CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT MỚI
CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT MỚI
Quy định chính tả được sửa đổi nhằm tạo ra sự thống nhất tuyệt đối với
nhau giữa những văn bản quy định chính tả trong sách giáo khoa.
Vừa qua Bộ GD&ĐT tổ chức hội
thảo về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới,
trong đó một số quy định chính tả sẽ được thay đổi.
Theo đó, quy định chính tả trong
chương trình SGK sắp tới đây sẽ có hai điểm sửa đổi, bổ sung mới nhất là quy định
cách viết tên riêng và thuật ngữ nước ngoài, cách đặt dấu thanh.
Chuẩn
viết tên riêng
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng
chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, cách viết tên tổ chức, đơn vị sẽ căn
cứ lựa chọn văn bản quy định năm 2003.
Tức là viết hoa chữ cái đầu của
mỗi từ hoặc cụm từ có tác dụng phân biệt tên riêng đó với những tên riêng khác.
Ví dụ: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Trường Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân văn...
Đối với tên người, tên địa lý
trong các ngôn ngữ đa tiết, viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên;
nếu bộ phận đó gồm nhiều âm tiết thì dùng gạch nối để nối các âm tiết. Ví dụ: Y
Bih A-lê-ô, Y Blok Ê-ban, Sê-rê-pôk, E-a Đrăng…
Đối với tên người, tên địa lý được
cấu tạo bằng cách kết hợp danh từ riêng với bộ phận vốn không phải là danh từ
riêng (danh từ chung, số từ, từ chỉ phương hướng), tùy trường hợp được viết
theo quy tắc áp dụng cho ngôn ngữ đơn tiết hoặc đa tiết. Ví dụ: Buôn-Ma-Thuột,
Biển Đông, Hồ Gươm, Nam Trung Bộ...
Đối với tên các thiên thể (sử dụng
với tư cách thuật ngữ thiên văn học, khoa học trái đất), tên các năm âm lịch,
tên các dân tộc, tùy trường hợp, viết theo quy tắc áp dụng cho ngôn ngữ đơn tiết
hoặc đa tiết.
Ví dụ: Trái đất, Mặt Trăng, Quý
Dậu; Sán-Dìu (dân tộc); Kơ-ho (dân tộc)...
Đối với những tên riêng còn lại,
viết hoa chữ cái đầu của mỗi từ hoặc cụm từ có tác dụng phân biệt tên riêng đó
với những tên riêng khác.
Ví dụ: Tên các văn bản quy phạm
pháp luật: Luật Giáo dục, Luật Hôn nhân và Gia đình...; tên các huân chương,
huy chương, danh hiệu, giải thưởng: Huân chương Lao động, Huy chương Vàng, Anh
hùng Lao động, Nghệ sĩ Nhân dân, Giải thưởng Sáng tạo...; tên các ngành, các
môn học, chuyên ngành khoa học: (ngành) Giáo dục, (môn) Lịch sử, (chuyên ngành)
Di truyền học...
Thống
nhất tên nước ngoài
Một trong những vấn đề chưa được
thống nhất hiện nay là chữ nước ngoài cũng được GS Thuyết nhắc đến trong sự
thay đổi lần này của quy chuẩn chữ viết.
Như đánh giá của vị tổng chủ
biên, việc sử dụng từ tiếng Anh phiên âm có gạch nối hiện nay đang khiến học
sinh gặp khó khăn khi tra cứu tài liệu và giao dịch bằng tiếng nước ngoài. Bên
cạnh đó, mỗi nơi viết một khác đã tạo nên sự không thống nhất.
Do vậy, theo quy định mới, trường
hợp tiếng Việt đã có sẵn thuật ngữ tương ứng thuật ngữ
nước ngoài hoặc việc dịch thuật ngữ sang tiếng Việt đảm bảo dễ hiểu thì sử dụng
thuật ngữ tiếng Việt.
Ví dụ: tam giác, tam giác cân,
hình bình hành, nhôm, đồng, chì, bạc, vàng…
Tuy nhiên, với những thuật ngữ
có tính hệ thống, có khả năng tạo ra nhiều thuật ngữ cùng gốc hoặc các thuật ngữ
dẫn chiếu đến các ký hiệu, công thức thông dụng thì cần viết nguyên dạng tiếng
nước ngoài.
Theo dự thảo, trong trường hợp
tên người, tên địa lý nước ngoài được dịch nghĩa hoặc phiên âm qua âm Hán Việt
thì viết hoa chữ cái đầu của mỗi âm tiết. Ví dụ: Đỗ Phủ, Ba Lan, Lỗ Tấn...
Các trường hợp khác sẽ phải viết
nguyên dạng nếu đó là tên viết bằng chữ Latinh. Ví dụ: Victor Hugo, Paris,
Japanese, Australia...; trong trường hợp tên riêng liên quan đến nhiều nước thì
dùng tên gọi phổ biến nhất hoặc một tên gọi phù hợp với ngữ cảnh cụ thể.
“i”
và “y”sai do thói quen nên không đổi
Sau những quy định về tên riêng
và tên nước ngoài, tranh cãi về “i” hay “y” sẽ được giải quyết trong lần thay đổi
mới này.
Dự thảo quy định mới vẫn giữ
cách viết đã được Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam và Bộ Giáo dục quy định từ
năm 1980: Thống nhất viết âm “i” bằng chữ “i” sau các phụ âm h, k, l, m, s, t
trong những âm tiết không có phụ âm cuối.
Ví dụ: hi sinh (không viết hy
sinh), bác sĩ (không viết bác sỹ)…
Mặc dù có ý kiến đề nghị thay đổi
nhưng ban soạn thảo cho rằng quy định của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam và Bộ
Giáo dục trước đây có lý và nên giữ để tránh làm xáo trộn một thói quen đã hình
thành sau gần 40 năm áp dụng.
Sau những giải thích về nhiều
thay đổi trong quy chuẩn chữ viết, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm: Phạm vi
áp dụng quy định này là chương trình, SGK mới, chưa áp dụng rộng rãi đối với tất
cả ngành và không hoàn toàn là chuẩn áp dụng chữ viết cho tất cả đối tượng.
Giúp
học sinh tiểu học quen dần với tên nước ngoài
Riêng đối với SGK ba lớp đầu cấp
tiểu học (lớp 1, 2 và 3), để không gây khó khăn cho học sinh, SGK các lớp này sử
dụng hình thức phiên âm, có gạch nối để nối các âm tiết trong cùng một bộ phận
tạo thành tên. Ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn, Mát-xcơ-va, Tô-ky-ô… Đến lớp 4, lớp 5,
bên cạnh tên riêng được phiên âm có tên nguyên dạng hoặc chuyển tự đặt trong
ngoặc đơn để học sinh làm quen dần. Ví dụ: Pa-ri (Paris), Tô-ky-ô (Tokyo).
Khuyến
khích sử dụng rộng rãi
Đối với những cá nhân, đơn vị và
có thể là các cơ quan thông tấn báo chí, nếu thấy những quy định này là hay, hợp
lý và thuận tiện cho mình thì có thể sử dụng. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT chỉ có thẩm
quyền quy định chữ viết trong SGK
GS Nguyễn
Minh Thuyết , tổng chủ biên chương
trình giáo dục phổ thông sửa đổi quy định chính tả tiếng Việt. Ảnh: H.PHƯỢNG
Nhận xét
Đăng nhận xét