt - Xưởng Chế
tác Thi ca, tháng 11.2005 (1), tôi đã bay từ Sài Gòn - Việt Nam còn nhà thơ Tô
Thùy Yên từ nước Mỹ.
Tô Thùy Yên là một nhà
thơ nổi tiếng của miền Nam cũ. Ông từng được nhắc như "tứ trụ" thơ
Sài Gòn cũ trước 1975 bên cạnh Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đức Sơn. Một
điều khá thú vị là cả bốn thi sĩ này đều có dính dáng ít nhiều đến việc công
khai hoặc ảnh hưởng văn chương triết lý phương Tây và đều là những dịch giả một
số tác phẩm quan trọng của các thi sĩ, triết gia, nhà văn tên tuổi có ảnh hưởng
trên thế giới vào môi trường học thuật và đời sống văn nghệ miền Nam. Từ góc độ
đọc và nghiên cứu thơ của mình, tôi có thể khẳng định rằng vì mê say và ảnh hưởng
sâu đậm những trào lưu, trường phái triết học, thi ca, nghệ thuật phương Tây
như hiện sinh, đa đa, thuyết cấu trúc... mà ở họ đã có mầm "nổi loạn"
thực thụ và đúng nghĩa của một thi sĩ cấp tiến. Và trên hết là hành trình đi
tìm lý tưởng, tự do, đòi hỏi một nền dân chủ đúng nghĩa khi phần lớn các gương
mặt nổi trội tạm gọi là "Bắc Năm tư" đó hay các thi sĩ làm nên nhóm
Sáng tạo nổi tiếng đều là những kẻ "vượt tuyến" để ly khai Cộng sản,
tìm một vùng đất khai phóng và tự do! Chúng ta sẽ tìm hiểu về những tác phẩm dịch,
những tác phẩm viết "cộng hưởng" và "cộng lai" của các thi
sĩ nhắc ở trên ở phần dưới. Bởi cốt lõi của vấn đề cũng không nằm ngoài những ảnh
hưởng từ những tư tưởng nghệ thuật, văn minh của phương Tây trong thi ca mà
trong chừng mực của nghiên cứu này tôi muốn chứng minh.
Tô Thùy Yên có thơ đăng
trên báo Đời Mới từ thập niên 1950. Tôi còn tìm thấy một số truyện ngắn rất hay
của ông viết từ ngày trẻ trên các tờ Giữ Thơm Quê Mẹ, Sáng Tạo... và nhiều tờ
khác. Ông đã từng mở nhà xuất bản Kẻ Sĩ cùng nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ và nơi
đây đã in những tác phẩm đầu tay cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhưng cột mốc hình thành
làm nên tên tuổi sự nghiệp họ Tô có lẽ cần phải nhắc đến chính là lúc ông bắt đầu
cộng tác xuất hiện trên tờ tạp chí Sáng Tạo. Rồi trở thành trong những thành
viên nòng cốt bên cạnh các tên tuổi lẫy lừng văn đàn thời bấy giờ như nhà văn,
thi sĩ Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng... khai sinh thơ
Tự do trên văn đàn miền Nam từ năm 1960.
Sáng Tạo (2) đã nhóm một
ngọn lửa khai phóng sáng tạo nghệ thuật mà thật kỳ lạ trải qua hơn nửa thế kỷ
ngọn lửa thi ca ấy vẫn như một điểm sáng, vẫn là thành tố mới cháy đượm và nồng
nàn chưa thấy dấu hiệu nào mờ nhạt hay tắt lửa trong ánh sáng khiêu gợi của thi
ca nghệ thuật.
Và việc chúng tôi cùng
được mời trong chuyến đi giao lưu đọc thơ tầm quốc tế này cũng đã nằm trong tín
hiệu mới những thi sĩ luôn thao thức tìm kiếm một con đường vượt lên của Nghệ
thuật Thi ca. Nhằm bảo tồn tính nhân bản và cái mới của thi ca chưa bao giờ hết
mạo hiểm vì độ hấp dẫn, quyến rũ kỳ bí và không bao giờ được dừng lại!
Đó là một mùa băng tuyết
lạnh lẽo. Tháng 11 gần như châu Âu bắt đầu có tuyết. Khi gặp nhau chúng tôi thật
vui mừng khi thấy thi sĩ "Chiều trên phá Tam Giang" thật khỏe mạnh.
Trong nhiều chương trình làm việc tại Đức, hai buổi đọc thơ chính, giao lưu, gặp
gỡ bạn đọc tại hai thành phố Berlin và Munich. Rồi một số công việc liên quan
khác như chụp hình trung tâm ở Gezett, đọc thơ thu âm ở Lyrikline (Studio 10715
Berlin), ông có đưa cho tôi đọc một số bản thảo thơ của ông.
