Chuyển đến nội dung chính
MUỐN ĂN ĐI TÁT MUỐN NGỒI MÁT ĐI CÂU
MUỐN ĂN ĐI TÁT
MUỐN NGỒI MÁT ĐI CÂU
Trong “Từ điển tục ngữ
Việt” (Nguyễn Đức Dương – NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh – 2010) có một số câu
tác giả thu thập, nhưng xếp vào diện “chưa rõ nghĩa”. Cách làm này thể hiện sự
thận trọng, và cũng có cái hay là lưu ý cho độc giả và các nhà nghiên cứu về những
vấn đề còn bỏ ngỏ. Một trong số những câu “chưa rõ nghĩa” đó là: “Muốn ăn đi
tát; muốn ngồi mát đi câu”.
Sau đây, chúng tôi xin đưa ra cách giải
thích câu tục ngữ này.
“Đi tát” ở đây là tát vũng, tát đầm,
tát đìa để bắt cá, một kiểu đánh bắt chắc ăn nhất. Thế nên thành ngữ “Tát cạn bắt
lấy”, ý chỉ “tát” là cách bắt cá cho bằng được và có thể bắt cho bằng hết. Tục
ngữ Hán cũng có câu gián tiếp nói lên ý này: “Không tát cạn đầm để bắt cá,
không đốt cháy rừng để săn cầm thú” [Bất hạc trạch nhi ngư, bất phần lâm nhi liệp
- 不涸澤而漁不焚林而獵 - không nên khai thác theo kiểu tận
diệt, bắt cho bằng hết].
Như vậy, “muốn ăn đi
tát”, có nghĩa “đi tát” tuy vất vả, nhọc công nhưng lại thu được kết quả chắc
chắn và số lượng nhiều cá, con to con nhỏ gì đều thấy và bắt được hết.
Với “đi câu” thì ngược lại: “Thôi đừng
đáy bể mò kim, Bóng chim tăm cá dễ tìm được nao!”; “Chim trời cá nước”; “Ai uốn câu cho vừa miệng cá”! (lời dân
gian). Cá sống dưới nước, mắt thường ta đâu có nhìn thấy. Cá có cắn câu hay
không, nhiều hay ít, cá to hay cá nhỏ còn phụ thuộc vào sự may rủi. Có hôm đi
câu cả buổi, “Nhắc như nhắc câu” (nháy cần câu để nhử cá liên tục) nhưng có khi
cuối cùng vẫn phải về tay không. Thế nên dân gian cho rằng, không còn cách nào
khác người ta mới lựa chọn nghề đi câu (“Vô nghệ đi hát, mạt nghệ đi câu”).
Không hẹn mà gặp. Sự kém
hiệu quả của đánh bắt cá bằng câu còn được thể hiện qua tục ngữ của nhiều dân tộc
khác. Ví như Tục ngữ Tày: “Quăng chài: người chăm chỉ; câu cá: người thừa, bỏ đi” (Tót khe: vỏ xắc; tức bất: vỏ
lưa)[1]; Tục ngữ Mường: “Muốn ăn cơm lấy người xáo cỏ dác, muốn húp nước lấy
người đi câu” (Moành ăn cơm lêế khá keo dạc, moành họt rạc lêế khá đi câu)[2].
Câu cá thường có hai cách chính:
-Câu cặm: dùng mồi là
nhái, hay giun rồi cắm thật chặt cần câu vào bờ, hay các bè chuối nhỏ cho trôi
lênh đênh trên mặt nước (thường là ruộng lúa, ao hồ, đầm…) rồi ra về, sau đó ra
nhấc câu để thu cá. Cách này tuy cũng phụ thuộc vào may rủi, nhưng không vất vả
hay mất thời gian.
-Câu rê, câu nhử: phải
trực tiếp cầm cần, hoặc trông coi câu để khi động đậy phao thì cầm cần lên để
nhử, xem chừng cá đã cắn câu thì giật lên. Cách này tuy cũng nhàn hạ, nhưng mất
thời gian và phụ thuộc vào may rủi. “Đi câu” trong “muốn ngồi mát đi câu” là
nói đến cách câu này.
Khi câu rê, câu nhử, người
ta thường lựa chỗ có bóng cây, bờ kè nơi ao chuôm hoặc đồng ruộng để ngồi câu.
Đó là chỗ nước mát, cá tôm hay tập trung trú ngụ. Người đi câu chỉ ngồi trên bờ,
vừa thả câu vừa thảnh thơi hóng gió mát, cơ bản chẳng phải hì hục, chân lấm tay
bùn như tát cá, nhưng hiệu quả thu được thì thường ít ỏi hoặc không chắc ăn. Thế
nên đi câu chỉ được xem là một thú vui tao nhã của kẻ nhàn hạ. Thậm chí, tục ngữ
“Bé đi câu, lớn đi hầu”, đã liệt đi câu vào kiểu chơi bời lêu lổng, không còn
thì giờ dành cho việc học hành nữa.
Như vậy, “Muốn ăn đi
tát, muốn ngồi mát đi câu”, ý nói: đi câu tuy nhàn hạ hơn đi tát nhưng không chắc
ăn, ít hiệu quả.
Hoàng Tuấn
Công
Nhận xét
Đăng nhận xét