Nói về chuyển ngữ thơ,
những bài thơ của tôi do hai dịch giả Hồ Phạm Huy Đôn và Michael Sollorz dịch,
còn thơ của anh Tô Thùy Yên do tiến sĩ Thái Kim Lan chuyển ngữ.
Trong đó "Con ngựa
và chuyến tàu" là một trong những bài thơ mà ông sẽ đọc trong chương trình
"105 Kinh vĩ đông" cùng với tôi. Bài này ông viết khi khá trẻ, từ những
năm 16 tuổi. Và bài thơ được công bố lần đầu tiên trên tạp chí Sáng tạo. Hãy khảo
sát bài thơ:
Trên cánh đồng hoang thuần
một màu
Trên cánh đồng hoang dài
đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất
lâu...
(4-1956)
Chuyến đi ấy mở ra trong
tôi nhiều biên giới, nhận thức cái mới. Ví như, tại sao viện Goethe Institut và
trung tâm LiteraturWERKstatt lại quan tâm đến chuyển động, những tín hiệu mới của
thơ Việt? Ngay trong đêm đầu tiên giới thiệu chương trình thơ tại Berlin, lời
phát biểu của bà giám đốc trung tâm LiteraturWERKstatt, Tiến sĩ Chrisstiane
Lange đã cho thấy độc giả yêu thơ ở Đức luôn đi sát với diễn tiến của cái mới,
những chuyện động thơ ở Việt Nam và châu Á. Thơ như đời sống xã hội luôn luôn cần
những tiếng nói mở rộng và đa chiều. Xã hội thiếu vắng những tiếng nói thì thầm
và đơn lẻ cũng chính là lúc lương tri và tinh thần thời đại hoặc đã chết, hấp hối
và vắng mặt. Trong tiếng thầm và nhịp đơn đó cũng là lúc âm vang của thơ rõ nhất.
Bà Chrisstiane Lange
cũng cho rằng "giữa Tô Thùy Yên và Nguyễn Hữu Hồng Minh thì có lẽ những lớp
độc giả lớn tuổi sống ở miền Nam Việt Nam, Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông cũ sẽ biết
nhiều đến thi sĩ Tô Thùy Yên và không biết đến Nguyễn Hữu Hồng Minh. Tuy nhiên,
với thơ khoảng cách tuổi tác đôi khi chưa nói được gì mà chính sức sống, sự
liên tưởng, gợi cảm của những bài thơ do ngôn từ hay thi pháp mang lại. Người đọc
ở Việt Nam hôm nay có thể biết nhiều về thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh hơn là thơ Tô
Thùy Yên. Vì thế chúng tôi chọn hai gương mặt của hai chân dung Việt Nam, một
quá khứ sụp đổ của nền Cộng Hòa đã qua và một tương lai Cộng sản".
. Trong nhiều lần phát
biểu xen kẽ giữa buổi điều phối, bà cũng đã nhấn mạnh việc nhà thơ Tô Thùy Yên
từng bị phía Cộng sản bắt ở tù tổng cộng ba lần gần 13 năm. Việc ở trong tù của
ông cũng cáo chung một nền Cộng hòa bi thảm. Sau khi ra khỏi "trại cải tạo"
như cách nói của Cộng sản, cuối năm 1993 thi sĩ cùng gia đình sang Hoa Kỳ định
cư theo dạng tù nhân chính trị ở Saint Paul - Minnesota rồi chuyển về sống ở
Houston, tiểu bang Texas. Trong khi đó nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh trẻ hơn, lớn
lên giữa chế độ Cộng sản. Hiện sống và làm việc ở Sài Gòn. Ông được xem như một
thi sĩ trẻ hàng đầu có nhiều cách tân và đổi mới thơ Việt đáng chú ý hiện
nay..."
Bà cũng nói với cử tọa
viện Goethe Institut và trung tâm LiteraturWERKstatt đã từng mời một số nghệ sĩ
châu Á nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng trước đó. Ví như hai nhà thơ Bei Dao và Ko
Un.
Nhà thơ Bei Dao sinh năm
1949, gốc người Trung Quốc. Ông còn được biết đến như một nhà bất đồng chính kiến
và là một đại diện tiêu biểu của trường phái thơ ca nổi tiếng ở phương Tây tạm
gọi trường phái "Thơ Sương Mù". Ông nổi tiếng nhiều lĩnh vực Thơ, Tiểu
thuyết ngắn và tiểu luận văn học. Bei Dao từng nhiều lần được đề cử giải Nobel
văn chương. Hiện nay ông sống và giảng dạy đại học ở Mỹ.
Còn thi sĩ Ko Un sinh
năm 1933 tại Triều Tiên. Ông là người từng đổ axit vào tai để tránh nghe những
"ám vọng sinh mệnh" đã chết trong chiến tranh. Như ông cho biết vẫn từng
nghe "vọng lên" trong đêm kiếp người đau khổ, ai oán và điêu linh, chết
bất đắc kỳ tử và không thể siêu thoát được. Sau đó ông quyết định bỏ lên núi tu
mười năm rồi quyết định làm thơ để "giải quyết những vấn đề của
mình". Ko Un hiện sống Hàn Quốc. Họ là hai thi sĩ nổi tiếng của châu Á từng
được LiteraturWERKstatt Berlin và Goethe Institut mời đọc thơ, giao lưu và nói
chuyện với đọc giả Đức trước khi giới thiệu thơ Việt Nam tiêu biểu với hai giọng
Tô Thùy Yên và Nguyễn Hữu Hồng Minh.
Có cái gì nối kết từ thơ
ca Việt ra với dòng chảy thế giới? Và không chỉ Thơ Việt Nam còn còn cả châu Á?
Như thơ Ko Un, thơ Bei Dao, thơ Tô Thùy Yên, thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh... và thơ
nhiều thi sĩ khác từng được giới thiệu tại nước Đức? Quan trọng hơn câu hỏi, từ
trong sâu thẳm liệu có phải thơ Việt, thơ châu Á cũng là một thành tố của thơ
thế giới? Lịch sử sâu xa xủa nó đã tiếp biến từ nghệ thuật tư tưởng và thi ca của
phương Tây cộng với bản lai diện mục bản sắc của chính dân tộc mình để làm nên
những thành tựu khả thể?
Câu hỏi tôi đã đặt ra từ
buổi mang thơ qua nước Đức mùa đông băng tuyết, tháng 11.2005 cho đến hôm nay.
Khi tôi ngồi vào bàn viết tham luận gửi cho Hội thảo mang tầm Quốc tế về văn
chương Việt Nam tổ chức tại Đại học Hamburg có nhan đề "Literature,
Journalism of South Vietnam (1955 - 1975) and the reception of Western
ideas" tạm dịch "Văn học, Báo chí Miền Nam Việt Nam (1955-1975) và Sự
tiếp nhận tư tưởng phương Tây".
Và đó cũng là cơn cớ của
sự ra đời của tham luận của tôi: "Vietnam's Postwar Poetry In Retrospect
How The Poetry In The Era Of The Republic Of Vietnam Was Effected By Western
Literature And Art".
Tạm dịch "Nhìn lại
Thơ Việt Nam Hậu Chiến: Thơ Cộng Hòa Nam Việt Có Nhiều Thành Tựu Từ Tiếp Biến
Văn Hóa Nghệ Thuật Phương Tây" (tôi viết như thế để phân biệt Bắc Việt Cộng
Sản - Nam Việt Cộng Hòa).
***
Điều rất đáng ngạc nhiên
là các nghiên cứu thi pháp và văn học ở Việt Nam vẫn diễn ra với nhiều âm thầm
trong bóng tối khi bưng bít, lũng đoạn, lúc lại cực đoan, thái quá. Về bản chất
cơn thủy triều phập phồng lên xuống phù hợp với dòng tư duy chủ lưu của chế độ.
Vẫn cách nói một chiều theo hướng chỉ đạo của Đảng Cộng sản là "quán triệt"
là "văn hóa dân tộc", là các thành tựu đi đúng hướng "Đảng lãnh
đạo thành công phù hợp với mọi thực tế". Nghệ thuật chỉ mô tả hiện thực tô
vẽ khối công nông binh một thời hùng hậu bây giờ ngày càng lạc hậu. Và các công
trình, đề tài nghiên cứu vẫn khó vượt qua khỏi hàng rào đe dọa, nghiêm trị của
cách nhìn khô xám, trơ lệch đó. Các dấu vết ảnh hưởng của nghệ thuật, tư tưởng
phương Tây vào Việt Nam không được nhắc đến hay tìm hiểu thấu đáo. Mọi nghiên cứu
hú họa, dở dang, thiếu nghiêm túc, đầu tư hệt như một dấu chấm lửng chưa biết bao
giờ kết thúc.
Cho đến hôm nay với
nghiên cứu lý luận phê bình vẫn là thứ tư duy:
-Chỉ có một hệ tư tưởng,
một học thuyết- Chủ nghĩa Marx- Lenin là thống soái, quan niệm khác đi là
"suy thoái"; phê phán chủ nghĩa Marx- Lenin là "phản động";
-Chỉ có một Đảng CSVN
toàn trị, đòi Tam quyền phân lập, Xã hội dân sự là "bất hảo"!
-Chỉ có những phát ngôn
chính thống của Đảng và Nhà nước là chân lý, nói khác đi là "xuyên tạc, bịa
đặt"...;
-Chỉ có Đúng và Sai, Tốt
và Xấu, Ta và Địch… dứt khoát theo định hướng của Đảng, chứ không được nghi ngờ,
"dao động". Chính điều này càng khó để đưa ra dưới ánh sáng khoa học
những nghiên cứu tiếp biến, những giao lưu, va chạm, cộng hưởng của các luồng
tư tưởng Đông và Tây... chưa nói đó chính là sự ảnh hưởng toàn triệt! Là nguyên
nhân khởi đầu mọi cuộc vận động, đi tới của trí thức.
-Khoa học, Văn học, Nghệ
thuật phản ánh hiện thực sai với định hướng của Đảng là thiếu "tính Đảng",
là "nhạy cảm", "lệch lạc", cần xem xét xử lý…
Trong khi, sự thật là việc
tiếp nhận các tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam diễn ra từ hơn một
nghìn năm nay và đặc biệt quyết liệt ở những bước ngoặc lịch sử.
***
Và Thơ có lẽ là địa hạt
có dấu vết ảnh hưởng nhiều nhất, đậm đặc nhất cái dấu ấn và dấu nối Trong -
Ngoài, Đông - Tây ấy. Bước ngoặc này khởi đầu đã làm nên phong trào Thơ Mới mà
bây giờ đọc lại, tôi vẫn còn thấy khâm phục thái độ dũng cảm, chấp nhận mọi
tình huống của tri thức.
Cần nhắc lại trong tiểu
luận "Một thời đại trong thi ca" viết cho cuốn "Thi nhân Việt
Nam", một tác phẩm gối đầu về thi ca Việt, nhà phê bình Hoài Thanh là người
đầu tiên đã viết: "Sự gặp gỡ phương Tây là sự biến thiên lớn nhất trong lịch
sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ". Biến thiên sâu sắc đến mức, ông đã xử dụng
hình ảnh "một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương Tây
về nhân sinh, về vũ trụ, và có ngày ta sẽ thấy thay đổi cả quan niệm về phương
Đông". Thơ Mới là kết quả biến thiên vĩ đại do sự gặp gỡ phương Tây ấy.
Hoài Thanh đã kết luận
"Không thể xem phong trào Thơ Mới là chuyện lập dị do một bọn dốt nát bày
đặt ra để kiếm chỗ ngồi trong làng thơ. Nó là kết quả không thể không có của một
cuộc biến thiên vĩ đại bắt đầu từ hồi nước ta sáp nhập đế quốc Pháp, và, xa hơn
nữa từ hồi Trịnh - Nguyễn phân tranh, lúc người Âu mới đến. Cái ngày người lái
buôn phương Tây thứ nhất đặt chân lên xứ ta, người ấy đã đem theo cùng hàng hóa
phương Tây cái mầm sau này đã nảy mầm thơ mới..."
Ở một đoạn khác ông viết:
-"Cả nền tảng xưa bị một phen điên đảo lung lay. Sự gặp gỡ phương Tây là một
cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ".
"Cho đến hang cùng ngõ hẻm, cuộc sống không còn giữ nguyên hình ngày trước...".
Tuy nhiên, cũng lưu ý một
phát biểu của Phan Khôi. người "chủ soái" nổi tiếng thủ cựu, cũng là
người dịch Kinh Thánh đầu tiên của Phương Tây mà các cha Cố đạo truyền vào Việt
Nam. Ông cũng được xem là người mở đầu cho Thơ Mới, cáo chung Thơ Cũ trước đó bằng
bài thơ "Tình già" ông nói một cách hãnh diện, sung sướng như một thi
sĩ đi khai tân miền đất mới, chẳng có gì phải hổ thẹn, giấu giấu diếm diếm như
Hoài Thanh úp mở: "Không thể xem phong trào Thơ Mới là chuyện lập dị do một
bọn dốt nát bày đặt ra để kiếm chỗ ngồi trong làng thơ", Phan Khôi tự thú,
thẳng toẹt, chẳng hề đỏ mặt, sướng rân nữa là khác: -"Vì tôi hết chỗ ở
trong vòng lãnh địa của thơ cũ, tôi phải đi kiếm mảnh đất mới...".
PHẦN 2. CÁC DẤU VẾT ẢNH
HƯỞNG VÀO THI CA VIỆT NAM QUA BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU
Và cái mảnh đất mới ấy
tiếp thu từ kinh nghiệm thẩm mỹ phương Tây mấy trăm năm tiếp tục cộng hưởng
thêm luồng sinh khí mới trên từ tự do như ở miền Nam. Nhìn lại, có thể thấy rất
rõ ràng người nghệ sĩ ở Hòn ngọc Viễn đông giai đoạn này viết lách bằng sự dấn
thân và đam mê. Hoàn toàn không bị một vòng kim cô kiềm tỏa nào. Tác phẩm không
phần lớn là "sản phẩm minh họa" như các nghệ sĩ ở miền Bắc. Vì thế,
trong lĩnh vực thi ca bộc lộ rất nhiều tài năng. "Chất liệu đầu tiên hiến
dâng cho kẻ sáng tạo chính là bản thân hắn" (F.Nietzsche).
Có thể thấy sự ảnh hưởng
có dấu vết từ phương Tây đó trong thơ của miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 đó ở bốn
địa hạt cần nghiên cứu sau:
a.Chủ nghĩa hiện sinh
b.Phân tâm học & Chủ
nghĩa Cấu trúc
c.Chiến tranh & Chủ
nghĩa Max.
Dấu vết từ Chủ nghĩa hiện
sinh.
Chủ nghĩa hiện sinh có dấu
ấn trong thơ của các nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn
Tất Nhiên, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Đông Trình... Đó là việc tiếp cận
từ hàng loạt văn học hiện sinh được giới thiệu, dịch và phát hành rộng rãi ở
Sài Gòn như các tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn của J.P. Sartre (Buồn nôn, Bức
tường, Guồng máy), A.Camus (Ngộ nhận, Người xa lạ, Lưu đày trên quê nhà), S.de
Beauvoir (Nỗi niềm kẻ bất tử, Một cái chết rất dịu dàng), F.Sagan (Buồn ơi chào
mi)... các tác phẩm triết học của các triết gia hiện sinh hàng đầu như
F.Nietzsche (Zarathoustra đã nói như thế, Triết lý Hy Lạp thời bi kịch, Hoàng
hôn của những thần tượng...), Martin Heidegger (Hữu thể và thời gian, Siêu hình
học là gì?, Thư về nhân bản chủ nghĩa, Triết lý là gì?...), Karl Jaspers (Triết
học nhập môn), E.Mounier (Những chủ đề triết học hiện sinh), G.Gusdorf
(Kierkegaard, người chứng của chân lý), F.Challaye (Nietzsche, cuộc đời và triết
lý)…
Trở lại với hiện tượng bộ
đôi hiện sinh nhà văn kiêm triết gia J.P.Sartre và A.Camus, hai ông không chỉ
đưa chủ thuyết của mình nhuận nhị vào tác phẩm nhắc ở trên mà chính các nghiên
cứu, phát triển triết thuyết hiện sinh của mình cũng tạo tiếng vang và ảnh hưởng
giới làm văn chương nghệ thuật Sài Gòn, trong đó có các Nhà thơ không ít. Đó là
các tác phẩm Văn chương là gì?, Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản
(Sartre), Sứ mệnh văn nghệ hiện đại (A.Camus)...
Bên cạnh các bản dịch,
chuyển ngữ từ nguyên tác, dấu ấn hiện sinh còn được phát triển, nghiên cứu
trong các công trình độc lập của giới trí thức Sài Gòn giai đoạn đó. Nếu các
văn bản gốc có phẩn khó đọc thì các nhà thơ bị hấp dụ, quyến rũ ảnh hưởng trường
phái này có thể tiếp cận dễ dàng hơn qua "Hiện sinh" được chuyển hóa
"thuần Việt" của các tác phẩm Lê Thành Trị (Hiện tượng luận về hiện
sinh), Trần Thái Đỉnh (Triết học hiện sinh, Triết học Kant, Hiện tượng học là
gì?), Lê Tôn Nghiêm (Những vấn đề của triết học hiện đại, Heidegger - trước sự
phá sản của tư tưởng Tây phương, Đâu là căn nguyên tư tưởng hay con đường triết
lý từ Kant đến Heidegger...) và các bài viết khác của các nhà nghiên cứu nổi tiếng
lúc ấy như Nguyễn Văn Trung, Tam Ích, Nghiêm Xuân Hồng, Thế Phong, Vũ Đình Lưu,
Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Nhật Duật, Đặng Phùng Quân...
Thử đọc một vài dẫn chứng
về Triết thuyết hiện sinh trong thơ một số nhà thơ ở Sài Gòn.
Với Thanh Tâm Tuyền thì
không thể phủ nhận đổi mới toàn triệt thơ Tự do của ông bắt đầu trên tạp chí
Sáng Tạo. Như bài thơ "Đen" của ông trích trong tập "Liên đêm mặt
trời tìm thấy", Sáng Tạo xuất bản 1964.
Một người da đen một
khúc hát đen
Bầu trời đen sâu không
cùng
Những dòng nước mắt
Xé nát thân thể bằng tiếng
kèn đồng ...
Hay một bài khác như
"Hãy cho anh khóc bằng mắt em / Những cuộc tình duyên Budapest" tính ảnh
hưởng rõ hơn, thậm chí ông còn lấy đền tài của nước ngoài "Tuyên chiến với
Cộng sản" đưa hẳn vào thơ:
Hãy cho anh khóc bằng mắt
em
Những cuộc tình duyên
Budapest
Anh một trái tim em một
trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến
xa đại bác...
(12-1956)
Hiện sinh ứng dụng qua
thơ Vũ Hoàng Chương, một thái độ "Đời vắng em rồi say với ai?" và nhiều
bài khác trong tập "Ta đợi em từ ba mươi năm" An Tiêm xuất bản 1969.
"Sóng dậy đìu hiu
biển dấy sầu, Lênh đênh thương nhớ dạt trời Âu. Thôi rồi, tay nắm tay lần cuối,
Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau..." . Và còn rất nhiều trong thơ của các
tác giả khác.
Dấu vết từ Phân tâm học
và Chủ nghĩa Cấu trúc
Phân tâm học gắn liền với
tên tuổi của Sigmund Freud, bác sĩ thần kinh người Áo và các nhánh, các công
trình phát triển sâu rộng, xuất sắc về sau như Carl Gustav Jung, Jacques Lacan,
Karen Horney… Cuốn sách đầu tiên của Sigmind Freud đầu tiên được xuất bản ở miền
Nam là "Nghiên cứu phân tâm học" của Vũ Đình Lưu (An Tiêm 1969).
Các cuốn đáng chú ý tiếp
theo có thể kể là "Thăm dò tiềm thức" của Carl Gustave Jung một trong
những môn đệ xuất sắc nhất của Freud (Đông Phương xuất bản). Cuốn này có tiếng
Pháp là "Essai d'exploration de l'inconcient" có thể dịch là "Tiều
luận về sự khám phá vô thức". Rất gần với cách giải thích "then chốt"
của phân tâm học bởi quan niệm: Tiềm thức là một nấc trung gian giữa ý thức và
vô thức, là một cái gì không còn thuộc lãnh vực của ý thức nhưng cũng chưa phải
là vô thức. Freud gọi là "tiền vô thức".
Rất nhiều văn nghệ sĩ mà
cụ thể là các nhà thơ tiếp nhận một cách hồn nhiên phân tâm học như luồng gió mới
như trong lời giới thiệu cuốn sách "Thăm dò tiềm thức" của Carl
Gustave Jung, nhà xuất bản Đông Phương đã viết: "Tham vọng của chúng tôi
khi dịch những tác phẩm về phân tâm học không phải là muốn độc giả trở thành những
nhà bác học về tâm bệnh lý mà chỉ muốn độc giả có một cái nhìn vào chiều sâu của
tâm hồn mình, chiêm nghiệm cơ cấu tâm thức, cơ cấu nhân cách của mình và xa hơn
nữa dùng phân tâm học như một phương tiện để giải thích văn chương, sự sáng tạo
nghệ thuật cũng như những hiện tượng âm thẳm, u uẩn của đời sống nói
chung"
Và rõ ràng trong thơ của
Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn đã nằm trong tọa độ của phân tâm với ý nghĩa xng đột
"âm thẳm, u uẩn". Bùi Giáng đã có những câu rất khó cắt nghĩa và giải
thích nếu người nghiên cứu không đặt dưới lăng kính phân tâm học.
Ví dụ như thơ Bùi Giáng:
Một hôm gầu guốc gầm ghì
Hai hôm gần gũi cũng vì
ba hôm
Bôm ha? đạn hả? bao gồm
Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo
đen
Về độ quái kiệt, Sơn Núi
được xem là một trong ba nhân vật cùng Bùi Giáng và Phạm Công Thiện. Trong
"tứ trụ" thơ miền Nam, tôi nghĩ, sẽ không quá chênh lệch khi đặt thi
sĩ "cùng chiếu" với Thanh Tâm Tuyển, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Những
câu thơ kinh khủng như "anh sẽ đến bất ngờ ai biết trước / miệng khô rồi nẻo
cực lạc xa xôi / ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người / em chưa đái mà hồn anh đã ướt"
có thể tiếp tục còn bàn cãi về tính thơ hay độ nhân từ của thơ từ hôm qua, hôm
nay đến hôm sau nhưng tôi chắc nó đã ghim thẳng vào hồn người đọc như một trái
phá. Hay Đã gần sáu chục tuổi rồi / Làm thơ trắc nết như hồi hai mươi / Gặp em
thuở tóc đang bay / Chòi hoang nằm mộng hai tay tuột quần". Ô la la, chữ với
nghĩa! Và thế giới của ông còn khiếp đảm ghi dấu trong nhiều nữa các tác phẩm
thi ca, văn xuôi, tùy bút, khẩu ngôn truyền bát… đã và chưa hay không thể công
bố. Để hiều được Nguyễn Đức Sơn với cách xử thế "bỏ chốn người lên núi ẩn"
gần hết một đời quả là không dễ và không thể hồ đồ. Thách thức các nhà nghiên cứu
phân tâm học, logic học và phê bình văn học. Có lẽ cứ để ông bay lượn đau đớn
như thế thì dễ chịu hơn. Chuyện của người không phải việc của ta (!?).
"Vâng tình tôi thì cũng không nhiều / Coi tất cả chỉ là bọt nước / Vâng tất
cả chỉ là bọt nước". Và hoang vu, ta bà, chập chùng bát ngát, cõi mộng
hoang sơ. "Tôi chỉ có lửa / Và tịch mịch / Trong người". (thơ Sơn
Núi).
Một bài thơ Nguyễn Đức
Sơn, bài "Về Đi Thôi".
Về đi thôi kiếm chỗ nằm
Mõ chuông đang nện trăng
rằm ngất ngư
Thiền sư ăn thịt thiền
sư
Niết Bàn nhiều giống,
Chân Như nhiều nòi
Tâm teo tóp, trí cọc còi
Ma đương thuyết pháp quỷ
đòi giảng kinh
Kìa em tịnh thủy một
bình
Cửa Không ai viếng, cửa
mình tôi thăm
Về chủ nghĩa cấu trúc
vào miền Nam vẫn từ các học giả, dịch giả quen thuộc như Trần Thái Đình, Nguyễn
Văn Trung, Ngô Trọng Lai, Trần Đỗ Dũng… Một số bài viết đã đăng trên các tờ
Bách Khoa có thể nhắc như "Đặt lại vấn đề văn minh với Claude
Lévi-Strauss" (Nguyễn Văn Trung), "Quan niệm cơ cấu trong các khoa học
nhân văn", "Thuyết cơ cấu và phê bình văn học" (Trần Thái Đỉnh).
Và sách như "Luận lý và tư tưởng trong huyền thoại" (Một quan niệm
văn minh mới theo Claude Le1vi-Strauss. Có thể thấy trong nhiều thơ của Phạm
Công Thiện, Nguyên Sa, Tuệ Sĩ dấu vết của ảnh hưởng cấu trúc này. Nói như nhà
phê bình Đặng Tiến "Vả chăng Thơ được sử dụng như một phòng thí nghiệm của
nhiều khoa học khác: ngôn ngữ học, ký hiệu học, dân tộc học... Thơ là con chuột
bạch cho nhiều ngành khoa học nhân văn đương đại" (Vũ trụ thơ)
Dấu vết chiến tranh và
chủ nghĩa Max
Từ năm 1954 đến 1975 ở
miền Nam có hai thực thể chính trị là Việt Nam Cộng Hòa (1955 - 1975) và Cộng
Hòa Miền Nam Việt Nam (còn gọi là Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam). Do vậy
việc tiếp nhận các tư tưởng văn nghệ nước ngoài diễn ra đa dạng và phức tạp.
Bên cạnh tinh thần "nhân bản, dân tộc và khai phóng" thì các hoạt động
tuyên truyền hoc chủ nghĩa Marx cho chính thể cộng sản ở miền Bắc.
Có thể nói dấu vết chủ
nghĩa Marx xen lẫn trong triết thuyết hiện sinh và dấn thân của tuổi trẻ đã làm
nên các phong trào phản kháng, xuống đường mà tiêu biểu là Dòng Thơ Đô Thị và
Tiếng Hát Những Người Đi Tới. Ở đây, chỉ nghiên cứu trường hợp tiêu biểu là nhà
thơ Đông Trình và những tác phẩm thơ ông.
Như đã khai triển ở
trên, câu chuyện chiếc chiếu thơ và chỗ ngồi của người làm thơ mà nhà phê bình
Hoài Thanh đặt ra lần đầu tiên khi chứng kiến "Có một thời đại trong thi
ca" với những đợt sóng triều mạnh mẽ từ văn minh văn hóa Tây phương ập vào
làm nứt đổ bức tường thơ cũ nhuốm màu niêm luật "quan trường" che chắn
hàng ngàn năm đó nhưng ông vẫn cảnh tỉnh: "Không thể xem phong trào Thơ Mới
là chuyện lập dị do một bọn dốt nát bày đặt ra để kiếm chỗ ngồi trong làng
thơ…" thì đã có sự thách thức của ông "Tình già" Phan Khôi, người
mở đầu Thơ Mới, cũng là bậc thức giả như khẩu đại bác cổ lỗ dũng cảm và dũng
khí bắn vào sự thật: "Vì tôi hết chỗ ở trong vòng lãnh địa của thơ cũ, tôi
phải đi kiếm mảnh đất mới...".
Và đến nhà thơ Đông
Trình của dòng thơ tranh đấu đô thị miền Nam chiếc chiếu ấy đã được ông tỏ rõ
thái độ như sau:
"Xuất bản thơ? Thú
vị vô cùng, nhưng với mục đích nào? Từ lâu nay tại miền Nam, người ta in thơ với
nhiều mục đích khác nhau. Để tỏ tình khi vừa yêu một người. Để tuyệt tình khi bị
một người phản bội. In thơ để kiếm một chỗ ngồi trên chiếu văn học (dù chiếc
chiếu hoa cạp điều ấy đã rách bươm). In thơ để dự giải Tổng thống hay giải Văn
bút. In thơ để tạo thành tích văn hóa hầu vận động một chỗ làm tại hậu phương.
Và sau cùng có người in thơ không để làm gì hết, tôi gọi là những người in thơ
chơi....
Cho nên, tôi in thơ chắc
chắn không phải để tự tấn phong mình, vì tôi vốn quan niệm rằng trong ý nghĩa
sâu sắc mà người làm văn nghệ có ý thức phải chấp nhận là người làm thơ và người
làm ruộng không có gì khác nhau. Trên luống cày đầy bom đạn, đồng bào tôi gieo
hạt giống, trên vùng đất văn hóa trổ đầu trái độc, tôi cấy niềm tin" (Bìa
bốn thi phẩm "Rừng dậy men mùa - Thi sĩ Đông Trình - Dối Diện xuất bản
1972).
Rất nhiều bài thơ của
Đông Trình nổi tiếng thời điểm ấy như "Giọt lệ mừng", "Đêm nghe
pháo kích dậy đọc cổ thi"…
Dưới đây là bài "Đường
thơm chân đất":
Trời sinh ta có đôi chân
cứng
Đất sinh quê đẹp những
con đường
Một bước đi một luyến
thương
Mỗi đưa tay vẫy một
vương vấn lòng ...
(Tháng 4.1973)
Và thi phẩm đầu tay của
ông "Rừng dậy men mùa" của ông đã gây một tiếng vang lớn trong phong
trào đấu tranh. Ngoài thơ, Đông Trình còn viết tiểu luận thơ. Tập "Giu7a4
vòng tay thân hữu" của ông xuất bản năm 1972 đến nay vẫn còn nhiều giá trị
như các bài "Phan Châu Trinh và bài học lịch sử", "Trên quê
hương anh hùng và thi sĩ…". Cùng với các nhà thơ khác như Ngô Kha, Trần
Quang Long, Hoàng Phủ Ngọc Tường… Đông Trình là một tiếng thơ có dấu ấn riêng
biệt thời gian này.
Ở phía khác của cuộc chiến,
chà thơ Phạm Lê Phan (Cục tâm lý chiến), là tác giả của nhiều bai thơ được phổ
nhạc. Nổi tiếng "Yêu người như thế đó" do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Sau đó ông có trường ca "Chiến ca mùa hè" (1972) do nhạc sĩ Phạm Duy
phổ thành một chùm ca khúc 13 bài.
Lê Minh Ngọc với thi phẩm
"Hoa Thề" (In lần thứ nhất, Văn Khoa 1962) có những câu: "Có phải
vì cơm áo / Con người muôn thưở mã chia ly / Có phải vì lý tưởng / Mà quê hương
tống tiễn chúng ta đi" (Hẹn về phương Bắc). Phạm Duy từng phổ bài thơ
"Tâm sự gửi về đâu?".
Và rất nhiều tác giả,
tác phẩm khác. Ở đây, trong nghiên cứu cá nhân này tôi muốn đưa ra những tác phẩm
còn mờ khuất, các thi sĩ tạo dấu ấn trong thi ca miền Nam một thời nhưng vì nhiều
lý do chưa được phác lộ.
PHẦN 3. KẾT LUẬN VỀ ẢNH
HƯỞNG TIẾP BIẾN VĂN HÓA
Như vậy, qua những gì tiểu
luận thơ này đã viết, rõ ràng không có tiếp biến từ các trào lưu nghệ thuật,
văn học, thi ca từ phương Tây sẽ không có "trăm hoa đua nở", các nhóm
Sáng tạo… ở miền Nam Việt Nam từ 1955 - 1975. Sự đa dạng giọng thơ. Chất thơ.
Đó là sự thật không thể phủ nhận.
Thành tựu của tự do, trước
hết là độ mở rộng chiều kích sáng tạo, chiều kích ngôn từ, khai phóng hết cỡ
cho người nghệ sĩ. Thế giới sáng tạo của Thơ, nói như Emily Dickinson:
"Trên đời tôi không biết có gì quyền uy như ngôn từ. Đôi khi tôi viết ra một
từ rồi ngắm nghía cho đến khi nó bắt đầu lung linh tỏa sáng". Tuy nhiên vẫn
ảnh hưởng nhiều từ dấu vết các nhà cai trị và cách nhìn nhận về văn hóa, nghệ
thuật, thi ca.
Một thời phát triển rực
rỡ của văn nghệ miền Nam, với sự độc sáng của thi ca trong ảnh hưởng tiếp biến
của văn hóa, văn học Tây phương sẽ tiếp tục khai mở dưới nhiều góc độ, tài năng
của người viết.
Mà ngay với tác giả của
tham luận này cũng chỉ là bước khởi đầu. Hy vọng sẽ còn nhiều dịp nghiên cứu
sâu hơn, đầy đủ hơn các giá trị giao tầng giữa Việt Nam Miền Nam một giai đoạn
cùng thế giới, sự hòa nhịp giữa phương Đông và phương Tây.
Nguyễn Hữu Hồng Minh
Sài Gòn 1962
Nhận xét
Đăng nhận xét